Di Truyền Là Bạn Thân Nhất Của Tiến Hóa, Phần 1 – Mendel Cứu Darwin

Đây là bài phản biện mini cho Mendel bác bỏ học thuyết Darwin. Trong bài viết, tác giả nói về hơi nhiều thứ, nên phải cắt ra dần, hôm nay ta chỉ nói về Mendel.

Tôi không hề nghi ngờ việc Mendel, một linh mục, lại không đồng ý với Darwin vào thế kỷ 19 khi học thuyết còn non trẻ. Tư liệu về Darwin, ấn phẩm lẫn trang viết cá nhân, thì rất phong phú và đầy đủ, còn của Mendel thì lại hiếm và chắp vá; không những ý kiến của ông về tiến hóa mà rất nhiều thông tin khác về Mendel rất khó xác định.

Tuy nhiên, trong bài viết tổng hợp Mendel & Darwin: Giải mã một bí ẩn dai dẳng đăng trên tạp chí khoa học Heredity của nhà xuất bản Nature, nhiều bằng chứng cho thấy Mendel biết rõ, tiếp thu và phần nào chịu ảnh hưởng các công trình của Darwin, “Hình tượng Mendel hiện lên như một nhà khoa học cẩn trọng, người chấp nhận những rường cột của tiến hóa Darwin trong khi vẫn âm thầm tìm tòi những chi tiết trong quan điểm di truyền Darwin không phù hợp với các thí nghiệm của chính Mendel“. (Cập nhật 3/1/2020)

Nhưng cũng như với bất kỳ nhà khoa học nào được cho là chống tiến hóa khác, tôi nghĩ sẽ khách quan hơn nếu chúng ta đối chiếu phần khoa học thay vì khai thác các phát ngôn.

CÁC ĐỊNH LUẬT MENDEL CÓ MÂU THUẪN VỚI THUYẾT TIẾN HÓA KHÔNG?

Các thí nghiệm Mendel thì đa số đều đã được học thời phổ thông, nhưng với độc giả chưa biết hoặc đã quên, các hình này sẽ giải thích rất nhanh gọn:

Mendel trồng ra một loạt dòng đậu thuần chủng, tức là ra mẻ nào y như mẻ nấy. Sau đó, ông ép chúng thụ phấn với nhau.

Kết quả là:

(tính trạng nghĩa là các biến thể khác nhau của cùng một cơ quan hay thuộc tính, chẳng hạn như thuộc tính màu hoa thì có hoa tím hay hoa trắng, màu hạt vàng hay xanh và thân cây cao hay thấp v.v)

Nhờ có nền tảng toán học vững chắc, Mendel đã lập được mô hình để cho ra kết quả đó bằng cách lý giải rằng mỗi sinh vật có 2 nhân tố di truyền, một từ mẹ và một từ bố, của mỗi tính trạng và gán cho mỗi phiên bản một chữ cái.

Làm tương tự với các tính trạng khác, ta cũng thấy ở đời thứ nhất tính trạng của một bên sẽ hoàn toàn lấn át bên còn lại – nghĩa là toàn bộ con mang tính trạng trội – và ở đời thứ hai sẽ là 3 trội : 1 lặn.

Nguồn hình

Đó là xét từng tính trạng một, còn 2 tính trạng một lúc, thí dụ hạt đậu vừa vàng vừa trơn lai với vừa xanh vừa nhăn, thì sao?

Và chúng ta cũng có mô hình toán học cho chúng

Từ các thí nghiệm trên, Mendel suy ra được 3 quy luật rất dễ hiểu:

  1. Định luật đồng tính: Khi lai hai bố mẹ thuần chủng khác nhau về một cặp tính trạng tương phản thì F1 đồng tính
  2. Định luật phân tính: Khi lai hai bố mẹ thuần chủng khác nhau về một cặp tính trạng tương phản thì F2 theo tỉ lệ trung bình 3 trội: 1 lặn.
  3. Định luật phân ly độc lập: Khi lai hai bố mẹ thuần chủng khác nhau về hai hay nhiều cặp tính trạng tương phản, thì sự di truyền của tính trạng này độc lập với tính trạng kia (có những hạt đậu vàng và nhăn hay xanh và trơn, chứng tỏ 2 tính trạng về màu sắc và hình dạng hạt không đi liền với nhau).

