Đạo đức trong đấu tranh sinh tồn. Phần 2: Ngày nay suy đồi hơn ngày xưa? Là do thuyết tiến hóa?

Bài gốc: Sự phá hoại của thuyết tiến hóa đối với đạo đức nhân loại.

Phần đầu bài viết đã được chuyển sang Bài “Khủng Hoảng ĐÂU?” bởi vì tác giả Phong Trần đã dùng cùng đoạn mở đầu cho cả hai bài và cũng để rút ngắn độ dài cho bài viết này 🙂

Hình minh họa của bài viết vừa hay “minh họa” nhiều điều về tác phong làm việc của một số người chống tiến hóa ở Việt Nam:

Bức ảnh tiêu đề của một bài viết đăng trên tạp chí National Geographic

Bức ảnh tiêu đề của một bài viết đăng trên tạp chí National Geographic
Và đoán xem trong tạp chí National Geographic thật sự ghi gì?

Đối với những thứ “dẫn chứng” chỉ cần mở ra là mâu thuẫn liền với khẳng định lấy nó làm cơ sở, thì hoặc là người dùng nó ẩu tả, làm biếng, hai là cố tình lừa gạt người đọc, cả 2 trường hợp đều không thể dung thứ.

Mới vô đã bầy hầy vậy…

Trước khi có thuyết tiến hóa, (hay là: Cùng nghe tác giả tô hồng lịch sử)

Hiện nay mọi người luôn cho rằng thuyết tiến hóa là thuộc phạm trù Sinh vật học. Trên thực tế ảnh hưởng của thuyết tiến hóa người vượt quá xa một phạm trù nghiên cứu khoa học. Tác động lớn nhất của nó là lên đạo đức nhân loại, một cách tiêu cực.)

Nhìn chung có thể nói rằng, một môn học thuật đề cao hoặc duy trì đạo đức cơ bản của xã hội, thì có thể gọi là học thuyết chân chính, còn loại học thuyết phá hoại đạo đức loài người, đả kích bản tính lương thiện của loài người, thì học thuyết đó chính là tà ác. Vậy hãy phân tích thử xem ảnh hưởng của thuyết tiến hóa đối với đạo đức nhân loại là như thế nào?

Khoa học không phải trường dạy phù thủy trong Harry Potter mà có chia bộ môn ra làm chân chính và hắc ám. Khoa học là khoa học là khoa học, việc bày biện ra hai cái hộp thiện, ác chỉ để vứt thuyết tiến hóa vào đó là hoàn toàn áp đặt ý kiến cá nhân lên một phương pháp để tìm hiểu tri thức.

Quá khứ mấy ngàn năm trước, người phương Tây rất tin tưởng việc “Thượng Đế tạo ra con người”, họ tin rằng Thần linh có sự quản chế ràng buộc đối với nhân loại. Tại phương Đông, mọi người tôn thờ đạo lý “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, “Trên đầu 3 thước có Thần linh”, “Thiện ác hữu báo”. Phật gia khuyến khích từ bi – đối xử tốt ngay cả đối với người xa lạ, còn trong sách “Đạo đức kinh” của Lão Tử có mấy ngàn chữ, thực ra đều giảng “Đạo, Đức”. Được ràng buộc bởi đạo đức cơ bản, con người kiềm chế được ma tính, bản tính lương thiện chiếm địa vị chủ đạo, xã hội phát triển một cách bình thường khỏe mạnh, nền văn minh có thể được tiếp tục duy trì.

Bởi vì thuở xưa người Trung Quốc theo Phật gia và Đạo đức kinh như vậy, nên hẳn họ không thể cướp, giết, hiếp, xâm lược, đô hộ, đồng hóa người Việt.

(À mà “Nhân chi sơ, tính bản thiện” không phải là đạo lý được tôn thờ mà là câu đầu của Tam Tự Kinh, sách vỡ lòng của trẻ em. Đó chỉ là một đúc kết dân gian.)

Bởi vì thời đó người phương Tây rất tin tưởng việc “Thượng Đế tạo ra con người”, nên chẳng thể nào có việc họ chiếm đất, tàn sát người da đỏ, sau đó chở người đa đen như súc vật đến thế giới mới để mua bán, bóc lột và đánh giết như súc vật. À có lẽ họ được gọi là “thực dân” bởi tác phong ăn uống lịch sự chứ không có gì.

Bởi vì người La Mã và người Ai Cập tin rằng “Trên đầu 3 thước có Thần linh” (rất nhiều thần linh!), nên Đế chế và Vương quốc này nổi tiếng là hiền lành, và những câu chuyện về hành vi áp bức, diệt chủng các nhóm thiểu số ghi trong một số sách cổ là không có thực. Nhưng tôi nghĩ tác giả bài này không chịu vậy đâu.

Và bởi vì nhờ loại đạo đức băng trinh thuần khiết của họ có khả năng giúp “nền văn minh có thể được tiếp tục duy trì”, nên các xã hội cổ đại rất sùng tín ấy vẫn còn với chúng ta ngày hôm nay. Í khoan.

Nói cách khác, trăm ngàn năm qua mọi người đều tin tưởng rằng Thiện là mặt chủ đạo của nhân tính, những kẻ mang ma tính ích kỷ thì không xứng đáng làm người, và tính ích kỷ là thứ mà con người cần cố gắng trừ bỏ đi.

Và chúng ta cùng chờ xem tác giả sẽ dùng những cấu néo khiên cưỡng nào cho thấy thuyết tiến hóa nói ngược lại những điều này :).

Trong thuyết tiến hóa, không có chỗ cho tình thương (hay là: Cùng ép sinh học vào một cái khuôn triết học)

Đối với thuyết tiến hóa, tư tưởng nòng cốt của nó là “kẻ mạnh sinh tồn” khiến con người hiện đại tìm được cái cớ để lừa gạt lương tâm của chính mình.

Như các bạn sẽ thấy ở phần dưới, một cụm “kẻ mạnh sinh tồn” này là lý lẽ duy nhất của tác giả để lôi thuyết tiến hóa vào đây. Tác giả không hề trích dẫn câu nào trong sách Darwin, hay lời các nhà khoa học tiến hóa, dù là trích sai. Tự tác giả ký họa cái bóng của một phiên bản mẫu giáo về chọn lọc tự nhiên, rồi cô đọng nó thành “thắng cuộc, không quan tâm dùng thủ đoạn gì”. Ở đoạn sau, tôi xin vẽ lại nó bằng những mảng màu mộc.

Trong quan niệm “kẻ mạnh sinh tồn” này, “sinh tồn” dường như là ý nghĩa duy nhất của sự tồn tại của sinh mệnh: chỉ cần ngươi có thể sống sót trong đời sống tàn khốc (của tự nhiên), thì ngươi là kẻ thắng cuộc, không quan tâm dùng thủ đoạn gì.

Đầu tiên, nói đúng hơn không phải sinh tồn mà là sinh sản. Sinh sản là phương tiện để các cá thể lưu truyền phiên bản gen của mình cho đời sau. Phương tiện khác mục đích cuối cùng. Đơn giản là những sinh vật nào sinh sản, và sinh sản càng nhiều, thì những đứa giống nó càng đông đảo ở đời sau, và tiếp tục. Không hề cần có một chủ ý nào ở đây, thủ đoạn hay không thủ đoạn.

