Đừng phức tạp hóa vấn đề! Định luật II Nhiệt động học và Thuyết tiến hóa, Phần 1

À… Thermodynamics – nhiệt động học, người lạ “nóng bỏng” mà các kỹ sư, nhà khoa học đều đã từng quen. Với giới bình dân thì nó chỉ được biết đến trong nhóm những người chống tiến hóa (NCTH), vì họ cho rằng nó mâu thuẫn với thuyết tiến hóa. Ô queo, cách nhanh nhất để phản biện đa số NCTH là hỏi họ môn này nghiên cứu cái gì, dùng để làm gì. Đa số sinh viên học xong còn chẳng biết nữa là :)).

Thật ra môn này cực hay nhé.

Nó giải thích được vì sao mực nhỏ vào nước lan ra tứ phía mà không cụm lại.

Vì sao ở nhiệt độ phòng đá chảy thành nước mà nước không tự đông thành đá.

Vì sao có những phản ứng hóa học tự xảy ra, có những cái không xảy ra hay phải xúc tác.

Và nó giải thích được vì sao quần áo bạn bỏ vào máy giặt không tự gấp gọn lại.

Tìm hiểu về nó, tôi đã nghĩ “Quao, đây là quy luật của các quy luật!”.entropy 2

Lí do chúng ta không nên dạy con nít về entropy. Nguồn

Thật vậy, Ngài Arthur Stanley Eddington tuyên bố Định luật II nhiệt động học có vị trí tối thượng trong các định luật của tự nhiên, còn Einstein cho rằng đó là định luật duy nhất sẽ không bao giờ bị bác bỏ trong phạm vi áp dụng của các nguyên lý cơ bản của nó. Nhưng tại sao? Tôi cũng bứt rứt muốn kể với bạn đọc Sinh Tiến hóa từ lâu. Nay tìm được mấy bài báo có bình duyệt (peer-reviewed, tức là đã được các chuyên gia trong lĩnh vực phê duyệt trước rồi mới được đăng) với những tính toán rất rõ ràng và cũng có bạn T.Tran (tác giả của bài Gödel cực hot) để tham khảo nên xin mạnh dạn trình bày luôn.

Tôi chia bài viết thành ba phần, phần 1 tôi chỉ dùng lý luận và kiến thức cơ bản, phần 2 tôi dẫn những tính toán của các nhà vật lý thứ thiệt để cho thấy toàn bộ lịch sử tiến hóa Trái Đất có lặp lại cả trăm lần cũng không “xi nhê” gì với cân bằng năng lượng, và phần 3 tôi sẽ đưa ra cơ chế đề xuất sự hình thành sự sống và tiến hóa của quá trình quang hợp. Mời các bạn theo dõi:


entropy1

Còn nhà vật lý Nam Cao của chúng ta phát biểu về entropy như sau: “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn…”

Như bất kỳ sản phẩm trí tuệ nào những người đàn ông da trắng được vẽ tranh sơn dầu hay chụp hình đen trắng nghĩ ra, quần chúng đã đón nhận và giả vờ hiểu Định luật II kiểu đại trà như sau: Entropy – độ lộn xộn hay sự hỗn loạn – của vũ trụ lúc nào cũng phải tăng. Tình cờ điều này hao hao với niềm tin “thế giới đang suy đồi” và “vạn vật tiến về hỗn mang” của nhiều người nên nó càng mang tính “thánh chỉ”. Từ đây dễ thấy vì sao nó bị dùng để tấn công thuyết tiến hóa: Các tế bào của tôi được đặt trong các mô cơ quan có vị trí rất cụ thể, hình dáng đặc trưng và chức năng riêng biệt. Tôi đang ở trạng thái rất trật tự, entropy của tôi thấp so với chung quanh. Tôi là sản phẩm của tiến hóa, trước tôi là các sinh vật ít phức tạp hơn, trước đó nữa không có sự sống. Nếu sự lộn xộn luôn tăng, làm sao có thể có những sinh vật có mức tổ chức cao dần dần theo thời gian?

Nhưng đó chỉ là nghĩa rất tượng hình của từ “hỗn loạn”. Thực chất, ta khó lòng nhìn bề ngoài mà phán thế nào là hỗn loạn, thế nào là trật tự. Một tảng băng rất lởm chởm trôi trên mặt hồ không gợn sóng, cái nào “hỗn loạn” hơn? Mặt hồ. Tách trà nóng hay tách trà nguội “trật tự” hơn? Trà nguội. Còn một chén đường nấu chảy với một chén đường cát? Cánh tay người có tính khéo léo cao, hay cánh tay vượn khỏe khoắn, bền bỉ? Đôi chân của loài tổ tiên với đầy đủ các ngón hay đôi chân thiếu ngón nhưng chạy rất nhanh của ngựa ngày nay?

Chỉ nhìn thôi không thể phán được là do Định luật II và entropy thật chất không phải về ngoại hình mà là về năng lượng.

52b4407402fa6

Nhưng có những điều nhìn vô là biết “loạn” ngay!

Khó có thể ngờ là “định luật tối thượng” lại có nguồn gốc rất “chợ”: khi các kỹ sư muốn tìm cách cải tiến máy hơi nước trong cuộc cách mạng công nghiệp I. Từ khi máy hơi nước được phát minh, các kỹ sư và nhà khoa học tất tả tìm cách làm cho các cỗ máy hoạt động với hiệu suất càng ngày càng cao hơn. Người ta phát hiện ra:

“Không thể chế ra động cơ vĩnh cửu” tức là không bao giờ có một cỗ máy chạy mãi không ngừng.

“Năng lượng không thể chuyển từ dạng này sang dạng khác mà không hao hụt tí nào”

“Năng lượng có xu hướng chuyển từ dạng tập trung sang dạng phân tán”

Tất cả những điều trên thật ra đều chỉ là một quy luật duy nhất: entropy của một hệ kín luôn có xu hướng tăng lên. Entropy là gì thì xin phép mượn lời văn hóm hỉnh, mượt mà của Giáo sư Nguyễn Tiến Zũng trong bài Tất cả là tại Ên Trô Pỳ

“Thằng quỉ sứ này luôn làm những việc phá phách, nhưng nó ẩn danh cho đến tận năm 1865 mới bị một lão người Đức tên là Clausius phát giác ra, và gọi nó là thằng Entropy, có nghĩa là thằng xáo trộn hỗn độn. Theo gốc Hy Lạp, “tropy” (τροπή ), có nghĩa là thay đổi, chuyển hướng, còn “en” có nghĩa là “bên trong”.[…]

“Một đặc điểm nhận biết thằng En Trô Pỳ là, nó là thằng ăn hại năng lượng. Ví dụ, khi xe ô tô đi trên đường phẳng nằm ngang vẫn tốn xăng, chính là vì thằng Entropy ăn mất năng lượng do động cơ chạy xăng tao ra, qua các thứ ma sát. Cụ Newton đã nói năng lượng luôn bảo toàn, không bị mất đi. Thế nhưng, năng lượng dự trữ trong xăng là năng lượng hữu ích, có thể dùng để làm việc này việc nọ, còn năng lượng khi đã bị thằng En Trô Py ăn vào, thì trở thành năng lượng vô dụng, ta khó có thể đòi lại để dùng đươc nữa! Tuy nhiên, bản thân Ên Trô Pỳ không phải là năng lượng, nó chỉ là thằng phá phách biến năng lượng hữu dung thành vô dụng trong quá trình béo lên của nó thôi.”

2qma46

1entropy

Nguồn

Đó, entropy thật ra chỉ là thước đo độ vô dụng của năng lượng. Năng lượng ở dạng tập trung thì sẽ làm được việc này nọ, còn năng lượng đã dùng rồi, phân tán tứ tung không còn làm gì được nữa thì vô dụng – entropy cao. Với entropy là S thì trong hệ cô lập (không có năng lượng đi ra đi vô, tức dQ =0) thì entropy luôn tăng chỉ có nghĩa là dS/dt >= 0 (Hay đạo hàm theo thời gian của entropy trong một hệ cô lập không bao giờ âm). Đây, chính là Định luật II Nhiệt động học.

