CHÚNG TA LÀ SÚC SINH! (NHƯNG ĐỪNG ĐỔ THỪA THUYẾT TIẾN HÓA) – Phần 2. Phân loại Linnaeus VẪN TIẾP TỤC đặt con người về đúng vị trí của mình

Bài 2 trong hai bài viết dịch từ labspaces. Mời bạn đọc Phần 1!

Lần trước, chúng ta đã giới thiệu hệ thống phân loại lồng vào nhau được lăng xê từ giữa thế kỷ 18 bởi nhà khoa học Đạo Thiên Chúa theo sáng tạo luận Carl Linnaeus. Sử dụng hệ thống phân loại này, chúng ta đã xác định rằng con người không chỉ là động vật, mà còn là động vật có xương sống… dù cho chúng ta đã tránh hoàn toàn việc nhắc đến tiến hóa và chỉ nhìn vào cấu trúc giải phẫu mà thôi. Cùng nhớ lại, động vật có xương sống là sinh vật nhân thực (là tế bào có nhân), động vật (là sinh vật nhân thực đa bào có khả năng di chuyển và ăn các tb của sinh vật khác), một eumetazoan (là động vật sở hữu mô có tổ chức), đối xứng hai bên (là các eumetazoan chỉ có thể chia theo một chiều để tạo ra hai nửa đối xứng), miệng thứ sinh (là động vật đối xứng hai bên mà lỗ hậu môn hình thành trước lỗ miệng), có dây sống (là động vật miệng thứ sinh có dây sống, túi hầu và đuôi) đồng thời thuộc nhóm có hộp sọ và có xương sống (là động vật có dây sống mà có bộ xương bên trong cơ thể bảo vệ sọ và tủy).

Động vật có xương sống bao gồm những thứ chúng ta gọi là “cá” cũng như lưỡng cư (như ếch nhái và kì giông), “bò sát” (như thằn lằn, rắn và cá sấu), thú có vú và chim. Tuy nhiên, một vài loại “cá” thiếu một số đặc điểm mà hầu hết loài cá khác có: hàm, sọ và xương sống được gia cố bằng xương thật (xương thật hóa rắn bằng một khoáng chất thuộc nhóm canxi photphat, calcium hydroxylapatite). Theo hệ phân loại Linnaeus, những thứ cá không có hàm này (bao gồm các loại cá mút đá) được đặt vào siêu lớp Cá không hàm (Agnatha). Các động vật có xương sống khác (bao gồm hầu hết các loài cá) đều có hàm và được đặt vào siêu lớp (hay thứ ngành) Có quai hàm (Gnasthostomata). Chắc cũng không cần nói là con người có hàm đấy, nên cũng thuộc nhóm này. Một số động vật có xương sống có quai hàm lại có bộ xương làm gần như hoàn toàn bằng sụn, và chỉ có khoáng chất canxi hóa răn ở răng và một phần của các đốt sống. Chúng được đặt vào trong lớp hoặc siêu lớp gọi là Cá sụn (Chondricthyes, bao gồm cá mập, cá đuối và cá mập ma). Những con có quai hàm khác có nguyên bộ xương bên trong (kể cả sọ và xương sống) được gia cố chắc chắn bằng khoáng chất canxi, bao gồm luôn cả một bộ be sườn chắc để bảo vệ nội tạng; đám “cá xương” này và mọi động vật có xương sống khác đều được đặt vào siêu lớp gọi là Cá xương (Osteicthyes), trong đó có cả chúng ta vì cũng có xương canxi cứng, bao gồm bộ xương sườn [Các bạn đã đọc cuốn “Tất Cả Chúng Ta Đều Là Cá” chưa? Ý là như thế đấy, chúng ta gần gũi về giải phẫu với cá xương hơn là cá xương với cá mập, thế có điên không ^^? – EvoLit].

Trong số động vật có xương sống có bộ xương canxi, có một nhóm lớn gọi là Bốn chân (Tetrapoda, bao gồm “lưỡng cư, “bò sát”, thú & chim) chia sẻ nhiều đặc điểm chung với một số loại cá hơn với các nhóm khác. Một số “cá” xương có vây chứa những xương to nặng hơn hầu hết những con cá khác và có bố cục tỏa phân nhánh (càng xa cơ thể xương càng phân nhiều nhánh); ta cũng quan sát được điều này ở chi của động vật bốn chi (tetrapod). Ví dụ, bạn có một xương cánh tay, hai xương cẳng tay (xương quay, xương trụ), và nhiều chuỗi xương tỏa ra của năm ngón bàn tay. Bạn cũng có bố cục như vậy ở chân và bàn chân. Tetrapod và cá có kiểu bố cục này (gọi là “cá vây thùy”) được nhóm thành một nhóm gọi là Lớp Cá vây thùy (Sarcopterygii).