Vòng đời con ngài Saturnia albofasciata

Thứ hai, “ý nghĩa” là một thứ hoàn toàn nhân tạo được ta gán vào tự nhiên. Chúng ta thấy động vật, đơn cử như con sâu, phải khổ sở lê thân hết lá này lá nọ trong sự khủng bố triền miên của chim chóc, cóc nhái và trẻ trâu, sau đó ọc ạch tự quấn mình trong tơ, đau đớn chui ra khỏi cái kén chỉ để được đẹp đẽ, được tung cánh tự do trong vài ngày ngắn ngủi, sinh sản, chết đi rồi lặp lại. Một chu trình thật vô nghĩa! Ta tuyệt vọng thay cho chúng! Nhưng đó không phải là cảm thông với con sâu, mà là hình dung một con người với những nhu cầu tâm lý phức tạp sẽ thế nào khi là con sâu. Ít có bằng chứng gì cho thấy tuyệt đại đa số động vật, hoang dã hay không, có nguyện vọng gì hơn được sống bình yên một ngày nữa trong môi trường tự nhiên của mình. Là người, chúng ta dễ cảm thấy rằng việc nhân hóa cây cỏ, động vật, phong cảnh là chúng ta đang “nâng tầm” cho chúng. Nhưng hãy thử dừng lại và nghĩ xem thái độ ấy ngạo mạn đến mức nào. Đó là một cây lược tặng người trọc đầu. Thành ý của chúng ta không thể thay đổi tính lãng xẹt của hành động. Không thể chỉ vì riêng mình loài người thấy hụt hẫng mà tô đen thực tại của cả sinh giới thành một điều tiêu cực.

Những thứ quan niệm “Con chim dậy sớm mới bắt được sâu”, “Trâu chậm uống nước đục”, “Người không vì mình, trời tru đất diệt”… thể hiện rõ rằng ma tính ích kỷ đã thay thế phần rất lớn những quan niệm đạo đức chính thống cơ bản của con người.

Khoan, những câu này toàn bộ là tục ngữ cổ. “Con chim dậy sớm mới bắt được sâu” đã ghi nhận dưới dạng “The early bird catcheth the worm“, trong cuốn Bộ sưu tập các thành ngữ tiếng Anh của John Ray từ năm 1670, và dĩ nhiên nó lưu truyền trong dân gian sớm hơn vậy; còn “Trâu chậm uống nước đục”, “Người không vì mình, trời tru đất diệt” chẳng phải rõ ràng là của quân tử Việt, quân tử Tàu sao? Vậy đây là ma tính ích kỷ thời đại Darwin, hay thật sự là các biến thể tích cực hay tiêu cực của lời khuyên “bạn phải cố gắng vì bản thân mình” từ quan sát bản tính bất biến của loài người tiền nhân đã để lại từ bao đời?

Ngày nay mọi người đã quen với việc dùng việc có “thành công” hay không làm tiêu chuẩn duy nhất đo lường giá trị của một con người, mà không nói tới y đã dùng thủ đoạn nào. Cho nên bám được “ông to”, “sếp lớn” là mục tiêu của phụ nữ, có gái đẹp theo bên mình là sự hãnh diện của đàn ông, trẻ nhỏ thi đỗ trường đại học nổi tiếng là hy vọng duy nhất của các bậc phụ huynh. Giáo dục ở các trường học không lấy đạo đức của học sinh làm tiêu chuẩn cân nhắc, mà lấy điểm số và thành tích làm tiêu chuẩn, cho nên học sinh bây giờ học tập cả ngày lẫn đêm.

Bạn đã thấy cây cầu “cao thật cao” nhưng “không tay vịn” nối thuyết tiến hóa với suy đồi đạo đức rồi đấy. Thuyết tiến hóa nói các sinh vật mang phiên bản gen tạo ra kiểu hình thích nghi hơn trong một môi trường nhất định sẽ thành công hơn trong sinh sản. xã hội chúng ta đang tập trung quá đáng vào thành công. Đấy, có từ khóa “thành công”! Ây da, cứ đi hỏi các mẹ bỉm sữa đang xếp hàng từ lúc trời chưa sáng để xin vào trường mẫu giáo “điểm” cho con xem chị ta muốn con mình thành công có phải do tác động của thuyết tiến hóa không. Sự lên ngôi của đồng tiền có nhiều yếu tố chính trị, lịch sử rất phức tạp, không phải cứ có đạo, lối sống truyền thống là sẽ ít bị ảnh hưởng. Ví dụ, so mức độ trầm trọng của chênh lệch giàu nghèo (càng lệch càng xanh) của nước đa thần Hindu Ấn Độ, nơi có tầng tầng lớp lớp giai cấp xã hội, với các nước Bắc Âu phóng khoáng; hay “cộng sản vô thần Trung Quốc” xanh lè và Hồi giáo Ả-rập Xế-út trắng tươi. Ta có thể nói Nga nhạt màu hơn Brazil (nước có màu đậm nhất ở Nam Mỹ) một chút vì dân số người không có đạo ở đây cao hơn một chút không? Chưa chắc. Rõ ràng, đi tìm căn cơ của chuyển dịch các giá trị phải đào sâu hơn là hiến tế một học thuyết vốn không nói gì về kinh tế hay con người nên sống ra sao.

Quan trọng nhất là, “thành công” của tiến hóa khác hoàn toàn với “thành công” như chúng ta thường hiểu. Số lượng cá thể? Đừng nghĩ đến vi khuẩn hay kiến, những thứ có khối lượng sinh học hoàn toàn áp đảo, mà ngay bây giờ đã có hơn 19 tỷ con gà trên thế giới. Tuổi thọ? Con người chỉ mới xuất hiện 200,000 năm nay, không chỉ hơn một cái chớp mắt của thời gian địa chất; đám động vật già nhất chính là bọt biển, đã xuất hiện cách đây 760 triệu năm. Khả năng thay đổi Trái Đất? Tiêu chí này có vẻ được thiết kế để con người chiến thắng, nhưng chúng ta còn không có mặt ở top 5, mà chính là bọn giun đất “thấp hèn” đã tạo nên những mảnh đất màu mỡ giúp nuôi sống chúng ta, hay vi khuẩn lam, thứ đã tạo nên cuộc chạy đua vũ trang trong một thế giới đầy oxy. Thành công tiến hóa là một thứ thành công về lượng, không phải thành công về chất, hoàn toàn đong đếm và áp dụng được cho mọi loài, đem thuyết tiến hóa ra để nói là chúng ta được quyền chọn một số cách bất lương để thành công thì thật là KLQ.

Mọi người không còn tin tưởng truyền thống đạo đức về lương thiện, khoan dung, nhường nhịn… Ngay cả những đại ca xã hội đen cũng trở thành đối tượng mà nhiều người sùng bái, hay câu nói như ”thứ gì không mua được bằng tiền, có thể mua bằng rất nhiều tiền,” cổ súy cho người ta bán rẻ lương tâm. Căn cứ triết học của những biểu hiện nói trên đều giống nhau, tức là “quần ngư tranh thực, kẻ mạnh sinh tồn”.

Ai sùng bái đại ca xã hội đen? Trẻ trâu, các em trai, em gái tuổi còn ngây thơ dễ bị ảnh hưởng bởi danh tiếng và muốn phá vỡ những luật lệ để khẳng định mình? Ai lại chưa từng có thời như vậy, sao lại đánh đồng chúng với cả xã hội?

“Không thể có đạo đức khi không có tôn giáo/tín ngưỡng” là một cáo buộc rất là lâu đời. Chưa xét tới độ đúng sai của tuyên bố mang tính phiến diện, vơ đũa cả nắm trên, kể cả khi bất kỳ ai nghe đến thuyết tiến hóa cũng “bỗng dưng muốn ác”, thì chỉ bằng lý trí lạnh lùng, những người đã bị “tha hóa” cũng sẽ tự đặt ra những quy tắc ứng xử với nhau, vì sao?