Đọc bản chất rồi thấy hình như nó hổng còn liên quan lắm tới thuyết tiến hóa, nhỉ? Sau đây là các lý do thuyết tiến hóa KHÔNG THỂ vi phạm định luật II.

1. Vũ trụ quá rộng. Hãy nhắm mắt và hình dung độ rộng của vũ trụ. OK, bạn sai rồi, vũ trụ rộng hơn thế rất rất nhiều. Não của chúng ta không được trang bị đủ để thực sự hiểu được những thứ to lớn như vậy, chỉ có thể tìm cách hình dung thôi, như video sau chẳng hạn (có phụ đề Việt)

Chưa cần đi vào bất cứ tính toán nào, ta cũng có thể thấy rằng không có bất kỳ thứ gì xảy ra trên Trái Đất nhỏ bé này có thể ảnh hưởng đến các quy luật của vũ trụ.

2. Trái Đất không phải hệ kín.

Định luật II Nhiệt động học chỉ áp dụng cho hệ kín. Trái Đất không kín vì liên tục được cung cấp năng lượng từ mặt trời. Đơn giản là thế nhưng người chống tiến hóa, ví dụ như ông Phạm Việt Hưng mà chúng tôi nhiều lần phản biện, không chịu.

Ở đây chúng ta thấy ngay một vấn đề về suy luận:

Nếu “Định luật Entropy chỉ đúng với hệ đóng kín”, và nếu “thực ra không có hệ nào là tuyệt đối đóng kín” thì hiển nhiên kết luận phải là “Vì thế, Định luật Entropy thực ra không thể áp dụng một cách tuyệt đối ở bất kì đâu” chứ sao lại là “Vì thế, Định luật Entropy thực ra mang tính phổ quát trong toàn vũ trụ”!?

Hơn nữa, chúng ta không thể khẳng định luôn điều cần chứng minh – có thể thấy cụm “ mọi hệ đều có xu hướng tăng entropy” được lặp lại trong cả dẫn chứng lẫn kết luận! (phần bôi vàng)

Thuyết tiến hóa cũng không hề nói “hệ thống Trái Đất được cung cấp năng lượng vô hạn để duy trì trật tự mãi mãi”, mà nó chỉ nói là Trái Đất đã trải qua 3.8 tỉ năm tiến hóa. Thời gian đó không phải vô hạn (chỉ cỡ ¼ tuổi vũ trụ), cũng chả có gì bảo đảm là sẽ kéo dài đến ngày mai. Còn trong lúc đó:

3. Giảm entropy cục bộ là hết sức bình thường, vì có sự bù trừ bằng cách khác

 

N

Nước ở dạng lỏng rất lộn xộn, ở dạng rắn thì trật tự, vậy quá trình từ nước chuyển thành đá là quá trình giảm entropy cục bộ nhưng vẫn có thể tự diễn ra, là một phần thiết yếu của tự nhiên.

Nếu entropy không bao giờ giảm, chúng ta sẽ không tồn tại. Tự ông Hưng cũng biết điều đó, nên không hiểu sao lại è cổ tiến hóa ra bảo phạm luật.

Ngay cả hiểu theo nghĩa hẹp entropy là tính hỗn loạn, thì có thể thấy ngay quanh mình bao nhiêu ví dụ về tính trật tự tăng lên (tức entropy giảm xuống) qua thời gian. Còn nhớ kiến thức khi xưa ta bé: nguyên tử, phân tử dao động chậm (entropy thấp) khi nhiệt độ thấp, còn khi nhiệt độ cao, chúng “chạy” loạn xạ (entropy cao). Vậy mà một tách trà nóng sau có 15 phút sẽ thành trà nguội. Từ cái hồ có entropy cao vì nước được tự do di chuyển, mùa đông đóng thành băng là tinh thể ngay hàng thẳng lối, entropy thấp. Nước không hình hài, chẳng ai đẽo gọt mà biến thành bông tuyết thiết kế tinh xảo. Tất cả đều tự động xảy ra.

Những hiện tượng này có phản định luật II không? Không hề. Tách trà nguội đi, nhưng đã làm căn phòng ấm lên một xíu xiu, sự giảm entropy cục bộ được bù đắp bằng sự tăng entropy theo cách khác. Cơ thể ta lớn lên hoặc trì hoãn được cái chết (một quá trình tăng/duy trì được trật tự) là nhờ đã phá vỡ trật tự bằng cách biến những món ăn thơm ngon thành những đống chất thải.

order life

Sự sống nhiều phen giữ được quả bóng trật tự, nhưng chung cuộc entropy vẫn thắng!

Còn tiến hóa làm sao để “tiến” cả sinh quyển mà không phạm định luật II?

4. Tiến hóa RẤT thuận định luật II

Những nhà toán học như ông Hưng, hoặc những nhà vật lý nghĩ mình biết tất cả các môn khoa học khác, cần giữ tinh thần khiêm tốn và cầu thị, tìm hiểu kỹ về lĩnh vực ngoài chuyên môn của mình trước khi viết, nếu không sẽ phạm sai lầm y như Ngài Fred Hoyle. Họ thường quên rằng sinh vật không phải những cục entropy thấp đứng trơ trơ thách thức định luật II, mà chúng sống – chính chữ sống đó mới tạo thành chữ Sinh học – Biology. Trong những quá trình sống đó, ta mới thấy sự hài hòa tuyệt đối của sinh quyển và entropy.

a) Bức xạ nhiệt mặt trời (UV) đến với trái đất trên những đường thẳng song song, có mức năng lượng cao, entropy thấp. Thực vật/khuẩn lam dựa vào việc chuyển đổi năng lượng entropy thấp này của ánh sáng mặt trời thành tia hồng ngoại (IR) phân tán có entropy cao để tổng hợp và dự trữ năng lượng hóa học cho chính mình (glucose và ATP), dùng để duy trì sự sống bên trong chúng.

Từ entropy thấp thành entropy cao là “chạy xuống dốc” (downhill), tức là một quá trình rất thuận về năng lượng/nhiệt động học (xuống dốc lúc nào cũng dễ chạy hơn, đúng hem?). Quá trình này nuôi dưỡng thực vật để từ đó, thực vật nuôi dưỡng động vật – động vật tiêu hóa trật tự (entropy thấp) của thực vật thành chất thải và nhiệt (entropy cao) với hiệu suất chỉ 10% (quy luật năng lượng của chuỗi thức ăn). Quá trình xuống dốc chuyển đổi ánh sáng mặt trời từ entropy thấp thành cao không chỉ vận hành bánh răng sự sống (màu xanh lá) mà còn thúc đẩy quá trình “chạy lên dốc” (uphill), tiến hóa sự sống đa bào từ các tổ tiên đơn giản hơn (mũi tên xanh). Tại sao lại như vậy?

Nguồn

b) Mượn thí nghiệm tư duy của nhà sinh học Alexander Schreiber và nhà triết học Steven Gimbel:

Ta có ba đĩa petri tiệt trùng (đĩa chuyên dùng để nuôi cấy vi khuẩn) chứa lượng glucose (đường glu-cô-zơ, một chất dinh dưỡng entropy thấp) bằng nhau. Giờ hãy để nguyên đĩa 1. Dù không có bất kỳ sinh vật nào, glucose trong đĩa 1 cũng sẽ bị oxy hóa rất chậm rãi, tạo ra nhiệt và các phụ phẩm entropy cao hơn. Vậy, entropy trong đĩa 1 sẽ tăng nhưng rất chậm. Ở đĩa 2, 3, ta cấy vào mỗi đĩa 100 vi khuẩn. Vì vi khuẩn phân giải glucose hiệu quả hơn quá trình oxy hóa rất nhiều, nên glucose trong đĩa 2 (đường màu xanh dương) sẽ biến thành nhiệt và phụ phẩm, tức tăng entropy, nhanh hơn đĩa 1 (đường màu đỏ). Giờ nếu trong số các vi khuẩn được cấy vào đĩa 3 có một vi khuẩn có đột biến làm tăng hiệu suất ăn glucose của nó thì sao? Nó, tức đường xanh lá, sẽ sinh sôi nhanh hơn, ăn nhiều glucose hơn và glucose trong đĩa sẽ hết sớm hơn, tức đĩa sẽ đạt entropy tối đa nhanh hơn đĩa 2.

