Khủng Hoảng ĐÂU?

Bài gốc: Cuộc khủng hoảng mang tên thuyết tiến hóa

Tác giả đưa ra hai khảo sát cũ (2005 và 2001) của Pew & Gallup ở *riêng* mình nước Mỹ để làm dẫn chứng cho sự chống tiến hóa ở cả “phương Tây”. Sự thật, Mỹ một ngoại lệ trong số các nước phát triển và cũng rất tự do khác, với số ủng hộ đại đa số lớn hơn hoặc bằng 50%.

N

Việc nước Mỹ vừa giàu mạnh lại vừa chống tiến hóa vừa hay là trường hợp đặc biệt mà người chống tiến hóa thích bám cứng vào. Ngay chính nội bộ nước Mỹ, thì ở đa số các bang, ủng hộ – chống tiến hóa của người dân đều một chín một mười.

Hình trái là sơ đồ rút gọn của the Economist dựa theo dữ liệu của Science, phải của blog Subnormal Numbers sơ đồ hóa từ Pew Religious Landscape Study 2007, số liệu 2014 có tại đây.

Có ba yếu tố khiến dân Hoa Kỳ bất đồng với các nhà khoa học của mình hơn hẳn các anh nhà giàu khác, không chỉ về thuyết tiến hóa, mà còn về nhiều vấn đề khác như biến đổi khí hậu:

1. Đa số người Mỹ được hỏi cho biết tôn giáo đóng vai trò lớn trong cuộc sống của họ, nên các nhóm tôn giáo, đặc biệt là nhóm có xu hướng cực đoan (fundamentalism) dễ dàng sử dụng sự duyên dáng và các chiêu thức để đánh vào niềm tin; đáng chú ý là, phong trào diễn giải Kinh Thánh theo đúng nghĩa đen của họ không phải là một quan điểm truyền thống, mà chỉ xuất hiện và trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 20.

2. Sự chính trị hóa khoa học. Việc nhấp nhả các chính sách để chiêu dụ cử tri của các đảng phái nước này đã khiến khoa học nói chung bị đối xử như một vấn đề về ý kiến cá nhân thay vì sự thực khách quan;

3. Trong vấn đề giáo dục, địa phương được quyền tự quyết rất nhiều mặt, nên một khi những người chống tiến hóa nắm được các hội đồng trường, họ thường tìm cách loại bỏ, chèn ép, hạ uy tín thuyết tiến hóa hay lồng ghép niềm tin cá nhân của mình vào chương trình học. Các hành vi này là phản Hiến pháp và dẫn đến rất nhiều vụ kiện tụng, nhưng thuyết tiến hóa vẫn thắng đều đều.

Theo Trung tâm thống kê Khoa học và Kỹ thuật của chính phủ Mỹ, kiểu tranh cãi khoa học-tôn giáo này là “gần như không nghe tới ở những nước phát triển khác” (“This kind of controversy is almost unheard of in other industrialized nations.”). Ở những nước ít chịu ảnh hưởng của tôn giáo hơn, tòa án sẽ không bao giờ phải nhúng tay vào những vụ đâm thọt giáo án khoa học năm này qua năm nọ như thế này. Tuy nhiên, may thay, hiện tại thì vị thế của thuyết tiến hóa về học thuật, giáo dục và luật pháp vẫn rất vững vàng.

Bài viết cũng khéo léo hoán đổi “không tiếp nhận Thuyết tiến hóa” và “chấp nhận ‘thuyết’ sáng tạo (hai chữ “thuyết” này không có tương đương, ta nên gọi là Sáng tạo luận) được giảng dạy trong trường công, song song với thuyết tiến hóa.” để tận dụng con số 63% đa số (kì thực là 64%).

Thực tế, nếu hỏi người ta trực tiếp người ta tin tiến hóa hữu thần, tự nhiên hay sáng tạo luận, thì năm đó cũng như đó giờ thường dao động trong khoảng 4x %

N

Hình cắt từ bài viết của Pew Research Center mà chuyên đề trích dẫn.

Người Mỹ đề cao tinh thần công bằng, nên dù họ không đồng ý, họ vẫn chấp nhận việc giảng dạy sáng tạo luận song song với tiến hóa. Nhưng ý kiến người dân không thể thay đổi thực tế là Sáng tạo luận không có cơ sở khoa học cũng không có chỗ đứng về học thuật & luật pháp.

Đây lại là số liệu cũ của 15 năm trước bài viết, trong khi có sẵn số liệu gần hơn (khoa học chân chính luôn phải ưu tiên dùng) như Gallup 2014 với kết quả số người tin thuyết tiến hóa tự nhiên cao hơn, và số người chọn sáng tạo luận thấp hơn. Việc tác giả cố tình sử dụng số liệu cũ nhưng phù hợp với điều mình muốn chính là chọn lọc dữ kiện. Bằng chứng tác giả biết có khảo sát mới mà không dùng? Link trong bài “Khủng hoảng” sẽ dẫn bạn tới Gallup 2014 :).

Gallup 2014

Cập nhật 13/06/2017: Sau khi bài viết này xuất bản, ngày 22/5 Gallup đã xuất bản dữ liệu của năm 2017. Lần đầu tiên, lựa chọn sáng tạo luận tụt xuống dưới 40% và không còn là cao nhất (dẫu chưa bao giờ đạt 50%). Số người theo tiến hóa tự nhiên đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1982, và đáng chú ý hơn cả là hiện số người theo tiến hóa hữu thần đã ngang bằng với những người theo sáng tạo luận. Điều này cho thấy dù các tổ chức sáng tạo luận có không ngừng tìm cách cản trở và hạ uy tín thuyết tiến hóa, rêu rao những lời đồn thổi vô căn cứ như thuyết tiến hóa sắp vào thùng rác lịch sử, họ mới là những người đang thua cuộc, đồng thời, các nỗ lực của các tổ chức hòa hợp tôn giáo và khoa học như Biologos cũng như các nhà giáo dục đã phần nào có kết quả trong việc lấp đầy khoảng cách về nhận thức khoa học của dân Mỹ và các nước tiến bộ khác.

