Sự thật THẬT SỰ về thuyết tiến hóa_Phần 1: Bướm Biston của Kettlewell (CÁC BẰNG CHỨNG “GIẢ” VÀ THÍ NGHIỆM “THẤT BẠI”)

Phản biện bài viết này

Khi bạn giật một cái tít thật kêu là “Sự thật”, bạn đã tự đặt cho mình một trách nhiệm hết sức nặng nề rằng mọi thông tin bạn đưa đến người đọc phải thật sự là sự thật 100%, và Đại Kỷ Nguyên, như thường lệ, đã không hề làm được điều đó.

Ngay chỉ trong dẫn nhập, đã thấy đến hai lời nói dối trắng trợn, rằng:

1. “rất nhiều nhà khoa học ưu tú kịch liệt phản đối thuyết tiến hóa”, như đã viết trong bài Ai Đang Từ Bỏ Tiến Hóa? Phần 2. Các nhà khoa học lỗi lạc?, hầu hết các “nhà khoa học ưu tú” nếu không phải là đang bàn một chuyện không liên quan tiến hóa thì có thể tìm ra những phát biểu khác nói rõ họ ủng hộ tiến hóa, cho thấy cả bài viết không gì hơn là một trường đoạn những lời nói bị cố tình xuyên tạc.

2. “ở nhiều trường học trên thế giới người ta cấm dạy thuyết này hoặc chỉ nói sơ qua như một trong số các lý thuyết có thể đúng về nguồn gốc muôn loài.” Chúng tôi thường hay nghe những người đã tin theo những bài báo kiểu này nói ra rả, “Thế giới người ta đã bỏ thuyết tiến hóa rồi, chỉ Việt Nam lạc hậu/cộng sản/vô thần còn cố giữ” mà không hề có một dẫn chứng. Trong Ai Đang Từ Bỏ Tiến Hóa, Phần 3. Trong trường học, các tổ chức và về phương diện luật pháp?, chúng tôi đã dùng số liệu minh chứng dứt khoát rằng những lời nói mơ hồ trên hoàn toàn không có cơ sở.

 

 

 

 

Bấm xem chi tiết
Biểu đồ từ số liệu của New Scientist, cho thấy tỉ lệ ủng hộ tiến hóa ở nhiều nước. Dễ thấy, với các nước phát triển thì chỉ có Mỹ là có tỉ lệ chống tiến hóa cao (tỉ lệ này đã giảm vào năm 2014).

Ngay ở chính nước Mỹ với tỉ lệ ủng hộ thuyết tiến hóa bèo bọt nhất trong G7, thì việc dạy những cái gọi là “lý thuyết có thể đúng khác” cũng bị cấm vì không hợp hiến (các bạn có thể xem danh sách tất cả những vụ kiện về giảng dạy thuyết tiến hóa ở đây.)

Theo Trung tâm thống kê Khoa học và Kỹ thuật của chính phủ Mỹ, không có nước phát triển nào khác lại có chuyện khoa học bị tấn công như vậy. Vậy thì “nhiều trường” là bao nhiêu? “Nhiều nơi” trên thế giới là ở đâu? Quốc gia 98% đạo Hồi như Thổ Nhĩ Kỳ?

Nhiều trường, không bao gồm những trường vô danh như Havard, Brown, Chicago, Cornell đồ, nơi có nguyên khoa tiến hóa.

Chỉ nói sơ qua? The National Science Teachers Association (Hiệp hội giáo viên khoa học quốc gia Mỹ, thành lập năm 1944, là tổ chức lớn nhất thế giới có nhiệm vụ thúc đẩy và cải tiến việc dạy và học khoa học) lại cho rằng:

“…nếu tiến hóa không được dạy, sinh viên sẽ không có được mức độ kỹ năng khoa học cần thiết để trở thành các công dân có tri thức và chuẩn bị cho đại học và các nghề nghiệp thuộc STEM. Quan điểm này thống nhất với các quan điểm của viện hàn lâm quốc gia, Hiệp hội vì sự tiến bộ khoa học của Mỹ và nhiều tổ chức khoa học và giáo dục khác”

Tòa án, trường, viện của tư bản Mỹ mà lại ủng hộ học thuyết cộng sản? Vatican mà lại gật đầu cho phép học thuyết vô thần?

