Đạo Đức Trong Đấu Tranh Sinh Tồn. Phần 1: Những Gì Thuyết Tiến Hóa KHÔNG Dạy

Người chống tiến hóa hay phán rằng thuyết tiến hóa cổ vũ việc coi con người là con vật, tức là  mọi hành vi “súc sinh” đều ô kê với thuyết tiến hóa. Những người hiểu biết thì chỉ phẩy tay đầy “triết học” và nói “Ừ thì thuyết tiến hóa nói thế nhưng con người có thể tự chủ…” . Và thế là cả hai đã ngầm đồng thuận: thuyết tiến hóa gây nhiều hệ lụy xã hội. Thực chất, nếu chúng ta suy xét kỹ thay vì chỉ nghĩ từ vài thông tin hời hợt, thuyết tiến hóa hoàn toàn không ủng hộ những hành vi vô đạo đức.

***

Cùng vắt chân lên trán nghĩ về điều đó:

Thứ nhất. Họ nói thuyết tiến hóa dạy người ta vô đạo đức. Nhưng dạy ở đâu? Họ có thể trưng ra được bất cứ một sách vở chính thống nào đưa một hành vi này của “súc sinh” và ghi “từ đó, theo thuyết tiến hóa, con người cũng nên làm y như vậy” không? Lịch sử dạy ta rằng giặc Ngô cướp, giết, hiếp, văn học kể chuyện Tấm lấy Cám làm mắm, nhưng bạn có bao giờ nảy ra ý nghĩ làm theo không? Không trường học nào dạy con người tham lam, tàn ác, dù trong bất cứ môn gì, lấy cơ sở từ bất cứ thứ gì (Trừ trường của IS, nhưng chính ở đó họ cũng coi cái họ dạy là những việc làm cao quý). Nếu có ai “học” được gì xấu từ thuyết tiến hóa thì cũng chỉ là sự suy diễn bậy bạ, mà tôi sẽ cho thấy là nếu chịu khó học kỹ thêm, động não nhiều hơn thì sẽ thấy hoàn toàn khác.

Thứ hai. Cho rằng chỉ vì khoa học dạy con người làm ABC thì họ sẽ răm rắp làm theo là ngây thơ. Thực tế, sinh học chủ động khuyến cáo con người rất nhiều hành động đơn giản, tốn ít thời gian mỗi ngày mà lại rất có lợi cho ta: dùng nhiều rau, ăn ngủ điều độ, chăm thể thao… đó là những điều chắc chắn là tốt không hề gây tranh cãi, vậy mà mấy người chịu nghe? Nếu kiến thức sinh học không làm cho người ta có hứng làm cái chuyện dễ ợt như uống thêm vài ly nước mỗi ngày được, điều gì khiến ta nghĩ nó xui ta làm chuyện khó như giết người được?

Thứ ba. Lập luận này dựa trên tiền đề “Vì ta là người văn minh, thuần phong mỹ tục khiến ta thanh cao, chứ thật sự hành vi súc sinh có lợi về mặt sinh học.” Lợi thật không? Số liệu và dữ kiện không đồng ý.

Ta ngồi trên ngôi cao, tháp ngà của mình mà phê phán hành vi của động vật là “thấp kém” bằng những tiêu chuẩn đạo đức tự ta đặt, rồi ta cùng gật gù là chúng ta cao hơn động vật quá đi à… đó giờ tôi luôn thấy điều đó nực cười (đến cả thần công lý cũng mang dáng hình con người, bà có thể cho muông thú một cán cân công bằng không?). Nhưng giả sử hành vi nào đó của động vật khách quan là xấu, thay vì hỏi “Tại sao chúng ta không làm như vậy?”, “Tại sao chúng ta phải làm như vậy?” là câu hỏi hợp lý hơn.

Trong kinh tế, chúng ta đều biết: hai quốc gia, hai địa phương, hai công ty chỉ cần có một điểm khác nhau thì một chiến lược thành công xối xả ở bên này đem qua bên kia cũng có thể thất bại nứt nẻ. Cả hai đều là động vật, nhưng chim không sủa và chó không bay; chỉ vì một loài làm điều gì không có nghĩa là mọi loài khác cùng phải làm điều ấy. Sau đây, ta sẽ thấy dù cho không có luật pháp hay văn hóa, thì chính bản chất sinh học và tổ chức xã hội của con người cũng đã làm cho việc bắt chước động vật là vô lý.