Sau khi đã đánh tráo nước Mỹ & “phương Tây”, bài viết cố gắng cây bắt cầu gượng ép giữa chủ nghĩa Cộng sản & thuyết tiến hóa:

“Rất nhiều độc giả, đặc biệt là người ở Trung Quốc Đại lục, đã vô cùng kinh ngạc trước kết quả cuộc điều tra này. Kỳ thực những nước phương Tây tự do tín ngưỡng, không tiếp nhận Thuyết tiến hóa có rất nhiều người, điều này không hề dẫn tới sự lạc hậu, ngu dốt của những quốc gia đó. Kỳ thực sự phát triển văn minh của những quốc gia này lại vừa hay có quan hệ mật thiết với tư tưởng tự do, mở cửa, khoan hồng.

Thuyết tiến hóa đến từ phương Tây, nhưng trong những người tin tưởng Thuyết tiến hóa thì tỷ lệ lớn nhất là Trung Quốc, Liên Xô cũ và những quốc gia cộng sản cũ của Đông Âu.”

N

Hình như tác giả lộn giữa “chủ nghĩa cộng sản” (gốc từ Đức) với thuyết tiến hóa rồi. Như đã thấy, kết quả khảo sát thực tế cho thấy tỉ lệ ủng hộ tiến hóa ở các nước giàu & tư bản rất cao. Theo khảo sát khác năm 2011 của Ipsos, ngay cả trong giới người không có chuyên môn, trên khắp thế giới, số người ủng hộ thuyết tiến hóa vẫn áp đảo người hoàn toàn phản đối tiến hóa. Nước Nga (Russia), tiền thân kiêm hậu duệ của Liên Xô, là dẫn đầu nhóm nước có công dân “bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước”, không biết thuyết tiến hóa hay cái gì đúng (40%). Ngay cả trong nhóm ủng hộ tiến hóa thì Trung Quốc cũng không dẫn đầu, mà là tư bản Thụy Điển & Đức. Còn về việc ủng hộ một mình thuyết tiến hóa trong trường thì là anh Ấn Độ đứng đầu, sau đó là Tây Ban Nha, trong khi 1 trong 5 người Trung Quốc cho rằng các quan điểm khác nên được dạy. Thế nên, tôi không biết họ lôi số liệu ở đâu ra mà nói các nước Cộng Sản ủng hộ tiến hóa nhiều nhất. Chẳng có bất kỳ liên hệ nào giữa việc một nước có “tư tưởng tự do, mở cửa, khoan hồng” và việc người dân nước họ chống tiến hóa cả.

Khi thấy những dòng thế này, ta biết rằng tác giả chưa hề đọc Nguồn Gốc Các Loài (1859)mà cũng chưa tìm hiểu điều trước hết nhất về thuyết tiến hóa – cái tên của nó. “Thuyết”, trong chữ “thuyết tiến hóa” là “học thuyết” (theory), giống y như chữ “thuyết” trong “thuyết tương đối” – là một lời giải thích khoa học đã được xác lập vững vàng cho một tập hợp dữ kiện nhất định. Đó không phải là chữ “giả thuyết” (hypothesis) và cũng không hề thua kém “định luật” (law), bởi vì vốn nhiệm vụ của học thuyết khác hẳn với định luật (tôi đã viết rõ ở đây).

Cuốn sách của Darwin không chỉ có “một vài trường hợp” “phân tán”, mà nó là 20 năm tâm huyết suy nghĩ thấu đáo, tràn ngập những ví dụ, từ trâu bò đến bồ câu, từ kiến tới chim sẻ (đừng nghe lời tôi, các bạn có thể tự đọc nó ở đây).

1. “Một cơ sở logic yếu ớt”?

Chứng cứ của giải phẫu học so sánh

“Theo như giải phẫu học so sánh, trong số động vật có vú thì móng của chuột, cánh của dơi, đuôi của hải cẩu và tay của con người đều có kết cấu xương giống nhau.”

Không còn đường nào khác, phải chỉ ra ngay là CÂU NÀY SAI RẤT NẶNG. Theo giải phẫu học so sánh, tất cả động vật có bốn chi (bao gồm cả lưỡng cư, bò sát, chim chứ không chỉ động vật có vú) đều có chung một cấu trúc chi trước đó. Điều đó làm dấy lên câu hỏi: tại sao hàng chục ngàn loài khác nhau như vậy lại có chung một kiểu chi? “Chúng thừa hưởng cấu trúc đó từ một tổ tiên chung” là câu trả lời đơn giản hơn “chúng độc lập có được cấu trúc đó”. Và nên nhớ, đây không phải bằng chứng duy nhất của tiến hóa.

Về logic của thuyết tiến hóa, dĩ nhiên nó không hề mặc định không có cách giải thích nào khác; nhưng trong một cuộc tranh luận khoa học, chúng ta không bao giờ có đủ thời gian để xét hết tất cả các khả năng, nhất là những thứ không xác định và không xác minh được như “người ngoài hành tinh tàng hình phi vật chất”. Cục nước đá ngoài đường không nhất thiết là từ tủ lạnh, nhưng chấp nhận giả thuyết tủ lạnh thì vẫn hợp lý hơn là công chúa Elsa. Ta tất yếu phải ưu tiên những lời giải thích có cơ sở học thuật vững chắc hơn; danh sách loại trừ của khoa học chẳng qua ngắn hơn của  người chống tiến hóa một dòng mà thôi. Dù không chịu tin bất kỳ bằng chứng nào của thuyết tiến hóa, tôi nghĩ người chống tiến hóa cũng phải công nhận rằng nó vẫn hơn các đối thủ cạnh tranh ở chỗ đã được đề xuất nghiêm túc và có một hệ thống lý luận nhất quán và rõ ràng.

Hóa thạch của sinh vật cổ

Đoạn này ngụ ý như thể đó giờ chúng ta chỉ tìm thấy những mẫu xương vụn lạc trôi mà lồng tiến hóa vào đó, mà lại còn đầy rẫy lừa đảo! Tôi đã viết hai bài về nhắc đến Piltdown Man & Nebraska Man và phân tích rằng người chống tiến hóa đã cố gắng biến tướng những câu chuyện trên thành âm mưu “giả dối để ủng hộ cho thuyết tiến hóa”, trong khi lịch sử thì lại khác.

