CHÚNG TA LÀ SÚC SINH! (NHƯNG ĐỪNG ĐỔ THỪA THUYẾT TIẾN HÓA) – Phân loại Linnaeus đặt con người về đúng vị trí của mình, Phần 1.

Một trong số các rường cột của cáo buộc thuyết tiến hóa khiến nhân loại suy đồi (phản biện đây, đây, đây, đặc biệt là đây & đây ^^) là “Tại thuyết tiến hóa nên con người mới bị coi là động vật”; câu này đơn giản là bậy. Nhà khoa học phương Tây đầu tiên thẳng thắn gọi con người là động vật là một tín đồ Thiên Chúa Giáo theo sáng tạo luận, cha đẻ của hệ thống phân loại sinh vật rất quen thuộc trong ảnh đầu bài mà chúng ta vẫn còn dùng đến ngày nay, Carl Linnaeus (1707-1778), hơn trăm năm trước khi có ai biết Charles Darwin là ai.

Để hiểu thêm vì sao Carl Linnaeus lại xếp con người vào chung với động vật (chắc chắn không phải chỉ vì bàn tay 5 ngón ^^), mà hơn thế nữa còn chính xác là một vượn lớn, mời các bạn xem bản dịch (khá lỏng + thêm mắm dặm muối) hai phần của chùm bài “Organizing Life” của labspaces.net:

Phân loại Linnaeus có hai thành tố:

  1. Danh pháp hai phần:

Linnaeus phổ biến hệ thống đặt tên sinh vật theo loài và chi, trong đó loài (species) là đơn vị phân loại cơ bản và nằm trong chi (genus, số nhiều genera).  Linnaeus sử dụng danh pháp hai phần này khi đặt tên một loài cây (Solanum lycopersicum, chỉ là cà chua thôi mà) hay con (Homo sapiens, con người), và bây giờ ta vẫn làm như vậy.

  1. Một hệ thống phân loại có thứ bậc và lồng vào nhau. Dù là nhà sáng tạo luận,  Linnaeus nhận ra rằng có những mô-típ của sự sống trên Trái Đất mà ông không thể bỏ qua, và những mô-típ này là nền tảng của hệ thống phân loại của ông. Nhiều loài có thể đủ tương đồng với nhau (và đủ khác biệt với các loài khác) để nhóm thành chi. Tuy nhiên, các chi có đủ điểm chung có thể được nhóm thành một bậc phân loại lớn hơn, gọi là họ (Family). Theo phân loại Linnaeus, Tyrannosauridae (đuôi -idae dành cho họ) là một họ, và thành viên của nó đều là các tyrannosaurid: Tyrannosaurus (khủng long bạo chúa), Tarbosaurus, Gorgosaurus v.v… Khả năng thống nhất các nhóm dựa trên các điểm tương đồng về giải phẫu không dừng lại ở đó. Các họ có thể được nhóm thành bộ (order), các bộ nhóm thành lớp, các lớp thành ngành (phylum, số nhiều phyla), các ngành thành giới (kingdom), các giới thành vực (domain) [Phản ứng đầu tiên của bạn đọc có thể là: Ủa có vực nữa hả? Có, cái này bự lắm à! – EvoLit]. Hơn nữa, còn có đủ thứ phân loại trung gian (phân bộ, thứ bộ, phân họ v.v) có thể thêm vào khi cần. Ví dụ, nếu bạn nhóm một mớ chi vào trong một họ, rồi sau đó nhận ra rằng một số chi trong đó có nhiều điểm tương đồng với nhau hơn những chi khác, bạn có thể lập ra một vài phân họ trong họ đó để chia các chi ra. Hình bên là sơ đồ rất quen thuộc của hệ thống này.
Tuy nhiên, từ vài thập kỷ gần đây, đa số các nhà sinh học và cổ sinh học hiện đại không còn dùng hệ phân loại Linnaeus nữa vì việc đặt thứ bậc chính xác có phần tùy hứng, cũng giống như với các chi vậy. Ví dụ, không có gì phải bàn cãi là hai chi Tyrannosaurus & Gorgosaurus nên được đặt chung vào một nhóm lớn hơn (họ Tyrannosauridae) và nhóm này sẽ nằm trong một nhóm chứa tất cả khủng long ăn thịt (phân bộ Therapoda). Tuy nhiên, tại sao Tyrannosauridae lại là họ và Therapoda là phân bộ? Tại sao Tyrannosauridae không thể là một phân bộ còn Therapoda là bộ? Tương tự, tại sao lại nói một vài loài gần giống nhau là chung một chi (thay vì thuộc các chi rất gần nhau)? Đây là một hoạt động rất chủ quan. Khi tôi bàn đến các nhóm động vật khác nhau dưới đây, ban đầu tôi sẽ sử dụng thứ bậc, nhưng khi tôi đi từ nhóm lớn sang nhóm nhỏ hơn và các phụ nhóm nhỏ hơn, càng ngày sẽ càng có nhiều bất đồng hơn về việc nên dùng thứ bậc gì. Cuối cùng, tôi sẽ nghỉ dùng tên thứ bậc luôn.


