Sự thật THẬT SỰ về thuyết tiến hóa_ Phần 3: Không hề có “mắt xích”? (NGƯỜI VƯỢN, VƯỢN NGƯỜI)

“Nếu chúng ta phân tích những cái được gọi là những mắt xích còn thiếu, chúng ta sẽ thấy dấu vết gian lận, lừa dối và phỏng đoán.”
*Đi dạo, pha trà, hít thở, chống mắt lên xem*
Đi dạo các web chống tiến hóa ta có thể thấy hình ảnh này “tố cáo” những giả mạo trong “chuỗi” tiến hóa người. Nó được trích từ truyện tranh “Big Daddy” của họa sĩ theo phái Sáng tạo luận Jack Chick, các bạn có thể xem bản full tại đây. Tui để hình nguyên kèm bản dịch chứ không dịch trên ảnh, sợ bị dị nghị “xuyên tạc”.
“LUCY: Gần như mọi chuyên gia đều đồng tình rằng Lucy chỉ là một con tinh tinh cao 91 cm (xem chi tiết ở phần 2 của Creation Seminar Series của Dr.Kent Hovind); NGƯỜI HEIDELBERG: dựng từ một cái hàm mà nhiều người thừa nhận là rất giống người; NGƯỜI NEBRASKA: được dựng khoa học từ một cái răng, sau này hóa ra là răng một loài lợn tuyệt chủng; NGƯỜI PILTDOWN: hóa ra cái hàm là của một con vượn hiện đại; NGƯỜI BẮC KINH: được gọi là 500,000 tuổi, nhưng tất cả bằng chứng đều đã biến mất.”
“NGƯỜI NEANDERTHAL: Tại Hội đồng Động Vật Học Quốc Tế (1958), Tiến sĩ A.J.E. Cave nói rằng qua khám nghiệm cho thấy bộ xương nổi tiếng được tìm thấy ở Đức 50 năm trước này là của một ông già viêm khớp; NGƯỜI NIU GHI-NÊ: Từ hồi 1970 lận. Loài này được tìm thấy ở vùng gần phía Bắc Úc; NGƯỜI CỜ-RÔ MA-NHÔNG: Một trong số những hóa thạch cổ nhất và có cơ sở nhất ít ra cũng có hình thể và thể tích não bằng với người hiện đại…Thế thì có gì khác?; NGƯỜI HIỆN ĐẠI: Thiên tài này cho rằng ta sinh ra từ một con khỉ.”
Phần nội dung đã được dịch đủ. “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, người ủng hộ tiến hóa cũng có tranh đáp trả.
Nhưng như tôi đã viết, vấn đề khoa học không quyết định bằng tranh ai đáo để hơn, hay phát biểu ông nào não to hơn, khảo sát thường dân bên nào đông hơn v.v. Cứ coi bằng chứng đọ với cáo buộc đã.
*
–  “Người Piltdown” ngày nay khắp nơi đều biết đó là một sự lừa dối có chủ ý, được tạo thành từ một hàm răng vượn với sọ người đã được làm giả mạo để trông có vẻ cổ.
Toàn bài về Piltdown man có thể xem tại đây, nhưng có thể nói ngay là người chống tiến hóa đã cố vặn vẹo một toan tính cá nhân thành một âm mưu toàn cầu, dù không hề có cơ sở.
*
–  Ví dụ, “Người Nebraska” chỉ là một họ được tái chế, tất cả chỉ từ một chiếc răng của một loài lợn đã bị tuyệt chủng.
Và giới khoa học hồ hởi nhai nuốt người Nebraska, và ảnh minh họa của hắn đầy đường, đầy nhà, đầy sách? *Thở dài*
Cũng như Piltdown Man, Nebraska Man chưa bao giờ được đón nhận không chút hồ nghi như người chống tiến hóa đồn.
George MacCurdy, trong tuyển tập Nguồn Gốc Loài Người chỉ viết một dòng chú thích ngắn gọn:
“[…]The teeth are not well preserved, so that the validity of Osborn’s determination has not yet been generally accepted.”
“[…]Cái răng không nguyên vẹn, nên tính xác thực của kết quả giám định của Osborn chưa được chấp nhận rộng rãi.”
Đó là năm 1924.
Trong một bài viết sau này (1927), ông tường thuật:
“The scientific world, however, was far from accepting without further evidence the validity of Professor Osborn’s conclusion that the fossil tooth from Nebraska represented either a human or an anthropoid tooth”
“Tuy nhiên, giới khoa học bấy giờ không hề dễ dãi chấp nhận mà không cần thêm bằng chứng tính xác thực của kết luận Giáo sư Osborn rằng cái răng từ Nebraska là của người hoặc vượn hình người”.
Chính Henry Osborn, người đã định danh cho Nebraska Man là người hoặc vượn hình người không hề đồng tình với bức tranh vẽ người Nebraska đăng trên một tờ báo bình dân.