Xương vây cá vây thùy (trái) và xương tay lưỡng cư

Bộ xương cá vây thùy và tetrapod.



Tuy nhiên, những xương này ở tetrapod kiên cố hơn rất nhiều so với bất cứ loài cá nào, và điều đó là tất yếu: tetrapod sử dụng “vây” của chúng để chống đỡ cơ thể trên cạn. Hơn nữa, tetrapod có xương vai không nối với sọ, trong khi ở cá xương thì thường là như vậy. Điều này là do hầu hết tetrapod đều đi bằng bốn chân (nghĩa là di chuyển bằng chi trước), và nếu đôi vai nối liền với đầu, sự xóc khi di chuyển sẽ truyền lên sọ. Tiếp theo, ở hầu hết tetrapod xương hông được gắn chặt vào xương sống để nâng đỡ cơ thể trên đất liền; ở cá, thì lại rời ra. Xương vai của bạn tách khỏi sọ, và xương hông bạn gắn vào xương sống. Bạn có thể nhìn thấy tất cả các đặc điểm đó, cộng với đặc điểm phân nhánh xương của Lớp Cá vây thùy chúng ta trong bộ xương người nhìn từ đằng sau.

Dáng ai… đứng như bóng dừa…

Tiếp tục nào! Trong số tetrapod, nhóm ta thường gọi là “lưỡng cư” (ếch và kì giông) có lớp da mềm và nhớt, đẻ trứng mềm và nhớt, cả hai đều cần phải được giữ ẩm liên tục để sống sót; lưỡng bị trói chặt vào đời sống gần nước. Chúng cũng phải sinh sản trong nước, vì con đực không thụ tinh cho trứng khi chúng còn trong cơ thể con cái. Con cái đẻ trứng trước rồi con đực mới thả tinh dịch lên chúng để tinh trùng bơi đến trứng bên ngoài; vì thế quá trình này buộc phải diễn ra ở điều kiện ẩm, và được gọi là thụ tinh ngoài. Hầu hết cá cũng làm như vậy. Hơn nữa, trứng của cả cá và ếch đều thường không chứa nhiều thức ăn (dưới dạng lòng đỏ) lắm để dành cho phôi thai đang phát triển, nên chúng thường không ở trong trứng lâu mà sớm phải nở ra rồi tự đi tìm thức ăn.
Trái lại, mọi tetrapod khác đều nằm trong một nhóm gọi là Có màng ối (Amniota), sử dụng thụ tinh trong (phương pháp thụ tinh được ưa thích nhiều triệu năm liền) và hầu hết đẻ một loại trứng rất đặc biệt, trứng có màng ối. Cái trứng này có một cái màng gọi là màng ối, nó bảo vệ phôi thai bằng cách giữ cho nó không bị khô. Trứng có ối cũng thường có nguồn lòng đỏ lớn hơn rất nhiều để nuôi bào thai, để chúng có thể phát triển lâu hơn trước khi nở. Tuy nhiên, màng ối và lòng đỏ cũng được tìm thấy ở các tetrapod mang phôi thai và cho nó phát triển trong cơ thể thay vì đẻ trứng ra… bao gồm luôn con người. Trong quá trình phát triển, phôi người cũng được bao phủ bởi một cái màng ối và một túi lòng đỏ nối với phôi thai tại đúng y vị trí của các tetrapod đẻ trứng, mặc dù nó có chức năng hơi khác một chút (là nơi hệ tuần hoàn bắt đầu hình thành). (Xem hình vẽ trắng đen sau).