Chỉ bằng suy luận cơ bản, ta thấy rõ rằng môi trường có sinh vật thì sẽ tăng entropy nhanh hơn không có sinh vật, và những sinh vật “tiến hóa hơn” – tức khai thác môi trường hiệu quả hơn các sinh vật khác – sẽ làm tăng entropy của hệ thống nhanh hơn.

Bài báo kết luận: “Chẳng những không hề mâu thuẫn với tiến hóa sinh học, entropy là cơ chế nhiệt động học hỗ trợ cho chọn lọc tự nhiên.

boltzmann

Hình tư liệu không chỉnh sửa: Ludwig Boltzmann say đắm ngắm nhìn một cỗ máy ăn entropy âm tối tân

Thần đồng vật lý Ludwig Boltzmann (1844-1906), một trong những người có đóng góp quan trọng nhất đến khái niệm entropy, miêu tả sự sống như là một sự đấu tranh giành lấy năng lượng tự do. Còn Erwin Schrödinger, một nhà vật lý nổi tiếng nhất về việc nuôi mèo không biết sống hay chết, để trả lời cho câu hỏi tiêu đề cuốn sách của mình “Sự sống là gì?” (1944) đã dùng đặc tính độc nhất vô nhị của sự sống là ăn entropy âm, nhả entropy dương.

Có lẽ hình ảnh gợi cảm nhất, trực quan nhất được vẽ bởi Kênh PBS Space time : sự sống, các hành tinh và thiên hà chỉ như những xoáy nước nhỏ tròn trịa giữa dòng chảy thịnh nộ của toàn vũ trụ. (Xem phút thứ 9:24)

Mô hình ngoại suy của NASA về chuyển động của các đám mây trên Sao Mộc, vùng này có thể chứa được vài Trái Đất.

Vậy, từ lâu các nhà vật lý xịn đã không hề thấy có vấn đề gì về entropy với thuyết tiến hóa, hơn nữa còn lấy làm mê đắm cái vật lý của sự sống, ấn tượng trước sinh vật như những chất xúc tác cho sự bành trướng của entropy.

Rõ ràng, về mặt năng lượng, sự sống, sự tiến hóa của chúng ta cũng chỉ là những hiện tượng tạm thời RẤT bình thường. Nhưng nếu bạn vẫn chưa bị thuyết phục bởi phần giải thích lý thuyết này, chúng ta hãy cùng làm những con tính tiền tươi thóc thật ở bài sau nhé?

Nguồn ảnh đầu bài: Sidney Harris

Tái bút:

“Không! Cuộc đời chưa hẳn đã đáng buồn, hay vẫn đáng buồn nhưng lại đáng buồn theo một nghĩa khác”

Điều đáng buồn… cười nhất là ông Hưng dẫn một bài của tạp chí New Scientist nổi tiếng để làm bằng chứng cho khẳng định thuyết tiến hóa phản lại Định luật II – nhưng bài viết lại thấy điều đó tầm phào đến mức chỉ phủ định luận điểm “hệ đóng kín” trong một câu.

Câu trả lời của New Scientist ngắn hơn cả của tôi: Hành tinh này không kín.

Ai chịu công tâm xem qua trên hơn một tá bài phản biện ông Hưng của chúng tôi sẽ nhận ra ngay ông ta không thực sự nghiên cứu và phê bình tiến hóa một cách khách quan, mà chỉ trích dẫn, chỉ đọc những nguồn tài liệu chống tiến hóa thiên lệch, yếu kém về khoa học (thậm chí là không đọc: có thể đoán được ông ta copy vội cái link này vì thấy có những từ khóa yêu thích như “myth” (tiến hóa là thần thoại) :P). Nếu các bạn nghĩ rằng đây chỉ là một sơ suất, hay ông Hưng đang muốn dẫn link “phe đối lập” (thực ra là không đâu ạ, ông này có chính sách kiểm duyệt bình luận trái ý), thì các bạn có thể xem video này về nguyên một bài viết dài mà ông Hưng dẫn những “nguồn” vạch trần ngay lập tức những gì ông ta viết là bịa đặt. Với cái tật phát sinh từ sự cẩu thả trong nghiên cứu và thiếu tôn trọng người đọc của ông Hưng, không biết đã có biết bao entropy bị gieo rắc lên kiến thức sinh học của người Việt Nam!

17 Comments

  1. Tác giả bài này viết rất là hay. Tôi xin được mở rộng 1 tí để các bạn học sinh nếu có quan tâm thì dễ hình dung hơn. Và để khi có dịp đi vào lý thuyết thông tin và thuyết tiến hoá cũng dễ hơn.

    Như tác giả bài này đã cắt nghĩa thoạt kỳ thuỷ Entropy ra đời hoàn toàn là về năng lượng, nó nói rằng năng lượng có xu hướng tiến đến chổ phân tán.
    Ah, nhưng như vậy vẫn chưa đã, chưa khoái. Người ta lại đặt câu hỏi do đâu mà như thế ? Các đại lượng như năng lượng là đại lượng vĩ mô. Muốn hiểu sâu hơn người ta tìm cách đi xuống các phân tử.THì khi đó người ta thấy rằng các nguyên nhân sâu sa mà năng lượng trong hệ kín có xu hướng đi tới chổ phân tán là vì :
    HỆ CÓ XU HƯỚNG ĐI TỚI TRẠNG THÁI CÓ XÁC SUẤT CAO.

    Nó có liên hệ tới Shannon Entropy của lý thuyết thông tin.

    Và nó rất tự nhiên. Ví dụ bạn mở nút chai dầu thơm trong phòng. Trạng thái các phân tử dầu thơm nằm tại toạ độ (0,0) của chai dầu là trạng thái trật tự và trạng thái các phân tử dầu ở tùm lum chổ khác trong phòng là mất trật tự. Như vậy bạn chỉ có 1 trạng thái trât tự và có vô số trạng thái mất trật tự.
    ==> Hệ có xu hướng chuyển từ trạng thái trật tự sang mất trật tự là vì vô trật tự có xác suất cao hơn. ==> Dầu thơm bay tùm lum, ngát hương như mùi tóc em lần đầu hò hẹn.

    À, giờ ta muốn các phân tử đó quay trở lại chai dầu, ta sẽ phải tốn CÔNG lượm chúng nó nhét trở lại.

    Bây giờ chúng ta đi tắt vào thông tin. Tôi cũng tính kể chuyện chi tiết, nhưng hoàn cảnh éo le, chưa làm được nay ta đi tắt vào 1 phần, sẵn dịp này.

    Giờ ta có 1 sinh vật với mã DNA là AABBCCDD. Xin lỗi tôi không rành về sinh vật nên tôi không nhớ các chữ cái để diễn tả DNA nhưng ở đây ta đang làm 1 ví dụ thôi nên để tạm thế. Sinh vật này sinh con, đó là quá trình truyền thông tin con nó sẽ có mã giống nó AABBCCDD.

    Trạng thái AABBCCDD đó là trạng thái trật tự. Các trạng thái còn lại của việc xáo trộn các chữ cái đó là mất trật tự, CHúng ta chỉ có 1 trạng thái trật tự nhưng có 1 đống tổ hợp các trạng thái mà ta gọi là mất trật tự.

    Như vậy theo bạn, theo định luật Entropy trạng thái AABBCCDD đó có xu hướng chuyển về trạng thái mất trật tự không ? Đã cắt nghĩa ở trên các bạn nói ngay là CÓ. Và đó chính là ĐỘT BIẾN.

    Nhưng như thế thông tin sẽ banh chành. Ah ! Hồi này mình kể rằng muốn đem các hạt dầu về 1 chổ thì phải tốn công, Công đó là năng lượng từ ngoài vào, may thay ta có nguồn entropy thấp từ photon mặt trời nên quá trình thứ 2 diễn ra. Đó là Di truyền tức là giữ mã và CHỌN LỌC TỰ NHIÊN.

    Sinh vật thật là kỳ diệu. Nó luôn có xu hướng giữ mã di truyền (xem selfish genes) (dĩ nhiên phải tốn năng lượng). Nhưng tăng Entropy có xu hướng phá mã thông qua đột biến. Hai quá trình này diễn ra song song và tiến hoá đã hình thành như vậy.