Giết nhau

“Struggle for life”, “Survial of the fittest”, hay được dịch ở Việt Nam là “đấu tranh sinh tồn”, “mạnh được yếu thua”. Thực tế không phải cứng ngắc như vậy. Phần sau tôi sẽ phân tích rõ hơn. Tạm thời:

Khi nghĩ về “đấu tranh sinh tồn”, ta nghĩ tới thiên nhiên tàn khốc và máu me, người chống tiến hóa vin vào đó bảo thuyết tiến hóa cổ súy bạo lực. Nhưng, bạn hãy cố nhớ lại hình ảnh ghê rợn nhất về thiên nhiên hoang dã bạn từng thấy. Bạn liên tưởng điều gì? Một bầy sư tử tràn lên mình một con linh dương đầu bò khốn khổ? Một con trăn chờ đợi lặng im như tượng trong đám lá, bất thình lình chụp lấy một con chuột run rẩy, chậm rãi nuốt con vật còn thoi thóp sau khi quấn gãy hết xương nó? Một con ngựa vằn bị cá sấu lôi xuống nước xé xác, máu nhuộm đỏ cả một vùng? Bạn có nhận ra điều gì chưa? Nghĩ lại xem: chúng đến từ mối quan hệ con mồi – kẻ ăn thịt. Nhưng cảnh tượng bầy nhầy ấy là khó tránh khỏi khi bạn không có số của KFC và phải sửa soạn bữa cơm bằng răng. Nếu chúng có ngón cái có thể chạm vào những ngón còn lại như ta, hẳn chúng cũng sẽ dùng dao nĩa, đốt đèn cầy và bật Mozart. Điều đó thì liên quan gì việc người chém người vì nhìn đểu nhau trong quán nước? Trong hầu hết các loài, đồng loại chả đương không tìm giết nhau làm gì. Khi có tranh chấp, vì chúng biết “chơi” tới cùng thì cả hai cùng thiệt, nên đa số động vật tìm cách đe dọa và đuổi – và thế là có đủ thứ tiếng kêu, ngôn ngữ cơ thể, nhún lên bật xuống, múa may quay cuồng để nói “Thôi khó quá bỏ qua!”.

 

Hai con đánh nhau đến chết chỉ hay thấy ở giống đực trong mùa sinh sản, nhưng đó là vì chúng tồn tại bằng sức mạnh ấy và thể hiện điều đó trước mặt con cái là hợp lẽ. Trên hết, ta phải phân biệt “giết” và “cố sát”, giết chết con đực đối thủ thường là do vô tình tạo ra vết thương quá nặng – tất cả những gì một con đực cần là con đực kia tránh xa khỏi các con cái trong lãnh thổ của nó. Nếu không phải đang trong thời kì động dục, nhiều khi các con đực còn chẳng thèm đánh nhau, vì điều đó chả có ích lợi gì cả – động vật rất thực tế, điều gì tốn ca-lo vô bổ chúng không làm. Quan trọng này: đa số động vật không cần đối thủ phải chết, không có cái “tôi” bự bằng cái mẫu hạm, nghĩ mình thiệt một tí là thao thức ôm hận, không rắp tâm lập mưu… không có gì tiệm cận với kiểu hạ thủ của ta cả.

Thực tế, về mặt kết đôi và nuôi con, chúng ta giống chim hơn nhiều loài thú. Chúng ta cũng sống một vợ một chồng và chia sẻ trách nhiệm nuôi con. Như bạn đọc nào đã từng giữ trẻ đều biết, người con là thứ em bé vô dụng nhất trong tự nhiên, 6 tháng tuổi vẫn chưa tự đi được và lệ thuộc hoàn toàn đến tận 18 năm sau. Người con còn vừa hiếu động lại tinh ranh, có thể vì tò mò mà tự gây hại cho bản thân, cần sự giám sát thường xuyên của người lớn. Chim thường không đánh nhau, chúng thể hiện sức khỏe và năng lực bằng tiếng hót hay, bằng bộ lông bóng, bằng điệu nhảy khiêu gợi hay cái tổ tiện nghi… chẳng phải cũng giống việc chinh phục người khác phái bằng vẻ ngoài, phong thái, tài năng nghệ thuật và nhà cửa xe cộ hay sao?

Tư lợi

Chúng ta nhìn những kiểu hành vi như heo giành ăn và nói: kìa, tự nhiên đó, tiến hóa đó, chẳng phải thuyết tiến hóa xúi giục người ta tự lo cho mình trước sao?