 

 

 

 

Nhưng thôi, bạn có thể tìm hiểu vụ đó sau, nhưng cùng xem lần lượt từng cáo buộc của các bằng chứng kinh điển này. Trong phần này chúng ta cùng xét về bướm muối tiêu.

Bướm (Biston betularia) Kettlewell

(Những chỗ bôi đậm và in nghiêng là tôi thêm vào).

“…rất nhiều người theo phái tiến hóa vẫn cố tìm cách phủ nhận việc những hình ảnh và đoạn phim của Kettlewell là ngụy tạo.”

Thủ pháp của người chống tiến hóa là khẳng định những chuyện lừa lọc này như đúng rồi, khiến cho ta làm ngơ không được, giải thích thì sẽ bị gọi là ngụy biện. Biết sao giờ, chúng tôi không thể chịu được khi người ta bóp méo sự thật.

Thí nghiệm rất đơn giản, hẳn mọi người còn nhớ. Các bạn có thể chơi một trò chơi nhỏ giả lập thí nghiệm ấy ở đây (Chọn Bird’s Eye View) để đọc bài này cho cao hứng.

Ta hãy đi thẳng đến những chỉ trích.

_“Hoàn toàn không có chuyện những con bướm này đậu trên các thân cây dưới ánh sáng ban ngày để cho Kettlewell có thể quay phim hay chụp ảnh.”

_Theodore Sargent giáo sư động vật học tại trường Đại học Massachusetts đã lặp lại thí nghiệm của Kettlewell từ năm 1965 tới năm 1969, ông kết luận là không thể tái lập các kết quả thí nghiệm của Kettlewell được. Sargent cho biết trong sách giáo khoa “đầy rẫy những hình chụp ngụy tạo” của Kettlewell.

_Giáo sư Cyril Clarke của Hội hoàng gia Anh viết: “Nhưng vấn đề là chúng ta không biết loài bướm này nằm ở đâu vào ban ngày…

_Những con bướm trong các hình chụp ngụy tạo của Kettlewell thực ra đều đã chết, được ông ta gắn lên trên các thân cây theo kịch bản ông ta mong muốn

_Mọi ghi chép hiện trường thí nghiệm của Kettlewell cũng không cánh mà bay, đột nhiên biến mất… và ông thừa nhận bướm không được tự chọn nơi đậu.

_Không chỉ Kettlewell sử dụng bướm chết để “làm thí nghiệm” mà VD như J.A. Bishop và L.M. Cook cũng làm y như thế trong khi lặp lại thí nghiệm của Kettlewell.

_Giáo sư Jerry Coyne thuộc trường Đại học Chicago cho biết “Kettlewell có lần đã phải sưởi ấm cho chúng trước khi dùng” và ông kết luận “Chúng ta phải loại bỏ những con bướm này như thể chúng là một ví dụ điển hình của chọn lọc tự nhiên…”

_Nhà khoa học Majerus đã chỉ trích mạnh mẽ việc gắn bướm chết lên cây để “làm thí nghiệm”. Chọn lọc tự nhiên hóa ra chẳng hề tự nhiên chút nào.