Bài viết còn làm như lí do duy nhất chúng ta có thể xác định một mẩu xương là vượn là từ mô thức thuyết tiến hóa. Không phải vậy, các giả định rất khách quan của việc phục chế đã có từ thời nhà khoa học Cuvier, trước Darwin: 1. Sinh vật đối xứng; 2. Có thể dùng kiến thức giải phẫu sinh vật sống để phục dựng sinh vật chết (Xem bài miêu tả cụ thể ở đây)

Bảo tàng Smithsonian có hẳn một bộ sưu tập hóa thạch 3D tương tác về tiến hóa người, ko chỉ có răng, mà còn sọ, xương và di chỉ. Sự thật là số lượng di cốt người vượn – vượn người đã tìm được lên đến hơn 6000 mẫu vật; xương xẩu triệu năm, dĩ nhiên là sứt mẻ, nhưng không đến nỗi chỉ có vài cái răng, hay còn mắc kẹt trong một xì căng đan năm 1920 mấy như bài viết tạo cảm tưởng.

.

N

Một vấn đề tôi hay thấy ở các bài viết chống tiến hóa ở Việt Nam là sự nhập nhằng giữa Darwin, con người và tác phẩm, với thuyết tiến hóa được dạy trong trường và dùng trong khoa học, tổng hợp nhiều những tư duy và dữ kiện mới. Bài viết này cũng không ngoại lệ. Nếu nói “định luật phát sinh sinh vật” là “một trong ba chứng cứ chủ yếu” Darwin đưa ra thì quá lạ, vì năm 1859, Haeckel (1834 – 1919) chỉ là một anh sinh viên y tuổi tôm mới 25, đã xuất bản cái gì đâu. Thực tế mãi đến năm 1864 thì lần đầu Haeckel mới đọc Nguồn Gốc Các Loài (1859), 1866 Haeckel mời xuất bản phiên bản thuyết tiến hóa “Generelle Morphologie” cố gắng trộn vào nhiều nguyên lý của Goethe (đúng, đó chính là ông nhà thơ “Gớt” ai cũng từng nghe tới :D) và Lamarck. Còn những hình vẽ tai tiếng của Haeckel? Mãi đến năm 1874 mới được xuất bản. Bằng chứng phôi học mà Darwin thực sự dùng, là của nhà phôi học tiên phong Karl von Baer, người đã khẳng định những điểm tương đồng của phôi thai các loài, và nghiên cứu của chính ông trên con hà (barnacle, thứ bám vào vỏ tàu hay cột nhà thủy tạ), dùng phôi thai của chúng để chứng minh chúng thật ra là động vật giáp xác.

Bạn có biết? Con hà cũng là một niềm đam mê khác của Darwin ngoài bọ cánh cứng; từ năm 1846 đến 1854, Darwin đã nghiên cứu và xuất bản những tác phẩm vẫn còn là chuẩn mực về Cirripedia.

Dù “định luật phát sinh sinh vật” của Haeckel có ảnh hưởng rộng, nhưng: 1. Cả Darwinvon Baer đều không thừa nhận nó; 2. Sách giáo khoa của Tây cũng không còn dạy nó 3. Lạc hậu như sách Việt Nam, có dạy thì cũng khẳng định: Bằng chứng cho tiến hóa KHÔNG phải hình vẽ Haeckel mà là thực tế về sự tương đồng của các phôi thai, Haeckel dựa trên Darwin chứ không phải Darwin dựa trên Haeckel, và cũng nhấn mạnh là “không nên hiểu là lặp lại đúng trình tự các giai đoạn trong lịch sử phát triển chủng loại một cách cứng nhắc”. Học sinh, sinh viên Mỹ cũng phải học thuyết tiến hóa, nên nhắc lại một lần nữa, vấn đề hoàn toàn không phải cộng sản hay không cộng sản.

Sách Sinh học 12, Nâng cao.

Trăm sự liên quan đến Haeckel, tôi đã bàn hết hơi ở chùm bài này, cái còn lại phải nói ở đây là rốt cuộc dùng phôi học để chứng minh thuyết tiến hóa có phải là  ““Luận chứng tuần hoàn” – dùng giả thuyết để chứng minh giả thuyết” không? Hoàn toàn không. Giá trị của học thuyết khoa học không phải đánh giá theo kiểu lý luận lỗi đơn giản “Trời mưa => đường ướt; đường ướt => trời mưa”, mà ở sự phù hợp và năng lực giải thích một lượng lớn các dữ kiện (đâu phải dễ mà thành theory!).

Nguyên lý: Con cái giống bố mẹ, di truyền có biến dị, có những đặc điểm tạo ưu thế hơn những đặc điểm khác trong một môi trường nhất định v.v

Phán đoán kéo theo: Sinh vật sẽ mang những đặc điểm giống nhau được thừa hưởng từ tổ tiên chung, và khác nhau vì thích nghi với điều kiện sống đặc trưng (A).

(Một số) Dữ kiện: Chân trước động vật bốn chân phân hóa với các chức năng khác nhau nhưng có chung cấu trúc; phôi thai ĐVCXS có nhiều điểm chung và cùng trải qua một giai đoạn (mầm đuôi) tương đồng – có những phôi giống nhau lâu hơn những phôi khác v.v (B)

Kết luận: Có dữ kiện ủng hộ thuyết tiến hóa (C).

Việc dùng các nguyên lý của giả thuyết/học thuyết, suy ra hệ quả và đối chiếu với dữ kiện, xong cân đong dữ kiện nào ủng hộ/chống lại giả thuyết/học thuyết là một quy trình hoàn toàn chuẩn mực trong khoa học, chứ không riêng gì thuyết tiến hóa. Ví dụ, trước thế kỷ 19 giới khoa học cho rằng bệnh tật là do “gió độc” (miasma), chứ không phải vi trùng, vậy cách kiểm chứng có thể đơn giản hóa như sau:

Nguyên lý: “Mầm bệnh (vi trùng) là nguyên nhân sinh ra bệnh truyền nhiễm”

Phán đoán kéo theo: Một cách nhất quán, nếu đưa mầm bệnh từ người bệnh sang người lành thì người ấy sẽ bị bệnh (A).