Bởi vì ngay cả nếu bạn không mảy may quan tâm gì khác ngoài hạnh phúc bản thân, thì bạn cũng phải giữ cho những người xung quanh còn sống, do con người tuyệt đối không thể hạnh phúc nếu thiếu đồng loại. Tiến hóa để độc chiếm niche loài vượn săn mồi và sống cộng đồng khắn khít đã khiến chúng ta có thể suy sụp đến chết nếu cảm thấy cô đơn. Vào thập niên 60, 70, nhà nghiên cứu hang động Michel Siffre đã tự làm lên mình những thử nghiệm về sự cô lập mà không ai muốn làm: dành nhiều tháng đến nửa năm ở một mình trong những cái hang ở dãy An-pơ và Texas. Ông miêu tả hành trình của mình là “Về thể chất thì không mệt mỏi, nhưng về tinh thần thì đó là địa ngục.” Dù được chu cấp đầy đủ (có cả sách báo, máy nghe nhạc) và có phương tiện liên lạc với bên ngoài khi cần, sự cô đơn cùng cực đã khiến ông thử bắt một con chuột để nuôi, và khi ông lỡ tay làm chết nó, ông viết trong nhật ký: “Nỗi u sầu xâm chiếm lấy tôi”. Nhu cầu được bầu bạn sống còn đến vậy, nhưng không ai thích ở với những kẻ khó chịu, mà lịch sử chưa từng có cộng đồng rời rạc, nghi kỵ, mọi người đều ích kỷ, tư lợi nào hòa thuận được cả. Thế nên, mọi bộ lạc, mọi nền văn minh đều có những chuẩn mực với các thành tố chung như cấm giết người, cấm trộm cắp, cấm hiếp dâm… để tự duy trì sự hài lòng của thành viên.

Dòng dõi của Con người, 1871 [*]

Ngay cả nếu bạn nghĩ rằng mình “cứng” hơn họ, mình thật sự chả cần đời sống tinh thần với người khác, thì để có cuộc sống có chất lượng về vật chất chúng ta vẫn cần có rất nhiều người khác: những người làm ra cái ăn, cái mặc, giáo dục cho con cái, phục vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ tài sản và tính mạng cho chúng ta… Để bảo đảm sự hợp tác giữa tất cả những người này, nhất thiết xã hội phải có những nguyên tắc, và các cá nhân phải biết điều với nhau. Thế nên, mọi bộ lạc, mọi nền văn minh đều có những chuẩn mực với các thành tố chung như cấm giết người, cấm trộm cắp, cấm hiếp dâm… để tự duy trì sự ổn định.

Và ngay cả nếu bạn nghĩ mình có một gia đình siêu nhân, có đủ thành viên biết đủ chiêu để tự làm mọi thứ, thì câu hỏi sớm muộn vẫn là ai sẽ tạo ra đời sau cho dòng tộc bạn. Trùng huyết ít khi nào tạo ra kết cục tốt cho con người, và những cộng đồng mà tính đa dạng thấp thì luôn luôn chịu rủi ro khi gặp môi trường mới. Đó là nguyên lý tiến hóa. Thế nên… thôi bạn biết rồi đấy.

Quần thể, không phải cá thể, mới là đơn vị tiến hóa cơ bản. Hành vi xấu như tư lợi tạo ưu thế ngắn hạn, nhưng lại âm vào thời hạn sống của loài, thế thì tiến hóa ủng hộ là ủng hộ thế nào? Những kẻ cứ lên cao tí là nhắm mắt vơ vét là những kẻ cạn nghĩ, chỉ biết cái sướng trước mắt, cả cái thòng lọng trên đầu còn không thấy. Một thủ lĩnh có tầm nhìn ngàn năm là người biết làm lợi cho mình, đầu tư cho con cháu mình nhưng cũng tạo điều kiện cho đồng bào phát đạt. Người ta hay quên, hay có người không biết, đoạn sau của câu cao dao “Con vua thì lại làm vua/ Con sãi ở chùa lại quét lá đa” là “Bao giờ dân nổi can qua/ Con vua thất thế lại ra quét chùa”. Chẳng có tầng lớp thống trị nào coi bá tánh như rác rưởi mà rung đùi được lâu cả. Tàn bạo với nhân dân chính là lãnh đạo đang tự rút ngắn lợi thế sinh sản của mình.

EmilysQuotes.Com-wisdom-intelligent-inherit-Earth-nature-caring-understanding-great-David-Brower.jpg

Hành tinh này không phải là chúng ta thừa hưởng từ tổ tiên, mà là mượn của con cháu.

Túm lại, một người khôn ngoan về mặt tiến hóa không phải là người để lại thật nhiều của cải (giả định ngầm của tác giả là bất chính, một góc nhìn khá hủ nho về người giàu) cho con cháu, mà là để lại một hành tinh có thể sinh sống, một xã hội có thể nương tựa, và sống có đạo lý và phát triển bền vững là cách duy nhất để đạt được điều đó.

Quay trở về với văn hóa truyền thống (Nhưng không phải bất cứ truyền thống nào, sau khi bạn “quay trở về”, tôi sẽ nói đầy lỗ tai bạn về những lí do truyền thống CỦA TÔI truyền thống hơn các truyền thống khác 😉 )

Thực ra, chúng ta chỉ cần tĩnh tâm lại và suy nghĩ, nếu chỉ có “Con chim dậy sớm mới bắt được sâu”, như thế chẳng phải những con chim dậy muộn hơn đều phải bị chết đói ư? Thực tế, trong hoàn cảnh tự nhiên lại là như thế này: “Con chim dậy sớm ăn côn trùng dậy sớm, con chim dậy muộn ăn côn trùng dậy muộn”.

Và câu này đã phản bội lại tiền đề của toàn bài. Bài viết bám vào “Tiến hóa nói ‘Con chim dậy sớm mới bắt được sâu’, đó là hiện thực sinh học, từ đó con người lấy ra áp dụng cho xã hội nên mới suy đồi như giờ”, giờ lại tiết lộ rằng hiện thực sinh học thực ra không phải vậy. Thực tế, các nhà sinh học, những “tín đồ tiến hóa” hiểu rõ hơn ai hết điều này, nên họ mới đặt ra khái niệm niche (ngách). Tôi hiểu niche như là một phân khúc thị trường, một góc nhỏ trong chợ – là nơi bạn có thể khai thác theo một cách riêng biệt để kiếm sống. Săn mồi ban ngày, bay cao bay xa là một niche chim có mặt, ban đêm, dùng radar là một niche cho dơi, bay là đà trên nước thì cũng là một niche có côn trùng … niche bao gồm tất cả những gì liên quan đến hệ sinh thái xung quanh sinh vật – nó ăn gì, xài tài nguyên gì, con gì ăn nó, những khả năng của nó v.v.

Hễ có một niche mở ra thì chọn lọc tự nhiên sẽ ưu ái những sinh vật có những biến dị phù hợp với niche đó. Giờ dùng luôn ví dụ giả định về con sâu con chim dậy sớm. Nếu ban đầu tất cả sâu đều dậy sớm, thì những con chim dậy trễ sẽ có ít thức ăn hơn, đẻ ít trứng, con èo uột hơn. Bằng cách không để chim dậy trễ ăn thịt, sâu dậy sớm đã vô tình “chọn giống” ra chim dậy sớm. Nhưng do biến dị tự nhiên, sẽ có những con sâu dậy trễ hơn, xuất hiện sau khi chim dậy sớm đã bay đi nơi khác kiếm ăn, nhờ vậy mà tồn tại & nhân rộng. Từ đây hình thành các quần thể sâu muộn múp míp đang thiếu người tới hốt, một niche mới mở ra, và mà lũ chim do biến dị tự nhiên dậy trễ hơn sẽ tràn vào. Không cần “vũ lực bên ngoài bên trong”, đơn giản là vấn đề cung cầu hiển nhiên.

Trong cuộc sống thực tế, những kẻ liều mạng cố gắng vì ích lợi cá nhân, những kẻ không từ một thủ đoạn nào đều luôn luôn có thể đạt được mục đích ích kỉ sao?