    Mã AABBCCDD tăng entropy và cứ cho rằng nó thành 1 tập hợp hỗn độn của việc xáo trộn. Nhưng trong số đó mã BBAACCDD là thích hợp nó sẽ đuợc giữ lại cùng với mã mẹ nó. Vậy ta có 2 mã còn sót AABBCCDD và BBAACCDD. Có mâu thuẫn gì với định luật entropy hay lý thuyết thông tin gì đâu?

    Ah há. Giờ tôi sẽ đóng vai phản biện làm 1 nhà Creationist để phản biện thay cho ông Hưng, tôi làm thay ông Hưng vì ông Hưng phản biện không hay. Tôi phản biện vài câu về thông tin như sau, các bạn thử xem nhá:

    a, Hồi nãy ông nói việc lượm các phân tử dầu thơm nhét vào chai cần năng lượng. Đúng, ta đã có mặt trời. Nhưng còn 1 điều nữa, đó là nguồn trí tuệ thông minh, nếu không làm sao biết chổ chai dầu ở đâu mà nhét ? Giả sử mã AABBCCDD đã đột biến thành tùm lum, tổ hợp các chữ cái A, B, C và D. Nguồn thông minh nào đã chọn hay “nhét” chúng nó lại thành mã con BBAACCDD.
    Câu này dễ. Các bạn chắc trả lời được liền.
    (đáp án, thông tin từ môi trường qua chọn lọc tự nhiên).

    b. Ông ơi, ví dụ của ông rằng AABBCCDD tăng entropy và biến thành tổ hợp hỗn độn để lựa chọn. Ông xem đó là đột biến, nhưng thực tế quá trình đột biến diễn ra đâu phải cái ào. Giả sử nhé, ban đầu làm sao biết mã BBAACCDD là phù hợp. Tôi sẽ phải đi qua tất cả các mã đột biến khác một cách Random để lựa chọn, đúng không ? Như vậy sẽ dẫn đến 2 hậu quả 1 là thời gian sẽ là rất dài, và sinh vật sẽ bị tuyệt chủng trước khi nó tìm được mã phù hợp.
    Câu này khó đa nghe. Ông Hưng chẳng đặt được câu hỏi như vậy đâu.
    …….
    Tính giấu bài mai mốt viết chơi, nhưng mệt quá, kể luôn để các bạn lên mạng search coi chơi.
    Người đặt câu tương tợ thế này nếu tôi không bị nhớ lầm thì là ông Dembski của Creationism thì phải. Ông ta dựa vào 1 định lý nổi tiếng là định lý NFL.
    Rủi thay, tác giả định lý là 1 nhà toán học cực siêu David Wolpert. Ổng trả lời luôn một khi. Xem câu trả lời bên dưới.
    ….
    Sẵn thanh minh dùm các nhà vật lý, toán học luôn. Nhiều bạn học sinh vật, khi thấy nhà “toán học” (dỏm) Hưng nói tầm bậy tầm bạ, và trích dẫn các nhà toán học, hay vật lý khác để đả kích học thuyết tiến hoá 1 cách sai bét, thì thấy ghét mấy cha vật lý, toán học hay lấn sân.
    Thiệt ra thế này, ông Hưng chỉ trích dẫn các ông xưa lắc tí tè, mà thời đó các bạn cũng biết, ngay cả các nhà sinh vật cũng chưa chắc đồng thuận với Darwin.
    Ngày nay, học thuyết tiến hoá không còn là “cục vàng” riêng của sinh vật học nữa. Mà tầm ứng dụng của nó đã lan toả sang các ngành khác, kể cả toán học. Nên mấy ông toán thứ thiệt bây giờ mấy ổng rành tiến hoá lắm. Nhà toán học David Wolpert đã trả lời Dembski bằng 1 thuật ngữ của sinh học thế này “ĐỒNG TIẾN HOÁ” (co-evolution.). (các bạn lên mạng search coi nghe). Nó đại khái : Thông tin không cần đi qua tất cả các biến dị ngẫu nhiên để tìm kiếm, mà tồn tại 1 thuật toán (Algorithm) để tìm kiếm sự tương thích giữa thông tin di truyèn và môi trường sống, vì chính mã di truyền cũng đóng góp trở lại 1 bộ phận của môi trường. Câu văn này tôi viết lộn xộn quá, nhưng ý là chính mã di truyền đóng góp làm thay đổi môi trường, ví dụ con cọp đi, mã di truyền của nó cũng chính là 1 phần môi trường mà con chó phải chịu vì bị cọp rượt. Giữa môi trường mà mã di truyền nó có sự tương tác qua lại, giữa các nguồn mã có sự tương tác trong quá trình 2 mã cạnh tranh và đồng tiến hoá, chính vì điều đó mà không cần đi qua các vị trí của tổ hợp biến dị ngẫu nhiên. Không thể áp dụng NFL.

    Giả sử mã AABBCCDD là con ăn cỏ. Tự nó đóng góp ngược lại môi trường là làm cho hết cỏ. Như vậy hàm fitness trong thuật toán nó đã chọn các biến dị nào không ăn cỏ chẳng hạn, hay ăn ít cỏ, hay ăn cái gì khác như là ăn đậu phọng rang….Tức là thuật toán tiến hoá lúc đó nó không có cần đi qua tất cả các tổ hợp random … mà hàm fitness nó có thể chọn và đào thải ngay. Bạn thấy hàm fitness tức là từ chuyên môn nói về hàm chọn, là cái thông tin lựa chổ để ưu tiên các phân tử dầu thơm vào 1 vị trí nào đó, không có phải từ nguồn thông minh ở đâu ráo mà là do sự tương tác mà nhá toán học David Wolpert đã xài chữ của sinh vật luôn là co-evolution. CHúng ta hay lộn rằng chọn lọc tự nhiên là môi trường lựa chọn, và mã gene tìm kiếm độc lập, dẫn đến áp dụng NFL sai lầm. Và ta cũng nhớ rằng môi trường cũng “tiến hoá” từ khi có sinh vật, nhất là khi có giống người thì CO2 nó ra tùm lum.

    Khó hiểu quá hé. Tôi muốn viết về thông tin và tiến hoá, nhưng tới chổ này tôi thấy khó quá. Và nếu có bạn nào hiểu rành mạch, có thể cắt nghĩa 1 cách “bình dân” không xài toán cao cấp xin hãy cắt nghĩa dùm, vì tôi không hiểu lắm.

    c. Còn câu nữa về nguồn gốc sự sống, và entropy. Nhưng sẵn tác giả bài Entropy sắp viết nên để dành và chờ xem trong sự hồi hộp kỳ thú.

    Thích

  2. Túm, vấn đề của thông tin là thế này. Thuật toán di truyền đã chứng minh thuyết tiến hoá rất hiệu quả thông qua hàm Fitness lựa chọn, khi có hàm này thì không cần đi qua các tổ hợp, để dẫn đến 1 xác suất quá thấp như ông Hưng hay nói.

    Dembski dẫn định lý NFL cho rằng không tồn tại hàm chọn, vì môi trường là biến ngẫu nhiên.
    Cha đẻ của định lý NFL cắt nghĩa, NFL không áp dụng được vì có đồng tiến hoá.

    Có rất nhiều xu hướng hiện nay của phe Creationist, có thể chịu lùi bước thừa nhận có tiến hoá, nhưng vẫn nói cái hàm chọn, tức là việc lựa BBAACCDD là tiền định CHúa đưa thông tin đó tới, vì mấy ổng bịa định lý Thông Tin không sinh ra. Nhưng các nhà toán học, thông tin hiểu rất rõ rằng, hàm chọn fitness có thể sinh ra. Vì tôi có thí dụ, rằng một con ăn cỏ, ăn tới tàn mạt hết cỏ, thì đã tiềm ẩn 1 hàm chọn ăn cỏ ít, hay ăn cái khác rồi. Và qua đó, thuật toán tiến hoá chạy y chang như người ta thường minh hoạ, nó chạy rất nhanh không cần duyệt toàn bộ biến ngẫu nhiên. Từ đó nó dẫn đến hệ sinh vật có thể dùng hết môi trường thiên nhiên, tận dụng nguồn năng lượng mặt trời và dĩ nhiên ta trở lại là … thúc đẩy tăng Entropy trên toàn vũ trụ.