Những người chỉ trích thuyết tiến hóa cổ vũ cho lối sống chỉ biết có mình hình như quên mất đơn vị tiến hóa cơ sở là quần thể, chứ không phải cá thể. Như tôi từng viết, sinh vật không tiến hóa, loài mới tiến hóa. Mạnh con nào con nấy cứ vồ vập tài nguyên rồi cả quần thể suy sùm sụp, rồi đa dạng sinh học ở đâu để mà loài đó tồn tại? Loài tuyệt chủng mà tiến hóa cổ vũ là cổ vũ thế nào?

Có đất nước nào đã hùng cường từ loại dân chỉ biết nghĩ cho mình chưa? Tập thể nào mà mọi thành viên cùng chủ trương “Trời kêu ai nấy dạ” mà no ấm chưa ?(Gợi ý: nhìn vô gương)

Sinh vật xã hội nào thành công nhất? Ong, kiến, mối: phổ biến toàn cầu, số lượng đông đảo, vô cùng đa dạng nhưng có chung một đặc điểm: một con vì mọi con. Con ong lao vào cái tổ đang bị xông khói cũng là tự nhiên, những con khỏe nhất trong đàn bò xạ hương sẽ tạo thành một hình bán nguyệt thép bảo vệ bê và những thành viên yếu khi gặp kẻ thù cũng là tự nhiên… thiếu gì cái hay cái tốt trong thế giới động vật mà cứ ham chiết xuất mấy bài học xấu, sao ta học ngu thế?

Lấy tập vở ra chép liền: bò xạ hương không bỏ hàng ngũ ngay cả khi bị tấn công!

N

Loạn luân

Cái này dễ nè. Tôi không hiểu người ta nghĩ sao mà nói thuyết tiến hóa cho phép loạn luân.

Trước hết: đã từ rất lâu rồi, với con người, kết hôn không phải là hai người lấy nhau, mà đúng hơn là hai dòng họ kết thông gia. Họ gom nguồn lực và tài nguyên của mình lại, tạo một mối liên minh dựa trên hôn phối nhằm giúp nhau tăng tầm ảnh hưởng, vượt qua những lúc khó khăn và đầu tư cho con cháu chung. Con cháu của những gia đình tự cưới nhau không có đặc quyền “chạy về nội/ngoại”, không có hùn hạp, không có nơi nương tựa nếu một bên suy sụp. Cắt nghĩa: đừng rớ vào thân tộc.

Cùng một người mẹ, tỉ lệ dị tật ở trẻ em có cha là người thân một đời với mẹ cao hơn cha là người dưng tới 6 lần (42 so với 7%)

N

 

Rồi về sinh học: Ở một nghiên cứu trên trẻ em Tiệp Khắc cùng mẹ nhưng có cha là người thân một đời của mẹ hoặc người dưng cho thấy  42% trẻ cận huyết bị tật nặng và 11% nữa thiểu năng trí tuệ nhẹ. Một nghiên cứu khác cũng cho kết quả tương tự. Psychology Today kết luận “rủi ro trẻ sinh ra từ mối quan hệ anh em ruột hay cha – con gái bị chết sớm, dị tật nghiêm trọng hay thiểu năng trí tuệ vào khoảng 50%”.  Chả hế mà từ gián đến tinh tinh, từ động vật đến thực vật đều có cơ chế chống giao phối cận huyết. Ngay cả đánh bắt xa bờ hơn xíu vào các anh chị em họ, ta cũng tăng nguy cơ con cháu “hỏng hóc” lên gấp đôi (nghe gớm thế thôi chứ là từ 2% lên 4%). Cắt nghĩa: cái gì cúng thì cúng, cái gì ăn thì ăn đừng rớ vào thân tộc.

Hình ảnh có liên quan
Việc cưới anh chị em họ của mình là hợp pháp (có điều kiện) trên hơn một nửa nước Mỹ.

Ngay cả khi không tính đến gen bệnh, việc loạn luân về lâu về dài đe dọa cả loài người. Suy từ các rường cột của thuyết tiến hóa theo chọn lọc tự nhiên, một quần thể càng có tính đa dạng cao (có thể hiểu mỗi gen có rất nhiều phiên bản khác nhau, gọi là các allele (a-len, đọc đúng giống “a liêu ồ”)) thì càng có tiềm năng sống sót cao trước những biến đổi của môi trường. Một lần nữa, loài tiến hóa, cá thể không tiến hóa. Một cộng đồng thường xuyên giao phối cận huyết sẽ “cô đặc” các allele thành các dòng “thuần chủng” có thể ra đi cùng nhau khi một bệnh dịch mới đến. Cắt nghĩa: đừng rớ vào thân tộc.