“Có 2 cách để giải quyết mâu thuẫn: Một là dùng vũ lực ra bên ngoài tấn công người khác, hai là dùng lực vào bên trong tìm ở sức mình.[…] sức mạnh của Nhẫn. […]ngoài mối quan hệ đấu tranh một mất một còn mang tính phá hoại, còn có thể biểu hiện quan hệ cộng sinh, quan hệ hài hòa. […] Martin Luther King. […] Mahatma Gandhi […] Lincoln […] Người Việt có câu ”dĩ hòa vi quý”, […] Nhẫn […] là đối lập với kiểu đấu tranh xốc nổi bạo lực.”

  • Đây là những triết lý lạc đề, tôi thấy nó khá thú vị nếu đọc ở một nơi khác, nhưng nó chả liên quan gì đến tiến hóa cả, bởi vì nó cố uốn nắn một hình nộm của tiến hóa, chứ không phải học thuyết chính danh.

    Hai loài có thể là kẻ thù trực tiếp của nhau, nhưng chính trong sự đấu tranh một mất một còn đó lại có sự hài hòa. Sói ăn thịt hươu, nhưng chính nhờ có sói mà số lượng hươu mới không bùng nổ, làm cạn kiệt nguồn thực vật, để đến mùa đông không còn lại gì thì sẽ có nhiều hươu phải chết đói. Còn quan hệ cộng sinh đã tiến hóa, và tiến hóa rất nhiều lần. Ví dụ, chính ti thể và lục lạp trong tế bào nhân thực là nhờ cộng sinh với tế bào nhân sơ mà có. Nếu cả quan hệ hài hòa lẫn cộng sinh đều là kết quả tự nhiên của tiến hóa, thì tại sao lại làm như những mối quan hệ tương hỗ không thể tồn tại trong thuyết tiến hóa?

Bởi vậy, quay trở về với văn hóa truyền thống, hoàn toàn loại bỏ ảnh hưởng của thuyết tiến hóa đối với xã hội chúng ta, phục hưng đạo đức của dân tộc đã là trách nhiệm xã hội không thể trốn tránh của mỗi một con người có lương tri. Bởi vì nó quan hệ đến bạn, đến tôi, đến mọi người, đến việc con cháu chúng ta có thể tiếp tục sinh tồn một cách tốt đẹp hay không!

Phong Trần tổng hợp

Toàn bài, tác giả không hề đưa ra được một bằng chứng nào rằng sự suy đồi của thế giới hiện đại là do thuyết tiến hóa, hoàn toàn là những sự tự suy diễn và áp đặt từ định kiến cá nhân và sự ngưỡng vọng thiếu kiến thức về lịch sử. Giờ tôi “thử theo ảnh hưởng của thuyết tiến hóa lên đạo đức con người mà phân tích” nè, nhưng mà dùng kiến thức chính hãng.

Chân dung thuyết tiến hóa theo trường phái tối giản:

  1. Các cá thể trong quần thể mang những phiên bản (a-len) khác nhau của mỗi gen.

  2. Sinh sản tạo ra những bản sao giống bố mẹ, đi kèm những khác biệt, gọi là đột biến.

  3. Đột biến là ngẫu nhiên và tần số rất nhỏ nên ít làm thay đổi sự phân bố các phiên bản.

=> Từ 3 thực tế quan sát được về sinh học trên, ta rút ra kết luận: nếu không có gì xảy ra, cá thể nào cũng sinh sản đồng đều thì quần thể sẽ rất rất khó thay đổi từ thế hệ này sang thế hệ khác về số lần xuất hiện các phiên bản khác nhau (tần số).

Nhưng thuyết tiến hóa nói rằng vì luôn có những yếu tố ví dụ như các cá thể đi vào và đi ra (di nhập gen), sinh vật lựa chọn bạn tình (giao phối không ngẫu nhiên), may rủi như thiên thai (biến động di truyền), nên ngay cả khi các phiên bản này có giá trị y chang nhau về thích nghi, quần thể chắc chắn sẽ thay đổi. Nhưng còn một sự thật sinh học không thể chối cãi nữa:

4. Các phiên bản sẽ dẫn đến việc sinh sản ít nhiều thuận lợi hay bất lợi hơn, trong một môi trường nhất định.

Và bằng lý lẽ cơ bản nhất, ta thấy rằng chủ của các phiên bản ấy sẽ để lại nhiều bản sao của nó hơn; các phiên bản ấy sẽ ngày càng nhiều đến khi (các) điều kiện thuận lợi này thay đổi, và ngược lại. Vậy thì sự sống không những phải thay đổi, mà còn có thể thay đối có hướng.

Chọn lọc tự nhiên đó ư? Vâng, một kết luận gần như không thể tránh khỏi, nhưng mãi tận gần 160 năm trước mới có người dám xuất bản ý tưởng này.

Máu me đâu? Thủ đoạn đâu? Khôn sống bống chết đâu? Quần ngư tranh thực, kẻ mạnh sinh tồn đâu?

Kẻ mạnh sinh tồn: Ngộ nhận #1 về chọn lọc tự nhiên

Những người chống thuyết tiến hóa muốn vẽ ra hình tượng chọn lọc tự nhiên như một đấu trường La Mã với kẻ mạnh nhất là kẻ cuối cùng còn đứng vững. Nhưng cái nhìn thật sự của tiến hóa về sinh giới là bất kỳ một loài chúng ta thấy ngày nay không phải là một bản đúc bằng gang bất biến mà là một tổ hợp với những ranh giới sóng sánh và một đám mây thống kê các biến số của mỗi cá thể về mọi thứ từ kích cỡ tai, độ dài mũi, thời gian nhịn thở hay tốc độ tiêu hóa glucose.

Ví dụ: Một con chó điển hình trong tâm thức người VN 100 năm trước rất khác. Ngày xưa ai cũng sẽ nghĩ ngay đến con vàng, con mực, nhưng nhờ có sự di nhập gen của các giống ngoại lai, mỗi người ngày nay sẽ có một hình tượng rất khác nhau khi nghe từ ‘con chó’, tùy sở thích (thậm chí có người yêu thích những giống báng bổ tổ tiên nhà chó như phốc sóc và mặt thớt, nhưng chúng ta không nên phán xét). Quay về hơn chục ngàn năm trước thì cái gần nhất với con chó là loài sói xám. Con người đã đẽo gọt con thú hoang Canis lupus đầy cảnh giác, ăn thịt toàn phần, bất kham thành thứ thú nuôi Canis lupus (vâng, vẫn là một loài) dễ gần, ăn tạp, biết nghe lời, với không gì hơn nguyên lý căn bản của chọn lọc tự nhiên: cho một số đứa truyền giống nhiều hơn những đứa khác.

Theo thuyết tiến hóa, Canis lupus cỏ là vô đối ở khí hậu VN. Hãy xin Canis lupus cỏ của bà con thay vì mua mấy giống ngoại để phải theo hầu chúng.

Chúng ta không thể gây giống từ một con duy nhất, và sinh vật đa bào không thể tự nhân bản, nên tiến hóa chưa bao giờ là trò chơi “đấu sĩ cuối cùng”. Nhà chọn giống ghép những con họ thấy biểu lộ rõ hơn một chút đặc tính mình mong muốn, dù chỉ là 5%; trong quần thể bướm muối tiêu đối mặt với ô nhiễm không khí, không phải chỉ mình con đen nhất mới sống, mà là tất cả những con đủ đen để không bị chim thấy quá dễ. Vậy, slogan “kẻ thích nghi nhất sinh tồn” (Survival of the fittest, một cụm vốn không phải của Darwin mà là Helbert Spencer) đúng ra phải là “Tổ hợp những cá thể có các tổ hợp các phiên bản gen tạo ra đủ ưu thế sinh sản *hớp không khí* sinh tồn” (Survival of the fit enough), các bạn thấy tại sao cụm chính xác hơn lại không đi nổi vào lòng người rồi đấy :(.