    Có cái gì hơi lộn tùng xộn xin các bạn thông cảm, vì tôi biết chuyện này có nhiều chổ nhảy cóc.

    Thích

  3. Có câu chuyện thế này:
    Một cô gái xinh đẹp đang được tán tỉnh bởi 2 chàng trai. Cả hai anh chàng này đều nói với cô gái là có nhà và xe hơi cả rồi. Tuy vậy điều khác biệt là ở chỗ này:
    – Mr A: chỉ nói suông hoặc chìa ra tấm hình chụp ngôi nhà và chiếc xe.
    – Mr B: đưa ra sổ đỏ nhà và cà vẹt xe do anh ta đứng tên.
    Ắt hẳn đến đây các bạn cũng đoán được là cô gái sẽ tin ai hơn rồi chứ gì.
    Thật ra qua câu chuyện này có thể thấy các “Nhà sáng tạo luận” ( tiêu biểu ở Việt Nam là Mr. Hưng) chính là hiện thân của Mr A. Còn các ” Nhà ủng hộ tiến hóa” ( tiêu biểu ở Việt Nam là Mr. Evolit) là hình ảnh phản chiếu của Mr B. Tôi-một đọc giả có lý trí – ( trên một khía cạnh nào đó chính là “cô gái” ở trên) không nói là Mr A đúng hay Mr B đúng, nhưng để lựa chọn thì tôi thà tin Mr B.
    Nói dài nói dai có khi lại nói dại. Túm cái váy lại nói một câu thế này cho nó ” vuông”: nói có sách, mách có chứng nhé các “Bác sáng tạo luận” ới ời ơi.
    P/s: dạo này sao không thấy bài viết mới Ad. Mình mới tình cờ phát hiện trang này nhưng rất khoái, hình như đã đọc hết các bài rồi (hehe mặc dù có nhiều chỗ cũng chưa hiểu). Nhưng không sao, quan trọng là nội dung hay, tư duy logic, đúng trọng tâm. Well done Evolit!

    Thích

    1. Cảm ơn Mr. Gold rất nhiều nhé. Đọc bình luận của bạn mà tôi vui quá. Tôi rất nể bạn vì tôi mà muốn đọc hết lại các bài viết cũng mất cả tuần :D. Tôi mong sẽ còn mang đến cho “cô gái” thật nhiều thật nhiều những điều sướng não đã mắt nữa, nhé “cô” ơi 😛

      Thích

  4. Cho mình hỏi 2 câu hỏi.
    1. Nếu nói đột biến phần lớn có hại, tức là sẽ có nhiều người chết hay dị tật. Các bạn xem điều này có đúng không trong thực tế không?
    2. Nếu nói đột biến chỉ xảy ra khoảng 1/10^5, nhưng thực tế mỗi người có 1 bộ gene khác nhau, thậm chí mỗi tinh binh hay trứng có 1 bộ gene khác khau, tức là gene thay đổi 100%. Các bạn có thấy nó phi lý không?

    Thích

    1. Xin chào Khánh, cảm ơn đã đặt câu hỏi
      1. Mình xin trích từ bài viết chi tiết này của web
      “Vậy, đơn thuần bởi vì quy mô của bộ gen mà đột biến là không thể tránh khỏi, ngay cả khi ta đã có cơ chế sửa lỗi thì ở sinh vật nhân thực phức tạp vẫn là từ 0.1 – 100 đột biến/bộ gen/thế hệ sinh sản (Drake và cộng sự, 1998).”
      “Đa số trường hợp, chẳng có tác động lên kiểu hình gì xảy ra từ đột biến gen, đó là do hệ thống di truyền của chúng ta bị “dư xài” (redundancy, tôi chả thích từ này chút nào) về nhiều mặt.

      _Cái “dư” thứ nhất là mỗi người có tới hai phiên bản của mỗi gen, từ cha và từ mẹ, nên hỏng một còn cái còn lại.

      _ADN không trực tiếp tạo ra trạng thái, tính chất mà phải được giải mã gián tiếp thành protein theo bộ ba, tức là 3 nucleotide liền kề tạo ra một mã bộ ba quy định một đơn vị sẽ tạo nên protein sau này…. chỉ có khoảng 20 đơn vị khác nhau (không tính màu xám là tín hiệu ngừng), mà có tới 64 mã, nên đa số đơn vị có thể có hơn một mã, và chính sự “dư” thứ hai này là “bảo hiểm” tránh thay đổi.
      _Cái” dư” thứ 3 nữa là tuyệt đại đa số ADN người không tạo ra protein (>98%). Chúng vẫn phải được chép trong mỗi lần nhân đôi ADN, và ta vẫn chưa thực sự rõ chúng dùng để làm gì, nhưng dĩ nhiên đa số đột biến sẽ phải rớt lên các vùng này chỉ vì chúng quá lớn. Vì không được biểu hiện ra protein, đột biến trên các vùng này ít có khả năng tác động lên kiểu hình sinh vật.

      _Cái “dư” thứ 4 nữa là một phân tử protein thì rất là lớn, nhưng chỉ có một phần nhỏ của nó là chỗ nó làm những gì nó cần phải làm (active site).

      Ước tính của Nachman & Crowell trên tạp chí chuyên ngành Genetics là cứ mỗi thế hệ sẽ có 175 đột biến, trong đó chỉ có 4 gây ra tác động, và trong đó có 3 đột biến gây hại và 1 đột biến có lợi

      Theo một nghiên cứu trên các gia đình, mỗi người chúng ta đều mang trong mình khoảng 60 đột biến (do xác suất lỗi đã nêu trên). Nếu chúng “thường” gây nguy hiểm như vậy thì cả đám đều ngỏm rồi. Và ta nhất thiết phải phân biệt thứ đột biến gây ung thư và thứ đột biến có ý nghĩa tiến hóa. Đột biến nguyên liệu tiến hóa xuất hiện ngay từ khi người mẹ tạo ra trứng, người bố tạo ra tinh trùng và tạo thành hợp tử, thế nên chúng hiện diện ở mọi tế bào trong cơ thể và nhất thiết phải là thứ di truyền được. Còn kiểu đột biến làm người ta càng lớn tuổi càng dễ mắc các chứng thoái hóa là đột biến tế bào sinh dưỡng, chúng cục bộ và không thể ảnh hưởng đến đời sau. Hai thứ này đều có thể tạo ra bệnh hiểm nghèo, nhưng tiến hóa chỉ cần có đột biến dòng tế bào sinh dục ”
      Bạn có thể xem chi tiết hơn ở đây
      https://sinhtienhoa.com/2017/05/14/khung-hoang-dau/
      2. Mỗi người không hề có “một bộ gene khác nhau” và cũng không có chuyện mỗi giao tử có “gene thay đổi 100%”. Mỗi tinh binh có một *tổ hợp* gene gần như độc nhất, nhưng 100% số gene đó của mỗi tinh binh là từ ông bố mà ra, chỉ khác một số đột biến. Bạn hình dung đơn giản nhất là bốc 23 viên bi khác nhau trong hộp có tổng số 46 viên màu sắc khác nhau vậy, dù mỗi lần bốc sẽ ra nhiều kiểu khác nhau, nhưng cũng là bi trong hộp thôi, chẳng chạy đi đâu được.

      Thích

      1. Mình thấy toàn suy luận, không có căn cứ, không đúng với thực tế chút nào cả.

        Cái thứ nhất, chẳng có cái gì là dư thừa cả. Đúng là con người chỉ dùng 2% gene để mã hoá protein, còn 98% còn lại không phải là dư thừa nhé. Nếu bạn nói dư thừa, thì trí thông minh, cảm xúc… của bạn từ đâu ra. Theo tôi 98% này không mã hoá ra protein nhưng để dùng để tạo ra những cái mình nói đó bạn. Trong trường hợp này, DNA nó không tuân theo bộ 3 mã hoá, chỉ cần sai một cái là có thể lỗi nghiêm trọng đó bạn.
        Như bạn thấy đó, tất cả người trên thế giới này không giống nhau, đặc biệt mỗi người có khoảng 1000 genes không giống nhau gọi là gene signature fingerprint. Nó không giống cả bố lẫn mẹ.