Có ba nhóm động vật có màng ối còn sống thường được công nhận trong phân loại Linnaeus: Bò sát (Reptilia), Chim (Aves) và Thú (Mammalia) (thực ra còn có các nhóm lớn và sâu sát hơn trong nhóm Có màng ối mà ba nhóm này rơi vào, ta sẽ bàn đến chúng sau). Chắc chắn bạn đã biết những khác biệt cơ bản giữa các nhóm này. Hầu hết thú có vú (khác với chim và bò sát) không đẻ trứng mà nuôi dưỡng phôi thai trong bụng con mẹ (dù cũng có màng ối), không có vẩy và/hoặc lông, có các tuyến nhũ thường tập trung vào các núm vú để sản xuất ra sữa (mà con cái dùng để nuôi con con). Chúng cũng có ba cái xương ở tai giữa được dùng để truyền âm thanh từ màng nhĩ vào tai trong (bò sát và chim chỉ có một), và có công thức răng heterodont, nghĩa là miệng chúng có các loại răng với hình dáng rất khác nhau cho nhiều kiểu xử lý thức ăn riêng biệt (răng cửa, răng nanh, răng tiền hàm, răng hàm). Bò sát nhìn chung có công thức homodont, nghĩa là răng chúng có xu hướng giống nhau hơn, còn chim thì dĩ nhiên không có răng (ít nhất là những con còn sống… cái đó nói sau). Con người, dĩ nhiên có lông, nhiều loại răng, ba xương tai trong (ta gọi là xương búa, xương đe, xương bàn đạp). Hình sau cho thấy các loại răng trong miệng người.

Một nhóm thú gọi là đơn huyệt (monotreme, thú mỏ vịt và thú lông nhím echidna) đẻ trứng có màng ối trong đó phôi thai được nuôi dưỡng bởi một túi lòng đỏ. Một nhóm khác gọi là thú túi hay thú chưa có nhau thai (marsupial, như kangaroo, koala), không đẻ trứng mà con non giai đoạn đầu được nuôi trong bụng mẹ. Phôi thai được nuôi dưỡng một phần bởi một túi lòng đỏ; ngoài ra, còn có một cơ quan gọi là nhau thai kết nối dòng máu của mẹ với phôi thai để truyền các chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, nhau thai của thú túi không thể giữ cho hệ miễn dịch của mẹ không tấn công phôi thai thông qua dòng máu về sau này được (bởi vì rốt cuộc thì đứa con cũng có một nửa ADN của bố và bị hệ miễn dịch của mẹ coi là sinh vật xâm nhập). Vì thế, con non sớm tách khỏi nhau thai và được sinh ra chỉ sau một vài tuần từ lúc thụ tinh, khi vẫn còn là một bào thai chưa phát triển hoàn chỉnh phải sống trong một cái túi ở bụng của con mẹ, nơi chứa các núm vú để bám vào và bú, và kết thúc quá trình phát triển ở đó để nhận nguồn dinh dưỡng từ sữa thay vì dòng máu của mẹ.

Nhóm thú có vú lớn nhất là nhóm có nhau thai (placental), nhau thai của chúng có cấu trúc phức tạp hơn rất nhiều để tránh sự tấn công của hệ miễn dịch của con mẹ (dù không phải lúc nào cũng có hiệu quả; hiện tượng sẩy thai ở người có thể là do phản ứng miễn dịch, dù đây không phải nguyên nhân phổ biến nhất). Nhau thai chính là thứ cho phép phôi phát triển lâu hơn trong tử cung. Phôi có thể ở trong cơ thể mẹ nhiều tháng, hoặc thậm chí là vài năm (ở voi chẳng hạn). Con người cũng phát triển với sự hỗ trợ của nhau thai trong 9 tháng; chúng ta không đẻ trứng như thú mỏ vịt hay có túi như kangaroo, vì thế chúng ta là thú có nhau thai.