Bướm Biston với các sắc độ khác nhau, không phải con nào cũng trắng tươi hay đen thui. 1-6 là chung loài Biston betularia.

N

Kẻ mạnh sinh tồn: Ngộ nhận #2 về chọn lọc tự nhiên

Nhắc tới “thích nghi”, hình như người chống tiến hóa nghĩ là nó đồng nghĩa với “mạnh”. Sai. Hay phải nói là không chính xác. Thích nghi luôn mang tính tương đối, tùy thuộc vào môi trường, nên sẽ có những lúc thích nghi chính là mạnh – một từ có ý nghĩa tuyệt đối về khả năng thể chất: nanh sắc hơn, thân to hơn, sức lực khỏe hơn… Nhưng hầu hết thì không. Những môi trường khác nhau sẽ yêu cầu những tính trạng khác nhau. Bạn nghĩ con người là tuyệt đỉnh tiến hóa? Hãy thử sống trong suối nước nóng, miệng núi lửa, sông băng hay đáy dại dương. Mỗi loài, dù là con vi trùng hay giống ký sinh, đều là nhà vô địch – thích nghi nhất trong niche của nó. Đây là cơ sở để các nhà sinh học hiện đại khẳng định không có cái gọi là sinh vật “bậc cao”, “tiến hóa hơn” hay “thượng đẳng” (Bye bye chủ nghĩa phân biệt chủng tộc). Ngược lại, cùng một tính trạng, nhưng trong các môi trường khác nhau lại cho tính thích nghi khác nhau. Trong đàn voi biển, các con đực cần đánh nhau giành hậu cung (giống kiểu sư tử, nhưng ít rượt đuổi và nhiều lipid hơn) thì to béo là lợi thế, nhưng với một con khỉ cần chuyền cành thật nhanh thì nó là hạn chế.

Già Darwin: “Không phải những đứa mạnh nhất của loài mới tồn tại, cũng không phải những đứa thông minh nhất, mà là những đứa linh hoạt nhất trước những thay đổi.”

Mối nguy hại của tư duy “mạnh = thích nghi” là nó khoanh vùng một nhóm lực sĩ lại rồi bảo là chúng luôn luôn ưu việt, trong khi tiến hóa nói rằng môi trường luôn biến đổi, ngày mai chưa biết mèo nào cắn mỉu nào, không có vùng để khoanh. Lũ bò sát to lớn và uy lực đã khủng bố và lạm sát các tổ tiên bé xíu, tội nghiệp của chúng ta… xin lỗi, tôi lại sa vào bẫy nhìn theo góc độ con người rồi :(. Nói lại: về sức mạnh thì đám thú có vú cổ bằng con chuột chù ấy thì tuổi nào với khủng long, nhưng khả năng sống dưới lòng đất, nấp trong hốc, kẹt và kiếm ăn bằng bươi vét đã giúp chúng tồn tại sau cú va chạm thiên thạch 66 triệu năm trước. Vậy, nhiều khi cái quyết định sinh tồn không phải là sự ưu việt trong cạnh tranh trực tiếp, mà là khả năng chịu đựng những thay đổi đột ngột trong môi trường sống.

N

Một hình minh họa tổ tiên của mọi thú có vú có nhau thai mà các họa sĩ và nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và chỉnh sửa mất 5 năm dựa trên các bộ dữ liệu khổng lồ. Tôi khuyến khích các bạn xem bản phóng to để cảm phục độ tỉ mỉ của nó.

Nhắc tới cạnh tranh…

Tiến hóa là cạnh tranh, cạnh tranh là xáp lá cà: Ngộ nhận #3 về chọn lọc tự nhiên

Chỗ này oan cho cạnh tranh hơn là oan cho thuyết tiến hóa nữa! Cạnh tranh không phải nghiễm nhiên là xấu. Việc có ít tài nguyên hơn nhu cầu là động lực đã được thực chứng của tiến bộ. Bởi vậy mới phân ra cạnh tranh lành mạnh và cạnh tranh không lành mạnh.

Tuyệt đại đa số thời gian, cạnh tranh tiến hóa diễn ra rất bình lặng và nhàm chán, với sự tích tụ các đột biến không lợi không hại (trung tính), tăng lên, giảm đi, xuất hiện, biến mất của các phiên bản gen. Bởi vậy, ngay từ ấn bản thứ nhất của Nguồn Gốc Các Loài (1859), Darwin đã tuyên bố:

“Tôi nên đặt tiền đề là tôi sử dụng thuật ngữ Đấu tranh Sinh tồn theo nghĩa rộng và ẩn dụ […]” (Nguồn Gốc Các Loài, bản dịch của Trần Bá Tín, NXB Tri Thức, 2009).

Đấu tranh không phải lúc nào cũng có nghĩa là đánh đấm, cấu xé trực tiếp mà còn “bao gồm cả sự phụ thuộc lẫn nhau”. Một loại cây rìa sa mạc phải “đấu tranh” với sự khô hạn, nhưng nói đúng hơn là nó phụ thuộc vào độ ẩm.

Ngoài sự áp đặt những giá trị của con người lên sinh giới và dùng tác động lên cảm xúc hay đời sống tinh thần của chúng ta để phán xét tự nhiên, ta cũng phải cẩn trọng trước tư duy “Nó là như thế, nên nó phải như thế”: nếu chúng ta tiến hóa từ đấu tranh sinh tồn, thì nên tiếp tục đấu tranh sinh tồn. Như tôi đã nêu, tiến hóa không phải luôn luôn bao gồm đấu tranh, và đấu tranh không phải là khư khư theo nghĩa dùng ám khí, chơi bẩn v.v, nhưng thậm chí nếu lịch sử tiến hóa của con người có đúng là xây dựng từ thủ đoạn và bạo lực, thì kiểu suy nghĩ này vẫn rất khinh suất. Nó không những quên mất rằng con người khả năng/đã và đang tự vạch ra đường lối cho mình, mà còn lờ đi nhiều khác biệt quan trọng khiến việc bao biện hành động con người bằng  hành vi động vật là bất hợp lý. Tôi đã nói rõ trong phần 1, nhưng có thể trình bày như sau:

Hai con chó cắn nhau trời long đất lở giành miếng ăn đúng là cũng là cạnh tranh đấy. Nhưng con chó không ý thức được làm vậy là sai, nó không có một hệ thống pháp luật để bảo vệ quyền lợi của mình, nó không có khả năng đầu tư vào giáo dục để tìm ra những cách phân bổ tài nguyên hợp lý hơn trong tương lai. Nhưng chó cắn nhau xong, hôm sau lại đùa giỡn, hay cạch mặt đến già, hay hằm hè nhau, tùy trường hợp. Nhưng chó không dạy con mình phải cắn con chó kia, hay con của con chó kia; thuộc tính sinh học của các động vật khác con người đơn giản không cho phép chúng làm những điều độc địa như lên kế hoạch trước cả mấy chục năm hay bày mưu dùng độc chiêu khiến kẻ thù chết từ từ (ngoại lệ trong sinh giới là lũ mèo, lũ mèo thích vờn chuột, lũ mèo không có mặt trong di tích hóa thạch và đến từ địa ngục). Tuyệt đại đa số sinh vật trên Trái Đất còn không có não, nó thấy (hay cảm nhận) được thức ăn thì nó tới ăn, rồi sinh sôi, nó sinh sôi tốt hơn thì nó khiến lũ khác chết đói, đó đúng là hiện thực tàn khốc của thiên nhiên, nhưng có gì từ đó để biện hộ cho việc nữ sinh xé áo, hay bạo hành trẻ mẫu giáo?