Khi nói tới “định luật khoa học”, ngoài những ông Tây già đội tóc giả có vẻ mặt rất “táo bón” thì ta cũng dễ nghĩ đến những từ hoành tráng như “bất biến”, “tuyệt đối”, “đúng trong mọi trường hợp”. Nhưng định nghĩa của định luật khoa học là “một hiện tượng/mô tả về hiện tượng đã được chứng minh là sẽ xảy ra khi một số điều kiện nhất định tồn tại hoặc được thỏa mãn” Vậy, thực ra định luật chỉ đảm bảo đúng trong bộ điều kiện của nó. Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton chỉ áp dụng ở từ trường yếu, nguyên lý Bernoulli không còn đúng với những máy bay siêu thanh, không thể dùng định luật Hooke cho sức căng quá giới hạn đàn hồi… Các định luật Mendel trong sách giáo khoa đi kèm luôn các điều kiện nghiệm đúng rất hiển nhiên:

N

Vì tính chất này mà việc áp dụng các định luật bị giới hạn và ta không nên ngoại suy ra khỏi phạm vi của chúng. Ví dụ, thời xưa người ta cho rằng sinh vật sống phức tạp như giòi, bọ, chuột tự nhiên sinh ra từ rác rến; Pasteur đã để dung dịch dinh dưỡng được khử trùng trong dụng cụ đặc biệt, chứng minh một cách tinh tế rằng “sự sống tạo ra sự sống”. Câu đó đúng trong điều kiện: các dưỡng chất đã dùng, các thông số vật lý, hóa học của thế kỷ 19 hay bây giờ. Nhưng có logic nào để thí nghiệm đó chứng minh được rằng sự sống, ở bất kì cấp độ nào, không thể nào tự hình thành trong bất kì thời điểm nào, bất kì nơi nào hay bất kì hoàn cảnh nào không? Không.

Vậy, bạn đọc kính mến, làm sao từ những thí nghiệm Mendel trên mà ta suy ra được “một sự thật tự nó tỏ lộ ra rằng các đặc điểm của sinh vật KHÔNG THAY ĐỔI trong quá trình di truyền – các loài được bảo toàn, không có sự thay đổi di truyền để loài này biến thành loài khác. Điều đó đặt dấu chấm hết cho những suy đoán của Darwin và những đệ tử của ông về khả năng pha trộn biến đổi di truyền làm biến đổi loài”? Bằng cách nào mà “theo lý thuyết di truyền của Mendel, khỉ chỉ có thể đẻ ra khỉ, cá chỉ có thể đẻ ra cá,… không bao giờ khỉ biến thành người được. Không có cái gọi là biến đổi từ từ trong một thời gian dài để một loài này biến thành loài khác”?

Lý lẽ nào?

Lập luận nào?

Đường nào?

N

Cần lắm hình chụp một bài báo khoa học đăng trên tạp chí uy tín hay một sách khoa chính thống nào có câu “con khỉ biến thành con người”. Mãi chờ.

Tác giả vin vào câu này trong một lá thư của Mendel “Tôi không bao giờ quan sát thấy những sự chuyển tiếp quá độ từ từ tứng tí một các đặc điểm của cha mẹ cho con cái”.

Nhưng chúng ta đã biết, bằng thực nghiệm, lý do tuyên bố này của Mendel đáng tiếc là không đúng. Mendel không sống ở đúng thế kỷ để biết rằng ngoài nhân tố di truyền là allele thì hệ thống di truyền còn nhiều cơ chế nữa, khiến cho thế hệ sau, dù quan sát thì không thấy thay đổi gì, nhưng mã ADN bên trong thì đã có những khác biệt – đó là do đột biến, một hiện tượng mà chỉ sau phát hiện về cấu trúc ADN của Watson, Crick và Franklin tận thập niên 1950 mới có thể được xác định (Tôi đã có trình bày cụ thể tại sao đột biến gen rất phổ biến mà lại thường không được biểu hiện ra ở đây).