Dữ kiện: Người lành tiếp xúc với người bệnh hoặc bệnh phẩm từ họ thì bị bệnh (B).

Kết luận: Có dữ kiện ủng hộ nguyên lý vi trùng (C).

Dĩ nhiên thuyết Miasma cũng có cơ sở của nó nên mới sống dại tới vậy. Thuyết này dự đoán rằng chăm vệ sinh môi trường sẽ giảm thiểu bệnh tật, và đúng là như vậy – nhưng hai điều đó cũng đúng với nguyên lý vi trùng. Cũng như thuyết tiến hóa, nhờ nhiều lần so tài giành dữ kiện như vậy ta mới có thuyết vi trùng được công nhận rộng rãi như ta biết ngày nay.

Một lý luận chỉ lòng vòng nếu vế A là lí do duy nhất ta đi được đến vế B và ngược lại. Trong tất cả các cáo buộc về “Luận chứng tuần hoàn”, tác giả Phong Trần đều lờ đi thực tế hết sức hiển nhiên: các bằng chứng Darwin đưa ra đều có trước thuyết tiến hóa, tức những người tìm ra chúng đều không phải nhà tiến hóa – không phải họ tin tiến hóa rồi cố sức tìm bằng chứng cổ súy nó mà tuần hoàn. Von Baer kịch liệt phản đối thuyết tiến hóa, nhưng sự tương đồng có tính hệ thống giữa phôi thai là sự thật được ông và nhiều nhà phôi học tiền Darwin ghi nhận, và nó phù hợp và dễ giải thích với thuyết của Darwin, nên nó là bằng chứng cho thuyết tiến hóa – chẳng có gì tuần hoàn.

Tuy nhiên trên sinhtienhoa.com, tôi hay gặp một kiểu lý luận lòng vòng gương mẫu:

Người chống tiến hóa: Thuyết tiến hóa là vô căn cứ, vì nó cũng chỉ là một giả thuyết!

Tôi: Trả lời như trên, nó là học thuyết, giống như thuyết vi trùng, thuyết tương đối, thuyết vân vân.

Người chống tiến hóa: Nhưng thuyết tiến hóa không thể so được với mấy thuyết trên, vì nó vô căn cứ!

2. Xác suất đã phủ định cơ chế đột biến gen – hạt nhân của Thuyết tiến hóa?

Tôi chẳng thấy được một tí logic nào trong việc nhảy từ “chỉ khi gen có sự biến đổi căn bản thì mới có thể khiến sinh vật thay đổi” sang ““đột biến gen” cũng trở thành hạt nhân của Thuyết vô Thần hiện đại” để mà đưa chữ “vậy thì” vào cả. Tựa bài thuyết tiến hóa khủng hoảng, nay lại nói sang thuyết vô thần (vốn không phải là thuyết khoa học mà là một chủ nghĩa, chán việc xâm hại chữ “thuyết” thật chứ!). Vậy “tiếp theo” bài viết “phân tích lý luận cốt lõi” của “thuyết này” là thuyết nào? Đây cũng là một kiểu nhập nhằng, đánh tráo khái niệm rất hay gặp ở những người chống tiến hóa, mặc dù thực tế rõ ràng là đa số người chấp nhận thuyết tiến hóa có tôn giáo, tín ngưỡng.

Gen các loài có tính ổn định khó vượt qua?

“Tính ổn định của gen là sự tất yếu nhằm duy trì sự ổn định tự thân của các loài, gen xoắn của những cá thể khác nhau trong cùng một loài, hoàn toàn không thể khiến loài đó biến thành loài khác.”

Gen xoắn là gen gì, có ăn được không?

“Những chuyên gia về chăn nuôi loài động thực vật đều biết, phạm vi biến đổi của một loài là hữu hạn.”

Và họ “biết” dựa vào phạm vi rất hữu hạn của họ là sự nghiệp cũng như sách vở chuyên ngành của họ, vốn chỉ mới tích lũy vài trăm năm. Nhưng phần đầu tiên của Nguồn Gốc Các Loài (1859) lại chính là bắt đầu từ quan sát trên vật nuôi, sự khác biệt to lớn giữa gia súc, gia cầm, cây trồng và các bà con hoang dại. Rằng, nếu trong mấy đời người mù tạt có thể thành bông cải, mấy ngàn năm sói có thể thành chó, thì triệu năm thăng trầm của các đại địa chất còn tạo ra gì? Đó là câu hỏi Darwin gợi cho người đọc. “Phạm vi biến đổi của một loài là hữu hạn” là một quy luật chúng ta thấy trong vòng vài trăm, vài ngàn năm nay; nhưng thuyết tiến hóa không có nói “con” gì biến thành “con” khác trong vài trăm, vài ngàn năm cả, nên nó không mâu thuẫn gì với quan sát trên.

Dĩ nhiên với một cơ chế chậm, thay đổi lớn không thể nhìn thấy trong giai đoạn nhỏ. Nói thuyết tiến hóa không phù hợp với quan sát thực tế trong chăn nuôi cũng như nói lục địa không thể dịch chuyển vì trong nông nghiệp cả ngàn năm chưa ai thấy mảng đất nhúc nhích.

“Giáo sư Mel của trường đại học Harvard gọi nó là sự cân bằng trong bản thân gen.”

Như các bạn có thể thấy, Harvard không có giáo viên, hay sinh viên, hay nhân viên nào có họ là Mel.

Nhưng có một Tiến sĩ tên riêng là Mel, gọi thẳng như vậy rất là kì cục trong giới học thuật phương Tây. Trong một văn bản, giới thiệu người lần đầu tối thiểu phải có tên – họ, phòng ban công tác.

Tổ nghiên cứu này chả phải “những chuyên gia về chăn nuôi loài động thực vật”, trừ khi bạn tính dùng ruồi giấm để nghiên cứu bệnh về thần kinh như Alzheimer’s và Parkinson’s là chăn nuôi.

