MỘT THẾ GIỚI CHỈ TRÔNG CÓ VẺ GIÀ?

Sau khi xong EvoThink 3, tôi lại nhớ ra một luận điểm mà tôi chưa phản biện. Thôi không biết để vào đâu, tôi đưa vào đây vậy. Có người nói với tôi Trái Đất thật ra không già, chỉ được tạo ra ở trạng thái giống già (và suy rộng ra là sinh giới cũng không có tiến hóa, chỉ được tạo ra ở trạng thái nhìn giống như có tiến hóa). Họ dẫn rằng ông Adam không được tạo ra như là một bé sơ sinh, mà là một người đàn ông trưởng thành; nếu chúng ta trở về quá khứ và nhìn thấy ông vào ngày ông được tạo ra, chúng ta sẽ nghĩ ông đã là một người thanh niên chứ không phải một ngày tuổi. Từ đó người đó khẳng định khoa học không mâu thuẫn với chân lý trong tôn giáo của người đó.
Các bạn khác đọc tới đây hẳn đã thấy tại sao phép màu, dù có thật hay không, đều không thuộc phạm vi khoa học, “sự cam kết với một cách suy nghĩ có hệ thống, sự ủng hộ việc xây dựng kiến thức và giải thích vũ trụ thông qua kiểm chứng và quan sát thực tế”. Khoa học tìm hiểu thế giới theo phương pháp kiểm chứng khách quan, dựa trên tiền đề là mọi thứ đều có và tuân thủ quy luật, mà phép màu từ trong định nghĩa chúng đã là những điều nằm ngoài các quy luật – có phép màu vào thì cái gì cũng có thể xảy ra được. Không có bất cứ một kết quả thực nghiệm nào có thể mâu thuẫn với phép màu, mà phàm cái gì không thể đụng chạm, không thể bác bỏ, được đặt cao hơn thước đo của quy trình kiểm chứng, thì không thể là khoa học.
Luận điểm “ngoại hình già” thoạt nghe thật sự thuyết phục, nhưng chúng ta phải phân biệt tuổi tác thể hiện qua “ngoại hình” và “lịch sử”. Trong phim “Mảnh đời kì lạ của Benjamin Button”, nhân vật của Brad Pitt là một cậu bé sinh ra với gương mặt, cơ thể của một ông già rồi càng lớn thì càng trẻ lại. Hollywood rất dễ dãi với phép màu và những gì siêu nhiên, giả tưởng như vậy. Một đột biến khiến một người tự dưng có nguyên đôi cánh? Ok. Một thiết bị có thể đưa ta xuống kích cỡ dưới nano và trở về? Fine. Bằng nguyên lý nửa vật lý nửa chém gió, ai đó mở chiều không gian, đi xuyên tiềm thức, thao túng quá khứ úm ba la cờ răng tăng phlăng… được hết! Chỉ có tối kỵ là phim phản bội những gì mình đã đặt ra từ đầu, hay lười nhác giải quyết vấn đề bằng một phương tiện chưa được giao trước. Nếu mà ta dõi theo thành trình nam chính luyện Độc Cô Cửu Kiếm, mà đến màn quyết định anh lại kết liễu địch thủ bằng Giáng Long Thập Bát Chưởng; hay báu vật ma thuật vô địch vũ trụ rốt cuộc lại là chính sợi dây chuyền nữ phụ đeo đó giờ, mà từ đầu đến cuối chưa ai nhắc hay có cảnh quay gì với sợi dây ấy, thì giới phê bình lẫn khán giả sẽ nhai sọ biên kịch lẫn đạo diễn, gọi đó là Deus ex machina, hay bình dân hơn là ass-pull, dịch thô thiển là cái kết móc từ đ*t.