Giờ chúng ta bắt đầu đi sâu lắm rồi đấy. Dù cho có cùng những đặc điểm chung trên, thú có nhau thai lại là một nhóm cực kỳ đa dạng; hãy nghĩ đến cá voi, ngựa, voi, dơi, khỉ, mèo, lừa, nghĩ tới nghĩ một lần nữa… thú có nhau thai chiếm lĩnh một phạm vi khổng lồ các phương án hình dáng, sinh cảnh và lối sống. Một nhóm trong số đó là Linh trưởng (Primates), bao gồm phân bộ Bán hầu (Prosimii, các loài culi, vượn cáo và họ hàng), khỉ và vượn. Linh trưởng có bộ não rất rất lớn so với kích cỡ cơ thể, và nhìn chung là thông minh hơn các loài thú khác. Đa số linh trưởng sống trên cây, và có một loạt các đặc điểm hữu ích cho đời sống leo trèo trên các cành cây. Chúng có mắt hướng về trước, cho chúng tầm nhìn chồng lấp (hai mắt cùng nhìn thấy một thứ); ở hầu hết thú (ví dụ như ngựa), cặp mắt nằm ở hai bên, nghĩa là mắt trái chỉ thấy bên trái của con vật và ngược lại, với rất ít hoặc không có chồng lấp. Đôi mắt nhìn hai bên như vậy hữu ích cho một tầm nhìn rộng nhất có thể (ngựa có thể nhìn thấy bạn tiến về phía nó từ đằng sau bằng tầm nhìn ngoại biên), đó là điều tốt trong bối cảnh một thứ gì đó muốn ăn bạn tính chơi đánh úp.

Hầu hết linh trưởng, nhờ sống trên cây, không phải lo lắng nhiều về điều này lắm… một vấn đề đáng lo hơn với chúng là té ngã. Có thị giác chồng lấp cho chúng hình ảnh nổi, hay còn gọi là 3-D, cho phép chúng canh được khoảng cách, đây là một kỹ năng sống còn khi nhảy hay chuyền cành. Một nhóm thú khác cũng có thị giác 3-D là Thú ăn thịt (Carnivora, như chó, mèo), sử dụng chúng để canh khoảng cách đến con mồi. Tuy nhiên, hầu hết linh trưởng cũng có thể nhìn được màu sắc, điều mà chó, mèo bị thiếu. Ngược lại, linh trưởng thì lại có khướu giác tương đối kém hơn so với hầu hết thú khác. Hầu hết linh trưởng cũng có ngón cái đối diện (là ngón tay cái có thể chạm đến các ngón còn lại, cho phép chúng ta cầm nắm đồ vật), và có móng phẳng thay vì vuốt. Bạn cũng có mắt nhìn về trước có thể phân biệt màu sắc, khướu giác hơi kém so với thú khác và ngón cái đối diện cũng như móng tay phẳng. Bạn có thể nhìn thấy tất cả những điều trên trên con khỉ đuôi dài sau (macaque).

Trong nhóm linh trưởng, nhóm gọi là vượn (có tên khoa học là Hominoidea) có một vài đặc điểm phân biệt với các linh trưởng khác. Chúng thường to hơn đám bán hầu và khỉ nhiều, và có bộ não còn to hơn nữa. Chúng cũng có đôi tay và vai linh hoạt hơn nhiều; xương vai ở hầu hết linh trưởng (cùng như hầu hết động vật có xương sống khác) nằm ở hai bên be sườn, nhưng với vượn thì lại nằm ở sau (xem lại bức tranh vẽ bộ xương người nhìn từ đằng sau, xương vai là scapula). Điều này cho phép vượn duỗi đôi tay thẳng lên trên đầu, một hành động linh trưởng khác không làm được, và vượn dùng nó để chuyền từ cành này qua cành khác thay vì đi trên các cành [bạn có thể thấy trẻ con chơi thứ giống cái thang nằm ngang ở công viên, nó gọi là monkey bar. Lưu ý một số loại khỉ cũng có thể đu và chuyền cành, nhưng trò này là “nghề” của vượn chúng ta, bởi vì chúng ta bự hơn và khó chạy trên cành hay tìm một cành đủ chắc để nhảy – EvoLit]. Cũng như mọi động vật có dây sống, vượn cũng có đuôi khi còn là phôi thai, nhưng khác với gần như mọi đứa còn lại, chúng mất đuôi trước khi ra đời. Đúng rồi, bạn đấy.