Và trong vòng 7 năm nay bà ấy không có công bố bất cứ gì liên quan đến tiến hóa (tất cả chữ “tiến hóa” trên trang đó là lịch sử của tôi :D)

“Điều hay gặp là, loài chó dù có giao cấu tạp chủng thế nào thì vẫn là chó.”

Thuyết tiến hóa chưa bao giờ bảo con gì tiến hóa do giao cấu tạp chủng. Câu nói ngô nghê này làm tôi nhớ tới nhà văn Chu Tất Tiến đã từng thốt lên một chất vấn đầy khoa học: “Cá giao cấu với giống nào mà thành Khỉ? Câu hỏi này cho đến nay vẫn chưa có câu trả lời.” Ai trả lời nổi?

Đột biến gen chỉ gây hại?

SAI. Đột biến xảy ra trong quá trình sao chép ADN, bản thân nó không phải là bệnh. Cũng như việc chép tay các văn tự cổ ngày xưa, mỗi quyển chắc chắn sai một vài ký tự – đó là hạn chế tất yếu của quy trình.

Hai con số trên hoàn toàn không có dẫn chứng, ngọn nguồn gì, cũng không biết nó tính lỗi thế nào. Nhưng giả sử nó đúng, và lấy xác suất đột biến hiếm hoi nhất là cứ 100 triệu ký tự thì có một lỗi. Những tưởng với độ chính xác cực kỳ cao mà trong lịch sử chắc khó có thợ chép sách nào bì được thì đột biến hẳn rất hi hữu, nhưng bộ nhiễm sắc thể chúng ta có tới 3 tỉ CẶP tiểu đơn vị nucleotide (một cặp tạo thành một nấc thang), khi nó sao chép thì mỗi sợi ADN tách ra làm hai dải và các viên gạch nucleotide tự do gắn vào mỗi dải để hình thành 2 sợi ADN con. Vậy, mỗi lần nhân đôi phải sao chép 6 tỉ kí tự => sẽ có khoảng 30 hoặc 60 lỗi tùy xác suất lỗi tính theo cặp hay theo kí tự trên một lần phân chia, mà nên nhớ, tế bào sinh dục phải phân chia rất rất nhiều lần trong suốt tuổi sinh sản. Vậy, đơn thuần bởi vì quy mô của bộ gen mà đột biến là không thể tránh khỏi, ngay cả khi ta đã có cơ chế sửa lỗi thì ở sinh vật nhân thực phức tạp vẫn là từ 0.1 – 100 đột biến/bộ gen/thế hệ sinh sản (Drake và cộng sự, 1998).

Nguyên đoạn này khẳng định suông, lấy so sánh với chương trình máy tính làm cơ sở duy nhất để chống lại khả năng hữu ích của đột biến gen. Như tác giả T.N đã viết trong bài này, và trên sinhtienhoa.com tôi cũng nhiều nhiều lần nói: trong tiến hóa thật ra không có khái niệm “trình tự cao cấp”. Tính trạng luôn phải được xét trong hoàn cảnh, ở đây “gen” (nói đúng hơn phải là phiên bản gen, allele) này có ưu thế sinh tồn, ở chỗ khác nó lại phản chủ. Cái thuyết tiến hóa (ngày nay) nói là đột biến “tùy tiện” thay đổi một, hai chữ tạo ra một trình tự BỊ THAY ĐỔI. Vậy thôi, đơn giản là một kiểu gen KHÁC. Nhấn mạnh: không phải ra “con” khác, không phải ra “cao cấp”, còn chẳng phải ra liền trạng thái, tính chất khác – mới chỉ là một chỗ nhỏ xíu bị khác đi trong gen, và điều đó không có nghĩa là sẽ tạo ra tác động. Tại sao? Bởi vì ADN có những điểm đặc biệt, không giống hoàn toàn với chương trình máy tính.

Đa số trường hợp, chẳng có tác động lên kiểu hình gì xảy ra từ đột biến gen, đó là do hệ thống di truyền của chúng ta bị “dư xài” (redundancy, tôi chả thích từ này chút nào) về nhiều mặt.

_Cái “dư” thứ nhất là mỗi người có tới hai phiên bản của mỗi gen, từ cha và từ mẹ, nên hỏng một còn cái còn lại.

_ADN không trực tiếp tạo ra  trạng thái, tính chất mà phải được giải mã gián tiếp thành protein theo bộ ba, tức là 3 nucleotide liền kề tạo ra một mã bộ ba quy định một đơn vị sẽ tạo nên protein sau này.

Trong hình, chỉ có khoảng 20 đơn vị khác nhau (không tính màu xám là tín hiệu ngừng), mà có tới 64 mã, nên đa số đơn vị có thể có hơn một mã, và chính sự “dư” thứ hai này là “bảo hiểm” tránh thay đổi. Để minh họa, ta thấy mã chỉ cần là CC_, nucleotide cuối cùng có bị đổi thành bất kỳ cái gì thì kết quả vẫn tạo ra Proline. Ta cũng thấy các đơn vị này được chia thành các nhóm theo tính chất hóa học: không phân cực (nonpolar), phân cực (polar), thiên axit (acidic), thiên kiềm (basic) – mà gần một nửa (9) là không phân cực, và mã của chúng cũng khá giống nhau. Ở chương trình máy tính, nếu ta gõ nhầm lệnh “run” thành “fun”, sẽ có lỗi ngay lập tức, hay chuỗi “1111 0000 1100 0100” (F0C4) sẽ cho kết quả khác liền với “1111 0000 1100 0101” (F0C5). Nhưng không những Valine không sợ bị đổi ký tự cuối, mà có đổi cả ký tự đầu tiên, thì sẽ vẫn tạo ra một đơn vị có tính chất tương tự như nó (không phân cực) và sẽ không ảnh hưởng quá nặng đến cấu trúc protein thành phẩm. Kiểu “bảo hiểm” này dĩ nhiên không tuyệt đối, chắc chắn có những đột biến sẽ làm thay đổi hoàn toàn cách gấp protein, nếu nó được biểu hiện. Nếu.