N

Ảnh thật 100%

Khi bạn muốn tranh luận rằng thuyết tiến hóa đã dạy gì đó sai, trước hết bạn phải cho thấy chúng ta đã học đúng chỗ. Khi chúng ta dạy học sinh rằng cây nắp ấm dụ dỗ côn trùng là kết quả của tiến hóa, phải chăng đang nói với các em rằng gài bẫy người khác là hay? Bậy. Đó là con mồi và kẻ ăn thịt, chúng không phải đồng loại, mối quan hệ đó hoàn toàn không giống giữa người với người.

Như tôi đã đề cập trong Phần 1, động vật chung một loài cố tình làm hại, hay ăn thịt lẫn nhau là hiện tượng hiếm, mang tính cơ hội, và khác với động vật, con người hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm với chủ ý của mình, không thể vì phân bì việc trẻ nít bạ đâu đái đấy rồi anh thanh niên cũng làm một bãi được!

Nếu mọi thứ đều là “ngẫu nhiên”, thì mọi thứ vô nghĩa: Kết luận giùm hấp tấp #1 về tiến hóa

Với con người, một câu chúng ta thường thấy là thuyết tiến hóa/thuyết Big Bang làm cuộc sống mất đi ý nghĩa bởi mọi thứ đều là “ngẫu nhiên”.

Ngẫu nhiên thì đã sao? Hồi đó tôi rất lấy làm khó hiểu tại sao có người lại coi “ngẫu nhiên” một từ xúc phạm (tôi thừa nhận tính mình đã “dị” mà còn chậm tiêu). Sau khi đọc lý luận/tâm sự của họ nhiều hơn, tôi nhận ra rằng những hệ quả của nó làm họ cảm thấy mông lung (tôi vẫn “dị” nên có thể hiểu không đúng). Ai cũng muốn tin rằng mình đặc biệt, có một lý do rất quan trọng để tồn tại. Điều đó, với họ, tạo cảm giác thoải mái hơn là chấp nhận điều toán học nói, rằng họ chẳng qua là một trong tỷ tỷ tỷ khả năng, và rằng theo sinh học, chỉ một khác biệt nhỏ xíu về một biến số bất kỳ, có thể đã có một người hoàn toàn khác thay thế chỗ của họ hiện nay, và biết đâu sẽ là một người “xứng đáng” hơn.

N

Thế mà lắm người lại than phiền có những thứ hình như không đủ ngẫu nhiên :))!

Nghĩ vậy, tôi dễ đồng cảm tại sao họ sợ thuyết tiến hóa hay các học thuyết tự nhiên khác là đúng. Nhưng nhìn một góc độ khác, chính bởi vì xác suất để đúng bon bạn, một người quá đỗi bình thường tồn tại trên đời mà không phải Einstein hay Mozart tiếp theo, quá mong manh nên cuộc sống của bạn bây giờ mới đáng quý. Với bản thân mình, chúng ta phải trân trọng từng phút, từng giây trong cuộc đời duy nhất của mình mà sống sao cho có ý nghĩa. Với người khác, chúng ta nhìn nhận rằng sẽ không bao giờ có lại một con người như thế, cho nên càng phải cẩn trọng trong việc đối xử hay phán xét, để tránh sai lầm mà cướp đi tất cả những gì người ấy đã có, mà là tất cả những gì người ấy sẽ có. Dù sao, tôi cũng muốn khuyên những ai đang gặp khủng hoảng về sự tồn tại rằng hãy thực tế như những người trúng xổ số: họ đâu có nói “Có nghĩa gì đâu, cũng chỉ là hên xui!”, mà họ đốt nhà ăn mừng vì mới có được một kho báu mà gần như không cần làm gì cả. Tự làm khổ mình chi hổng biết!

[Những người thích khổ hạnh lại đọc tiếp…]

Nhưng thực ra, nếu chúng ta thử suy nghĩ, thì chọn lọc tự nhiên là thái cực đối lập của ngẫu nhiên. Hãy nghĩ về:

_Một loài chim đang tiến dần địa bàn về vùng cực với các phiên bản gen quy định độ dày mỡ khác nhau.

_Một nhóm thú đang thử nghiệm khai thác cá ở các sông hồ với các phiên bản gen quy định dung tích phổi khác nhau.

_Một đám mây một tỷ bào tử nấm mốc được gió thổi bay lên một ổ bánh mì ăn kiêng làm bằng loại đường, bột mới; trong đó có một số bào tử có đột biến tạo enzyme bị “lỗi”, khiến chúng phân giải kém đường, bột bình thường, nhưng lại có tác dụng phụ là làm cho mốc có thể “ăn” được đường, bột mới, dù rất chậm.

N

Hãy nghĩ đến những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn nghĩ ra được những kiểu hình nào sẽ chiếm ưu thế, bạn vừa tư duy tiến hóa :). Liệu sự khác biệt về kết quả các cá thể nhận được là ngẫu nhiên và vô nghĩa, hay rất hợp logic? Đến đây thì ta vấp phải câu hỏi: tôi có khả năng suy luận, còn Tự nhiên là yêu quái phương nào, có mắt có óc không mà biết cái nào tốt, xấu để chọn lọc?

Ầy, chọn lọc tự nhiên không phải là một vị giám khảo mặt sắt trôi lờ phờ trên đầu sinh vật hay có trụ sở và tổng đài chăm sóc khách hàng, mà là một trò chơi về di truyền quần thể. Nó không “biết” là chân dài sẽ giúp con báo săn chạy nhanh, đơn giản là khi kiểu hình chân dài xuất hiện, ta có thể dùng toán học để giải thích tại sao chúng chạy nhanh hơn, dẫn tới để lại nhiều báo con hơn, làm tăng độ dài chân trung bình của quần thể. Nó cũng không “biết” là chân dài quá thì dễ gãy, đơn giản là khi kiểu hình chân quá dài xuất hiện, ta có thể dùng vật lý để giải thích tại sao chúng mỏng manh hơn, để lại ít báo con hơn, kéo giảm độ dài chân trung bình của quần thể. Ta dễ thấy, chọn lọc tự nhiên có thể điều chỉnh chân báo săn về độ dài tối ưu mà chẳng cần là một thực thể hay nhận thức được cái quái gì hết. Đột biến thay đổi độ dài chân là ngẫu nhiên, còn chọn lọc tự nhiên tuy không có chủ ý nhưng không hề tùy tiện.

Bạn vẫn cảm thấy sự sống là vô nghĩa, bây giờ là tại vì nó xoay quanh sinh sản? Tôi coi nó là vô định nghĩa. Tiến hóa chỉ là một hiện thực sinh học, nói “học về thuyết tiến hóa có nghĩa là ta phải nhìn nhận cuộc sống không ý nghĩa gì khác ngoài sinh tồn, sinh sản” cũng như nói “học về trọng lực có nghĩa là suốt đời ta không được đi máy bay”. Thuyết tiến hóa nói sinh sản định hướng sinh giới, nhưng nó không bắt ép ai truyền giống. Một quyền lợi đặc biệt khi làm con người: ta có quyền cân nhắc lợi hại để đưa ra lựa chọn cho bản thân mình. Tôi, EvoLit, năm 18 tuổi đã cảm thấy rằng không nên tự sinh con, mà sẽ dành tài nguyên của mình nuôi nấng vài đứa trẻ mồ côi, bởi vì tôi nghĩ ưu tiên quyền lợi của trẻ em đã ra đời hợp lý hơn những đứa chưa ra đời.