Cũng như thuyết tiến hóa với Darwin, di truyền học hiện đại đã tiến xa kể từ thời Mendel: chúng ta biết cơ chế tiềm ẩn về gen, allele, nhiễm sắc thế; hoán vị gen; tác động của nhiều gen, tính đa hiệu của gen; sự tinh vi của cơ chế trội lặn; di truyền ngoài nhiễm sắc thể; về di truyền liên kết; biết hơn rất nhiều về giới tính…. Vậy giờ chúng ta không thể hiểu cứng nhắc phát hiện của Mendel thành “gen của sinh vật không thể thay đổi qua các thệ hệ”, mà phải là gen không bị tạp nhiễm, không trộn hay lẫn với các gen khác.

Phần đầu bài viết là một lập luận của tác giả: Vì Darwin đã tin vào di truyền các tính trạng có được (ví dụ như cụt tay) và dùng nó trong học thuyết của mình cũng như đề ra một giả thuyết về cơ chế di truyền khác là pangenesis, nên di truyền Mendel mâu thuẫn với cốt lõi của thuyết tiến hóa. Nghe qua khá hợp lý. Đúng là Darwin, dù cũng là một nhà nhân giống cây và bồ câu mát tay cũng như ghi nhận được một số hiện tượng giống Mendel, đã không có duyên trở thành ông tổ di truyền học. Ông ấy đã dùng sai cơ chế di truyền – một điều tuyệt không thể tránh khỏi vào thời bấy giờ. Darwin đã sai, nhưng thuyết tiến hóa có sai không?

Ngược lại là đằng khác. Không những di truyền học Mendel nói riêng (và di truyền học nói chung) không bác bỏ thuyết tiến hóa, mà còn cứu Darwin một bàn thua, bạn tin không? Để hiểu vì sao, ta phải xem trước Mendel thì người ta nghĩ di truyền vận hành như thế nào:

Người ta đã tin vào di truyền hòa trộn (blending heredity), nghĩa là con cái sẽ mang tính trạng trung bình của tính trạng bố mẹ, như màu sơn vậy.

Giờ các bạn hãy dành hẳn 1 phút 30 giây để nghĩ về tác động lên thuyết tiến hóa nếu tư tưởng đó là đúng. Đừng vội, đừng bỏ cuộc sớm, hãy dành đúng thời gian ấy (hoặc hơn) để suy ngẫm.

*

*

*

*

*

*

*

*

Banana!

Đúng rồi: (hoặc Sai rồi:) di truyền trộn lẫn sẽ hủy diệt triệt để thuyết tiến hóa.

Cùng xem lại các rường cột dễ hiểu của thuyết tiến hóa tôi đã nêu ở đây

Vậy, theo thuyết tiến hóa, cách duy nhất để một loài có thể thay đổi thích nghi hơn qua các thế hệ là các kiểu hình mới (hay cũ) tạo ra ưu thế được tăng tần suất/phát tán trong quần thể. Nếu trong một quần thể hoa trắng, kiểu gen/kiểu hình hoa đỏ có ưu điểm là thu hút côn trùng hơn gấp 2 lần xuất hiện, điều gì sẽ xảy ra khi nó thụ phấn với hoa trắng xung quanh? Rồi các thế hệ sau đó thì sao?