Thế còn hai người tự nguyện triệt sản hay vốn không thể sinh sản như anh em trai, hai chị em gái, bố với con trai, mẹ với con gái? Ừ thì không ảnh hưởng trực tiếp về đời sau, nhưng thời gian và công sức đó có thể dùng để tìm những bạn đời có thể cho bạn con cháu khỏe mạnh. Đó có thể là lựa chọn cá nhân của họ, và tùy theo quan điểm triết học và văn hóa của bạn mà điều hai người lớn tự nguyện làm trong phòng kín là đúng hay sai (ví dụ, ở Hà Lan và Bỉ, điều đó không phạm pháp), nhưng thuyết tiến hóa chắc chắn không cổ vũ vụ này.

Cưỡng dâm

Nếu nói thuyết tiến hóa ủng hộ ép buộc tình dục với phụ nữ chỉ để duy trì nòi giống, đó là ta mặc định dâm tặc sẽ có lợi thế sinh sản hơn đàn ông đứng đắn, nhưng có phải vậy không?

 

Đừng bị vẻ ngây thơ  xốp mềm này đánh lừa, Donald sau này lớn lên đã trở thành đạo tặc hái hoa

Đúng là ở nhiều loài vịt thường có hiện tượng con đực cưỡng dâm, thậm chí cưỡng dâm tập thể (bá đạo lên tới 12 con trống) con mái. Hành vi này phổ biến đến mức đã có một cuộc “chạy đua vũ trang” giữa con trống và con mái, khi âm đạo càng ngày càng “lắt léo” và dương vật càng ngày càng “tinh ranh”.

Theo một nghiên cứu của châu Âu, cơ hội có con trong một lần quan hệ chỉ là 5%, đây cũng là tỉ lệ thụ thai của một lần cưỡng dâm. Vậy, theo xác suất một người đàn ông phải quan hệ 20 lần với cùng một người, hoặc phải xâm hại 20 người mới có một đứa con. Với cả những kẻ sừng sỏ thì đây cũng là một điều khó, vì trên thực tế trung bình một tên cưỡng hiếp liên hoàn chỉ thực hiện 6 vụ trong cả “sự nghiệp”. Trong khi đó, một người đàn ông có bạn tình tự nguyện lại rất dễ dàng đạt được 20 lần quan hệ chỉ trong vài tháng (tôi có ước lượng khiêm tốn quá không, các bạn trẻ? 😉 ). Một cặp vợ chồng bình thường đã dễ dàng có hai con rồi, nên nếu muốn thành công hơn người đàn ông đứng đắn, dâm tặc phải thực hiện trót lọt 60 vụ (Bill Cosby mới bị tố xâm hại 40 người mà đã bị gọi là kẻ tồi tệ nhất). Kể cả không có luật pháp và chúng không bao giờ bị bắt, ở loài người việc làm cho người ta có bầu chỉ là “thành công” bước đầu.

Ngày nay, người phụ nữ có thể quyết định có sinh con hay không. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, tỉ lệ phá thai sau cưỡng dâm là từ 15 – 50%. Mặt khác, dù hành vi cưỡng dâm không nâng cao hay làm giảm khả năng thụ thai, giả sử người mẹ quyết định giữ lại, đứa trẻ vẫn chịu rất nhiều thiệt thòi ngay từ lúc mới tượng hình. Ta đều biết quyết định sinh con là rất trọng đại, cha mẹ cần khoảng nửa năm để chuẩn bị chu đáo về dinh dưỡng, tầm soát sức khỏe, nguồn tài chính và thời gian… những đứa con của thủ phạm không có được sự chào đón này. Ngoài ra, mẹ khỏe thì con mới khỏe, nhưng ở những ngày, những tháng đầu tiên vô cùng quan trọng của bào thai, người mẹ nhiều khả năng trải qua PTSD (Rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý), ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, chế độ ăn uống và sinh hoạt. Hơn nữa, khi biết mình có thai, trong người mẹ có sự mâu thuẫn giữa cảm giác ghê tởm tất cả những gì liên quan đến thủ phạm, thường áp luôn vào mình đứa trẻ, và cảm giác đau khổ khi ghét con của mình. Khi đã ra đời, về vật chất, nó không có được nguồn tài nguyên và sự chăm sóc từ cả hai phụ huynh. Về tinh thần, nó có thể không được hưởng tình thương từ người mẹ và nhà ngoại, chịu sự dè bỉu của cộng đồng.

Tranh cổ động

Có ông còn nói theo thuyết tiến hóa, cưỡng hiếp không sai vì nó giúp duy trì gen của các con đực mạnh mẽ và đáng giá.