Sinh sản là cứu cánh của con người: Kết luận giùm hấp tấp #2 về tiến hóa

Nhưng tác giả có thể nói với tôi rằng lựa chọn của tôi chẳng qua là đứng từ góc độ nhân văn (và đó là thứ thuyết tiến hóa không giải thích được, theo tác giả), chứ với thuyết tiến hóa đẻ phèn phẹt mới là mục đích tối thượng. Dù bạn có sống ngay thẳng đến cỡ nào, đối xử với người xung quanh tốt đến cỡ nào, thì chỉ trong non trăm năm khi họ chết đi, tất cả sẽ chìm vào quên lãng. Vậy, người dùng mọi thủ đoạn để sinh ra được nhiều con cháu nhất sẽ là thành công về tiến hóa, không cần nói nhiều, đúng không? Ây da, hơn ai hết, tôi hiểu không truyền giống là lựa chọn ngu ngốc, bởi các gen của tôi sẽ không có mặt ở đời sau. Nhưng cũng vì có chút kiến thức sinh học, tôi biết rằng dù có sinh sản đi nữa thì cứ mỗi đời thì đóng góp gen của tôi lại giảm đi một nửa:

N

Cục bự nhứt ở dưới là một cá nhân bất kì: người đó tối đa có 2 người trực tiếp sinh ra mình (cha mẹ), 4 ông/bà nội/ngoại, 8 ông/bà cóc… đến 64 cụ kỵ. Có thể thấy, cũng chỉ trong 100 năm, dù bạn có đẻ bao nhiêu đứa con đi chăng nữa, thì tới đời thứ 6 bạn cũng chỉ còn lại 1.5%. Các gen của Thành Cát Tư Hãn, kẻ chinh phạt tàn bạo gây nhiều tranh cãi trong lịch sử, được cho là một trong số những người có nhiều con cháu nhất từng được ghi nhận, đã phải trải qua gần 1000 năm như thế. Mỗi người làm gì làm cũng chỉ có 2 chỗ để mang 2 phiên bản của mỗi gen mà lại có quá nhiều tổ tiên (7 sắc cầu vồng), nên dù là hậu duệ trực tiếp, 16 triệu người đàn ông kia chưa chắc đã có phiên bản gen nào của ông ta, ngoài nhiễm sắc thể Y mang rất ít gen lại rất dễ đột biến. Những phiên bản lẻ nói trên hoàn toàn không thể so sánh được với “kiểu gen” (genotype), tức toàn bộ ADN của một cá thể, danh tính tối thượng của sinh vật. Tôn tử của các hiền vương, anh hùng dân tộc đều được thừa kế nhiều phần trăm gen và nguyên vẹn nhiễm sắc thể Y của họ, nhưng cứ vài đời lại xuất hiện phá gia chi tử, hôn quân, bán nước, bởi vì “giảm phân và tái tổ hợp cũng hủy diệt kiểu gen triệt để như cái chết”. Ngay cả nếu ta bằng cách nào đó lấy được kiểu gen của Thành Cát Tư Hãn, vì không thể lặp lại môi trường đã tạo nên siêu chiến binh thiên tài thao lược ấy, nhiều khả năng cậu ta sẽ lại trở thành một người hiện đại lười biếng, dễ xúc động và béo phì.

Bạn có thấy miếng giẻ lau nhỏ ở bên phải không. Nó đó, hay nói đúng hơn là một miếng gen bé tèo teo trên nó, gen SRY, là cơ sở khoa học khổng lồ của bao nhiêu ngàn năm nay đàn ông bảo rằng họ hơn hẳn phụ nữ cả về thể chất lẫn trí tuệ đấy ^^.

Sự bất tử, hóa ra, lại không thể đạt được bằng sinh sản bởi đơn giản là loài của chúng ta hữu tính. Nói theo nhà sinh học Richard Dawkins, có hai cách để ta để lại thừa kế cho đời sau, một là cống hiến gen, hai là cống hiến văn hóa, tư tưởng. Nhưng phần hùn di truyền của bạn sẽ không còn đáng kể rất, rất nhanh. Socrates, Khổng Tử, Trần Hưng Đạo gần như chắc chắn chẳng để lại phiên bản gen nào lành lặn trên đời, nhưng những đóng góp của họ thì ngàn năm còn mãi. Tôi thì chẳng tham vọng vậy, nhưng nếu những việc tôi làm mà giúp tôi cảm thấy vui, lại giúp tạo ra một môi trường tốt đẹp hơn cho cháu tôi (những đứa có nhiều gen chung), góp phần vào tương lai tươi sáng hơn cho loài của tôi, thì “trăm năm trong cõi người ta” của tôi có viên mãn kém ai?

N

[Trước đây tôi đọc khá ít Dawkins vì tôi thấy những lời ông nói mang tính khiêu khích nhiều mà thiếu xây dựng, và tôi cũng không thích giọng điệu đanh đá Ăng-lê của ông, nên Dawkins trên EvoLit chỉ là một hai câu trích dẫn trong bộ sưu tập danh ngôn của blog. Vậy mà có độc giả chống tiến hóa cứ nằng nặc bảo Dawkins là kiểu thần tượng hay lãnh tụ tinh thần của tôi hay gì. Lỡ rồi cho cùi luôn, tôi lật lại mấy cuốn Dawkins thì thấy khi ổng tập trung chuyên môn sinh học ổng viết hay phết!]

Lưu ý rằng đa số người tin thuyết tiến hóa cũng đi tìm ý nghĩa cuộc sống trong tôn giáo/tín ngưỡng, vì bản thân thuyết tiến hóa nó không có hệ thống giá trị. Với riêng nó, con người không bị định đoạt trước phải làm điều gì cả, mỗi người có quyền lựa chọn làm điều gì khiến họ hạnh phúc. Tác giả cho rằng tạo điều kiện như vậy thì ma tính sẽ nổi lên, ai muốn làm gì tùy thích. Nhưng đây là một giả định rất tiêu cực về con người, phản lại chính quan sát cổ truyền “Nhân chi sơ, tính bổn thiện” ở trên mà tác giả ca ngợi. Chúng ta biết rằng ở các loài sống xã hội giống con người như cá voi, voi, sói khỏe mạnh nhất khi chúng được sống trong cộng đồng, con người cũng không ngoại lệ. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng, những ai lựa chọn các nghề nghiệp có tính chất phục vụ cộng đồng như y tá, lính cứu hỏa cảm thấy hài lòng hơn nhiều những người làm những công việc nhẹ, lương cao như thiết kế thời trang hay phát thanh viên. Cơ chế cụ thể để tính vị tha, thương người, nhu cầu tình cảm đồng loại tiến hóa được thì phải nói kỹ hơn vào một bài khác (Tạm thời các bạn có thể xem bài viết của triết gia đương đại rất nổi tiếng, Steven Pinker, Bản năng đạo đức), nhưng tạm thời chúng ta thấy không có động cơ gì từ thuyết tiến hóa để làm hại cộng đồng của mình cả. Già Darwin đã tóm giùm tôi nguyên nùi nùi nói hãy giờ về đấu tranh sinh tồn và đạo đức:

N

“Nên có sự canh tranh công bằng cho tất cả mọi người; và những người có năng lực nhất không nên bị cản trở bởi pháp luật hay tập quán để đạt được thành công cao nhất và nuôi nấng số con cháu đông nhất. Dù rằng đấu tranh sinh tồn đã và vẫn đang rất quan trọng, khi nói đến phần cao đẹp nhất của bản chất con người thì còn những nhân tố khác quan trọng hơn. Bởi vì các phẩm chất đạo đức được phát triển, trực tiếp hay gián tiếp, thông qua tác động của thói quen, các năng lực lý trí, giáo dục, tôn giáo, v.v, hơn là chọn lọc tự nhiên nhiều; tuy nhiên, chúng ta có thể an tâm mà gán cho nó các bản năng xã hội đã tạo điều kiện cho tri giác về đạo đức phát triển.”
Charles Darwin, Dòng dõi của Con người, 1871 [**]

&&&

Mà khoan đã, thế giới hiện đại đang suy đồi à? Thật không? Bài viết này chỉ nói đến sự suy đồi đạo đức, nhưng Blog Logic Mafia điểm mặt những lí do làm ta thấy đời nhìn chung kém yên bình hơn ngày xưa, mặc dù về nhiều mặt, cuộc sống hiện đại là tốt nhất trong lịch sử loài người.