Rồi, đầu tiên: Kettlewell không phải là ghi nhận hiện tượng chim ăn nhiều bướm trắng mà là báo cáo thí nghiệm kiểm chứng giả thuyết giải thích hiện tượng. Hiện tượng melanism, việc số lượng bướm đen từ chỗ là chuyện lạ mới báo cáo lần đầu (1848) chỉ 100 năm sau đã chiếm >90% (1953), là điều không thể chối cãi: người ta (hàng trăm người) đã quan sát được nó ở hai lục địa, nhiều vùng ở nước Anh và trên 100 loài bướm đêm. (Chưa dừng lại ở đó, sau này khi các đạo luật về ô nhiễm không khí được thông qua và thời hoàng kim của việc xả thải chấm dứt, tỉ lệ bướm đen từ 93% tụt thảm khốc còn 18% chỉ trong 37 năm). Đó là điều ta chắc chắn cần một lời giải thích. Mục tiêu chính của Kettlewell không phải tìm bằng chứng cho chọn lọc tự nhiên, điều người ta đã chấp nhận lâu rồi, mà cái Kettlewell muốn chứng minh là giả thuyết cụ thể “melanism xảy ra do chim (không phải dơi, không phải UFO) chọn bắt những con trắng trong khu rừng phủ muội đen”.

Trang bách khoa toàn thư điện tử Encyclopedia.com, ngay từ đầu thế kỷ 20, melanism đã được coi là bằng chứng chọn lọc tự nhiên từ ghi nhận của nhiều nhà nghiên cứu và người nghiệp dư.

Chính sự nổi lên và suy tàn có hướng của kiểu hình đen ở hàng trăm loài bướm là bằng chứng dứt khoát cho chọn lọc tự nhiên, không phải thí nghiệm “chim ăn”.  Kettlewell sai không có nghĩa là bướm đen không tăng lên nhờ chọn lọc tự nhiên, hay chim không phải là tác nhân gây ra chọn lọc, mà có nghĩa là ông thiết kế thí nghiệm chưa hợp lí. Cùng xem xét những điểm dở của ông và những gì các nhà phê bình thực sự nói.

The Scientist xin lỗi về việc đưa thông tin ẩu. Nói Kettlewell sử dụng cả bướm sống và chết là sai, và những trang nào tôn trong sự thật đều phải đính chính.
New York Times cũng khẳng định: Kettlewell không có dùng bướm chết.

Theo tờ New York Times dẫn lời chính Michael Majerus, không phải Kettlewell dùng bướm chết, mà trong số những người lặp lại thí nghiệm của ông ta có người dùng bướm chết. Làm sao ông biết? Vì họ ghi trong bài báo khoa học. Hãy cùng lặp lại điều đó: “họ ghi trong bài báo khoa học”. Điều kiện ra nghề chuyên ngành lừa đảo là không bao giờ in công việc lên danh thiếp như vậy. Chính việc lược bỏ chi tiết ấy cho đơn giản của người soạn sách mới gây ngộ nhận rằng không ai biết điều đó. Vậy, tại sao lại ghim bướm chết? Điều người chống tiến hóa “quên” nói với bạn là họ ghim bướm chết lên cây trong các thí nghiệm về ảnh hưởng của mật độ bướm lên tập quán bắt mồi của chim, bởi vì việc dọa cúp wifi với những con bướm sống không thuyết phục được chúng chịu đậu gần nhau trên cây (Grant 2000).

Cũng theo bài viết, Theodore Sargent chỉ trích Kettlewell đã tạo ra một tình huống hoàn toàn phản tự nhiên, biến lũ bướm thành bữa ăn “chùa” mà lũ chim nhanh chóng học cách khai thác. Và dĩ nhiên mấy con dễ thấy sẽ bị ăn trước, nhưng điều đó không chứng minh được chính chim là tác nhân gây hiện tượng melanism – mục đích ban đầu của thí nghiệm (hãy nghĩ thế này: ai đó đưa cho bạn một dĩa bánh, bạn ăn xong họ tố chính bạn đã ăn sạch nguyên cửa tiệm. Oan uổng quá :(( !). Ông ta không có chửi Kettlewell lừa đảo, ông ta chửi Kettlewell ngây thơ (dẫn chứng thêm ở đoạn sách dưới)! “Sự thật” về thuyết tiến hóa hóa ra chẳng thật chút nào ;).

Henry Bernard Davis Ngây Thơ Kettewell (1907 – 1979)

N

Tại sao thả bướm vào ban ngày? Theo sách Bách Khoa Toàn Thư Tiến Hóa, Kettlewell phải đặt chúng lên thân cây (đôi khi ở mật độ cao khác thường) vào ban ngày vì ông chong đèn vào ban đêm để bắt bướm. Nếu ông thả vào ban đêm thì chúng sẽ lao thẳng vào đèn và hỏng hết.