N

Với nhân vật Benjamin, chúng ta được yêu cầu hiểu là cậu chỉ có một cuộc đời kỳ lạ chứ không kỳ diệu. Tình trạng của Benjamin không phải một lời nguyền hay thử thách của một bà tiên, đơn thuần cậu có những trục trặc tự nhiên gì đó khiến chu trình sinh học ngược với người bình thường. Là người xem, chúng ta sẵn sàng cất tủ kiến thức chính thống và sống trong hiện thực nội bộ ấy của phim, để tận hưởng ảo giác rằng câu chuyện ấy có thật. Vậy, ta chấp nhận sẽ có lúc Benjamin tuổi nhi đồng có ngoại hình và tình trạng sức khỏe khác gì một cụ nội thượng thọ – cũng nhăn nheo, cũng rúm ró, nội tạng bèo nhèo và liệt hai chân – nhưng cái Benjamin không thể có là lịch sử, những dấu tích quá khứ. Benjamin không thể có một vết sẹo rất rất cũ nằm sâu dưới da sau khi ngã tét đầu hồi lên năm, vết phỏng xưa tuổi lên mười, một mảnh đạn sót kỷ niệm trận đấu nọ thuở thanh niên… của những người dòm như “đồng trang lứa”. Trong răng và xương của Benjamin sẽ không có tỉ lệ những đồng vị Strontium đặc trưng cho những vùng địa lý các ông già kia đã sống, chế độ ăn đã thay đổi trong vòng đời hay các biến cố một người thực sự 90 tuổi hẳn đã trải qua (như một đợt phun trào núi lửa khủng khiếp phun ra rất nhiều tro bụi toàn cầu để lại dấu tích trong cơ thể). Nếu chúng xuất hiện, ảo giác tan vỡ, câu chuyện trở nên bất nhất; chúng ta có thể chấp nhận cái vi diệu, nhưng cái phi logic, tự mâu thuẫn thì không.


Cũng như vậy, những thứ được tạo ra với ngoại hình tuổi tác không nhất thiết phải có -hay có thể nói là không được có- dấu tích của tuổi tác, và nếu có thì chắc chắn đó phải là một sự dàn dựng có chủ ý, không chạy đường nào được.


Adam có thể vai năm thước rộng, thân mười thước cao, râu ria lởm chởm, nhưng Adam ngày chào đời không thể có lỗ rốn (vì đó là dấu vết của việc một người từng nằm trong bụng mẹ), hay sẹo mụn (từng qua tuổi dậy thì), hay một bộ hàm xô lệch do chăm sóc răng sữa sai cách (từng qua tuổi thơ), hay đỉnh răng mòn (đã sống một thời gian dài). Nếu Adam có những thứ đó, sẽ không thể xem xét ông xong rồi kết luận “người này chưa từng lớn lên”, mà không phản bội lại óc tư duy Chúa ban tặng và kiến thức ông bà để lại – chúng ta chắc chắn sẽ bị mắc lừa.


Tương tự, một cái cây trong vườn Địa Đàng có thể sum suê và to lớn như một cổ thụ, có thể lúc lĩu trĩu quả… nhưng không thể có vân tuổi. Vân tuổi không chỉ phản ánh thời gian sống của cây, mà còn là điều kiện sống. Vân dày cho thấy năm đó khí hậu thuận lợi (mưa nhiều, dinh dưỡng tốt). Vân mỏng thì năm đó khó khăn (hạn hán hay mùa xuân, hè quá lạnh). Vậy nếu ai đó tìm thấy một khoanh gỗ dày đặc vân của những cây ấy thì họ không thể không thu nhận những thông tin sai –  không chỉ về một tuổi tác không có thực, mà còn là một biên niên sử những điều kiện thời tiết không có thực – vậy thì Chúa Trời, tác giả của chúng, đã gian dối.


Chúa Trời sẽ không làm như vậy, đó là quan điểm của các nhà Sáng tạo luận Trái Đất Già, dẫn lời Dân Số 23:19

Đức Chúa Trời chẳng phải là người để nói dối, Cũng chẳng phải là con loài người đặng hối cải. Điều Ngài đã nói, Ngài há sẽ chẳng làm ư? Điều Ngài đã phán, Ngài há sẽ chẳng làm ứng nghiệm sao?

Trái Đất của chúng ta, cũng như vũ trụ, không giống Benjamin, mà giống các bô lão thứ thiệt: vừa trông già, vừa có dấu tích của cái sự già:

_Trên khắp hành tinh là những ngọn núi già, và những ngọn núi trẻ. Núi trẻ cao, nhọn, núi già tù và thấp, đó là lịch sử, bởi nếu đó chỉ là ngoại hình, nó dẫn dắt chúng ta ngộ nhận về những con mưa, những đợt gió suốt hàng chục triệu năm không có thật.