worse world chart 1worse world chart 2worse world chart 3

N


Đừng quên rằng mới một, hai thế hệ trước thôi, các gia đình Việt Nam thường phải có đến 9, 10 người con để hy vọng ít nhất vài người còn sống trong một hoàn cảnh quá khắc nghiệt. Quá khứ của chúng ta — và xin nhấn mạnh là hiện tại của hàng tỷ người trên hành tinh — là nô dịch, cưỡng bức, bạo ngược, áp đặt, là nạn đói, dịch bệnh, thiếu thốn, dơ dáy, mù chữ. Đến cùng thuyết tiến hóa, hay bất kỳ một phát minh hiện đại nào, không phải chỉ có những điều tệ hại, mà còn là những công ước quốc tế, là xóa sổ bệnh bại liệt, là đưa người lên mặt trăng, là cơm có thịt, là trò truyện xuyên châu lục không chờ đợi, là lên tiếng trước bạo quyền dễ dàng hơn bao giờ hết nhờ mạng xã hội, là bạc cắc tiền ủng hộ toàn cầu dồn thành những con sóng nâng giấc mơ của một người trẻ thành hiện thực…

Chúng ta không những được thoải mái hơn về vật chất, mà còn được giải phóng về tinh thần:  ý tưởng rằng phụ nữ ngang hàng với đàn ông, giai cấp không xuất phát từ sinh học, học thức là cho tất cả mọi người, hôn nhân vì tình yêu, quyền nên duyên vợ chồng cho người đồng tính, tự do ngôn luận, ngày làm 8 giờ, đối xử nhân đạo với động vật, bầu cử, dân chủ, bình đẳng sắc tộc… Những tư tưởng ngày nay chúng ta cho là hiển nhiên đều có gốc rễ đâu đó trong thế giới cổ đại, nhưng nên nhớ, chúng đã không sống nổi trong “thời trước thuyết tiến hóa”. Tất cả đều là do đấu tranh với các “giá trị truyền thống” mà có. Chúng ta có thể ngồi đây lãng mạn hóa quá khứ, chính là do có một ai đó đã dùng máu và nước mắt để bảo đảm những cái xấu xí của nó ở lại trong dĩ vãng.

N

Có nguyên một series của Anh tên Horrible Histories (Lịch sử Kinh dị), dành cho trẻ em học về những chuyện khó ngửi trong quá khứ qua cách kể hài hước. Nguyên bản sách đã được dịch và bán tại các nhà sách ở VN.

Mỗi thời đại đều có cái hay cái dở của nó, chỉ có con người là mãi còn những nỗi niềm và tham vọng. Đổ thừa cho một/hay một nhóm học thuyết bẻ ngoặt gọn cả con đường của hàng tỷ sinh vật nhiều sắc thái, mâu thuẫn và gánh nặng như chúng ta, thì quả là một sự tâng bốc. Thuyết tiến hóa không có phát minh ra được một tội ác hay tật xấu gì của con người, và đá văng nó cũng sẽ chẳng chữa được bất cứ dã tâm mãn tính nào của chúng ta. Cách hay nhất là học cách tôn trọng những gì thiên nhiên dạy, bớt áp đặt, và cố gắng yêu thương nhau, dù chỉ là vì muốn tiếp tục ăn bánh pizza người khác làm.

N

Kết luận: Tự cổ chí kim, không ai tốt cả, không ai!

P/S, một lời cuối cùng thôi: Một người đã chứng kiến đủ mọi méo mó của cuộc chiến đáng lý không nên xảy ra này, tôi nhận ra rõ ràng: người chống tiến hóa hay người ủng hộ cũng đều là con người với đầy những sai lầm và khiếm khuyết, nên ném đá nhau về phương diện đạo đức “tao hơn mày, mày thua tao” là hoàn toàn vô bổ. Nếu quả thật người chống tiến hóa còn hệ miễn dịch cao hơn hẳn “tín đồ tiến hóa” đối với các hành động xấu xa, các bạn ấy sẽ không cần phải dùng số liệu trời ơi, diễn giải tùy tiện dữ kiện, giả mạo định luật khoa học, xuyên tạc phát biểu cá nhân, bóp méo lịch sử, tung hỏa mù những chuyện vớ vẩn chỉ để hạ uy tín thuyết tiến hóa.

Khi nghe câu này tôi cũng khá là ngạc nhiên, bởi chiêu trò gì người chống tiến hóa dùng để bêu xấu Darwin tôi cũng xem rồi, nhưng chưa từng thấy câu này.

Và hóa ra là ông Hưng lấy nó từ một nguồn cực kỳ uy tín:

một blogger gặp hoạn nạn về ngữ pháp, tự dựng cột comment trên blog của mình và dĩ nhiên không có nguồn.

Đây chỉ mới là trường hợp mới nhất tôi bắt gặp.

Nếu thuyết tiến hóa sai, dữ kiện thật sẽ bác bỏ nó mà không cần châm chích râu ria hay 1001 tư thế uốn dẻo về lý luận, nên chúng ta hãy bám chặt vào đó, vậy nghen :D.

P/S 2, một lời cuối phẩy nữa thôi ^^: Tác giả Phong Trần nói là tổng hợp, nhưng thực ra là cắt dán và lắp ghép lại từ các bài viết khác. Với những thứ như cách trình bày luận điểm, dẫn chứng được chọn, cách ví von còn chấp nhận được, bởi vì mình có thể bị “ngấm” lúc nào không hay rồi tưởng là của mình. Nhưng copy nguyên mảng mà không để trong ngoặc kép hay chí ít là ghi rõ nguồn thì đó là hành vi đạo văn, một điều tuyệt đối cấm kỵ về học thuật.

Một bài viết đăng năm 2010 của trang về Pháp Luận Công, Minh Huệ, dịch từ một bài năm 2007 (có phiên bản Anh, Hoa). Các bạn xem có thể thấy đoạn gần đầu, và kỳ thực là hầu hết bài, Phong Trần copy nguyên xi:

Báo chí ở VN mình thật sự là còn quá dễ dãi về biên tập :P.

***

[*] “As man advances in civilisation, and small tribes are united into larger communities, the simplest reason would tell each individual that he ought to extend his social instincts and sympathies to all the members of the same nation, though personally unknown to him. This point being once reached, there is only an artificial barrier to prevent his sympathies extending to the men of all nations and races. If, indeed, such men are separated from him by great differences in appearance or habits, experience unfortunately shews us how long it is, before we look at them as our fellow-creatures. Sympathy beyond the confines of man, that is, humanity to the lower animals, seems to be one of the latest moral acquisitions. It is apparently unfelt by savages, except towards their pets. How little the old Romans knew of it is shewn by their abhorrent gladiatorial exhibitions. The very idea of humanity, as far as I could observe, was new to most of the Gauchos of the Pampas. This virtue, one of the noblest with which man is endowed, seems to arise incidentally from our sympathies becoming more tender and more widely diffused, until they are extended to all sentient beings. As soon as this virtue is honoured and practised by some few men, it spreads through instruction and example to the young, and eventually becomes incorporated in public opinion.”

Charles Darwin, The Descent of Man, 1871

[**] “There should be open competition for all men; and the most able should not be prevented by laws or customs from succeeding best and rearing the largest number of offspring. Important as the struggle for existence has been and even still is, yet as far as the highest part of man’s nature is concerned there are other agencies more important. For the moral qualities are advanced, either directly or indirectly, much more through the effects of habit, the reasoning powers, instruction, religion, etc., than through natural selection; though to this latter agency may be safely attributed the social instincts, which afforded the basis for the development of the moral sense.”

Charles Darwin, The Descent of Man, 1871