Tại sao chỉ thả bướm trên thân cây? Bài viết năm 1955 của Kettlewell, bạn có thể đọc bản scan hoàn chỉnh miễn phí tại đây, ghi rất rõ: bướm được thả trên cả thân cây cành cây trong mọi thí nghiệm, chúng đi loanh quanh một lát rồi nhanh chóng tự tìm chỗ lí tưởng nhất. Nên chúng tôi không hiểu vụ tố Kettlewell chỉ thả bướm ở trên thân ở đâu ra?

Chuyện “ban ngày không biết chúng ở đâu” và “không đậu trên thân cây”, đó là chuyện của 25 năm trước thập niên 1950. Ngày nay, đích thân Majerus đã leo lên các thân cây và tỉ mẩn ghi lại tỉ lệ bướm tự nhiên đậu trên từng bộ phận. Kết quả: hơn ⅓ (35%) số bướm có đậu trên thân. Điều kiện một phần đáng kể bướm có ở chỗ chim có thể thấy chúng của giả thuyết “chim ăn” thỏa mãn.

Còn về vụ đoạn phim, nó được ghi lại vì giới chuyên môn không tin chim có thể chủ động tìm tìm một con mồi nào đó (tiếng Anh có cụm “bird-brain”, chỉ người khờ – đây là quan niệm cũ quá sai lầm), chứ không phải nghi ngờ sự trung thực của Kettlewell. Cuốn băng không hề do Kettlewell ngụy tạo, mà là do nhà khoa học hành vi đoạt giải Nobel Niko Tinbergen đến cùng quan sát, kiểm chứng chứng và ghi lại (Hagen 1993). Điều kiện ra nghề của chuyên ngành làm đồ giả là không mời một người cực giỏi làm đồ thật đến coi!

Chỉ trích của Jerry Coyne với Kettlewell là vào năm 1998 (Bạn có thể nghía phần dẫn chứng bên dưới bài báo, toàn dẫn chứng mới toanh thôi, sau chiến tranh thế giới lần hai, chiến tranh chống Mỹ, chống Trung Quốc, chống Khmer Đỏ có vài năm 😉 ). Năm 2012, trên chính trang web whyevolutionistrue (cái tên nói lên tất cả) của Coyne, ông viết rằng bài phê bình của ông không những bị phàn nàn là quá khắt khe mà còn

“chẳng có gì ngạc nhiên, đã thu hút được những người theo phái sáng tạo luận và chối bỏ tiến hóa các kiểu khác – họ tìm thấy trong những bất cập của chuyện bướm Biston lỗ hổng về bằng chứng cho chọn lọc tự nhiên (phớt lờ hết những trường hợp khác có cơ sở vững vàng), và coi đó chính là một âm mưu của những tín đồ tiến hóa để chống đỡ một thần thoại họ biết là sai! […] Kettlewell không phải là một kẻ lừa đảo, chỉ là một nhà tự nhiên không giỏi lắm khoản thiết kế thí nghiệm”.

“This drew not only the ire of British ecological geneticists, who thought I was both unfair and unnecessarily dismissive of a classic story (I stood by my guns here), {but predictably attracted creationists and other evolution-deniers, who found in the weaknesses of the Biston story a lack of evidence for natural selection (ignoring all the other cases that were well supported), and, indeed, a conspiracy by evolutionists to prop up a tale they knew was wrong!} Judith Hooper, a science journalist, wrote an execrable book claiming that Kettlewell committed deliberate fraud designed to buttress Darwinism, and that evolutionists were complicit in this coverup.  I trashed Hooper’s dreadful book in another review in Nature (if you want a pdf, email me). {Kettlewell was not a fraud, just a naturalist who wasn’t that good at experimental design.}”

Vậy mà những người chống tiến hóa lại bóp méo những góp ý này sao ra thành cả chọn lọc tự nhiên bị hồ nghi. Họ còn chỉ ra những khác biệt giữa lời giải thích về melanism trong sách giáo khoa viết cho trẻ em với bài báo tạp chí khoa học của các nhà nghiên cứu và coi đó là bằng chứng cho âm mưu nhồi sọ của các nhà tiến hóa!