  • Thứ nhất, việc một người trấn áp được một người khác không chứng minh kẻ đó mạnh, nó chứng minh kẻ ấy thành một tên dâm tặc. Về lực thân trên, một con linh trưởng đực trung bình mạnh hơn 99.9% linh trưởng cái: thằng dở hơi nào cũng có thể cưỡng hiếp, và cả thằng yếu nhất cũng có thể tấn công một người phụ nữ đang say hay bất tỉnh.
  • Thứ hai, các nhà nghiên cứu đã điều tra và thống kê, và tên dâm tặc điển hình là một kẻ thất bại, tự ti, muốn áp chế người khác để bù đắp cho những thiếu sót của bản thân và khẳng định tính đàn ông của mình, hay mang lòng thù hận muốn trút lên người khác, hay xộc xệch tâm lý đến mức phải bạo hành mới thỏa mãn… tóm lại là “trục trặc” lắm chứ chẳng ngon lành gì. Vậy, thế nào là một con đực “đáng giá” về tiến hóa? Về nguyên tắc, nó không tồn tại, vì thích nghi luôn là tương đối, không có tính trạng ưu việt vĩnh hằng. Nhưng cứ tính thử những đặc điểm có thể coi là “kinh điển” và “bất hủ” đi hen: cao to, khỏe mạnh, ngũ quan cân đối (các tỉ lệ mắt mũi miệng “hot” có thay đổi theo chiều dài lịch sử, nhưng tôi không nghĩ có thời kì nào một gương mặt bên trái phá bên phải được ưa chuộng), và nhất là hòa nhập xã hội tốt. Những người như vậy chưa bao giờ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm bạn tình tự nguyện cả.
  • Ở chính loài vịt thì nếu con đực đủ tốt mã để thu hút được con mái thì nó đã bận bịu bắt cặp và bảo vệ con mái ấy để bảo đảm 100% trứng đẻ ra là con của nó. Còn những con vịt làm trò cưỡng hiếp tập thể thật ra là những con đẹt, xấu bị khước từ, chúng đổi bạo lực lấy nhiều khi chỉ là 1/12 của cái phần nhỏ cơ hội làm cha. Điều có có lí, nhưng ta khác với vịt: một con người cần quá nhiều thứ hơn chỉ đơn thuần là tồn tại, điều đó khiến những đứa con sinh ra từ cưỡng bức khó trở thành người thành công trong xã hội để có ưu thế trong duy trì nòi giống.

Ngoại tình

“Ờ, cưỡng dâm rõ ràng không phải phương án tốt. Nghĩ lại thì lập “phòng nhì” cũng dở, vì mỗi đứa con sẽ nhận được ít thời gian và tài nguyên từ tôi hơn, và tôi không thể ở bên canh giữ cả hai người phụ nữ một lúc để ngăn cản hàng xóm “gửi giống”. Nhưng nghĩ đến “gửi giống”, tôi nảy ra một phương án tốt hơn: một mặt tôi vẫn lấy vợ sinh con “đứng đắn”, mặt khác tôi tò tí với vợ của bạn tôi. Tôi dành tài nguyên cho con tôi, anh ta cũng dành tài nguyên cho con tôi, tôi thắng cả. Muahahahahaah!”

Anh chơi thâm thật. Tuy nhiên:

Kết quả hình ảnh cho cuckold funny picture
N

_Đầu tiên, người ta chỉ đổi bánh bò lấy bào ngư, không lấy bánh tiêu. Chiến lược này chỉ hoạt động với những anh đã hấp dẫn sẵn: anh ta đẹp, có nhiều tài nguyên hoặc tài lẻ – những người như thế đã “trên cơ” ngay từ đầu, giành được những người phụ nữ quyến rũ nhất; nó không thể là một điển hình để nhân rộng cho đại đa số đàn ông bình thường.