_Cái” dư” thứ 3 nữa là tuyệt đại đa số ADN người không tạo ra protein (>98%). Chúng vẫn phải được chép trong mỗi lần nhân đôi ADN, và ta vẫn chưa thực sự rõ chúng dùng để làm gì, nhưng dĩ nhiên đa số đột biến sẽ phải rớt lên các vùng này chỉ vì chúng quá lớn. Vì không được biểu hiện ra protein, đột biến trên các vùng này ít có khả năng tác động lên kiểu hình sinh vật.

_Cái “dư” thứ 4 nữa là một phân tử protein thì rất là lớn, nhưng chỉ có một phần nhỏ của nó là chỗ nó làm những gì nó cần phải làm (active site).

Sơ đồ các đột biến trên enzyme ARN trong nghiên cứu.

Tuy nhiên, phải khẳng định luôn là khi một đột biến không trung tính (không lợi không hại), thì nó nhiều khả năng là có hại hơn là có lợi, bởi đơn giản lúc nào cũng có nhiều cách để phá hơn là cải thiện :D. Ước tính của Nachman & Crowell trên tạp chí chuyên ngành Genetics là cứ mỗi thế hệ sẽ có 175 đột biến, trong đó chỉ có 4 gây ra tác động, và trong đó có 3 đột biến gây hại và 1 đột biến có lợi (Nachman & Crowell, 2000). Nhưng, như đã ghi ở trên, tính trạng cần có bối cảnh, bối cảnh đó không những chỉ là số lượng, chủng loại thức ăn, kẻ thù, bạn tình… mà còn có thể là sự hiện diện của các đột biến khác. Paegel & Joyce đã thực hiện một thí nghiệm hết sức tinh tế: Họ cho một enzyme ARN sinh sản với rất nhiều đột biến ngẫu nhiên và đưa “thức ăn” vào càng ngày càng ít để chọn lọc ra những phiên bản nào có hiệu suất cao hơn để tăng sinh cho lần thí nghiệm sau. Chỉ sau 70 giờ, họ đã tìm thấy một phiên bản có tính hoạt động cao hơn gấp 90 lần ban đầu. Nó có 11 đột biến, với bốn nhóm chính yếu M1, M2, M3, M4. Khi tái tạo các đột biến này riêng rẽ, phát hiện M4 làm giảm hoạt động của enzyme xuống 2 lần, nhưng khi đi chung với những đột biến kia thì lại làm tăng cường khả năng của chúng (Paegel & Joyce, 2008). Đáng chú ý là đây không phải một sản phẩm thiết kế có chủ đích, tất cả đều tự động: Máy PCR tạo ra các đột biến ngẫu nhiên khi sao chép enzyme, máy tính đo đạc và di chuyển mẫu, tất cả được điều khiển bởi một con chip, hạn chế tối đa sự thò thọc của các nhà nghiên cứu và mô phỏng những gì chọn lọc tự nhiên có thể làm. Vậy, một đột biến có tác hại nhẹ vẫn có thể tăng về tổng thể khả năng thích nghi.

Mặt khác, dù tuyệt đại đa số đột biến là trung tính, nhưng chúng vẫn tạo điều kiện cho những thay đổi tiềm tàng, ví dụ AGG bị đột biến thành AGA thì vẫn là Arginine, vài đời sau lại đột biến thành AAA thì thành Lysine, vẫn mang tính kiềm; nhưng nếu đột biến nữa thành GAA thì bỗng thành axit glutamic. Nhờ những đặc tính như vậy của ADN, cộng thêm khả năng tự sửa lỗi, mà ADN giữ được sự ổn định vững chắc nhưng vẫn mở cửa sau cho tiến hóa.

Theo một nghiên cứu trên các gia đình, mỗi người chúng ta đều mang trong mình khoảng 60 đột biến (do xác suất lỗi đã nêu trên). Nếu chúng “thường” gây nguy hiểm như vậy thì cả đám đều ngỏm rồi. Và ta nhất thiết phải phân biệt thứ đột biến gây ung thư và thứ đột biến có ý nghĩa tiến hóa. Đột biến nguyên liệu tiến hóa xuất hiện ngay từ khi người mẹ tạo ra trứng, người bố tạo ra tinh trùng và tạo thành hợp tử, thế nên chúng hiện diện ở mọi tế bào trong cơ thể và nhất thiết phải là thứ di truyền được. Còn kiểu đột biến làm người ta càng lớn tuổi càng dễ mắc các chứng thoái hóa là đột biến tế bào sinh dưỡng, chúng cục bộkhông thể ảnh hưởng đến đời sau. Hai thứ này đều có thể tạo ra bệnh hiểm nghèo, nhưng tiến hóa chỉ cần có đột biến dòng tế bào sinh dục – thế nên không nên gán ghép tiến hóa với ung thư.

Có thể dẫn ngay một đột biến tăng ưu thế sinh tồn: cách đây cỡ 5000 năm ở trong các cộng đồng chăn bò ở Trung Đông và Bắc Phi xuất hiện một đột biến giúp giữ lại men tiêu hóa đường trong sữa (lactose) cho đến tuổi trưởng thành, giúp người mang nó có thêm nguồn dinh dưỡng quý giá và một nguồn nước khi hạn hán. Khả năng này nhanh chóng được phát tán, và xuất hiện độc lập ở một số vùng. Người Việt Nam do không có văn hóa dùng sản phẩm sữa nên đột biến này có xuất hiện cũng không có giá trị sinh tồn và không có cơ hội phát tán, vì thế nên chúng ta uống sữa bị sôi bụng.

N

Còn một ví dụ khác: Đột biến trên nhiễm sắc thể X làm cho người và bà con gần có thể nhìn thấy màu đỏ – xanh lá. Trước đó, động vật có vú chỉ có thể phân biệt được trắng – đen, vàng – lam (cún yêu, miu cưng của chúng ta chỉ thấy một thế giới úa vàng như thế này 😦 ). Nhưng khoảng 50 triệu năm trước, trong số các phiên bản lỗi được tạo ra do các lần đột biến của gen nhìn màu vàng – lam ban đầu, có một phiên bản có thêm đột biến để tạo ra một protein hoạt động được. Đây là một ví dụ về việc các đột biến trung tính có thể tạo ra tiềm năng sinh lợi về sau. Thứ protein này trao cho chủ của chúng khả năng phân biệt hoa trái và cả nhìn sắc mặt đồng loại nhờ đó có được một ưu thế sinh tồn mà nếu thiếu nó, không những chúng ta khó tồn tại đến ngày hôm nay, mà mắt thẩm mỹ của ta cũng … như chó!