Ok, hiện tượng melanism không đơn giản như trong sách giáo khoa, vì sách đã vót mất nhiều đoạn lu bu – nhưng khoa học thực là lộn xộn, vì thế giới thực là rối rắm – chọn bất cứ hiện tượng gì và đào đủ sâu cũng sẽ thấy vậy. Thực tế, không dưới 8 nghiên cứu (từ thập niên 60 – 80) đã chỉnh đốn nhiều phần thí nghiệm và cho ra kết quả nhất quán với các kết luận cơ bản của Kettlewell, rằng chim có ăn bướm đêm, và ăn dựa theo độ dễ thấy của chúng. Nổi bật nhất là Majerus, người chỉ trích một số mặt trong các công trình của Kettlewell, thay vì nói suông đã xắn tay áo lên làm thí nghiệm trong 6 năm ròng rã (2001 – 2006), tuy nhiên, ông đã mất trước khi kịp công bố kết quả. May thay, một nhóm nhà khoa học khác đã thay ông xuất bản công trình “Sự săn bắt chọn lọc của chim trên bướm đêm muối tiêu: thí nghiệm cuối cùng của Michael Majerus” (2012), đọc miễn phí tại đây.

Michael Majerus (1954-2009) tiến hành thí nghiệm

N

Thí nghiệm của Majerus được thiết kế tỉ mỉ để gọt hết những thiếu sót của Kettlewell:

_Thả gần 5000 con bướm = số lượng cực lớn

_Thả từ từ = không thả quá nhiều một lúc làm chim tưởng đó là tiệc buffet.

_Trong 6 năm = thời gian dài

_Nhiều địa điểm, có so giữa phong cách ăn của chim và dơi = đủ cơ sở

_Theo đúng tỉ lệ tự nhiên (trắng>đen) =/= 1 trắng: 1 đen.

_Bướm được thả vào ban đêm trong lưới dạng ống bọc cây = bướm được tự chọn chỗ đậu.

Lưới được gỡ ra vào lúc bình minh, và The Hunger Games bắt đầu. Vì bướm muối tiêu không bay ban ngày (sự thật), dơi không ăn sáng (sự thật) và UFO khó đậu trong rừng (suy diễn), những con nào biến mất 4 tiếng sau phải là do chim xử (Thực tế đã quan sát được chim ăn 26% trong số chúng). Dù thí nghiệm lần này là trong rừng không ô nhiễm (ở Anh hết rừng ô nhiễm rồi), nhưng nó vẫn sẽ là một phép thử tốt cho giả thuyết “chim ăn”, kết quả dự đoán sẽ là nhiều bướm đen bị ăn hơn bướm trắng. Hợp lí hen?

Kết quả:

Trục tung biểu hiện tỉ lệ sống sót, trục hoành là năm tiến hành thí nghiệm. Loài này chỉ có một thế hệ một năm.

Sự chênh lệch về tỉ lệ sống sót giữa hai kiểu hình là rất đáng kể (p= 0.003 = quá có ý nghĩa thống kê; khoa học chủ yếu chỉ cần p= 0.05). Lũ bướm đen chịu bất lợi sinh tồn đến 10-20% trên một thế hệ ở những khu rừng không ô nhiễm. Đây là một áp lực chọn lọc khủng khiếp. Cứ cái đà này, nếu người chống tiến hóa đã quá mệt mỏi với những vụ “lừa đảo” “triền miên” và muốn xách vợt lên và đi làm thí nghiệm chứng minh – một lần và mãi mãi – chọn lọc tự nhiên là sai thì họ phải mau mau lên không thì chọn lọc tự nhiên sẽ đưa lũ bướm đen về năm 1848.