Tại sao chúng ta lại nằm gọn trong hệ phân loại này đến thế? Tại sao chúng ta lại không phải là một nồi lẩu thập cẩm các đặc điểm giải phẫu từ khắp mọi giới động vật, thực vật, nấm? Có lí do gì hợp lí để chúng ta không có nhân tế bào hoàn toàn khác đám còn lại, quang hợp như thực vật, phát triển từ phôi có miệng tạo thành miệng, có bộ xương bên ngoài như con cua, có đuôi như con khỉ? Chúng ta hoàn toàn có tiềm năng làm bục cả hệ thống Linnaeus tương đối xinh đẹp và gọn gàng mà mọi sự sống được đặt vào… vậy mà không. Chúng ta là những sinh vật nhân thực, dị dưỡng với mô chuyên biệt và đối xứng hai bên, với phôi thai có miệng tạo thành hậu môn, có giai đoạn sở hữu dây sống, đuôi sau hậu môn và túi hầu, một bộ xương trong có hộp sọ, xương sống, hàm và xương sườn, tất cả đều gia cố bằng calcium hydroxylapatite, các xương chi rắn chắc phân nhánh với xương vai tách rời khỏi sọ còn xương hông lại gắn vào xương sống, phôi của chúng ta phát triển nhiều tháng trong tử cung với sự giúp đỡ của nhau thai, ta có lông, núm vú, ba xương tai trong, công thức răng nhiều loại, mắt nhìn về trước có thể phân biệt được màu sắc, tay có ngón cái đối diện và móng thay vì vuốt, xương vai linh hoạt, mất đuôi trước khi sinh. Chúng ta là sinh vật nhân thực, sinh vật lông roi sau, động vật, động vật mô phân hóa, động vật đối xứng hai bên, động vật miệng thứ sinh, động vật có dây sống, động vật có hộp sọ, động vật có xương sống, động vật có quai hàm, cá xương, cá vây thùy, động vật bốn chân, động vật có màng ối, thú có vú, thú có nhau thai, linh trưởng và cuối cùng là vượn.

Bạn có biết? Con người được xếp vào với khỉ và vượn hơn một thế kỷ trước khi có Thuyết tiến hóa! Năm 1735, Carl Linnaeus xếp người vào phân bộ Anthropomorpha (từ tiếng Hy Lạp cổ άνθρωπος, anthropos = người => phân bộ hình người) cùng với khỉ, vượn và lười :D. Năm 1758 nó được chính ông thay thế bằng tên Linh trưởng gần đúng 100 năm trước năm xuất bản cuốn Nguồn gốc các loài (1859). Ngoài ra, năm 1825,  John Edward Gray đưa ra tên gọi Hominidae cho họ vượn lớn và Hominini cho tông chứa người và tinh tinh, công nhận mối quan hệ gần gũi tầm cao nhất thời bấy giờ trong toàn sinh giới giữa tinh tinh và người, mặc dù chưa ai biết Darwin là ông nào 😉 – EvoLit

Cấu trúc giải phẫu của mình đặt chúng ta đúng bon vào tất cả các hạng mục trên, không hề có sự mơ hồ nào hết. Để cho ngắn gọn, tôi đã không liệt kê hết tất cả những đặc điểm đưa chúng ta vào các nhóm này, và tôi thậm chí còn bỏ qua một đống các phân loại phụ (ví dụ, tiểu bộ Khỉ mũi hẹp (Catarrhini) – bao gồm vượn và Khỉ Cựu thế giới, không bao gồm Khỉ Tân thế giới) mà chúng ta cũng vừa khít.

Tranh minh họa tuyệt đẹp đã bị EvoLit bạo hành bằng Paint nãy giờ :((

Chúng ta cóc cần một mảnh bằng chứng nào từ di tích hóa thạch để chứng minh rằng chúng ta là hậu duệ của vượn (mặc dù ta có cả xe tải), bởi vì CHÚNG TA CHÍNH LÀ vượn, và cha mẹ cũng như ông bà ta cũng vậy. Và có lẽ bạn đã để ý thấy tôi chừa hề nói một chữ đến thuyết tiến hóa trong bất cứ đâu suốt hai bài này [Tôi đã kiểm lại, tác giả không hề nhắc tới hay giả định hay lấy cơ sở từ thuyết tiến hóa – EvoLit]. Các mô-típ tự bật ra, dù cho lời giải thích cho chúng đến từ đâu thì cũng không có gì khác. Điều kì lạ duy nhất về chúng ta với cương vị là động vật là hành vi và năng lực trí tuệ, nhưng những điều đó không thể thay đổi bất cứ điều gì về việc cấu trúc giải phẫu của con người nằm trong hệ phân loại Linnaeus. Dù chúng ta có (hoặc không) là sinh vật thông tuệ, minh triết, cao cả v.v và v.v nhất trên hành tinh đi chăng nữa, chúng ta vẫn mang cơ thể của động vật. Không phải một loài động vật bất kỳ, mà là một nhóm động vật rất cụ thể. Nói như những người chống tiến hóa rằng điều đó hạ thấp nhân tính của con người là vô lý. Nói con người là vượn, linh trưởng & động vật không làm chúng ta kém con người hơn, cũng như nói con vẹt là một con chim không khiến nó ít “vẹt” hơn. Một phần tất yếu của chất người chính là chất vượn.
Ngay cả khi thuyết tiến hóa hoàn toàn sai và chúng ta được thiết kế thông minh, chúng ta cũng đã được thiết kế thông minh dưới dạng những con vượn. Ngay cả một nhà sáng tạo luận theo Thiên Chúa Giáo cũng có thể nhìn thấy điều đó. Carl Linnaeus chẳng vui vẻ gì về những kết luận của chính mình về cách phân loại con người, nhưng ông đã không thể phớt lờ các bằng chứng. Để đáp lại những người chỉ trích, ông viết:

[Ông] không hài lòng vì tôi đã đặt Con người vào nhóm Anthropomorpha [nhóm sau này gọi là Linh trưởng] nhưng con người học cách hiểu chính mình. Ta đừng nên giằng co về con chữ. Dù ta có đặt tên gì thì với tôi cũng thế thôi. Nhưng tôi xin ông và cả thế giới hãy cho tôi một điểm khác biệt về tổng thể giữa con người và khỉ hình người mà [xuất phát từ] các nguyên lý của Lịch sử Tự nhiên thôi. Tôi hoàn toàn không biết một điểm nào như thế. Ước gì ai đó có thể nói với tôi, dù chỉ một điểm thôi!

It does not please [you] that I’ve placed Man among the Anthropomorpha [what he would later called Primates] but man learns to know himself. Let’s not quibble over words. It will be the same to me whatever name we apply. But I seek from you and from the whole world a generic difference between man and simian that [follows] from the principles of Natural History. I absolutely know of none. If only someone might tell me a single one!

Thật đáng tiếc rằng những nhà sáng tạo luận ngày nay không cho thấy được sự dũng cảm và chân thật như vậy.

7 Comments

  1. Mình rất trân trọng những gì mà Evolit đã làm để ủng hộ thuyết tiến hóa. Đối với mình, thuyết tiến hóa là học thuyết vững chắc và sâu rộng nhất từng được biết đến, dù cho có bao nhiêu sự chống phá đi nữa thì cũng không bao giờ có thể đánh đổ được. “Trong cộng đồng khoa học, không còn có sự tranh luận về sự tiến hóa có xảy ra hay không, và không có bằng chứng nào chứng tỏ là sự tiến hóa đã không xảy ra.” – Hàn Lâm Viện Khoa Học Quốc Gia Hoa Kỳ.
    http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=861

    Thích

    1. Cảm ơn bạn Hoàng. Thực sự làm trang web này mục đích ban đầu của mình chỉ là phổ biến kiến thức sinh học thôi, nhưng mình sớm nhận ra rằng việc chống thuyết tiến hóa nó nằm trong cả một phong trào chống khoa học – thay thế những điều đúng khách quan bằng cảm tính và những gì làm người ta thấy dễ chịu – với những xúc tu nguy hiểm hơn cả là chống y học phương tây, nhất là chống vaccine nên mình càng có thêm động lực giữ cánh cổng này :D.

      Thích

  2. Nhớ giữ lâu lâu nha, mai mốt mình thấy đứa nào gào lên “Darwin nói con người tiến hóa từ khỉ” là mình lấy tư liệu từ đây đập vào mặt nó, mấy đứa như thế nói nhỏ nhẹ nó không nghe =)). Bạn chắc hợp với mấy tác giả bên Zeally đó, mấy bài bên đó đậm tính khoa học như bên này vậy. Cảm ơn nha :D.

    Thích

    1. Đừng đập bạn ơi, đừng đập. Hôm nay mình vắt chân lên trán và nghĩ tại sao một số người lại có thể mù quáng, vô lý và hành xử thiếu văn minh như vậy. Rồi mình nhận ra rằng đó là do họ biết họ không có đủ dữ kiện để tranh luận một cách nghiêm túc nên mới phải dùng đến những phương cách đe dọa, khủng bố và ngang ngược. Thế nên, là người đã tìm hiểu kỹ điều mình nói và nắm được bằng chứng khách quan, chúng ta phải đàng hoàng chứ không hạ xuống đẳng cấp giống họ được – Lúc nào mình cũng phải giữ tác phong thanh nhã, hào sảng, nghen!