_Thêm nữa, đã chắc đó là “con tôi”? Trong một mối quan hệ một vợ – một chồng, con cái đánh đổi việc dừng cuộc chơi tìm kiếm Mr. Hoàn hảo để đổi lấy sự tận tụy của Mr. Ô kê cho mình và con, con đực đánh đối quyền giao hợp với nhiều con cái để giao hợp với một con nhiều lần và thường xuyên. Đây là chiến lược tốt, bảo đảm để cả hai có con, vì trong một năm xác suất có con của một cặp vợ chồng trẻ không tránh thai là 86% – làm bầu không khó. Trong khi đó, cái hấp dẫn của ngoại tình là nó là “phở”, là thứ lâu lâu mới được “ăn” và xác suất thụ thai của tình dục phân phối lẻ, như đã dẫn, là 5%. Thế nên, trừ khi người phụ nữ cố tình có con với “trái tim bên lề” (đây là việc không thường xảy ra như phim ảnh nói với bạn), người chồng vẫn chiếm ưu thế tuyệt đối. Chắc bạn cũng đã từng đọc những số liệu gây sốc như “1/3 đàn ông nuôi con thằng khác!”, nghe mà muốn liệng bỏ tất cả niềm tin về lòng người. Nhưng thực tế, một nghiên cứu mới đây tại Anh trên các phép thử ADN cha – con cho thấy số đàn ông không phải cha của con mình chỉ vào khoảng 1 – 2%. Chiến lược này không mang lại nhiều thành công như ta tưởng.

Liv Tyler, diễn viên phim Chúa Tể Những Chiếc Nhẫn và cha ruột mà thuở nhỏ cô chưa từng biết, ca sĩ Steven Tyler, giống nhau đến kỳ lạ. Kỳ lạ hơn nữa là vẻ đẹp “tộc tiên” của Liv thường giúp cô nằm trên các bảng xếp hạng ngôi sao đẹp nhất, trong khi cũng những nét ấy Steven Tyler lại luôn lọt top sao thảm họa.

_Cuối cùng, đừng quên con người là vua điều tra và phát hiện manh mối. Khác với động vật lớn nhanh và có ít sự tham gia từ người cha, cha người dành tới 18 năm bên con người. Mắt người tinh đến mức ta đã nghe chuyện cha bánh tiêu nghi ngờ chính con bánh tiêu vì con bánh tiêu lỡ giống bên ngoại hơi nhiều. Một ngày đẹp trời cha bánh tiêu sẽ thấy hình như có gì đó sai sai với con bào ngư. Thôi xong.

https://www.scientificamerican.com/article/babies-paternal-resemblance/

Dễ thấy, với thuộc tính sinh học của loài người như trên, việc đầu tư vào một mối quan hệ bền vững với một người phụ nữ và dồn hết tài nguyên và công sức cho một vài đứa con được nuối nấng kỹ càng để sống đến tuổi trưởng thành là chiến lược tốt nhất cho giống đực của loài người.

Giết trẻ con

Ta thấy điều đó ở sư tử. Một hay một vài con sư tử đực (thường là anh em) sau khi đánh đuổi một (hay một vài) con sư tử đực của một bầy (pride) sẽ giết chết hết những con sư tử con còn bú mẹ. Thật là tàn bạo.

Trong bầy, thực ra chính đám sư tử cái kiếm ăn là chính, sư tử đực thường chỉ có việc ăn, ngủ và giám sát lãnh địa – tưởng nhàn nhã nhưng là để sẵn sàng cho “ngày đó”. Ngày đó chắc chắn sẽ tới, khi một nhóm sư tử trai tráng, trẻ trung hơn tới thách thức các vị vua đương nhiệm – các bệ hạ thường chỉ giữ được hậu cung của mình khoảng 2,3 năm. Vậy chiến lược tốt nhất của các anh em nhà sư tử là phải để lại càng nhiều con càng tốt và hy vọng con mình đã dứt sữa trước khi chúng bị đánh bại. Làm sao làm được điều đó? Giết con của kẻ chiến bại để hậu cung nhanh chóng có thể tiếp tục mang thai. Vòng tròn oan nghiệt tiếp diễn.
Kết quả hình ảnh cho infanticide funny
N

Nhưng chúng ta giống sư tử chỗ nào mà đua đòi?   

Sư tử có mỗi một công việc: đi săn, và điều đó cần thể lực và khả năng chiến đấu. Năng lực của vua sư tử ảnh hưởng cả thế hệ sau và sự tồn vong của bầy đàn, vì thế nên việc loại bỏ gen của con đực đã biết là yếu hơn là dễ hiểu. Với sư tử, “Chúng tôi sẵn sàng cho ông làm một túi tinh trùng ăn không ngồi rồi, nhưng ông phải là túi tinh trùng ăn không ngồi rồi ngon lành nhất!”. Nhưng con người thì có quá nhiều thứ để làm, anh này thấp nhưng khéo tay, ông kia xấu nhưng buôn bán giỏi, thằng nọ yếu ớt nhưng thông minh… mỗi người, chỉ cần phấn đấu, đều có gì đó cần thiết cho xã hội. Chưa kể năng lực có thể tôi rèn, khuyết điểm có thể chỉnh sửa. So sánh với công sức và tài nguyên bỏ ra cho một đứa bé, ở người mà cứ năm năm có chồng mới là quẳng con ra ngoài ban công là một chiến lược hết sức ờ… rủi ro.