Kết luận:

“Dù sao, với bằng chứng mới này thêm vào dữ liệu đã có, gần như không thể chối bỏ kết luận đã được chấp nhận trước đây, rằng việc săn bắt bằng thị giác của chim chính là nguyên nhân chủ đạo dẫn tới sự thay đổi nhanh chóng tần suất bướm đen. Những dữ liệu mới này trả lời những chỉ trích với các công trình trước đây và thẩm định phương pháp đã được sử dụng trong nhiều thí nghiệm săn bắt trước đây (dùng thân cây làm điểm nghỉ ngơi). Dữ liệu mới, cộng với sức nặng của dữ liệu đã có chứng minh một cac1hh thuyết phục rằng hiện tượng melanism công nghiệp là một trong số những ví dụ rõ nhất và dễ hiểu nhất về tiến hóa Darwin trong thực tiễn.”

 

 

 

 

Bấm xem nguyên văn

“Nonetheless, with this new evidence added to the existing data, it is virtually impossible to escape the previously accepted conclusion that visual predation by birds is the major cause of rapid changes in frequency of melanic peppered moths. These new data answer criticisms of earlier work and validate the methodology employed in many previous predation experiments that used tree trunks as resting sites. The new data, coupled with the weight of previously existing data convincingly show that ‘industrial melanism in the peppered moth is still one of the clearest and most easily understood examples of Darwinian evolution in action’.”

 

 

 

 

Phản ứng của Coyne?

“Tôi vui mừng đồng ý với kết luận này, nó đã hóa giải những phê bình trước kia của tôi với vụ bướm Biston. Nhưng ta phải nhớ rằng bằng chứng cho chọn lọc tự nhiên chưa từng phụ thuộc hoàn toàn – còn chẳng phải phụ thuộc phần lớn – vào các thí nghiệm với chim, mà là vào các khối dữ kiện ghi nhận sự thay đổi tần số allele nhất quán và đồng bộ trên hai lục địa, và còn đảo ngược khi môi trường thay đổi. Tầm quan trọng của các thí nghiệm chim (đặc biệt là thí nghiệm này) chỉ là ở chỗ chúng xác định được tác nhân chọn lọc.

 

 

 

 

Bấm xem nguyên văn

“I am delighted to agree with this conclusion, which answers my previous criticisms about the Biston story. But we have to remember that the evidence for natural selection never rested entirely—or even substantially—on the bird predation experiments, but rather on the datasets documenting allele frequency changes that were consistent, parallel on two continents, and then reversed when the environment changed.  What was important about the bird-predation experiments (especially the one discussed here) is that they identified the agent of selection.”

 

 

 

 

Vậy tại sao khi đọc bài báo ta lại có cảm tưởng những nhà khoa học này nhất tề kết tội Kettlewell lừa đảo? Đây là kiểu “một nửa sự thật”, cố tình chọn lọc dữ kiện và cắt-dán, sắp xếp ranh mãnh phát biểu đề làm như “Ngày nay giới khoa học hầu như đều đã biết về vụ lừa đảo này”. Tại sao họ dám viết thí nghiệm chưa từng được lặp lại? Vì ở Việt Nam ta chưa có văn hóa kiểm chứng và phản biện, bài báo có vô lý cỡ nào, chỉ cần họ nói một cách chắc như đinh đóng cột thì độc giả sẽ tin.

Nhưng ta phải suy nghĩ rằng, nếu tất cả các ghi chép của Kettlewell đã bốc hơi, và đúng là ông đã cố tình dùng những “tiểu xảo” cần phải giấu giếm, làm sao người ta biết để mà chỉ trích? Thực tế, ông không giấu gì cả, tất cả đều được công bố. Đây là một trong số các trường hợp được nghiên cứu kỹ nhất trong ngành côn trùng học, và đến nay chưa có bài báo khoa học nào chính thức kết tội ông hay nhắc gì đến sổ sách mất tích. ĐKN lấy nguồn thông tin này từ cuốn sách về Kettlewell của một nhà báo viết về khoa học, Judith Hooper. Theo Clark (2003), người đã từng cộng tác và biết về cuộc đời và sự nghiệp của Kettlewell, “cả cuốn sách chỉ là một kho tàng những lời bóng gió của hạng báo lá cải” và theo Rudge (2005), tất cả những cáo buộc trong quyển sách của Hooper đều gãy ngay khi xét kỹ.