      Nói nhỏ: Mình làm việc cho zeal đó bạn Thanh Hoàng :))

      Thích

  3. Xin chào Evolit. Tôi có vài điểm chưa được “thông”, mong được Evolit chỉ điểm:
    1. Phân loại Linnaeus căn cứ vào đặt điểm giải phẩu để phân loại các loài. Các hiểu này của tôi có đúng không?
    2. [Nếu 1 đúng] thì nghĩa là 2 loài trong cùng 1 chi thì cũng không có nghĩa là có quan hệ họ hàng bà con với nhau?
    3. Như Evolit cũng đã nói thì phân loại Linnaeus đã không còn được dùng nữa. Vậy hiện tại hệ thống phân loại nào đang được sử dụng và hệ thống đó dựa trên tiêu chí nào?

    Câu hỏi cuối là do tôi không tự tin lắm vào vốn ngoại ngữ của mình nên không tự google được, mong Evolit thông cảm!

    Thích

    1. Chào bạn, cảm ơn vì đã quan tâm đến bài viết
      1. Đó là căn cứ chính, nếu hiểu cấu trúc giải phẫu là các đặc điểm hình thái quan sát được
      2. Đôi khi việc dùng cấu trúc giải phẫu bị “lạc đạn”, ví dụ như bộ da dày (order Pachydermata) mà các nhà khoa học như Cuvier (1769 – 1832) đã đặt ra, ngày nay chúng ta đã bỏ. ” “Pachydermata” […] chứa cả ngựa và các họ hàng của nó như heo vòi, tê giác, voi, hà mã, lợn cỏ pêcari và lợn.” Rõ ràng có những loài gần gũi với các bạn trên hơn nhưng vì không có da dày và một số tiêu chí khác mà lạc họ. Tuy nhiên, xuống đến cấp độ chi thì các sinh vật đã phải có rất rất nhiều điểm tương đồng, kiểu giống nhau đến nỗi nếu giống hơn nữa thì đã là cùng một loài. Ví dụ, cùng một chi Homo với Homo sapiens chúng ta là Homo neanderthalensis (người Nê-an-đéc-tan), có ý kiến cho rằng họ nên được tính là phụ loài với chúng ta thay vì loài riêng, nhưng họ vẫn đủ khác chúng ta để điều đó còn phải coi lại. Việc chung một chi, còn có thể cho phép sự giao phối tạo ra được đời con, dù có thể bị khuyết tật hoặc vô sinh, ví dụ, cọp (Panthera tigris) và sư tử (Panthera leo) có thể sinh ra được con dù chúng trục trặc. Tinh tinh giống chúng ta 98% trên những vùng ADN kiểm tra được nhưng vẫn nằm ở chi khác (Pan). Vì thế, việc hai loài ở cùng một chi mà lại không có quan hệ họ hàng khó có khả năng xảy ra, trừ khi người phân loại quá ẩu.
      3. Phân loại Linnaeus vẫn còn được dùng, và chúng ta vẫn học về nó đấy chứ. Đóng góp lớn nhất của Linnaeus là danh pháp hai phần (Chi – loài, Homo sapiens) vẫn là cách định danh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, với sự ra đời của thuyết tiến hóa và hiểu biết mà nó mang lại, từ vài thập nhiên nay chúng ta chuộng phương pháp cladistics, khi sinh vật được nhóm thành các clade các hậu duệ của cùng một tổ tiên theo phả hệ lồng vào nhau (ví dụ, cá voi có tấm sừng lọc thức ăn và cá voi săn mồi là một clade nhỏ chung một tổ tiên Z, clade đó cùng với các loài cá voi cổ vẫn còn có chân đã tuyệt chủng là một clade lớn hơn chung một tổ tiên Y, clade này cùng với hà mã lại tạo thành một clade lớn hơn nữa chung tổ tiên X v.v, (xem bài này để biết thêm chi tiết https://sinhtienhoa.wordpress.com/2016/09/23/evothink-tu-duy-tien-hoa-1-ca-voi-va2-gia-tri-cua-nhung-luong-bang-chung-doc-lap/)

      Thích

Bình luận về bài viết này