Bây giờ ta có một vài câu hỏi lý thú: Con người có nằm đâu đó trong hệ thống này không, hay chúng ta độc nhất vô nhị đến nỗi phải tách riêng ra khỏi mọi sinh vật sống khác? Và tại sao lại có thể gom sinh vật gọn gàng thế? Tôi sẽ trả lời câu hỏi này ở đây, rồi câu thứ hai sau.


Hãy bắt đầu với vực và giới. Hệ thống được sử dụng nhiều nhất sau thập niên 60 (vào những ngày thế giới đang cai sữa phân loại Linnaeus) thừa nhận 5 hoặc 6 giới: Động vật (Animalia), Thực vật (Plantae), Nấm (Fungi), Sinh vật nguyên sinh (Protista, đơn bào hoặc đa bào rất đơn gian có nhiều điểm tương đồng với động, thực vật và nấm; chúng ta sẽ bàn điều đó sau), Vi khuẩn (Bacteria), Cổ khuẩn (Archea) (hai nhóm cuối này chứa toàn bộ các sinh vật đơn bào còn lại, chúng từng được gom làm một dưới tên “vi khuẩn” hay “monera”). Động, thực vật, nấm và protist đều có tế bào chứa một đống cấu trúc phức tạp có màng bao bọc gọi là bào quan, có nhiều nhiệm vụ khác nhau để duy trì hoạt động cho tế bào. Loại tế bào này gọi là tế bào nhân thực (eukaryote, ơ-ca-ri-ốt). Nhân tế bào, được coi là một đặc điểm nhận dạng tế bào nhân thực, là một bào quan chứa ADN. Các bào quan phức tạp (bao gồm nhân) không hề hiện diện trong các sinh vật đơn bào khác (vi khuẩn & cổ khuẩn). Vậy, bởi vì có sự tương đồng này ở cấp độ tế bào, nên người ta mới đặt ra một bậc phân loại nữa là Vực (Domain) để chứa các giới có tế bào nhân thực. Giới Động vật, Thực vật, Nấm & Sinh vật nguyên sinh được đặt trong Vực Nhân thực (Eukrya). Con người không có tế bào giống sinh vật nhân thực hay vi khuẩn HAY cổ khuẩn. Chúng ta có một loại tế bào đặc biệt và hoàn toàn độc nhất gọi là Tế Bào Siêu Cấp Vũ Trụ, bên trong có một lò phản ứng hạt nhân, linh kiện điện tử và… Hehe, đùa đấy. Chúng ta có tế bào nhân thực điển hình. Đây là hình vẽ một tế bào như thế; hầu hết các đặc điểm có nhãn là bào quan.


Tiếp, động, thực vật và nấm đều đa bào (nghĩa là, chúng là một khối các tế bào các loại hoạt động cùng nhau để giữ mạng cho sinh vật). Thực vật là sinh vật tự dưỡng, nghĩa là chúng lấy năng lượng và vật liệu từ các nguồn không sống, cụ thể là mặt trời. Giống như protist, một số sở hữu các tế bào thường có hai roi hay nhiều hơn (roi giống như một cái đuôi nhỏ mà một số tế bào có thể dùng để đẩy tế bào qua chất lỏng, hay tạo ra dòng chảy). Động vật và nấm đều là dị dưỡng, nghĩa là chúng lấy năng lượng (và vật liệu để xây dựng và sửa chữa bản thân) bằng cách tiêu thụ tế bào của sinh vật khác. Động vật và nấm cũng có tế bào có roi, nhưng chúng chỉ có một roi duy nhất; dựa trên những điểm giống nhau này, động vật và nấm được nhóm lại dưới một cái tên rất sáng tạo là Sinh vật lông roi sau (Opisthokonta). Tuy nhiên, động vật khác nấm ở chỗ có khả năng di chuyển trong ít nhất một giai đoạn nào đó của cuộc đời, và khác gần như tất cả các sinh vật nhân thực khác (protist, thực vật, và nấm) ở chỗ thiếu thành cứng xung quanh tế bào. Con người không cần thực phẩm HAY ánh nắng mặt trời, bởi vì chúng ta chạy bằng năng lượng vi diệu và được cấu thành bằng một tế bào ma thuật có thành làm bằng titan. Hehe, lại đùa đấy. Chúng ta là các sinh vật nhân thực có khả năng di chuyển, đa bào, dị dưỡng không có thành tế bào, và tạo ra một loại tế bào chỉ có một roi (Bạn không biết đó là tế bào gì? Tôi cho bạn một gợi ý: chỉ có người đực tạo ra được chúng thôi). Như bạn có thể thấy, sinh vật nhân thực trong hình sau KHÔNG phải đang quang hợp, và bạn có thể thấy các tế bào bên cạnh do mẫu vật tạo ra chỉ có một roi.