“[…]such a drawing or ‘reconstruction’ would doubtless be only a figment of the imagination of no scientific value, and undoubtedly inaccurate.”
“[…]một bức tranh hay ‘bản phục dựng’ như thế, không còn nghi ngờ gì nữa, chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng không hề có giá trị khoa học và chắc chắn là không chính xác.”
Hơi bị gay gắt, nhỉ? Nhưng tờ báo ấy có gây hiểu lầm lắm không?
Hy vọng các bạn đọc được các dòng chữ này, vì đây là hình to nhất tôi tìm được. Ngay bên dưới hình là dòng viết in hoa MƯỜNG TƯỢNG CỦA MỘT HỌA SĨ (an artist’s vision). Bài viết ghi rất rõ ngay câu đầu tiên rằng cái tìm được chỉ là một cái răng hàm (“a single fossil molar tooth”), và cũng nhấn rất kỹ rằng tranh minh họa này chỉ là biểu đạt của trí tưởng tượng phong phú của họa sĩ (“the expression of an artist’s brilliant imaginative genius”) nhằm thể hiện những khả năng mà hóa thạch này khơi gợi (“to convey some idea of the possibilities suggested by this discovery”) vì chúng ta không hề biết gì về hình dáng của sinh vật ấy (“we know nothing of the creature’s form”) . Bạn sẽ bị coi là xúc phạm trí tuệ của người đọc nếu còn đòi phải nói rõ hơn thế.
 x
Khen hình, khen phát hiện, khen họa sĩ hơi lố? Đồng ý. Cố tình lừa dối? Không hề. Thế tại sao tờ báo đó lại phải đăng một tấm hình như vậy lên? Có lẽ vì nó tên là Illustrated London News (Tờ Tin tức Luân Đôn có Minh họa) chăng?
 x
Hóa ra, cũng giống giống như người Piltdown của Anh, các nhà sinh học Mỹ cũng đã hơi hồ hởi thái quá trước viễn cảnh có một tổ tiên “quê mình”, cộng với nhiều yếu tố khách quan (sự tương đồng giữa răng lợn lòi peccary và răng người) và chủ quan (một số mâu thuẫn của Osborn) đã tạo nên sai lầm này. Nếu nói đây là vụ lừa đảo thì không đúng.
*
–  “Người Neanderthal” thì là những con người bình thường, một số bị bệnh khớp, còi xương hoặc giang mai.
Vậy mà người ta mò ra được người châu Âu và châu Á có vài miếng ADN Neanderthal lưu niệm đấy! Nếu họ chỉ là người bình thường đôi khi bị những bệnh không di truyền như “khớp, còi xương hoặc giang mai”, làm sao ADN của họ không những có thể xác định được mà còn “có ảnh hưởng sinh lý đáng kể”?
Một bản đúc bộ xương Neanderthal. Theo nhận định của tôi, anh Homo sapiens sapiens đằng sau sắp vỡ mồm vì nhìn đểu anh Homo sapiens neanderthalensis
Người Neanderthal có khác biệt với chúng ta, và sự khác biệt về tỉ lệ của gần như mọi xương ấy lớn hơn nhiều sự khác biệt nội bộ mọi “chủng tộc” Homo sapiens sapiens. Trong hình ở phần đánh đố về Homo erectus ta đã thấy, con người chúng ta tuy nhìn có khác nhau, nhưng lại có cùng một tỉ lệ sọ và ngũ quan cơ bản, và sẽ không ai nhầm được với các loài khác.
Không có bệnh tật gì cùng lúc tạo ra nhiều điểm khác biệt như vậy.
Nhìn sọ Neanderthal riêng thì đúng ra rất “người”, nhưng nếu đặt ta kế bên sọ nhà mình là rõ ngay.
Homo neanderthalensis đã giữ hại hầu hết các đặc điểm của loài H. heidelbergensis sau khi phân nhánh tiến hóa. Mặc dù thấp hơn nhưng người Neanderthal thì mạnh mẽ hơn, có lông mày rậm, khuôn mặt hơi nhô ra và cằm lại chìm vào. Có thể ngoài người Cro-Magnon Man, thì họ cũng có bộ não lớn hơn tất cả những loài homini khác. Ngoài ra, Homo sapiens có bộ lông mày nhỏ hơn so với bất kỳ loài homini nào đã được phát hiện, có dáng người cao, và có khuôn mặt bằng với cằm nhô ra. Nếu xét trung bình thì H. sapiens có bộ não lớn hơn H. heidelbergensis, và nhỏ hơn của H. neanderthalensis. Cho đến nay, H. sapiens là loài homini có trán cao, mặt bằng (nhìn tổng thể không có các yếu tố nhô ra), và bộ lông mày mỏng và phẳng.” (Hình nói lên tất cả rồi, tôi làm biếng miêu tả nên cắt dán).
Homo heidelbergensis được coi là tổ tiên của cả Neanderthal (và người anh em Devisovans) và người hiện đại.