“Lịch sử đã bị viết lại để vừa vặn với những định kiến của tác giả.”

N

Cũng giống như vụ Haeckel mà tôi đã trình bày trong loạt bài này, người chống tiến hóa cố tình đánh tráo khái niệm giữa “hình ảnh minh họa” và “bằng chứng”. Bằng chứng tiến hóa không phải là hình vẽ Haeckel và ảnh chụp của Kettlewell, mà là dữ kiện từ phôi học và thí nghiệm + đo đạc + quan sát của hàng trăm người khác nhau. Hình ảnh chỉ nhằm tóm tắt và minh họa trực quan, đặc biệt cho đối tượng trẻ em và thiếu niên.

Chúng ta có rất nhiều dữ kiện về những thay đổi, liên tục và có thể nhìn thấy đến ngày nay, trong cả những nhóm bướm hoang không hề bị con người đụng vào. Chỉ có một kết luận: tốc độ và quỹ đạo của thay đổi cho thấy nguyên nhân chính của sự tiến hóa này là chọn lọc tự nhiên.

Họ còn cố tình đánh tráo giữa thí nghiệm Kettlewellhiện tượng melanism, cái nào mới là ví dụ kinh điển về tiến hóa. Theo Grant (2002), thực tế là ta có một lượng ghi chép khổng lồ về tốc độ khủng khiếp của sự biến động tần số allele trong các quần thể bướm – đó là định nghĩa của hiện tượng tiến hóa. Thực tế là nếu muốn có sự thay đổi đó, thì ở mỗi thế hệ, cá thể mang kiểu gen/kiểu hình này phải sinh sản thành công hơn những con kiểu gen/kiểu hình kia – đó là định nghĩa của chọn lọc tự nhiên. Ngay cả khi ta nói “không biết cơ chế chọn lọc là gì” thì vẫn không thể chối bỏ rằng chọn lọc đã xảy ra.

“Nhưng gần như không một người dân phổ thông nào hay biết rằng đó chính là những vụ lừa đảo.” Bởi vì trái với mong mỏi của người chống tiến hóa, các nhà chuyên môn chỉ chất vấn về một số mặt của thiết kế thí nghiệm, và chính những nhà phê bình ấy đã thiết kế lại thí nghiệm và chấp thuận kết quả cập nhật.

Bạn có thấy? Người chống tiến hóa chỉ được khóc một tuồng, HOẶC là những “ngụy tạo” của thuyết tiến hóa “vẫn có mặt trong sách giáo khoa khắp thế giới” và là “chân lý bắt buộc phải học, trên phạm vi toàn cầu” HOẶC là “nhiều trường học trên thế giới người ta cấm dạy thuyết này, hoặc chỉ nói sơ như một trong nhiều lý thuyết có thể đúng”

Phương pháp làm khoa học của người chống tiến hóa: thí nghiệm có điểm khuất tất => không hề có chọn lọc tự nhiên => thuyết tiến hóa sai => toàn bộ nhà tiến hóa lừa đảo => ngày tàn của chủ nghĩa duy vật => ngày tàn của Cộng Sản vô thần => cả vũ trụ được tạo dựng bởi thế lực X.

Phương pháp làm khoa học của người làm khoa học: thí nghiệm có điểm khuất tất => phê bình thích đáng, không suy diễn lung tung => phân tích nguyên nhân => thiết kế thí nghiệm loại bỏ các yếu tố gây nhiễu => Kết quả: Trùng khớp – công nhận kết quả cũ, cập nhật dữ liệu/ Đối lập – bác bỏ kết quả cũ, công bố thay thế.