Animalia


Trong nhóm động vật, thì bọt biển có kết câu đơn giản nhất, và được đặt vào một phụ giới gọi là Thân lỗ (Porifera). Chúng có một vài loại tế bào khác nhau, nhưng các tế bào không được sắp xếp theo cấu trúc đặc biệt nào trong con bọt biển. Gần như mọi động vật khác đều có nhiều loại tế bào được sắp xếp thành nhóm các tế bào cùng loại, gọi là mô (VD, cơ và da là hai mô, là tập hợp các tế bào cơ và da). Động vật với mô có tổ chức được nhóm thành phụ giới Eumetazoa.
Trong số Eumetazoa đó, một số động vật có đối xứng tỏa tròn, nghĩa là bạn có thể cắt chúng ta theo nhiều chiều mà mỗi nửa là ảnh phản chiếu của nửa còn lại; chúng được nhóm thành Radiata. Nhóm này bao gồm sứa; hãy hình dung một con sứa từ trên đầu nhìn xuống, rõ ràng ta có thể cắt nó ra theo nhiều chiều và vẫn cho được hai nửa gần đồng đều như một chiếc bánh pizza. Hầu hết những động vật khác chỉ có thể được cắt theo một chiều duy nhất để có hai nửa (gần như) là ảnh phản chiếu; chúng được gom vào nhóm Bilateria. Những động vật đối xứng hai bên như vậy cũng có nhiều loại mô hơn bọn đối xứng tỏa tròn (chỉ có vài loại mô). Con người do vô cùng hết sức quá trời đặc biệt đẳng cấp hơn, chỉ có một loại tế bào (nhớ không, là Tế Bào Siêu Cấp Vũ Trụ!), và có thể được cắt theo 12 chiều không gian mà vẫn cho ra 2 nửa y chang nhau. Hehe, thấy tôi dai không, lại đùa nữa đấy. Ta có các mô có tổ chức (da, cơ, thần kinh v.v) và đối xứng hai bên (chỉ có thể được chẻ dọc ngay ở giữa). Mà thôi, hứa không giỡn nữa.
Eumetazoans and bilaterans
Nhân tế bào người và đối xứng hai bên ở một ấu trùng của loài này.

 

Cũng như mọi động vật, động vật đối xứng hai bên bắt đầu sự sống bằng một tế bào hợp tử, sự kết hợp giữa một trứng và một tinh trùng. Tế bào đơn này bắt đầu phân chia, tạo ra một trái banh rỗng gọi là phôi nang, chứa nhiều tế bào. Ở một đầu trái banh này có một cái lỗ gọi là miệng phôi, sau này sẽ trở thành một đầu của ống tiêu hóa. Ở một số động vật đối xứng hai bên, thì miệng phôi tạo thành miệng, còn lỗ hậu môn sẽ hình thành sau – chúng được đặt vào siêu ngành Miệng nguyên sinh (Protostomia). Ở những động vật đối xứng hai bên khác, miệng phôi hình thành hậu môn, và lỗ miệng hình thành sau – chúng được đặt vào siêu ngành Miệng thứ sinh (Deuterostomia). Còn những khác biệt về phát triển khác giữa hai nhóm này mà ta sẽ không đi vào. Phôi người đi theo cách phát triển điển hình của động vật miệng thứ sinh trong đó miệng phôi tạo thành hậu môn.

 

Protostomes and Deuterostomes
Miệng phôi của Miệng nguyên sinh (trên) hình thành miệng, còn của Miệng thứ sinh (dưới) hình thành hậu môn.