 

Nếu ta định nghĩa “người” phải là chúng ta, thì dĩ nhiên Neanderthal không phải “người”. Nhưng đó lại là kiểu tư duy “cái rún của vũ trụ” rồi: nguồn gốc linh trưởng – có, tiếng nói – có, văn hóa – có, tổ chức xã hội – có, phong tục tập quán – có, có thể sinh sản với người – có… chúng ta chẳng có có tiêu chuẩn khách quan nào để đánh giá họ thấp hơn mình cả. Tuy nhiên, bản chất con người là vậy, nên Neanderthal đã chịu nhiều “uất ức” khi chúng ta khắc họa họ trong quá khứ là những kẻ đen đúa, lom khom và mọi rợ.
*
Những triển lãm sau này đã thể hiện sự nhân văn và tôn trọng nhiều hơn.
Tuy nhiên người chống tiến hóa muốn làm quá lên như thể đó lại là một phần trong nỗ lực tuyệt vọng tìm kiếm một “mắc xích thiếu”. Màu sắc của các mô hình phục dựng hồi xưa, khi không hề có mẫu da, mẫu tóc và trước thời có thể phân tích ADN, hóa ra lại sai cơ đấy! Chuyện lạ động trời tập 1! Và các nhà nghiên cứu ngày trước, sống ở hai châu lục có nền kinh tế hàng trăm năm phụ thuộc vào xâm lược và nô dịch với đa số dân cư mang tư tưởng phân biệt chủng tộc, hóa lại ít nhiều thiên vị màu da của mình cơ đấy! Chuyện lạ động trời tập 2!
*
Xem link này coi sự thay đổi của việc khắc họa Neanderthal và thấy chúng chịu nhiều ảnh hưởng và chi phối của thời đại, nhưng luôn cải thiện khi kiến thức mới xuất hiện. Dẫu vậy, có một điều các nhà sinh học tiến hóa đã đúng: những khác biệt của Neanderthal không hề do bệnh tật, mà là đặc điểm của loài/phân loài, vì chúng rất nhất quán trên nhiều mẫu vật, kể cả trẻ em cũng “khác người” rõ rệt.
Ngày nay các nhà khoa học hoặc coi họ là phụ loài của người hiện đại (Homo sapiens neanderthalensis) hoặc tách họ thành một loài người riêng (Homo neanderthalensis).
*
–  Trong khi đó “Người Heidelberg”, “Người Cro-Magnon” hoàn toàn là người.
Người Heidelberg “hoàn toàn là người”, nhưng chỉ trừ có tuổi gấp 2-3 lần chúng ta (600,000 – 400,000 năm trước đây) và có các đặc điểm còn “khác người” hơn Neanderthal?
Và học sinh lớp 12 nào không ngồi ôn thi khối C trong giờ sinh cũng sẽ nói sách ghi rõ Cờ-rô Ma-nhông là người hiện đại. Có vấn đề gì?
 x
–  “Người Ramapithecus”, “Gigantopithecus”, “Zinjanthropus” chỉ là vượn.
“-pithecus” là gốc từ chỉ vượn
Đúng rồi, các “tín đồ” tiến hóa rắp tâm muốn dân chúng nghĩ bọn này là tổ tiên của người nên đặt tên chúng có từ “vượn” đấy. Logic!
Muốn biết kiến thức nào hiện đang là chính thống trong giáo dục, có thể coi trên dòng thời gian tiến hóa người tương tác của bảo tàng Smithsonian. Hãy dùng công cụ “magnifier” để xem từng mốc thay đổi nhỏ, từ cơ thể đến công cụ, văn hóa. Trong những nhân vật chính không hề có ba cái tên ở trên. Hình như ông Hưng không phải đang tấn công môn học hiện đại đang được dạy trong trường, mà là ảo giác của ảnh phản chiếu của bóng ma của quá khứ của ngộ nhận về thuyết tiến hóa thì phải?
Cụ thể là Ramapithecus.
 x
Đầu tiên, người chống tiến hóa hổng có ưng chuyện từ cái hàm mà vẽ nguyên con. Nhưng họ muốn sao đây, đắp một miếng da nhỏ lên cái hàm, đính chút thịt lên đó? Thực ra, hình ảnh đó là bản phục dựng hoàn chỉnh, người ta làm ăn đàng hoàng trải qua vài bước mới tới được đó, bức xúc là do tự người chống tiến hóa đốt cháy giai đoạn. Cùng coi ở phần nâng cao.