Kết quả của 4 phép lai này đều sẽ ra hoa màu hồng, đậm hay nhạt, nhưng vẫn là hồng. Ta dễ suy ra rằng chỉ sau vài thế hệ trung bình cộng như vậy thì tất cả đều sẽ là mang một màu hồng đồng nhất. Chọn lọc tự nhiên cần có sự khác biệt mới hoạt động được, và với di truyền hòa trộn thì không còn độ đa dạng nữa. Hãy nghĩ (thêm) về điều đó: nếu các tính trạng thật sự hòa vào nhau như sơn, ta có bao giờ lấy lại được màu sắc/tính trạng ban đầu không? Các ưu thế được tạo ra từ đột biến hoa đỏ chưa gì đã bị pha loãng và biến mất mãi mãi, hoa đỏ sẽ không bao giờ bành trướng được.

Chọn lọc tự nhiên và di truyền hòa trộn là một mất một còn. Giả thuyết Pangenesis của Darwin – công bố gần 10 năm sau Nguồn Gốc Các Loài (1859) – rằng mọi phần (pan) của cơ thể đều đóng góp các hạt di truyền vào thế hệ sau là một cơ chế di truyền hòa trộn.

Chết chưa!

Bấm xem một truyện tranh dễ thương về 2 siêu nhân Sinh học này 🙂

Giờ hãy so sánh khả năng phối hợp của chọn lọc tự nhiên với di truyền Mendel:

Không phải trộn các màu sơn mà là chồng lấp các lăng kính.

Ngay cả một gen lặn mất tăm trong thế hệ đầu tiên như hoa trắng vẫn tồn tại nguyên vẹn (nguyên vẹn theo nghĩa hiện đại 😉 ) trong các cá thể mang hình thái trội nhưng gen không thuần chủng và sẽ tái xuất giang hồ khi chúng lai với nhau. Nếu có một điều kiện khiến màu hoa trắng chiếm ưu thế thì tỉ lệ của chúng trong quần thể có triển vọng tăng lên.

=> Chọn lọc tự nhiên có nguyên liệu để thi triển võ công, trở thành một cơ chế khả dĩ!

Vậy, không phải là dù cho di truyền Mendel chứng minh pangenesis sai mà thuyết tiến hóa vẫn sống sót, mà là chính nhờ di truyền Mendel chứng minh pangenesis sai mà thuyết tiến hóa mới sống sót! Như sách giáo khoa Evolution của Giáo sư Mark Ridley, ĐH Oxford nhận xét:

Thuyết di truyền của Mendel đã vá một sơ hở nguy hiểm của học thuyết ban đầu của Darwin.

Mendel’s theory of heredity plugged a dangerous leak in Darwin’s original theory.

Ảnh đầu bài: https://askabiologist.asu.edu/explore/darwin_mendel

 

 

11 Comments

  1. Darwin không được coi là một nhà khoa học thực thụ như Mendel vì ông không làm thực nghiệm theo đúng nghĩa mà chỉ phỏng đoán. Nhiều người về sau nhận nhầm là Mendel giúp Darwin
    https://www.jewishpress.com/indepth/opinions/charles-darwin-was-not-a-scientist/2018/11/01/

    Di truyền luôn luôn đối nghịch với tiến hóa. Và lại chọn lọc tự nhiên chỉ có thể chọn những gì có sẵn, giúp cho loài vật thích nghi với môi trường. Cũng như đột biến dù là có lợi thì cũng chỉ lợi một phần nào đấy chứ không tạo thêm bộ gen mới hay thêm thông tin mới vào làm biến đổi loài. Kể cả những sinh vật trong hang bị mù mắt giúp chúng được lợi hơn, không bị tổn thương thì đó vẫn là bị mất đi thông tin chứ không tăng thêm thông tin trong gen
    https://creation.com/genetics-no-friend-of-evolution
    https://creation.com/muddy-waters

    Hơn nữa, không có cái gọi là DNA rác. Nghiên cứu đã chứng minh DNA rác không vô dụng và con người không thể tiến hóa từ vượn. Người và vượn thực sự khác nhau rất nhiều
    http://www.darwinconspiracy.com/junk_dna_standalone.php

    Thích

    1. Trang bạn dẫn không hề có dẫn chứng rằng người ta không coi Darwin là nhà khoa học, hoàn toàn chỉ là ý kiến phiến diện của tác giả (bạn có thể thấy đề mục của website chỉ là ‘opinion’ không phải research).