 

Có nhiều nhóm động vật miệng thứ sinh, nhưng tôi sẽ chỉ bàn tới hai nhóm. Nhóm đầu tiên là ngành Dây sống (Chordata), nó khác với các động vật miệng thứ sinh khác về nhiều mặt. Động vật có dây sống có một dây thần kinh rỗng và một cái que sụn rắn (cùng loại mô vừa rắn chắc vừa dẻo như trong mũi và tai bạn) gọi là dây sống (notochord). Cả hai chạy dọc theo thân con vật, dây thần kinh rỗng gần lưng hơn dây sống. Ngành dây sống cũng có những túi đằng sau miệng gọi là các túi hầu (thứ sẽ phát triển thành mang ở một số loài) và có một cái đuôi sau hậu môn, cũng như cơ phân thành bắp thịt chạy dọc theo chiều dài cơ thể (hãy hình dung một miếng phi-lê).
Một nhóm miệng thứ sinh khác, ngành Da gai (Enchiodermata), có những tấm cứng làm bằng khoáng chất canxi cạc-bô-nát bảo vệ bên ngoài cơ thể, và ở các giai đoạn sau chúng phát triển kết cấu đối xứng 5 hướng, nghĩa là bạn có thể cắt chúng theo đúng 5 hướng để tạo ra được hai phần phản chiếu (mặc dù ấu trùng của chúng cũng đối xứng hai bên như các loài thuộc Bilatera khác). Da gai bao gồm sao biển, nhím biển, bánh quy biển [có thứ như thế đấy ^^ – EvoLit]. Con người có xương sống rỗng, và trong các giai đoạn đầu của quá trình phát triển phôi thai ta cũng có dây sống, túi hầu và đuôi, nó biến mất sau này trong quá trình phát triển. Đúng rồi đấy, bạn từng có “khe mang” (dù không có mang thật) và đuôi. Kì dị quá đúng không? Hiện tại bạn vẫn đang có các bắp thịt chạy dọc theo cơ thể (hãy nghĩ tới “6 múi” của một anh tập thể hình; đó chính là một chuỗi các cơ bụng). Tuy nhiên, bạn không có đối xứng 5 chiều hay áo giáp canxi, nên ít ra bạn không phải là một con sao biển, vậy là tốt quá rồi.


Chordate embryos
Phôi cá và phôi người có nhiều đặc điểm tương đồng như các túi hầu, các “múi” cơ chạy dọc theo cơ thể kiểu phi-lê và đuôi (Bạn có thể xem thêm ảnh phôi tại bài này)
Hầu hết động vật có dây sống có một cái vỏ sụn bảo vệ khối chất ở một đầu dây thần kinh (não); chúng ta gọi vỏ này là “hộp sọ” hay “đầu lâu”. Hầu hết trong số có sọ cũng có một chuỗi các đoạn gọi là “đốt sống” (vertebra) cũng làm bằng sụn để bảo vệ dây thần kinh, nguyên chuỗi ấy gọi là xương sống. Cũng cần chú ý rằng các phần cứng này đều nằm bên trong cơ thể, xung quanh là mô mềm thay vì nằm ở bên ngoài như nghêu, cua hay nhím biển.

 

Chúng ta gom các động vật có dây sống có xương bên trong và hộp sọ cùng đốt sống vào phụ giới Có xương sống (Vertebrata). Chắc tôi không cần trình bày rằng bạn cũng có sọ và xương sống, hay xương của bạn nằm bên trong cơ thể. Trong hình dưới, đốt sống của người ngược so với đốt sống một con khủng long đi bằng bốn chân (sauropod); mỏm xương của các đốt cột sống con khủng long hướng lên trên, giống như tư thế khi còn sống. Bởi vì chúng ta đứng thẳng nên các mỏm xương hướng về sau.

 

 

Vertebrae
Các đốt sống khủng long cổ dài. Chúng là những sinh vật trên cạn lớn nhất từng tồn tại.
Ô kê, vậy chúng ta sinh vật nhân thực, đa bào, dị dưỡng đối xứng hai bên với các mô có tổ chức, phát triển từ một phôi nang có miệng phôi tạo thành hậu môn, phôi ấy sau đó hình thành túi hầu, dây sống và một cái đuôi sau hậu môn, và bảo vệ hệ thần kinh trung ương của nó bằng hộp sọ và xương sống. Tất cả những điều trên khiến chúng ta là động vật, cụ thể hơn là động vật có xương sống.