 

 

Bấm xem phần nâng cao
Một số thuật ngữ ngành cổ sinh:
_Fossil là hóa thạch, là thứ ta lôi từ dưới đất lên hoặc bóc từ trong đá ra, mong manh và độc nhất.
_Cast là bản đúc làm bằng nhựa, giữ nguyên vẹn hình dáng 3D và các chi tiết nhỏ của hóa thạch (nhưng lại nhẹ hơn và dễ lắp hơn), trước là để tạo ra bản sao phòng hờ, sau là để nhiều nhóm có thể cùng nghiên cứu mà không tổn hại bản gốc.
_Skeletal reconstruction là bản phục dựng bộ xương. Sau đó là đắp cơ, nhưng ít viện bảo tàng trưng dạng đó (ví dụ), có lẽ vì nhìn gớm gớm. Rồi sau đó là đắp da, đắp lông, tô màu v.v các bước chung tôi đã có bài viết, xem tại đây.
Chi tiết viết dễ hiểu về các bước từ khai quật đến trưng bày có thể xem trong tài liệu này. Xem trang này để coi cách phục chế bằng máy tính (người), blog này để coi ảnh trong lab phục chế (sinh vật biển) từng bước của các nhà cổ sinh.
 x
Hết mấy bước đó mới tới hình phục dựng lên bảo tàng và sách. Việc phục dựng là cả một công trình ròng rã phối hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học và nghệ sĩ. Một điểm cần nhớ là các viện bảo tàng biết nhiệm vụ của mình, bản gốc sẽ khoe ầm lên gọi là bản gốc, bản đúc sẽ nói rõ là bản đúc, thường là nói luôn dựa trên những xương nào. Còn những hình “tay nhanh hơn não” thường là hình trên báo. Báo mà, như “bưởi gây ung thư” thôi, hơi manh động. Tuy nhiên, ngay cả trên loại báo đại chúng chứ không phải chuyên khoa học như CNN cũng ghi rõ khi đăng hình phục dựng rằng chúng là “biểu đạt của họa sĩ” (“an artist’ impression”), mặc dù theo tôi thì một người đủ tuổi đọc những văn bản này cũng nên tự biết rằng khủng long và vượn người không còn sống để ngồi mẫu vẽ theo “chủ nghĩa hiện thực”. Tóm lại là thật ra không có giấu giếm gì hết, thông tin đầy ra đó, bạn có dời gót ngọc đến ngó không thôi.
 x
Việc phục dựng chỉ là để phục vụ công chúng, bởi vì chúng ta là sinh vật rất nặng phần nhìn. Như các bạn đã thấy, nhìn đầu lâu, nhìn xương thôi thì người ngoài như chúng ta không biết ất giáp gì. Mô hình phục dựng là cho phép bà con dòm sinh vật tiền sử bằng cách vay mượn kiến thức của chuyên gia và trí tưởng tượng của họa sĩ (rốt cuộc cũng chỉ là con người), và vì không có cỗ máy thời gian, nên đừng bao giờ trông đợi sự hoàn hảo.