_Giữa những ngọn núi này là những thung lũng có sông chảy qua, và con sông điêu khắc mà nên. Thung lũng hình V như vùng Grand Canyon là trẻ, do dòng sông Colorado mở đường máu vào được mới có… vài triệu năm. Thung lũng bằng là già, vì dòng chảy đã cào phẳng đáy sông, suối, ví dụ như thung lũng sông Nile. Đó là lịch sử, bởi nếu không thì mọi khúc quanh, mọi dáng vách núi, độ trơn hay nhám của từng viên đá… đều là một thiết kế có chủ đích – chẳng lẽ chỉ để lừa những con Chúa đi tìm tri thức?
_Sóng cũng có thể bào mòn, thành các mái vòm biển, các bệ sóng vỗ, ống khói biển… đó là lịch sử, nếu bởi không, từng đường khắc, từng kẽ nứt, từng hào, rãnh và chi tiết nhỏ của chúng đều là ngụy tạo sự kiên trì của sức mạnh dòng nước.
_Còn những thạch nhũ hùng vĩ, những tinh thể khổng lồ, hàng trăm ngàn lớp băng vĩnh cửu… với tốc độ hình thành cực kì chậm chạp. Độ vĩ đại của chúng là minh chứng cho lịch sử dằng dặc của Trái Đất, bằng không, không những Chúa Trời đã lừa chúng ta về tuổi của chúng, mà còn tính toán các thành phần hóa học, không khí, tạp chất trong chúng sao cho chúng phản ảnh từng mùa, từng năm, từng sự kiện… không hề có thật.
_Tệ hơn nữa: Khoáng sản. Ví dụ, than đá và dầu mỏ hình thành từ xác sinh vật, bị nén ép khi các lớp trầm tích chất chồng lên chúng và nhiệt độ cao dần khi xuống sâu. Tất cả đều cần thời gian, mà nếu không có, thì Chúa Trời đã đặt để dưới lòng đất những câu chuyện về những cánh rừng, vi sinh vật chưa từng tồn tại, những đám cháy chưa từng xảy ra, những loại bùn bảo quản, những giai đoạn trung gian chưa từng có. Anthracit cũng chả có tuổi hơn than bùn.
_Tại sao Chúa Trời đẽo gọt các châu lục sao cho chúng nhìn như khớp với nhau, có hệ động thực vật tương đồng, có các mỏ khoáng sản giống nhau, có hướng từ trường trùng khớp… tách chúng ra như vậy, rồi lại cho chúng một cơ chế di chuyển chỉ một xentimet một năm? Như chúng ta thấy trong EvoThink #3, tầng tầng lớp lớp địa chất không thể chỉ hình thành trong một thời gian ngắn được, và nó phản ánh một lịch sử thay đổi không những của địa chất mà còn của sinh vật không thể chối cãi, dù thuyết tiến hóa có đúng hay không. Chẳng lẽ Chúa Trời kỳ vọng những nhà địa chất ngoan đạo sẽ không cúi đầu trước “sự thật” mà tự nhiên phơi bày và công bố một độ tuổi không đúng?


_Nhìn xa hơn, tại sao Chúa Trời tạo ra sao Thủy, mặt trăng, Sao Hỏa… với bề mặt phủ đầy những hố và rỗ? Phải chăng Ngài cảm thấy cần phải làm chúng nhìn như đã bị thiên thạch oanh tạc suốt hàng trăm triệu năm? Phải chăng Ngài buồn chán quá nên quyết định ném hàng triệu đá trời lên các thiên thể này?
_Trong khi đó, gần như không có hố nào thấy được trên Trái Đất, nhưng Chúa Trời lại tạo ra hố Chicxulub có diện tích 25,500 kilomet vuông bị chôn giấu dưới bán đảo Yucatan của Mexico? Ngài làm thế vào ngày Sáng thế nào? Tại sao trong hố này có một lượng lớn iridium, chất cũng có trên thiên thạch và các trầm tích đánh dấu đường biên kỷ Phấn Trắng và Kỷ Đệ Tam?
_Tại sao Chúa phải thao túng một loạt những đồng vị phóng xạ, với tốc độ phân rã khác nhau, sao cho tuổi tác của chúng có thể được đối chiếu với nhau và với những hiện tượng khác?
_Tại sao chúng ta có thể nhìn thấy những thiên hà cách hàng tỷ năm ánh sáng? Theo đúng “lịch sử thật”, thì trong vòng 6000 năm nay chúng ta chỉ thấy được 1% của dải ngân hà của chính chúng ta (vòng tròn). Sẽ phải 2 triệu năm nữa ta mới thấy được thiên hà Tiên nữ (Andromeda), còn cụm thiên hà Xử nữ (Virgo) thì phải 60 triệu năm. Người Sáng tạo luận Trái Đất trẻ lý giải rằng: ánh sáng thuở ban đầu đi nhanh hơn bây giờ nhiều hay ánh sáng đi nhanh hơn vạn lần khi đến gần Trái Đất (cả hai đều hoàn toàn không hề có cơ sở thiên văn), hoặc ánh sáng được tạo ra trên đường đi. Tức là ánh sáng đến với chúng ta thật ra không hề xuất phát từ những thiên thể và thiên hà kia, chúng chỉ như những vận động viên được đặt sẵn trên các đoạn của đường chạy – tới trước hay tới sau đều chỉ là dàn xếp, đều mang theo những ảo ảnh 100%.
Thuyết Big Bang về sự giãn nở của vũ trụ dự đoán rằng những vật thể xa nhất đang di chuyển ra xa chúng ta nhanh nhất. Nhưng vận tốc ánh sáng lại là hằng số, cho nên bước sóng của các vật thể ấy sẽ bị kéo giãn, tạo ra các dịch chuyển đỏ (redshift), hay bước sóng dài hơn; và đúng là chúng ta phát hiện ra chúng. Để tạo ra một vũ trụ trẻ nhưng trông già, Chúa Trời sẽ phải tự tay điều chỉnh dịch chuyển đỏ của hằng hà sa số những ngôi sao, chỉ đề dụ khị các nhà thiên văn. Người đau lòng nhất nếu biết được điều này hẳn là linh mục Georges Lemaître, người đầu tiên đề xướng Thuyết Big Bang.