 

Không đơn thuần chúng ta là hậu duệ của động vật. NGAY BÂY GIỜ chúng ta chính là động vật. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta là hậu duệ của vượn, đúng không?
Hãy đón xem phần sau nhé ^^

4 Comments

  1. Bạn giải thích sao về việc con người có ngôn ngữ và biết tư duy trừu tượng, nhưng động vật không thể? Việc động vật tiến hóa để nói được tiếng người là một chuyện, còn chúng có hiểu hay không là chuyện khác. Khó có thể xảy ra
    https://mindmatters.ai/2019/04/why-apes-are-not-spiritual-beings/
    https://mindmatters.ai/2019/03/the-real-reason-why-only-human-beings-speak/
    https://mindmatters.ai/2018/12/how-is-human-language-different-from-animal-signals/

    Con vẹt cũng chỉ bắt chước tiếng người cũng như là bắt chước tiếng của cả con chim khác chứ nó không hiểu. Mà tiến hóa hội tụ là kiểu tiến hóa gì mà dù không cùng tổ tiên nhưng kết quả lại như nhau? Gen không thể quyết định được việc con vật biết nói hiểu tiếng người vì nó là việc học hỏi, tức là liên quan đến trí tuệ. Nên chẳng phải thà tin là “định mệnh” đã sắp xếp sẽ có lý hơn sao?
    https://mindmatters.ai/2018/12/can-genes-predict-which-birds-can-learn-to-talk/

    Một nghiên cứu mới cũng chứng tỏ Neanderthal thông minh hơn ta tưởng
    https://www.bbc.com/news/science-environment-46988399
    https://www.sciencedaily.com/releases/2018/11/181127111025.htm
    https://theconversation.com/neanderthals-javelin-athletes-helped-us-show-how-effective-they-were-at-hunting-with-weapons-110464
    Đặc biệt nữa là Neanderthal cũng đã giao phối với người hiện đại. Tức là họ là người như chúng ta chứ không phải một giống vượn biệt lập nào
    https://phys.org/news/2018-11-multiple-instances-inter-breeding-neanderthal-early.html

    Vậy cũng nên nghi ngờ con người khó có thể từng là động vật. Không thể chỉ căn cứ vào việc một số chi tiết trên cơ thể người và vượn hay loài vật nào khác giống nhau mà đi đến kết luận

    Thích

    1. Cả bài này kể về cách con người lấy điểm chung để phân nhóm, dù mỗi nhóm sinh vật đều có những điểm đặc trưng riêng. Tới lượt mình, ta lại muốn lấy cái điểm riêng của ta để bảo mình không phải động vật là thế nào?

      Nếu bạn có đọc bài này, bạn sẽ không nói chỉ có “một số chi tiết”. Toàn bộ cơ thể con người là cơ thể động vật, theo định nghĩa sinh học khách quan: nhân thực, đa bào, dị dưỡng, có thể di chuyển (ít nhất trong một giai đoạn), tạo phôi nang (blastula). Như trong bài có ghi, bạn có thể ca tụng đến sáng về phần tinh thần của chúng ta đặc biệt đến cỡ nào, cơ thể ta vẫn đang là những con vật.

      Neanderthal không hề có trong bài này, không có sách sinh học hiện đại nào bảo người Neanderthal là ‘một giống vượn biệt lập’, mà chính trên trang web này tôi cũng đã có bài minh oan trí tuệ Neanderthal nên tôi không biết bạn muốn tranh luận với tôi về điều gì?
      https://sinhtienhoa.com/2016/11/29/su-that-that-su-ve-thuyet-tien-hoa_-phan-3-khong-he-co-mat-xich-nguoi-vuon-vuon-nguoi/

      Cũng như vậy về tiến hóa hội tụ. Bạn cần định nghĩa rõ hơn về “như nhau”. Hình dáng khí động học của cá heo và cá mập là tiến hóa đồng quy (do cùng sống trong một điều kiện cần di chuyển nhanh), nên chúng cùng có dạng hình con thoi, mũi nhọn và vây xẻ nước. Nhưng cá mập và cá heo không hề như nhau, cá mập là cá sụn, cá heo là thú có vú và thừa hưởng các đặc điểm của tổ tiên thú có vú như đẻ con, máu nóng, cho con bú, di chuyển xương sống gập lên xuống. Tương tự, hoa súng và hoa sen có thể nhìn khá giống nhau, nhưng gen của chúng rất khác.

      Thích

Bình luận về bài viết này