N

“Nói một cách khái quát, quá trình tiến hóa từ vượn thành người chính là một bộ phận vượn cổ trong mấy triệu năm, do một loạt gen phát sinh đột biến một cách “vô tình”, “vừa hay” khiến trán của vượn cổ dần dần tăng cao, xương đuôi trở nên nhỏ đi, phần miệng thu về phía sau, dung lượng não lớn hơn, sống lưng thẳng ra… cuối cùng thành người hiện đại.”

Câu này giả định các đặc điểm này xuất hiện độc lập, nhưng các nhà nghiên cứu thực sự lại cho chúng đều là một phần của quá trình neoteny – giữ lại các đặc điểm thời niên thiếu. Ta thấy, vượn con giống người hơn vượn trưởng thành nhiều: mắt chúng to, đầu cũng to, mõm ít hô, lưng thẳng… khi đối chiếu, người ta thấy rằng vượn và người có chung những gen phát triển não bộ, chỉ là ở người chúng kích hoạt chậm hơn. Để xem một số ví dụ về sự thay đổi hộp sọ, các bạn có thể đọc bài này.

Đây cũng là một xu hướng ta thấy ở vật nuôi rất rõ.

Sói con nhìn giống chó nhà hơn sói lớn rất nhiều, đó là do tỉ lệ hộp sọ của chó nhà giống sói con hơn. Cả sói con và chó nhà trưởng thành đều có một góc giữa trán và mũi nhọn hơn các loài sói, cáo hoang dại nhiều.

 

 

“Quá trình chọn lọc tự nhiên chỉ có thể quyết định cuối cùng loại động vật nào sẽ được lưu lại, nhưng sẽ không tăng thêm xác suất về toàn bộ quá trình này.”

Và chưa ai khẳng định chọn lọc tự nhiên có thể làm gì hơn 😀 .

“Trong đó, xác suất để sản sinh ra lòng trắng trứng (TPA) là từ 1/10 mũ 36”

Sản sinh từ đâu, từ nguyên liệu nào hay từ thinh không? tPA hay t-PA (chữ t không viết hoa) không phải lòng trắng trứng, mà là tissue plasminogen activator, chất hoạt hóa plasminogen mô, được dùng trong thuốc làm tan huyết khối. Như bạn có thể đoán được, gen tạo ra một phân tử như thế hoàn toàn không độc nhất có trong lòng trắng trứng, mà mang tính phổ quát ở ĐVCXS, ví dụ, một số mảng trên gen tPA của người tương đồng cả với cá nóc.

N

Thuyết tiến hóa có nói đương không các phân tử vô cơ tự xếp thành lòng trắng trứng? Không, thuyết tiến hóa nói rằng các gen tạo lòng trắng trứng, của gà chẳng hạn, được thừa hưởng từ tổ tiên dạng bò sát đẻ trứng trên cạn, và trước đó là tổ tiên dạng lưỡng cư đẻ trứng dưới nước (tạm dừng ở đây). Vậy chim và bò sát hiện đại, lưỡng cư hiện đại đã cùng thừa hưởng một số gen, và nếu ta đem đọ các gen ấy với nhau ta sẽ thấy nhiều điểm tương đồng, và đúng là như vậy (Chúng đều có protein avidin chẳng hạn).

Về Boeing 747 từ bãi phế liệu, Fred Hoyle tính xác suất tạo ra một sinh vật có 2000 protein từ chất vô cơ, chả có ai tuyên bố như vậy cả, nên đây là một bài toán lạc đề, dù gợi lên một hình ảnh khá thú vị :). Tác giả T.N đã từng bàn về xác suất sự sống ở đây, và nếu bạn muốn ngó thử nghiên cứu của một nhóm tiêu biểu đang tìm hiểu về vấn đề này, EvoLit đã có dịch video sau 🙂 .

3. Tầng tầng nghi vấn về thời gian biểu tiến hóa?

“Căn cứ vào khái niệm Thuyết tiến hóa, con người từ động vật thủy sinh nguyên thủy nhất dần dần bò lên lục địa, từ sinh vật lưỡng cư, loài bò sát, loài có vú, cuối cùng tiến hóa thành vượn tiếp đến là lên mặt đất tiến hóa thành con người. Quá trình ở giữa đã trải qua vài trăm triệu năm.”

Tôi phải vẽ ra một cái hình chắc mới lột tả được sự lạ lùng của miêu tả này. Loài thủy sinh nguyên thủy nhất chưa thể bò lên lục địa, mất hết cả tỷ năm rồi. Vượn “lên mặt đất”, vậy trước đó nó ở dưới nước hay độn thổ?

minh hoa phong tran

Còn những “chứng cứ” cho thấy lịch sử loài người dài hơn rất nhiều, hóa ra lại đều đã bị bác bỏ: dấu giày Meister (đã bị bác bỏ từ những năm 80) và cái bình Dorchester đã được xác định chỉ là một dụng cụ giữ ống điếu thời Victoria, và so nó với một mẫu vật tương tự từ Ấn Độ (Các bạn có thể xem cả một bộ sưu tập những thứ như vậy ở đây).

“Ba bước “quan sát, giả thuyết, kiểm chứng” đến nay vẫn là thước đo để các nhà khoa học kiểm chứng những quy luật tự nhiên và định lý khoa học.Trong “Nguồn gốc của các loài” của Darwin chỉ hoàn thành được hai bước đầu tiên. Hơn nữa, trải qua sự nỗ lực mấy đời người kéo dài hơn một thế kỷ, “kiểm chứng”, bước cuối cùng quan trọng nhất này, đến nay vẫn chưa có được kết quả khiến con người tin phục.”