Còn ăn thịt chính con của mình thì sao?

Còn nhớ rường cột của tiến hóa qua chọn lọc tự nhiên là sinh sản. Không có sinh sản loài lấy gì sống mà tiến hóa? Thế nên, câu trả lời ngắn là đừng ăn con của mình. Câu trả lời dài là đừng ăn con của mình, trừ khi buộc phải như vậy. Ở những loài nào ta thấy hay có chuyện ăn con? Chuột, thỏ, heo… Đặc điểm của chúng là lứa nhiều con, đẻ thường xuyên, và mỗi con không được đầu tư nhiều, mất con ngày còn con khác. Mà ngay đám này cũng chả đương không mà ăn thịt con đâu. Trích từ nghiên cứu trên chuột Na Uy: khi cả lứa cả lứa cả mẹ đều khỏe thì không có gì xảy ra, chỉ khi con mẹ bị suy dinh dưỡng hoặc stress hoặc môi trường thiếu thốn; hay trong lứa có con chết lưu, đẹt, dị dạng, bị thương hay quá nhiều v.v thì con mẹ mới bỏ bớt để bù đắp dinh dưỡng và tập trung tài nguyên cho những con còn lại. Nếu muốn so con người thì phải so với một loài cũng có trí thông minh cao, nội tâm phong phú, có đời sống xã hội phức tạp và đẻ lứa một con và dành một thời gian dài nuôi con như là v…oi (hổng dám so với vượn, sợ người chống tiến hóa giận), hay cá voi cá heo, chúng có ăn con của mình không? Chắc chắn không phổ biến, vì điều đó vô lý về sinh học. Cùng lặp lại: động vật không làm chuyện vô bổ.

Phá thai? Nạo phá thai ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, nhất là những ai làm “khách quen” bệnh viện thì dễ dẫn tới vô sinh. Vô sinh là thẻ đỏ khỏi nguồn gen loài người. Với cái giá phải trả cho mỗi đứa con và sự phổ biến của các biện pháp tránh thai ngày nay, thuyết tiến hóa khuyên dùng cái đầu trước khi cởi cái quần. 

***

Thuyết tiến hóa có thể dẫn dắt con người về đạo đức không? Nó chưa bao giờ được biên soạn để làm điều đó. Có những câu hỏi tôi nghĩ thuyết tiến hóa không trả lời được đâu: ví dụ, tử hình hay chung thân? Dựa cột hay chích thuốc? Cá nhân bị bệnh nan y có quyền yêu cầu trợ tử không?… nếu cả hai lựa chọn đều có một kết quả như nhau lên tần số allele của quần thể, thì chẳng liên quan quái gì đến thuyết tiến hóa cả. Tôi thấy việc có bao nhiêu triết gia đông tây kim cổ bứt tóc móc mắt viết tràng giang đại hải bao nhiêu kinh thư, sách vở về đạo đức mà mình không nghiên cứu, lại đi bắt vạ một học thuyết về đa dạng sinh học là vô cùng khó hiểu.

Nếu bản thân thuyết tiến hóa, chỉ cần dùng kiến thức sinh học trình độ “hồi nhỏ coi Thế Giới Động Vật” là thấy rõ không cổ súy những hành vi thực sự xấu ở con người, thế sao “trăm dâu đổ đầu Darwin” vậy? Phải chăng vì thuyết tiến hóa nằm trong nhóm các ngành khoa học “vô thần”? Đây là một tuyên bố mâu thuẫn và thừa thãi, vì khoa học chỉ điều tra về tự nhiên, nhấn mạnh tính khách quan và khả năng kiểm chứng, nên các thế lực siêu nhiên luôn nằm ngoài mọi khoa học. Bề ngoài, những lý luận kiểu “khoa học chỉ làm mọi thứ tệ hơn”, “truyền thống tốt hơn nhiều” này có vẻ rất hợp thời trang vì nó có mùi “sâu sắc”, “từng trải”, và “nhìn xa hơn số đông mù quáng”, “vượt ngoài những nhồi sọ của khoa học”. Bạn chỉ có thể vượt ngoài khoa học một khi bạn hiểu khoa học, nhưng cách nhìn của họ lại hời hợt, độc tôn và đầy định kiến. Phải coi con người là trên hết vạn vật thì mới đạo đức được sao? Hơn nữa, đó còn không phải mọi con người, mà chỉ là những con người có những hệ tư tưởng “đặc biệt” (nghĩa là giống họ đấy).