 

 

Và từ một khẳng định không biết ai nói, không biết ngữ cảnh (vì người chống tiến hóa chuyên gia cắt bụp các trích dẫn để làm như chúng nói điều họ muốn nói) trong một tờ báo 40 năm trước (1977) mà năm 2016 ông Hưng la làng “Vâng, thưa độc giả, KHÔNG CÓ NGƯỜI-VƯỢN HOẶC VƯỢN-NGƯỜI nào hết!”. Như thường lệ, kiểm tra sơ sơ là thấy người chống tiến hóa chỉ cho ta một nửa sử thật, một nửa đã bị phẫu thuật thẩm mỹ của sự thật.
x
Chẳng đi đâu sâu xa hơn Bách Khoa Toàn Thư Britannica, ta được đọc toàn bộ câu chuyện đàng hoàng: Năm 1932, người ta tìm thấy vài mảnh hàm trên và răng. Thập niên 60, Simons và học trò là Pilbeam đề xuất rằng đây là tổ tiên sớm nhất của người đã tách ra khỏi nhóm tổ tiên chung với vượn. Tuổi của nó (14 triệu năm) hợp với quan niệm đương thời rằng con người và nhóm vượn tách ra trễ nhất cũng phải 15 triệu năm.
Ý kiến này vừa được đồng thuận thì tới cuối những năm 60 Wilson đã Sarich đã đưa kết quả nghiên cứu hóa phân tử protein máu cho thấy vượn và người tách ra trễ hơn nhiều. Dĩ nhiên các nhà nhân chủng chống cự, nhưng các bằng chứng hóa sinh và hóa thạch ủng hộ điều đó ngày càng nhiều. Đọc kỹ lại hai câu trên nhé, không phải một đống kết quả cho thấy người và vượn hoàn toàn chẳng có bà con, mà là chứng minh vượn và người có chung lịch sử dài hơn, quan hệ còn gần hơn dự kiến. Cuối cùng, năm 1976, chính Pilbeam tìm thấy một mảnh hàm hoàn chỉnh với dáng hình V thay vì hình U như các hóa thạch khác trong dòng của người (xem lại phần 2) và ông lên báo tuyên bố rút lại kết luận rằng Ramapithecus là tổ tiên người.
x
Nói chuyện bằng chứng cứ, không hề có baboon (khỉ đầu chó), không hề có giả mạo.
x
Dù không có trong tay ấn bản Time năm 1977, từ toàn bộ bối cảnh này, tôi có thể đoán được ý của câu đó không phải là không có “ape-man” như ông Hưng cảm thán, mà là ngoài Ramapithecus ra, ta không còn bằng chứng nào chứng minh vượn và người tách ra 15 triệu năm trước. Ta không có bằng chứng, vì đó không phải là điều đã xảy ra, chúng ta đã nghĩ sai hướng. Ngày nay thời điểm tách ra của tinh tinh và người thường được đặt ở khoảng 8 – 6 triệu năm trước, dù các dữ kiện mới có thể xê dịch khoảng này.