      Trong khi đó, bạn Google “Greatest Scientists of all time” các danh sách đều dễ dàng tìm thấy Darwin http://discovermagazine.com/2017/may-2017/heroes-of-science

      Do đặc thù của khoa học lịch sử, Darwin không thể xoay ngược thời gian để làm thí nghiệm trên khủng long hay vượn cổ. Tuy nhiên, tính thực nghiệm trong công trình của ông là không thể chối cãi, bạn có thể đọc cuốn Nguồn gốc có sẵn trong Thư Viện. Và một lần nữa, Darwin không phải thuyết tiến hóa, 160 năm qua nó đã pt rất nhiều, bạn có thể xem bài EvoThink số 2 để thấy vd về các thí nghiệm nghiên cứu tiến hóa và rất nhiều bài khác trên trang.

      Trong bài này không hề đề cập đến “thông tin mới” hay DNA rác. Đúng ra bài kế tiếp bài này sẽ bàn đến thông tin, nhưng tôi đã để lỡ quá lâu, thành thật xin lỗi. Sẽ trả lời bạn trong bài đó, còn cá hang tôi đã có bài rồi, bạn có thể tìm đọc

      Thích

  2. Nghiên cứu khoa học khách quan có chứng minh đột biến chỉ gây hại, gây bệnh ung thư. Ung thư chủ yếu là do sao chép ngẫu nhiên lỗi của DNA bất kể môi trường hay thói quen tốt hay không. Nói vui là “lỗi đánh máy”. Vậy cứ suy rộng ra từ quá khứ, làm sao thời gian dài có thể tích được đột biến có lợi từ việc DNA ngẫu nhiên sao chép lỗi? Lỗi sai hay tai nạn thường được biết là hiếm xảy ra nhưng đã xảy ra thì chỉ gây hại, vậy mà phải chờ cho có lỗi sai hay tai nạn có lợi thì lại cực kỳ hiếm, gần như là không bao giờ có. Bài này cũng đã được đăng ở một số trang báo Việt Nam
    https://www.hopkinsmedicine.org/news/media/releases/new_study_finds_that_most_cancer_mutations_are_due_to_random_dna_copying_mistakes

    Bài sau có nói đột biến gần như chỉ gây hại và tiến hóa không có đủ thời gian để xóa đi những cái hại đó, rồi chỗ sau thì người ta lại mâu thuẫn nói đột biến cung cấp nguyên liệu cho tiến hóa. Chứng tỏ tất cả vẫn chỉ là giả thuyết chứ không khẳng định được đột biến dẫn tới tiến hóa
    http://discovermagazine.com/2013/julyaug/07-most-mutations-in-the-human-genome-are-recent-and-probably-harmful

    Nghiên cứu khác cũng cho biết đột biến gây hại
    https://www.sciencedaily.com/releases/2012/04/120416130309.htm

    Thích

    1. Chào bạn, xin lỗi trả lời trễ. Cảm ơn bạn về bình luận lịch sự, rõ ràng, có dẫn chứng.

      A. Bài báo Hopkins là nói về tế bào sinh dưỡng, như tựa đề
      “Stem cell divisions, somatic mutations, cancer etiology, and cancer prevention”. Trích dẫn
      “We studied the relationship between the number of normal stem cell divisions and the risk of 17 cancer types in 69 countries throughout the world.”
      Bài báo nghiên cứu mối quan hệ giữa số lần các tế bào gốc sinh dưỡng phải phân chia và tỷ lệ ung thư. Kết quả là không có gì bất ngờ, càng phân chia nhiều (nói trắng ra là cơ thể càng già) thì càng bị nhiều đột biến, chỉ đáng buồn là tại mấy thằng đột biến tất yếu này nên có ráng sống lành mạnh thì nhiều khi vẫn sẽ mắc ung thư.