Tác giả chưa phục hẳn là do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhưng không chỉ có: Không tìm hiểu nghiêm túc học thuyết ngay cả tiêu đề, nhập nhằng khái niệm, đọc nguồn mơ hồ, không chịu kiểm chứng các dữ kiện của mình… Thực tế khách quan là thuyết tiến hóa là học thuyết duy nhất đang được chấp nhận ở trường học, tòa án và các viện nghiên cứu trên thế giới, và ý kiến cũng như ác cảm cá nhân của bất kỳ ai cũng không thay đổi được điều đó.

“Hơn nữa cùng với xu thế phát triển của các lĩnh vực khoa học hiện nay và cục diện tự thân của Thuyết tiến hóa, thì bằng chứng cuối cùng để Thuyết tiến hóa có thể đi hết ba bước này đã trở nên ngày càng mờ mịt.”

Thật ra, với sự dính líu tới quá nhiều ngành khác nhau, thuyết tiến hóa tự thân đã có một cục diện rất mong manh ngay từ đầu, và mọi thứ đáng ra chỉ càng tệ hơn khi khoa học ngày càng mở rộng. Nếu kết quả di truyền không khớp với hình thái, nếu niên đại địa chất không khớp với dự đoán về hóa thạch, nếu các sinh vật không thể hiện sự nhất quán đến nỗi các nhà khoa học tiền Darwin cũng có thể nhận ra… và cón rất nhiều cái nếu có thể đốn quỵ học thuyết bị ghét bỏ này nữa. Nhưng kết quả là khi khoa học tiến bộ, thì thuyết tiến hóa không những không lung lay mà còn cho ta nhiều hiểu biết sâu sắc hơn: di truyền xuất hiện, nó soi sáng cho cơ chế thừa hưởng các tính trạng; rồi chúng ta biết rằng phôi thai thực sự không chỉ giống ở ngoại hình, mà ẩn sâu bên trong là những cơ chế sinh lý tương đồng; rồi chúng ta biết rằng sự kết nối của mình với sinh giới sâu sắc và căn bản biết nhường nào…


Có những người chống tiến hóa thích lăng mạ nhóm EvoLit chúng tôi bằng cách gọi chúng tôi là những tín đồ tiến hóa (thật kỳ lạ, như thể “tín đồ” là một từ xấu vậy!). Họ cáo buộc chúng tôi vì quá tôn thờ thuyết tiến hóa mà đi vạch lá tìm sâu, bắt lỗi nhỏ nhặt và họ dùng hết kho từ vựng khinh miệt nhất để miêu tả tiểu nhân, kể hết sạch những kinh kệ, điển tích hòng khép chúng tôi thành bên sai quấy, chỉ vì chúng tôi chỉ ra những chỗ họ viết không đúng.

Chúng tôi không có đủ thời gian, sự kiên nhẫn hay khả năng lạng lách miệng lưỡi để “cân” với họ hoài. Nhưng điều khiến tất cả những nọc độc quăng quật vào chúng tôi vẫn không làm mình chùn bước, đó là khi tự hỏi lại: “Có đang làm đúng lương tâm của một trí thức?” thì câu trả lời vẫn luôn là “Có”. Chúng tôi đặt danh dự vào từng con chữ, không nói những điều chúng tôi biết là sai, sửa liền những điều mới cập nhật là không đúng. Chúng tôi không sai khi đòi hỏi tác giả phải tôn trọng tối thiểu người đọc của mình. Chúng tôi không sai khi yêu cầu những người viết về khoa học phải tuân thủ những chuẩn mực của khoa học. Chúng tôi không sai khi gọi một lỗi, một điểm mập mờ, một lời nói dối bằng chính tên khai sinh của nó.

Và vì sự chính trực tự vấn đó, ai có đổi trắng thay đen cũng chỉ là tự gạt mình thêm mà thôi 🙂

Tham khảo

Loewe, L., & Hill, W. (2010). The population genetics of mutations: good, bad and indifferent. Philosophical Transactions Of The Royal Society B: Biological Sciences, 365(1544), 1153-1167. doi:10.1098/rstb.2009.0317

Drake, J., Charlesworth, B., Charlesworth, D., & Crow, J. (1998). Rates of Spontaneous Mutation. Genetics, 148(4), 1667-1686. Retrieved from http://www.genetics.org/content/148/4/1667.full

Nachman, M., & Crowell, S. (2000). Estimate of the Mutation Rate per Nucleotide in Humans. Genetics, 156(1), 297-304. Retrieved from http://www.genetics.org/content/156/1/297

Paegel, B., & Joyce, G. (2008). Darwinian Evolution on a Chip. Plos Biology, 6(4), e85. doi:10.1371/journal.pbio.0060085

Click to access ukmss-36509.pdf

9 Comments

  1. Chào evolit,
    Thật sự đọc bài của mấy bạn mình cảm thấy rất ngưỡng mộ kiến thức uyên bác của các bạn. Những bài viết phản biện những trang CTH ko sót 1 chi tiết, với những dẫn chứng rõ ràng, phân tích chi tiết, thật khó cho người CTH phản biện được các bạn mà ko dùng ngụy biện công kích cá nhân :).
    Mặc dù mình ko có đủ kiến thức để hiểu từng phần bài viết nhưng chỉ cần nhìn sự trung thực chấp nhận những ý kiến trái chiều để trao đổi thẳng thắn thì đó mới đúng là 1 trang web khoa học thật sự, cho dù có những chỗ kiến thức không chính xác đi chăng nữa. Mong các bạn sẽ cố gắng viết ra nhiều bài viết hay nữa để phổ biến kiến thức thật sự, tránh bị những trang web tôn giáo lôi cuốn . Cám ơn các bạn rất nhiều.

    Đã thích bởi 1 người

      1. Oh, mình chỉ bảo “cho dù” thôi vì tập trung vào tinh thần KH của các bạn là chính. Vì mình nghĩ rằng các bạn chỉ là những cá nhân viết ra những bài viết, chủ yếu nghiên cứu độc lập qua các nguồn uy tín, chứ ko phải một tổ chức nghiên cứu gồm đoàn thể những người chuyên ngành, nên khó có thể đảm bảo bạn sẽ chính xác 100% được. Tuy vậy ở VN đây là trang web viết về tiến hoá hay nhất và duy nhất mình từng gặp rồi.

        Thích

Bình luận về bài viết này