***
Tại sao khoa học dường như lúc nào cũng sai, cũng phải đính chính, cũng phải sửa lỗi? Ấy, chính vì sai hoài như vậy nên ta mới có tàu vũ trụ, vắc-xin và điện thoại di động đấy. Thừa nhận sai lầm, nghĩa là ta đã gạch bớt được một ngõ cụt và giờ có thể dồn tài nguyên cho những con đường đúng. Sửa sách, nghĩa là ta đã biết điều ta không biết ngày hôm qua. Đó là điều đáng mừng, vì ta học được gì đó mới và ta tiến bộ lên. Mà thật sự khoa học cũng không sai nhiều như vậy, các báo cứ thích giật tít thôi, tại vì tựa đề như “Lại một lần nữa tiến hóa được khẳng định” không giúp tăng doanh số. Nếu lần sau các bạn thấy “Phát hiện mới làm chao đảo thuyết tiến hóa”, thì cứ hiểu là bài rất có thể là về việc người ta phát hiện một loài tôm nước mặn hóa ra cũng có mặt ở mặt ở một cái hồ.
Bạn có biết? Có những hệ thống cung cấp thông tin không bao giờ sai! Là những quẻ bói có thể in trên báo đại chúng như “Tuần này Song Ngư buồn chuyện tình cảm”, độ tuổi đọc chuyên mục đó mà một tuần không có 1001/1000 đứa buồn tình mới là lạ; hay “lá số” kiểu như “Tuổi Canh Tý thời niên thiếu sóng gió”, chời ơi sinh năm 1960, lớn lên ngay giữa lúc chiến tranh ác liệt mà không “gió” cũng uổng; và những lời tiên tri dạng “Sẽ có thiên tai và chiến tranh!” *miễn bàn*. Đặc điểm chung của chúng là chỉ quan tâm đến duy trì sự sống cho bản thân bằng cách cố tình chung chung, mập mờ và được “bảo kê” bởi người đọc – đúng, ta gật gù nhiệt liệt, sai ta tặc lưỡi cho qua. Dự báo thời tiết dường như luôn luôn sai, là bởi vì chúng rất cụ thể, ngày mai, sáng sớm, trời nắng, 27 độ C. Ngày đó ta không có dù mà trời đổ mưa thì ta cay, ta ghét mãi nhà đài chứ ta có bao giờ để ý dự báo bao lần đúng? Những dự đoán sẽ không có một chút giá trị gì nếu không có sự liều lĩnh.
Khoa học, vốn chưa bao giờ tự nhận mình biết tất cả, chỉ là một em bé phải mò mẫm từng chút một trong vũ trụ bao la này. Đòi hỏi khoa học không ngộ nhận hay phạm sai lầm là vô lý, càng nực cười hơn khi cho ngộ nhận đó là một âm mưu. Thử diễn giải vụ trên như sau:
x
“Tín đồ” tiến hóa đưa ra kết luận ban đầu. “Tín đồ” tiến hóa khác phân tích và phản biện. Các “tín đồ” tiến hóa tranh cãi, cho đến khi càng ngày càng có nhiều bằng chứng và cuối cùng nhóm “tín đồ” tiến hóa đầu tiên tìm thấy bằng chứng quyết định và rút lại kết luận ban đầu. “Tín đồ” tiến hóa đồng thuận về kiến thức mới, vác cuốc lên tìm tiếp. Quá trình này tôi thấy coi bộ thỏa điều kiện của khoa học thực thụ đấy!
 x
“Tạo ra sai làm là hành vi của con người, sửa chữa chúng là hành vi của khoa học”. Từ đầu đến cuối người chống tiến hóa ở đâu khi các “tín đồ” của Darwin bứt tóc móc mắt nhau để đi tìm kiến thức mới cho nhân loại?

Chắc là đang kẹt ở năm “một ngàn chín trăm hồi đó” ?

8 Comments

Bình luận về bài viết này