      Nhưng ta nhất thiết phải phân biệt thứ đột biến gây ung thư kiểu này và thứ đột biến có ý nghĩa tiến hóa. Hai thứ này đều có thể tạo ra bệnh hiểm nghèo, nhưng đột biến nguyên liệu tiến hóa xuất hiện ngay từ khi người mẹ tạo ra trứng, người bố tạo ra tinh trùng và tạo thành hợp tử, thế nên chúng hiện diện ở mọi tế bào trong cơ thể, ở mọi lứa tuổinhất thiết phải là thứ di truyền được. Còn đột biến tế bào sinh dưỡng xảy ra khi cá thể đã hình thành, các tế bào phân chia để tiếp tục lớn lên và thay thế các tế bào chết dần – chúng không thể ảnh hưởng đến đời sau. Thế nên, việc đa số các ung thư là do tích tụ đột biến tế bào sinh dưỡng thì 1. Không “chứng minh đột biến chỉ gây hại, gây bệnh ung thư”, hai câu này không tương đương, 2. Không ảnh hưởng đến tiến hóa vốn chỉ liên quan đến các đột biến di truyền được thuộc dòng tế bào sinh dục.

      B. Bài báo trên Discover Magazine nói rằng (1) 3/4 trong số các đột biến điểm trong ADN người xuất hiện trong vòng 5000 trở lại đây. (2) Trong số 3/4 đó, khoảng 80% có thể gây hại. Vậy thì nó không hề “nói đột biến gần như chỉ gây hại ” đâu bạn, nó nói là đã có một cuộc bùng nổ dân số, số lượng người đã tăng lên rất nhanh và kéo theo đó, với mức độ 100 đột biến/người, số lượng đột biến trong nguồn gen loài người cũng bùng nổ – trong đó nhiều cái có hại hơn những cái có lợi. Tốt xấu gì thì đây cũng là một nguồn nguyên liệu khổng lồ cho tiến hóa, nhưng đơn giản là vì thời gian quá ngắn nên tiến hóa chưa thể nhặt ra hết những “hạt lép” được. Không hề có mâu thuẫn gì cả.

      Tuy nhiên, đó cũng chỉ là cách mà tác giả bài viết trên tạp chí Discover diễn giải kết luận của nhóm Akey mà không có bài báo gốc đi kèm. May quá ta có một bài báo khác trên Nature cũng nói về nhóm Akay.
      https://www.nature.com/news/past-5-000-years-prolific-for-changes-to-human-genome-1.11912
      “Of 1.15 million single-nucleotide variants found among more than 15,000 protein-encoding genes, 73% in arose the past 5,000 years, the researchers report.

      On average, 164,688 of the variants — roughly 14% — were potentially harmful, and of those, 86% arose in the past 5,000 years. “There’s so many of [variants] that exist that some of them have to contribute to disease,” says Akey”

      Rõ rồi, bài báo của Discover đã hiểu lầm mất một đoạn mà đảo lộn luôn ý nghĩa của phát hiện. Đoạn (2) phải là 14% đột biến điểm được khảo sát gây hại, 86% trong số 14% đột biến điểm gây hại đó xuất hiện trong vòng 5000 năm trở lại đây. Khác hẳn, đúng không?

      Vậy, các bài báo bạn dẫn không hề khẳng định được đột biến chỉ gây hại, chắc chắn càng không phải đột biến có ý nghĩa tiến hóa chỉ gây hại.

      Thích

  3. Hơn nữa nếu đột biến có lợi thì là lợi như thế nào? Chỉ giúp sinh vật thay đổi bề ngoài đẹp hơn hoặc có đặc tính nào đó giúp chúng sống tốt hơn như các ví dụ sau, chứ khoa học đã chứng kiến đột biến có lợi nào giúp loài này chuyển thành loài kia chưa, hay chi là tưởng tượng?
    https://khoahoc.tv/nhung-dong-vat-dot-bien-hiem-gap-40734
    http://genk.vn/day-la-8-dot-bien-gen-co-thuc-cho-ban-kha-nang-dac-biet-nhu-mot-sieu-nhan-20170605144453884.chn