        Bạn cập nhật thông tin mới sẽ thấy thuyết tiến hoá theo thuyết đột biến ngẫu nhiên nó rất phi lý và nhiều kiến thức sinh học trong sách giáo khoa nó không còn đúng.

        Thích

      2. Tôi nhã nhặn trả lời bạn, còn cảm ơn mặc dù bạn hỏi ngang hông trong một bài không liên quan, bạn mới câu đầu đã nói khó nghe. Tôi dẫn một đoạn dài với các trích dẫn trong bài, link đến bài gốc với đầy đủ dẫn chứng, thì “mình” không “thấy” mà “mình thấy” “không có căn cứ, không đúng thực tế” dù không nói được dữ liệu sai ở đâu, chẳng phải vô lý sao? Ngược lại, nói tôi vậy mà bạn lại khẳng định luôn là 98% ADN tạo ra trí thông minh và cảm xúc… mà không hề đưa ra một mảnh bằng chứng nào, chẳng phải ngang ngược sao? Việc mỗi người có rất nhiều đoạn lặp đặc trưng minisatellites (bạn đã sai khi gọi chúng là gene, gene lớn hơn nhiều và là một đoạn ADN mã hóa protein, bạn nên xem https://vi.nipponkaigi.net/wiki/Minisatellite) ủng hộ gì cho câu chỉ cần “sai một cái là lỗi nghiêm trọng”? Nếu bạn đọc bài của tôi, bạn sẽ thấy tôi đã giải thích rất rõ “dư thừa” không có nghĩa là vô dụng, mà là có những tính chất khiến đa số đột biến không gây hại trực tiếp, trả lời chính xác câu hỏi của bạn luôn – và chữ redundancy là thuật ngữ khoa học (mà tôi cũng đã nói tôi không thích), không phải tôi bịa ra; bài của tôi bạn không đọc, rồi lại kêu tôi đi “cập nhật”?

        Trao đổi chỉ có ý nghĩa khi bạn hoặc có thiện chí hoặc kiến thức hoặc có khả năng lập luận. Với kinh nghiệm của tôi thì nói thêm với bạn không đi tới đâu cả, nên tôi xin từ chối tiếp chuyện.

        Thích

  5. Xin lỗi bạn, câu chữ mình hơi khó hiểu, khó nghe nhưng không có ý gì.
    Ý mình nói những dẫn chứng bạn đưa mình có đọc rồi, mình thấy nó chưa hợp lý. Ý mình nói tác giả bài viết dẫn chứng đó không có dẫn chứng chứ không phải nói bạn thiếu dẫn chứng. Có lẽ bạn nhầm mình nói bạn thì phải.
    Cái dẫn chứng bạn đưa mình cũng có đọc rồi, bạn đọc thêm bài này xem sao
    https://le.ac.uk/dna-fingerprinting/science
    Cám ơn bạn nhé

    Thích

  6. Mình xin bổ sung thêm 1 nguồn nữa để bạn nghiên cứu xem thế nào

    https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0092867412007891

    Trong bài này nói, bộ gene tinh binh khác với gene của bố đến 7 triệu cặp nu. Một sự thay đổi rất lớn nhưng hầu hết các con sinh ra không vấn đề gì cả.

    Nếu mỗi ngày sinh ra khoảng 10 triệu tinh binh, cuộc đời mỗi người sinh ra 8 tỷ tinh binh, nhân với số người trên thế giới thì số lượng bộ gene khác nhau rất lớn. Nếu theo cơ chế đột biến, tổ hợp hay tái tổ hợp thì sẽ sinh ra hiện tượng trùng gene, nên không hợp lý.

    Mình không phải là dân chuyên Sinh nên một số khái niệm có thể không đúng. Mình chỉ muốn nghiên cứu xem thuyết tiến hoá thực hư thế nào. Mình không phản đối thuyết tiến hoá, mình thấy tiến hoá là đúng, nhưng tiến hoá theo một cơ chế khác chứ không phải là đột biến ngẫu nhiên.

    Theo lý thuyết ngẫu nhiên trong Toán, Lý và Tin thì nó làm hư hỏng thông tin dẫn đến bệnh tật và chết chóc chứ không bao giờ đem đến sự sống. Để có tiến hoá phải có thuyết tạo ra thông tin.

    Nhờ bạn nghiên cứu thêm giúp, cám ơn bạn.

    Thích

    1. Mình đánh giá cao sự ham học hỏi của bạn, nên mong bạn hiểu đây là góp ý chân thành: phải nhìn nhận sự thật đó là hiện kiến thức sinh của bạn không hề vững, cũng như cách đánh giá bằng chứng và lập luận cũng không ổn.

      Trong những bình luận trên, bạn bị mơ hồ về các khái niệm cơ bản như gene (gọi các đoạn lặp minisatellites là gene), có ngộ nhận rằng đa số đột biến dòng sinh sản dẫn đến những hư hỏng, nghiêm trọng cho sinh vật, điều đó đơn giản là không đúng. Hơn nữa, bạn cũng không thấy các bằng chứng bạn dẫn ra không chứng minh điều bạn nói, ngược lại là khác, vì nếu ADN người có sự đa dạng như vậy, tế bào sinh dục có nhiều đột biến như vậy thì đột biến đâu thể có hại khủng khiếp như bạn nói. Khi tranh luận, bạn không giải thích rõ được điều mình muốn nói (đọc mãi không hiểu hiện tượng “trùng gene” bạn nói đến là gì và vì sao nó không hợp lý) và cũng không thuyết phục (bạn không chỉ ra được những trích dẫn của tôi có gì sai, chỉ là bạn không chịu chúng).

      Vì những lí do trên, bạn chưa nên kết luận cơ chế đột biến ngẫu nhiên là không đúng, hay có thể áp dụng cứng nhắc lý thuyết toán tin vào sinh học, sẽ rất là khinh suất và thiếu tôn trọng bộ môn này. Mình tin với nỗ lực nghiên cứu nghiêm túc thì bạn sẽ sớm có câu trả lời có cơ sở vững chắc hơn. Mình gợi ý bạn đọc cuốn Making of the fittest của Sean B Carroll, ông giải thích rất nhẹ nhàng về vấn đề này nhé. Thân ái

      Thích

  7. Cám ơn bạn đã trả lời.
    Do cmt gắn nên mình ghi không đầy đủ, mình nghĩ bạn là chuyên ngành nên bạn hiểu những gì mình nói không đưa ra chứng cứ cụ thể. Có thể mình nói không cụ thể nên bạn hiểu nhầm. Mình bổ sung một số lập luận bạn xem thử nhé.