Chúa Trời đã đưa chúng ta một bộ xếp hình không hề có hình mẫu trên hộp. Bằng cùng những cách giải đã cho chúng ta máy bay, vaccine và smartphone, sau hàng ngàn năm miệt mài, chúng ta sắp xếp ra được một hình dáng, tuy còn lỗ rỗ nhiều chỗ, nhưng có thể nhìn thấy một đáp án xuất hiện ngày càng rõ ràng. Tại sao Chúa Trời muốn chúng ta gạt phăng nó để nhắm mắt trước những mảnh ghép?


Với đa số tín đồ, câu trả lời cho những chất vấn hóc búa này rất đơn giản: Chúa chẳng cần phải dàn dựng gì hết, bởi vì Trái Đất và vũ trụ thật sự già.
Chẳng phải trong Gióp 12:7 – 9 đã dạy:
Nhưng khá hỏi loài thú, chúng nó sẽ dạy dỗ ngươi, Hỏi các chim trời, thì chúng nó sẽ bảo cho ngươi;
Hoặc nữa, hãy nói với đất, nó sẽ giảng dạy cho ngươi; Còn những cá biển sẽ thuật rõ cho ngươi biết.
Trong các loài này, loài nào chẳng biết Rằng tay của Đức Chúa Trời đã làm ra những vật ấy?


Mấy câu đó nghe như là hãy tin tưởng sinh học và địa chất đấy.


Thánh Thi 50:6 viết:
Các từng trời sẽ rao truyền sự công bình Ngài, Vì chính Đức Chúa Trời là quan xét.


Bầu trời không thể lừa dối.


Thật không thể hình dung một Đức Chúa Trời toàn thiện lại có thể tạo ra con người với trí tò mò và lòng ham hiểu biết vô hạn, lệnh cho họ nghiên cứu về thiên nhiên chỉ để rồi mong muốn họ gạt phăng những gì họ tìm được để răm rắp tuân theo một cách hiểu về Kinh Thánh mà nhiều đồng đạo cảm thấy rất có vấn đề.


Đây không phải là các ý tưởng báng bổ của tôi, tôi đã lấy chúng từ trang web của những nhà Sáng tạo luận Trái Đất Già, những người cũng rất nhiệt huyết bảo vệ đức tin và am hiểu về Kinh Thánh.
GodofScience viết:
“Con người được tạo ra như một phần của tác phẩm tốt đẹp của Chúa Trời. Phải chăng Đấng Sáng Tạo đã tạo ra con người với các giác quan cùn mòn và trí lực kém cỏi đến mức ta chẳng thể nào tin tưởng được những gì các giác quan nói với ta? Tư tưởng “ngoại hình tuổi tác” phủ nhận cả tính đáng tin cậy của các giác quan con người và hiện thực về tạo tác của Chúa Trời. Cả hai ý này đều không có cơ sở từ Kinh Thánh.”