    Còn đây là đột biến gây hại khiến loài vật bị dị dạng
    https://thegioidongvat.co/25-loai-dong-vat-dot-bien-thuc-su-khien-ban-bat-ngo/

    Thích

    1. Điểm khó nhất khi trả lời “đột biến khiến loài này biến thành loài kia” là ở chỗ mong đợi của người đọc thường chẳng giống gì với khẳng định của TTH. Tiến hóa nói rằng nhiều, nhiều sự khác biệt qua các thế hệ sẽ dần tạo nên sự phân loài, nghĩa là loài mới không thể sinh sản thành công với quần thể ban đầu nữa. Đó là “loài” theo đúng định nghĩa loài của sinh học. Hai loài mới tách ra sẽ gần như hoàn toàn y chang trừ một số khác biệt di truyền nhỏ – rồi qua thời gian hàng đại địa chất các nhóm này mới khác rõ rệt. Vậy mà người đọc thường muốn, và tôi giả định bạn cũng muốn, một đột biến thật sự hoành tráng khiến “con” này biến thành “con” kia, trong khi TTH đâu hề nói “a lê hấp” vậy, đúng không? Thế thì khác nào đòi cây tre trăm đốt – làm sao thỏa mãn điều ngay từ đầu đã là một ngộ nhận? Nhưng tôi vẫn sẽ cố, bạn phải nhìn nhận khách quan và công bằng những gì môn khoa học tiến hóa đã làm được đã, hãy bắt đầu với vài “chục đốt tre” của những đột biến quan trọng đánh dấu sự rẽ hướng của các sinh vật gần gũi.

      Tinh tinh và người
      Ta thấy, vượn con giống người hơn vượn trưởng thành nhiều: mắt chúng to, đầu cũng to, mõm ít hô, lưng thẳng… (https://sinhtienhoa.com/2017/05/14/khung-hoang-dau/) khi đối chiếu, người ta thấy rằng vượn và người có chung những gen phát triển não bộ, chỉ là ở người chúng có những đột biến khiến kích hoạt chậm hơn. Có thể nói chúng đã kéo dài tuổi thơ của bộ não loài người, không những giúp chúng ta có khoảng thời gian học tập và phát triển trí tuệ dài hơn mà còn thay đổi luôn diện mạo.
      https://www.pnas.org/content/106/14/5743

      Cá voi và thú trên cạn
      Các đột biến biến đổi chi trước thành vây bơi của cá voi
      https://academic.oup.com/mbe/article/26/3/613/977505

      Và bạn có thể đọc thêm ví dụ trong các bài sau https://www.nature.com/scitable/knowledge/library/mutations-are-the-raw-materials-of-evolution-17395346/
      https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3227404/

      Về các đột biến gây hại trên động vật bạn gửi. Có thể thấy ngay đa số các trường hợp này là các dị dạng đã xảy ra trong quá trình phát triển thai nhi. Có nhiều nguyên nhân ngoài đột biến làm xảy ra các trường hợp này. Động vật bị thừa các cơ quan ngoài đột biến (http://www.flockandherd.net.au/cattle/reader/polymelia.html) có thể do nhiều phôi dính vào nhau hoặc một phôi tách không hoàn chỉnh (https://www.abc.net.au/news/science/2018-10-05/two-headed-animals-causes-and-how-common-are-they/10337640), hoặc bị nhiễm ký sinh trùng như ở ếch (https://www.nationalgeographic.com/news/2011/8/110802-frogs-deformed-parasites-animals-environment-mutants/). Cừu một mắt là do tác động của chất cyclopamine trong cây corn lily (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4856577/). Thuyết tiến hóa không hề nói không có đột biến có hại, nhưng như tôi đã nói ở bình luận trước, cần phân biệt loại đột biến nguyên liệu tiến hóa và đột biến sinh dưỡng hay các trục trặc khác.

      Thân ái

      Thích

Bình luận về bài viết này