Mình tao đúng, chúng mày sai!

N

Cái họ làm thực chất là bắt cóc đạo đức, bó chặt lại trong một định nghĩa rất hẹp và một bộ luật rất cụ thể y chang như những gì họ vốn đã tin tưởng, và tuyên bố rằng mọi kẻ bên ngoài bức tường là suy đồi, từ nhẹ đến nặng. Họ nói về ĐẠO, nhưng lại quên một lời dạy vỡ lòng của ĐẠO, một nhận định từ quan sát rất cổ xưa: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, rằng mọi con người đều có tiềm năng tốt đẹp. Họ dẫn chứng việc mọi dân tộc người đều thờ phụng “ai đó” để tuyên bố rằng nếu không có một “ai đó” nhử nhử củ cà-rốt trước mặt, hay lăm lăm cái roi sau mông, con người không thể thiện. Nhưng họ lại không nói mẫu số chung duy nhất ở đây là “người”, rằng các xã hội người có cùng khả năng tự tổ chức ra các quy luật giống nhau về căn bản và khác nhau về chi tiết (chính các chi tiết này quyết định cộng đồng suy – thịnh) để giữ gìn sự ổn định, chứ “ai đó” có hàng vạn biến thể vô cùng khác nhau. Họ biết điều này, nên sau khi đã lợi dụng những nền văn hóa khác để tăng ký cho luận điểm của mình, họ tuyên bố “ai đó” của mình là “ai đó” duy nhất đúng, và gần như huỵch toẹt rằng đạo đức của mình cao hơn hết thảy. Hóa ra họ cũng đã quay về tư duy “bộ lạc”:môi trường mình tình cờ được sinh ra chính là chân lý, những người giống mình là “cao cấp” nhất.

Nếu nhìn kỹ thì mấy đứa mình cho là “suy đồi” coi bộ sống vui quá hen.

N

Một cái đầu xấu xí khác của tư tưởng “cái rún của vũ trụ” muôn thuở của loài người này là lấy những tiêu chuẩn của chúng ta đặt ra để khinh thường động vật: chúng không mặc quần áo, ngâm thơ, đánh gôn và sơn móng tay, hẳn là chúng thấp kém hơn chúng ta, hẳn là chúng không xứng đáng để chúng ta tử tế – trừ khi chúng dễ thương, hay ngon. Quan điểm này tai hại cho động vật hơn bất kỳ tính xấu nào ta “học” được từ động vật. Bạn có biết khi nào một con voi có thể giết chết con mình không? Khi nó bị rối loạn tâm thần, phát điên vì phải sống trong một môi trường gò bó, tù túng không cho phép nó vận dụng trí tuệ sâu sắc của mình – vì người ta cho rằng nó chỉ cần có chỗ ăn chỗ ở là “tốt lắm rồi”, cho rằng có thể đối xử với nó như một món hàng, một công cụ.

 

 

evolution4

N

Thật ra, ngay khi bạn bắt đầu gọi những hành vi của động vật trong bối cảnh của động vật là “vô đạo đức”, bạn đã hoàn toàn vứt bỏ cái nhìn của thuyết tiến hóa. Góc độ thuyết tiến hóa là góc độ khiêm tốn, cầu thị và thấu hiểu rằng mỗi loài đang sống đều là một nhánh của cây tiến hóa 3.8 tỉ năm tuổi, đều tiến hóa như nhau, đều là những nhà vô địch trong môi trường của mình, và bình đẳng về thích nghi. Nếu thiên nhiên có một bài học, thì đó là con người đừng vờ như mình mình “độc quyền” vụ đạo đức. Đạo đức của tự nhiên là những hành vi giúp đồng loại sống hòa thuận với nhau, giúp loài phát triển bền vững, và chắc chắn chúng sẽ rất khác nhau giữa các loài. Nếu điều đó có nghĩa là ăn thịt bạn tình sau khi giao phối đối với một số loài côn trùng, thì đó là chuyện của chúng, chúng ta không có quyền phán xét.

***

Đọc tới “quan hệ tình dục đồng giới”, đơn thuần là hành vi tự nguyện giữa hai người không làm hại tới ai, lại được điềm nhiên xếp chung với những điều rõ là tiêu cực khác, ta nhận ra ngay người viết đứng ở một lập trường cổ hủ và hẹp hòi tưởng phải tuyệt chủng ở thế kỷ 21.

Chuyên gia?