Và trước khi các tín đồ kéo đuốc tới đòi làm cho nhà tôi “sáng nhất đêm nay” vì dám bảo Chúa Trời lường gạt. Tôi KHÔNG có nói Chúa Trời lường gạt. Tất cả những gì tôi làm là chỉ ra rằng, nếu B là hệ quả của A, bạn dám nói ra A, thì bạn phải sẵn sàng chấp nhận B. Kẻ báng bổ ở đây chính là người đã nói với các bạn rằng những gì kì vĩ nhất bạn thấy về vũ trụ này chỉ là một bài kiểm tra đức tin.
Để chia tay, tôi xin dẫn thêm một câu của Carl Sagan, như thể trả lời cho câu hỏi đầu bài về Mô hình Sáng tạo luận:

“Nếu ta khao khát hành tinh của chúng ta phải quan trọng, ta có thể làm được. Chúng ta làm thế giới của chúng ta vĩ đại bằng sự táo bạo của những câu hỏi và sự sâu sắc của những câu trả lời.”

Vũ trụ hết sức tươi đẹp; hữu thần, vô thần, chúng ta đều có quyền và nghĩa vụ khám phá và tận hưởng nó. Tôi thành khẩn vận động những người Ki-tô Giáo đang có cái nhìn Trái Đất trẻ hãy tự vấn: đâu là chân lý cá nhân của bạn, Kinh Thánh, hay một cách hiểu hẹp hòi, cố chấp về nó? Bởi sẽ thật đáng tiếc biết bao, nếu phải cố đấm ăn xôi chỉ để mang một khung kính – vốn cũng chỉ là do ai đó đẽo gọt – mà bó buộc cái nhìn của ta về hiện thực thành nhòe nhoẹt.


8 Comments

  1. Cái vấn đề được nói đến trong bài trên là ” appearance of age “. Nhưng mình được biết nó chỉ là một lỗi ngụy biện. Bản thân chính cụm từ ấy cũng đã sai rồi, nó gọi là phép nghịch hợp ( oxymoron )

    Có trang này giải thích đó gọi là lỗi áp dụng vấn đề trừu tượng cho những gì ( thuộc vật thể ) quan sát được. Vì tuổi tác là khái niệm phi vật thể nên không thể nói rằng Adam hay trái đất, vũ trụ trông già. Cách nói ” trông già ” hay ” trông trẻ ” nó chỉ là cách nói tượng trưng, chứ không theo nghĩa đen. Và nhất là chúng ta cũng ( có lẽ ) chỉ có một vũ trụ, một trái đất có sự sống, chứ chưa có một vũ trụ hay trái đất nào khác để so sánh. Đầu tiên mình nghĩ bạn nên đọc kỹ trước bài sau để hiểu
    https://biblicalscienceinstitute.com/origins/appearance-of-age/

    Cả trang creation.com cũng có một bài nói tương tự:
    https://creation.com/is-apparent-age-biblical
    Và cả vấn đề distant starlight nữa, thực sự là nó mới gây trở ngại cho thuyết big bang ( hàng tỷ năm tuổi )
    https://creation.com/light-travel-time-a-problem-for-the-big-bang

    Giả sử thời xưa con người sống cực kỳ lâu ( có thể đến gần 1000 tuổi ) thì sao ? Nếu có ai đó 600 tuổi nhưng còn khỏe ( sẽ sống thêm nhiều năm nữa ) mà có thể trông như 60 tuổi, thì bạn nghĩ sao ? Giả sử có một nhà khoa học du hành thời gian quay về quá khứ gặp người sống lâu đó, liệu có thể bảo rằng ông ta nói dối về tuổi của mình được không, bởi vì làm sao có thể áp dụng việc xác định tuổi của người hiện đại cho người cổ xưa được. Do điều kiện và hoàn cảnh khác nhau, cũng như tỉ lệ tuổi tác chênh lệch rõ rệt

    Hơn nữa vì sao bạn không nói đến các bằng chứng cho thấy trái đất trẻ. Bằng chứng không ít, nhưng vì không thể kể hết được nên mình dẫn ví dụ về một số bằng chứng nổi bật. Video của Eric Hovind. Bạn chỉ cần tua đúng đến chỗ nói về bằng chứng cũng được. Một ví dụ nổi bật là mặt trăng đang cách xa dần trái đất, cho nên nếu hàng triệu hay hàng tỷ tuổi thì mặt trăng đã đâm vào trái đất từ lâu rồi