Còn một tin nữa, các nhà khoa học đến từ đại học Liverpool đã xác định được chính xác đột biến di truyền nào đã tạo ra kiểu hình bướm đen và còn xác định được thời gian nó xuất hiện (Hof, Campagne, Ridgen và cộng sự, 2016). Giờ chúng ta có dữ kiện cứng về cả hiện tượng, tác nhân lẫn cơ chế tiến hóa đã xảy ra. Thiết nghĩ bài viết của Đại Kỷ Nguyên chỉ còn giữ lại được một câu “Quả là một bằng chứng hùng hồn đầy sức thuyết phục”, nhỉ? Nhưng bạn biết sọ sẽ nói gì không? “Bướm đen bướm trắng vẫn là bướm, cả trăm năm không thấy nó biến thành “con” khác!” y như cách họ nói về ruồi giấm ở phần sau thôi. Chúng ta sẽ gặp lại ở đó ;).
 Ảnh đầu bài: weloennig.de

THAM KHẢO VÀ TRÍCH DẪN

Rice, S. A. (2011). Encyclopedia of Evolution (first edition). Facts on File.

Grant, B. (2002). EVOLUTION: Sour Grapes of Wrath. Science, 297(5583), 940-941. doi:10.1126/science.1073593

Kettlewell, H. (1959). Darwin’s Missing Evidence: Changes in Moths Observed. Scientific American. Retrieved 2 November 2016, from https://www.scientificamerican.com/article/darwins-missing-evidence/

Coyne, J. (2012). The peppered moth story is solid. Why Evolution Is True. Retrieved 2 November 2016, from https://whyevolutionistrue.wordpress.com/2012/02/10/the-peppered-moth-story-is-solid/

Hagen, J. B. (1993). Kettlewell and the Peppered Moths Reconsidered. Bioscene, 19(3). Retrieved from http://amcbt.indstate.edu/volume_19/v19-3p3-9.pdf

Clarke, B. (2003). The art of innuendo. Heredity, 90(4), 279–280. http://doi.org/10.1038/sj.hdy.6800229

Cook, L. M., Grant, B. S., Saccheri, I. J., & Mallet, J. (2012). Selective bird predation on the peppered moth: the last experiment of Michael Majerus. Biology Letters.

Rudge, D. W. (2005). Did Kettlewell commit fraud? Re-examining the evidence. Public Understanding of Science (Bristol, England), 14(3), 249–68. Retrieved from http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/16240545

Hof, A. E. van’t, Campagne, P., Rigden, D. J., Yung, C. J., Lingley, J., Quail, M. A., … Saccheri, I. J. (2016). The industrial melanism mutation in British peppered moths is a transposable element. Nature, 534(7605), 102–105. http://doi.org/10.1038/nature17951

5 Comments

  1. Hay quá, t đã sang blog của ông Việt Hưng đọc và đọc nhiều nguồn google khác nhau, khẳng định rằng thế giới hiện nay vẫn đang dạy tiến hóa là 1 thuyết, còn thuyết sáng thế mà ông Hưng và những người chống tiến hóa vẫn chưa được dạy, ngay cả tại Mỹ. ok man.

    Thích

    1. Ừ, chưa bao giờ tui hết thắc mắc, sao họ có thể nói dối trắng trợn đến mức đó?
      Có lần ông Hưng dám chụp cả khảo sát của Gallup với số liệu rất rõ thế này và nói điều đó cho thấy người tin thuyết tiến hóa chỉ là 19%.

      https://sinhtienhoa.com/2016/06/30/phan-bien-ong-pham-viet-hung-phan-4-khao-sat-gallup-va-tien-hoa-huu-than/
      Ông Hưng đã đánh tráo, ngay giữa thanh thiên bạch nhật, “thuyết tiến hóa” và “tư duy vô thần” – lắt léo biến những người tin tiến hóa hữu thần thành người chống tiến hóa, và hình như người đọc blog ông Hưng không hề thắc mắc.

      Thích

Bình luận về bài viết này