    Lý do mình nói mỗi người có mỗi bộ genes khác nhau là mình thấy mọi thế hệ sinh ra đều có thay đổi gen. Lý do thứ 2 là toàn bộ người trên hành tinh này có khuôn mặt, vân tay, vân môi, vân lưỡi… không trùng lặp. Mà các kiểu hình này do gene quyết định nên mình suy ngược lại. Mình biết minisatellites là đoạn gene, mình nghĩ nó thay đổi vị trí tức là thay đổi gene. Có thể cách hiểu của mình không đúng với thuật ngữ chuyên ngành. Nhưng mình tin thông tin trong DNA của mỗi người là duy nhất. Bạn thấy có đúng không?
    Ý mình không nói đột biến tế bào mầm là hỏng. Ý mình nói tế bào mầm có nhiều cặp nu thay đổi, nếu dựa theo lý thuyết đột biến nói rằng phần lớn đột biến là có hại, nhưng thế thế lại không hại nên mình nói nó không đúng với thực tế. Tức là giữa lý thuyết đột biến và thực tế nó trái ngược nhau.
    Nếu đúng như bạn nói ở trên, mỗi thế hệ sinh ra khoảng 3 hại, 1 lợi. Như vậy, mỗi thế hệ có 3/4 người bị dị tật sao? Và nhân lên nhiều thế hệ thì số dị tật tăng lên rất nhiều. Mình thấy nó cũng không khớp với thực tế.
    Vấn đề mình nói sách suy luận không đúng ở chỗ. Trong lý thuyết đột biến có nói, đột biến phần lớn có hại, một số ít có lợi, nhưng do đột biến xảy ra nhiều nên có lợi nhiều. Mình nghĩ cách suy luận này không hợp logic. Nếu nói đột biến phần lớn có hại thì suy ra càng nhiều đột biến thì càng nhiều có hại và dẫn đến tuyệt chủng. Còn đằng này suy luận phần lớn có hại nhưng suy ra điều có lợi là sai logic. Câu suy luận này giống như kiểu, mua vé số rất khó trúng, nhưng mua nhiều thì giàu. Bạn thấy nó vô lý không? Nếu nói ít trúng thì mua nhiều càng nghèo mới đúng chứ.
    Một ý mình nói sách suy luận chưa hợp logic nữa là, chỉ xét tiến hoá trên gene mã hoá protein, nhưng gene này chỉ chiếm 2%, như vậy lý thuyết tiến hoá chỉ tính trên 2% bỏ qua 98%. Điều này cho thấy cách suy luận chưa đầy đủ, chưa hợp lý.
    Cho mình hỏi thêm một câu. Nếu nói tiến hoá chỉ do đột biến, tổ hợp, tái tổ hợp, chọn lọc tự nhiên. Vậy một số gene mới do đâu mà có? Ví dụ các gene tiêu hoá sữa bò trước đây không có, nhưng do đời bố uống sữa bò thì đời con mới có. Cho hỏi cơ chế tạo ra gene này như thế nào?

    Xin cám ơn

    Thích

    1. Khi bạn đưa vấn đề cụ thể hơn như thế này, rõ ràng sẽ dễ để trả lời hơn rất nhiều, nhỉ?

      Đọc bài của bạn mình khá rối, nhưng mình tạm hiểu bạn có vài khúc mắc sau:
      A. Bạn tin rằng mỗi người có 1 bộ gen khác nhau 100%
      Ở đây đọc đi đọc lại, mình đã hiểu bạn ngộ nhận giữa “có 1 bộ gene độc nhất” và “gene thay đổi 100%”. Câu trả lời đầu tiên của mình “Mỗi người không hề có “một bộ gene khác nhau” ” mình đã dùng từ sai do hiểu rằng bạn đang nói về loại gene, ý mình ở đó là tất cả con người đều có ~20,500 genes và chỉ khác vài 0.n% chứ không hề khác nhau hoàn toàn (https://web.ornl.gov/sci/techresources/Human_Genome/project/index.shtml). Mình sẽ phân tích ý này dựa trên những luận cứ bạn dẫn luôn:
      1. Minisatellite: Vấn đề không phải chỉ là thuật ngữ mà là khái niệm, có gọi minisatellite là “én nhỏ đung đưa” đi nữa, nếu bạn hiểu đúng bản chất nó là một đoạn rất nhỏ vật chất di truyền so với toàn bộ bộ gen người, bạn cũng sẽ thấy dù mỗi người có cả ngàn cái như vậy thì cũng không thể có chuyện gene người này khác người kia một tỷ lệ đáng kể chứ đừng nói 100%.

      2.”Mọi thế hệ sinh ra đều có thay đổi gen”: chắc chắn, tuy nhiên độc/duy nhất chỉ có nghĩa là cá thể có những điểm không cá thể nào khác có, và có thể dùng để định danh nó, chứ không nói mức độ khác biệt là lớn hay nhỏ. 1 file ảnh có hàng triệu điểm ảnh, bạn copy xong đổi màu 1 điểm, về lý thuyết thì xem như đã khác và độc nhất rồi, và máy tính có thể xác định chính xác nó trong hàng vạn bản sao khác; nhưng nó có khác biệt đáng kể không? Không.
      3.”khuôn mặt, vân tay, vân môi, vân lưỡi… không trùng lặp”, một lần nữa, duy nhất, không có nghĩa là khác đáng kể hay khác 100%. Tất cả những điểm này vừa hay gần như chỉ ở trong các gene về biểu bì, những sự đa dạng gần như vô hại ở một phần gene rất nhỏ so với tổng thể. Còn rất nhiều phần khác, phải nói là đa số những phần khác, bộ gene “bảo thủ” (conservative) hơn nhiều, không chỉ khác biệt rất ít giữa người với người, mà gần như giống nhau ở toàn bộ sinh giới, từ động, thực vật blah blah đến vi khuẩn. Làm sao bạn có thể khác người khác 100% nếu số gene của bạn giống cá ngựa vằn 70%?

      B. “lý thuyết đột biến nói rằng phần lớn đột biến là có hại”…”nhưng do đột biến xảy ra nhiều nên có lợi nhiều”…”nên mình nói nó không đúng với thực tế “
      Bạn chỉ có thể kết luận sách hay các lý thuyết, dữ kiện không hợp logic và sai thực tế nếu bạn hiểu đúng và cho thấy trong phần trích dẫn đầy đủ về chúng, lý luận của chúng mắc lỗi, và sai dự kiện thực tế. Tuy nhiên bạn đã hiểu sai cả lý thuyết lẫn thực tế và trích dẫn có phần ẩu
      1. “Nếu đúng như bạn nói ở trên, mỗi thế hệ sinh ra khoảng 3 hại, 1 lợi. Như vậy, mỗi thế hệ có 3/4 người bị dị tật sao?”
      Câu đúng là:
      “mỗi thế hệ sẽ có 175 đột biến, trong đó chỉ có 4 gây ra tác động, và trong đó có 3 đột biến gây hại và 1 đột biến có lợi” Tỉ lệ hại không phải 3:1, mà là 3:175.
      Đột biến “có hại” không có nghĩa là sẽ gây dị tật. Đột biến “có hại” nhiều khi chỉ có nghĩa là tăng tích mỡ 0.05%; có gây dị tật không? Không. Có ảnh hưởng chí mạng không? Không phải ngay lập tức. Nhưng có được tính là đột biến “có hại” không? Có, trong năm 2021. Tôi đã nói rất rõ tính lợi-hại của đột biến là tùy môi trường. Với cuộc sống hiện đại của chúng ta, khi quá thừa mứa thức ăn và đầy rẫy cám dỗ, người có những đột biến dễ gây béo phì coi như đi trước người khác một bước đến mồ. Nhưng chỉ vài chục năm trước đây thôi, hoặc ngay bây giờ ở nhiều vùng, nhiều nước, có thêm một chút mỡ lại là thứ giúp ai đó sống qua con trăng này. Kết hợp với việc áp lực chọn lọc phần lớn thời gian là nhẹ nhàng chứ không tiệt đường sống kiểu gene nào, lại thêm cơ chế trội-lặn, di truyền liên kết các kiểu, thì gene dù có ‘xấu’ trong một giai đoạn nào đó vẫn có thể tồn tại ngầm, yếu thế trong quần thể đến khi ‘thời tới cản không kịp’ – đến lượt nó thành ‘tốt’ và phát tán. Cho nên là bạn nhớ sai số liệu, hiểu lầm tác động thành ra hình dung sai kết quả mới thấy nó “không khớp với thực tế”, bức tranh di truyền quần thể trong thực tế thực tế í, là một đống đa dạng các tổ hợp các gene lành tính là chính, đủ tốt, chung sống hòa bình đám không quá hại ‘chờ thời’ – không phải là đột biến hại xong quái thai hoặc lăn ra chết.

      2.Tích tụ: bạn dàn ra nhiều câu, nhưng gom lại giải quyết 1 lần
      Ví dụ vé số của bạn càng cho thấy do bạn “nhớ” sách sai nên mới thấy trái logic. Sách không có nói “mua vé số rất khó trúng, nhưng mua nhiều thì giàu”. Mình dịch lại lời sách toán nói theo ngôn ngữ bình dân luôn nè “mua vé số rất khó trúng, nhưng mua nhiều thì dễ trúng hơn”, còn bạn nghèo hay giàu là do khác biệt giữa tiền bạn mua số và tiền trúng, chứ không phải vấn đề xác suất. Cùng xác suất trúng 1/1 tỷ, vé đắt thưởng nhỏ thì nghèo, vẻ rẻ thưởng to thì giàu.