    Thích

    1. Thứ nhất, những nguồn bạn trích ra mang tư tưởng một chiều, thiên về cảm tính hơn là đưa dẫn chứng chứng minh cho câu nói. Ai nói cho họ biết là tuổi tác là phi vật chất vậy, bài báo khoa học nào nói rằng tuổi tác không thể đo đếm. Tôi lấy ví dụ đơn giản trong đời sống thôi, bây giờ tôi thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, mà ông/bà ta nói là họ mới được đẻ ra ngày hôm qua, làm sao bạn chứng minh được cho tôi biết là ông/bà ta nói sự thật, và đừng nói như kiểu chúa tạo ra con người thế nào là tùy ý ngài nhé, vì đó là cách nói mang nặng cảm tính chứ không phải là suy nghĩ lập luận của bạn, và cũng đừng nói kinh thánh nói chúa tạo ra Adam và Eva chỉ “có vẻ già” hay “có vẻ trẻ” nhưng họ sống bằng này tuổi nên suy diễn tương đương, vì bạn chưa chứng minh được câu chuyện trong kinh thánh là đúng sự thật. Tôi chân thành khuyên các bạn nếu muốn phản biện thì hãy đọc hiểu ý của người viết trước khi lôi mấy cái nguồn rồi nhai lại lời người ta để khẳng định mình đúng.
      Thứ hai, cái giả sử của bạn cũng chỉ là lấy của những nguồn theo sáng tạo luận sẵn có nói lên chứ chưa có chứng minh được cái gì. Bây giờ bạn hãy chứng minh cho tôi bằng những phương pháp khoa học để thấy một người sống 600 tuổi nhưng có vẻ như là 60 có khả năng xảy ra được đã. Khi đấy bạn mới lấy ví dụ được cho người khác. Bạn giả sử điều không thể xảy ra thì tôi cũng có thể giả sử một người nhảy ra khỏi tòa nhà tầng 72 nhưng không rơi xuống đất mà trôi nổi trên không thì sao?
      Thứ ba, muốn tính khoảng cách đến ngôi sao thì tôi có thể cho bạn nguồn để bạn tìm hiểu
      https://thienvanvietnam.org/index.php?option=com_content&view=article&id=589:do-khoang-cach-toi-sao-va-thien-ha&catid=23&Itemid=147
      Và còn nữa, cái video bạn nói ra sai ngay từ cái đầu tiên về thuyết tiến hóa rồi, tức giả thiết đã sai thì làm sao mà chứng minh rồi đưa ra kết luận đúng được, muốn hiểu thuyết tiến hóa khác tiến hóa như thế nào thì xem:
      https://sinhtienhoa.com/2012/04/10/tien-hoa-va-thuyet-tien-hoa/
      và nữa thuyết big bang, sự hình thành địa cầu liên quan gì đến tiến hóa mà lại phản biện, lại còn xuyên tạc cách trái đất hình thành nữa.
      Cái video thì ngay đầu đã là ghi là khoa học sáng tạo thì bạn lấy nguồn đó để chứng minh cái gì, sao bạn không tìm cả những video về tiến hóa nữa để hiểu rõ họ nói gì. Nếu bạn muốn tìm sự thật thì bạn ngoài việc đọc, xem những nguồn chống tiến hóa thì bạn cũng nên xem những nguồn nói về tiến hóa để hiểu rõ 2 bên họ nói gì mới đưa ra những lập luận khách quan hơn.

      Đã thích bởi 1 người

  2. Vấn đề không phải là nói dối về tuổi tác hay nói thật mà là những nhà khoa học theo trái đất già không muốn chấp nhận rằng mọi thứ đã được tạo ra trưởng thành ngay từ đầu. Bạn có thể thấy là ngoại hình tuổi tác ( tạo dựng ra trông già nhưng thực sự trẻ ) là điều người theo trái đất trẻ không hề nói, mà đó chỉ là người trái đất già dựng người rơm, hoặc hiểu sai. Họ chỉ nói mọi thứ đã được sáng tạo trưởng thành ngay từ đầu, chứ không qua quá trình lớn dần

    Làm thế nào chúng ta biết rằng phải mất hàng triệu năm thì ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất có thể đến được trái đất ? Một giáo sư nào đó viết ra, hay Carl Sagan nói với chúng ta ? Điều gì xảy ra nếu khám phá ra rằng ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất có thể đến trái đất ngay tức thì ( nếu Chúa đã tạo dựng ngôi sao và ánh sáng phát ra từ nó chiếu thẳng đến trái đất trong tích tắc ? ), vì nếu Đấng Tạo Hóa không cần thời gian để làm việc gì mà con người (hữu hạn) cho là phải cần thời gian thì sao ?
    Giả sử về sau có một hóa chất ” màu nhiệm ” nào đó mà người nông dân chỉ cần reo hạt giống xuống đất rồi đổ hóa chất ấy vào, thế là mọc lên luôn một cái cây to xum xuê rất nhanh trong vài giây. Nếu người đó nói cho bạn biết là cái cây đó vừa mới mọc lên cách đây 10 giây thì bạn có tin không ? Người nông dân đâu có nói dối bạn, nhưng do bạn không muốn tin rằng có loại hóa chất đặc biệt đã giúp hạt giống mọc thành cây ngay tức thì, rồi bạn lại dùng các phương pháp tính tuổi cây như cũ ( bản thân nó cũng có sai số )

    Thêm nữa, bạn có chắc khoảng cách ánh sáng từ những ngôi sao xa nhất đã được tính toán một cách chính xác hay không ? Ánh sáng có luôn luôn di chuyển với cùng một tốc độ như nhau ở mọi thời điểm hay không ? Và cần nhắc lại là chính big bang cũng có vấn đề về đường đi của ánh sáng. Xem thêm tài liệu sau:

    Click to access chapter5.pdf

    Nói về phép màu, bạn cho rằng không có bất cứ một kết quả thực nghiệm nào có thể mâu thuẫn với phép màu, nên không phải khoa học. Vậy thuyết big bang hay vũ trụ tự nhiên hình thành mà có, có phải là phép màu không ? Chỉ khác rằng nó là phép màu không có ” người ” thực hiện mà thôi ( sinh ra từ hư không và không biết nguyên nhân đầu tiên ). Vậy điều nào đáng tin hơn ?

    Các phương pháp tính tuổi ở trái đất còn thiếu sót và không đáng tin cậy ( như đồng vị carbon ) huống chi là tính tuổi vũ trụ hay tính thời gian ánh sáng từ ngôi sao xa đến trái đất. Bạn xem bài sau nói rằng ” tuổi trái đất bị lạm phát ”
    http://hanhtrinhditimsuthat.blogspot.com/2013/11/tuoi-trai-at-bi-lam-phat-phan-1.html

    Cả trang Đại Kỷ Nguyên cũng có bài về máu và DNA khủng long, chứng tỏ trái đất không già. Mặc dù bài báo nói về tiến hóa, nhưng ở đây mình chưa nói đến tiến hóa mà chỉ bàn về tuổi trái đất và sự sai sót của phương pháp đồng vị carbon thôi
    https://www.dkn.tv/khoa-hoc-cong-nghe/da-tim-thay-mau-va-dna-khung-long-thach-thuc-moi-cho-thuyet-tien-hoa.html

    Một trang sau cũng có nhắc đến những bằng chứng trái đất trẻ như mặt trời, từ trường trái đất, dầu hỏa, muối biển
    http://ufo-connguoi-thuongde.blogspot.com/2012/12/1c-nguon-goc-su-song-su-hinh-thanh-cap_31.html

    Ngay cả bài báo sau nữa cũng phải thừa nhận là các con số tính tuổi vũ trụ có sai số rất nhiều và tất cả các con số đều là ước chừng và phỏng đoán. Biết đâu ngay cả con số 13,8 hiện tại cũng chỉ là ước đoán không chính xác và nhiều năm nữa sẽ giảm đi tiếp thì sao ? Y như việc lạm phát tuổi trái đất vậy
    http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/vu-tru-bao-nhieu-tuoi-c7a536800.html