      Tiến hóa cũng vậy. Đột biến không phải “phần lớn có hại”, bạn lại nhớ sai sách rồi, đột biến phần lớn trung tính, trong số nhỏ không trung tính thì hại nhiều hơn lợi. Từ đó, dĩ nhiên theo xác suất, càng nhiều đột biến, thì sẽ có nhiều đột biến có lợi, và nhiều hơn nữa đột biến có hại, nhưng đa số vẫn chẳng ảnh hưởng gì đến cá thể. Ù ôi, bạn vừa hình dung lệch lạc rằng đột biến có hại = dị tật (xem B1), bạn lại quên mất tong tác động loại bỏ đột biến có hại của CLTN qua các thế hệ rồi lại kết luận rằng phải “dẫn đến tuyệt chủng” chứ. Bóc phốt ẩu thế này tội thầy cô, sách vở!

      3.Cuối cùng mình thấy bạn có một quan sát khá hay, tuy vẫn chưa chính xác 😉 : “chỉ xét tiến hoá trên gene mã hoá protein, nhưng gene này chỉ chiếm 2%, như vậy lý thuyết tiến hoá chỉ tính trên 2% bỏ qua 98%” Nói đúng hơn phải là “chọn lọc tự nhiên chỉ xét trên kiểu hình” (Lưu ý, kiểu hình là biểu hiện của bộ gene ra trên cá thể trong tương tác với môi trường, không chỉ là hình dáng bên ngoài, còn các đặc tính sinh hóa như ở nhiệt độ nào thì máu đóng băng). Dĩ nhiên, những gene tạo ra protein sẽ có tác động trực tiếp nhất đến kiểu hình, do đó bị chọn lọc liền tay. Điều đó không có nghĩa lý thuyết tiến hóa không áp dụng cho 98% ADN còn lại vì
      Khoa học hiện đại không nói ADN không mã hóa không có tác động đến kiểu hình, chúng (có thể) có, nhưng theo những cách thức và mức độ không rõ ràng. Quá sớm để nói chúng không tiến hóa;
      Chọn lọc không xảy ra ở cấp độ tính trạng mà xảy ra ở mức độ cá thể, cao hơn là quần thể. Cả cá thể và quần thể sống sót và sinh sản thì thì toàn bộ ADN của chúng đã được đi tiếp 1 thế hệ và do đó, theo định nghĩa, đã được chọn lọc;
      Tiến hóa không phải chỉ là CLTN, mà còn có các cơ chế khác như di nhập gen, ngẫu nhiên… và ADN đều đi nguyên bộ qua những quá trình đó, không chỉ gene mã hóa.

      C. “Nếu nói tiến hoá chỉ do đột biến, tổ hợp, tái tổ hợp, chọn lọc tự nhiên.”, bạn tự xem lại phần các loại đột biến và các cơ chế tiến hóa nha, nói thay sách mà không chịu đọc lại sách hà!
      Mình mới khám phá ra kênh này rất hay, có nhiều ví dụ về cái mới đã quan sát được trong tiến hóa

      Riêng vụ sữa bò có 2 phần

      Tiến hóa gene tiêu hóa lactose: phần mình nói rõ trong bài Khủng Hoảng Đâu trích ở trên đó ==
      “cách đây cỡ 5000 năm ở trong các cộng đồng chăn bò ở Trung Đông và Bắc Phi xuất hiện một đột biến giúp giữ lại men tiêu hóa đường trong sữa (lactose) cho đến tuổi trưởng thành, giúp người mang nó có thêm nguồn dinh dưỡng quý giá và một nguồn nước khi hạn hán. Khả năng này nhanh chóng được phát tán, và xuất hiện độc lập ở một số vùng.”

      Cụ thể hơn, cơ chế xuất hiện của nó là một đột biến ngẫu nhiên chỉ thay đổi 1 nu, “Một đột biến điểm duy nhất trong DNA gần gen lactase làm thay đổi nucleotide cytosine (C) thành thymine (T). Những người có nucleotide thymine (T) chịu được lactose và có thể tiêu hóa các sản phẩm từ sữa khi trưởng thành.”
      https://www.sciencelearn.org.nz/resources/2016-genes-and-lactose-intolerance

      Giải thích cặn kẽ hơn làm sao người ta biết nó xuất hiện khi nào bạn đọc đây, mình mệt rồi https://www.researchgate.net/publication/6639659_Convergent_Adaptation_of_Human_Lactase_Persistence_in_Africa_and_Europe

      “gene tiêu hoá sữa bò trước đây không có, nhưng do đời bố uống sữa bò thì đời con mới có” bạn đặt vấn đề đã sai rồi, việc bố không uống sữa được còn con uống sữa được không thể kết luận ngay là gene xuất hiện ở con được, quá vội! Gene này di truyền trội (theo Tishkoff et al ở trên), có thể người bố không có nhưng người mẹ truyền cho con thì sao. Ngoài ra còn một cơ chế nữa không liên quan đến gene mà là hệ tiêu hóa, chính xác hơn là hệ vi sinh vật, được làm quen dần với sữa.
      https://www.sciencedaily.com/releases/2000/01/000127082535.htm
      Trẻ con Việt Nam ngày nay được uống đủ thứ sữa từ còn đỏ hỏn rồi, nên trước cả khi cơ thể ngừng sản xuất enzyme lactase thì hệ vi sinh vật đường ruột đã quen tiêu hóa sữa, và do đó bọn trẻ uống ì ì trong khi ông cha chúng bị Tào Tháo rượt. Tuy nhiên, về mặt di truyền thì đại đa số người Việt Nam vẫn không có gen tiêu hóa sữa đâu, thử bỏ sữa vài năm uống lại là biết đá vàng ngay.

      Mình muốn giúp đỡ bạn nên mình cũng giải thích tại sao mình liên tục chỉnh bạn. Có những thứ có thể nói tắt được, ví dụ “gà tiến hóa từ khủng long”: mặc dù nói đúng hơn phải là chim tiến hóa từ nhóm khủng long theropod, để tránh gây ngộ nhận rằng chỉ có gà mới là hậu duệ khủng long, hay người ta nghĩ nhầm tới con khủng long ba sừng triceratops, câu có cơ bản vẫn không có gì sai, gà thật sự là tiến hóa từ khủng long (xem bài EvoThink 2). Tuy nhiên, có những thứ nếu diễn giải lệch vài chữ thôi cũng sẽ gây hiểu lầm to, như bạn thấy ở quá trời điểm trên. Chúng ta đều biết “nửa bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng nửa sự thật, không phải sự thật”, điều này không chỉ áp dụng cho việc cố tình nói lấp lửng, mà cả khi trình bày không đầy đủ hoặc hiểu sai như trường hợp của bạn là một ví dụ điển hình.

      Thực sự mình phải đợi 2 ngày mới trả lời bạn vì mình biết sẽ rất là mệt và phí thời gian của mình để cố gắng phân tích cặn kẽ cho bạn. Mình muốn dành năng lượng để có thể ra bài mới sớm nên hy vọng bạn bày tỏ sự nghiêm túc thông qua việc đọc cuốn sách mình gợi ý và/hoặc đọc những bài trên sinhtienhoa, chắc mất ít nhất tầm 3 tháng nữa, để lần tới đưa ra những câu hỏi có đầu tư hơn. Ai đọc sinhtienhoa cũng biết EvoLit mới là người ghét nhất những ví dụ nhàm chán trong SGK, những bài viết trên báo chí đơn giản hóa đến ngáo ngơ, mất cái hay của ngành tiến hóa, nhưng quả thật với quần chúng thì chỉ cô đọng tới đó mới nuốt nổi thôi, vì đây là một ngành khó, và cần rất rất nhiều thời gian để hiểu được nó ra ngô ra khoai – ngay cả EvoLit tìm hiểu, phản biện hơn 10 năm vẫn chỉ là dạo chơi thôi. Bằng tất cả sự chân thành và thiện chí: hiện nay bạn chưa đủ sức, bạn có thể nghi ngờ nhưng hãy nghi ngờ để học hỏi, khoan kết luận.

      Mong gặp bạn vài tháng nữa.
      Trân trọng,
      EvoLit

      Thích

Bình luận về bài viết này