    Thích

    1. Thưa bạn, họ không muốn hay không có cơ sở để tin rằng con người mới sinh ra đã trưởng thành ? Nếu bạn đưa ra được bằng chứng khoa học chứng minh có những con người mới sinh ra có thể trưởng thành mà không cần là em bé thì tôi tin ngay.
      Bạn muốn hỏi người ta đo tốc độ ánh sáng thế nào thì vào đây
      https://vi.wikipedia.org/wiki/T%E1%BB%91c_%C4%91%E1%BB%99_%C3%A1nh_s%C3%A1ng
      Và những điều bạn giả sử, thì bạn phải chứng minh điều đó CÓ THỂ xảy ra được bằng phương pháp khoa học đã khi đấy mới giả sử được. Ví dụ về người nông dân thì họ không nói dối tôi tin, tôi tin là họ nói thật lòng, nhưng khi họ đưa ra nhận định về một vấn đề mâu thuẫn mà tôi thấy không thể nào xảy ra được thì tôi mới không tin, và không phải không tin họ mà không tin vào cái trường hợp đó có khả năng xảy ra, bạn nên phân biệt cho rõ điều này.
      Và chưa có ai bảo big bang hình thành vũ trụ từ hư không cả? Chỉ có điều người ta chưa biết nguyên nhân đó là gì thôi. Nhưng không phải chưa biết gán ngay một vị chúa vào và kinh thánh luôn luôn đúng. Nếu suy nghĩ của bạn mọi thứ đều có nguyên nhân đầu tiên, thì bạn hãy trả lời câu hỏi chúa từ đâu mà có, nếu như bạn bảo chưa có câu trả lời vậy tại sao không nói vũ trụ hình thành từ đâu chưa có câu trả lời, còn nếu bạn bảo chúa tự hình thành không cần nguyên nhân, sao không bảo vũ trụ tự hình thành không cần nguyên nhân đi (vì đơn giản vũ trụ là cái ta đã biết còn chúa của bạn chưa ai gặp, nghe, thấy hay chứng minh được cả).
      Bạn dẫn nhiều link nhưng toàn nguồn một chiều thiên về sáng tạo luận mà họ cũng chả bao giờ thèm đọc bài báo khoa học mà chỉ nghe người ta nói xong suy diễn lung tung để phản biện. Riêng cái câu nói trong
      http://ufo-connguoi-thuongde.blogspot.com/2012/12/1c-nguon-goc-su-song-su-hinh-thanh-cap_31.html là đã sai ngay từ câu đầu tiên rồi. Bài báo khoa học nào nói Trái Đất 13,8 tỷ năm con người 4,5 tỷ năm thế? Sai giả thiết làm sao chứng minh đúng để kết luận đúng được?
      Các bạn STL chí ít cũng nên đọc bài báo khoa học để hiểu rõ người ta vì sao đưa ra được số liệu thay vì suy diễn theo cảm tính, chỉ thích đọc những nguồn chống những khám phá khoa học để phản biện. Muốn phản biện người khác cần hiểu chính xác người ta nghĩ gì trước đã? Và cũng nên thắc mắc sao đức giáo hoàng Phanxico lại phải chấp nhận thuyết tiến hóa, bigbang, chả nhẽ các bạn giỏi hơn cả giáo hoàng sao, hay vì những học thuyết đấy nó có bằng chứng vững chắc rồi. Tôi thì không giỏi về khoa học thì nói với các bạn vậy thôi, còn nếu muốn tìm bằng chứng chịu khó đọc nhiều hơn trên mạng vào, cả những bài mà bạn không muốn tin, không muốn đọc nữa.

      Thích

      1. Còn bài báo khoa học cuối cùng mà tôi quên mất, trong khoa học họ có thể có những tính toán sai lệch, do thiếu sót những dữ kiện, hay có một nguyên nhân nào đó khác mà người ta chưa biết, chưa đề cập đến mà chính những cái đó làm ảnh hưởng đến kết quả đo. Vì thế khoa học không khẳng định điều gì tuyệt đối cả, người ta chỉ có thể đánh giá là đó là con số tính toán chính xác nhất cho đến thời điểm hiện nay, tất nhiên có thể thay đổi trong tương lai. Như thời xưa đo khoảng cách đến ngôi sao vì chưa có dụng cụ đo góc thị sai rất nhỏ nên Ptolemy nghĩ rằng những góc đó không thay đổi, từ đó suy ra là các ngôi sao được gắn trên một mặt cầu. Nhưng về sau khoa học đã bác bỏ mô hình đấy rồi.
        Và nếu bạn đọc bài báo đấy nó cũng nói:
        “Dù vẫn chưa có một con số nào thật sự chính xác cho giới hạn tuổi của vũ trụ, nhưng một điều chắc chắn là vũ trụ phải lớn hơn 11 tỷ năm tuổi. Tuổi thật của vũ trụ có thể lớn hơn con số này, nhưng không bao giờ nhỏ hơn.”
        Bạn nên đọc kỹ hơn và đừng dựa vào sự thiếu sót trong khoa học mà bác bỏ, chỉ có thiếu sót mới khiến họ tiếp tục nghiên cứu, tìm tòi để đưa ra kết quả chính xác hơn thôi.

        Thích

Bình luận về bài viết này