BÀN VỀ NHÀ THIẾT KẾ, Phần 1: Chiếc Đồng Hồ Paley – Vì Ta Không Biết, Nên Ta Biết

Bài viết của Logic Mafia.

Không phải ảnh thật (Ờ!)

 

Logic Mafia là một blog sắp xuất bản nhằm sưu tập và trình bày các lập luận từ cả hai phía về các vấn đề xã hội gây tranh cãi. Tuy nhiên, với các vấn đề khoa học, Logic Mafia chỉ biện luận cho bên có nhiều bằng chứng hơn.

Nếu bạn đi giữa sa mạc và nhìn thấy một cục đá, bạn sẽ cho rằng nó được sinh ra tự nhiên, và nằm ở đó một cách tự nhiên. Nhưng nếpaley-watchmaker-2u bạn nhìn thấy một chiếc đồng hồ, bạn sẽ cho rằng nó tự hình thành từ đất cát sa mạc, hay có một người đã tạo ra nó và đưa nó đến đây?

Nếu hiển nhiên một chiếc đồng hồ – với những thành phần khớp với nhau và phối hợp hoàn hảo – phải có một nhà chế tạo đồng hồ có chủ đích làm ra, vậy thì vũ trụ và muôn loài – vốn còn phức tạp và hoạt động bằng những cơ chế tinh vi gấp triệu lần – ắt cũng phải có một nhà chế tạo đồng hồ có chủ đích – và đó chính là Thượng Đế. Đây là lý luận “a watch implies a watchmaker” của William Paley (1743-1805) nhằm cho thấy chính sự trật tự và hoàn hảo của thế giới này là bằng chứng hùng hồn nhất cho sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo, bởi vì “Không thể có kế hoạch và thiếu người thiết kế, có sáng chế mà thiếu kẻ trù liệu, có sắp xếp mà thiếu người bố trí, có cơ chế mà thiếu người đưa ra chủ đích, có phương tiện và giải pháp hoàn thành chủ đích mà thiếu sự đầu tư trí tuệ. Sự sắp xếp, bố trí các bộ phận, các giải pháp vận dụng phương tiện và khí cụ, v v…, tất cả đều hàm ý về sự hiện hữu của một thực thể có giác tính và trí tuệ
(theo chungta.com).

 

Đúng là một lập luận mạnh mẽ và hiệu quả, phù hợp với mọi trải nghiệm hàng ngày của ta. Nhưng giờ tôi trộm nghĩ một tình huống khác. Giả dụ ông Paley đi mãi, đi mãi và cuối cùng tơi tả và gục ngã trong lãnh địa của một bộ tộc cô lập đã gần như không tiến triển gì từ thời kì đồ đá. Họ cứu chữa, thu nhận, và dạy tiếng cho ông. Ngày nọ khi đã đủ thân mật, Paley (giờ đã áo lông, đóng khố) cho tù trưởng xem báu vật của mình, thứ lưu niệm nguyên vẹn cuối cùng của văn minh phương Tây: cái đồng hồ. Ông giảng giải cách hoạt động, chỉ tên từng cây kim, con số, nút và cả những bánh răng trang trí và ông nói “Nó là do con người tạo ra, người như tôi và ông”. Tù trưởng nổi giận, cho rằng Paley giỡn mặt với mình. Trong thế giới của ông chỉ có rìu đá và dao vỏ sò, làm gì đã từng thấy người nào làm ra được miếng sắt nhỏ như nhụy hoa, đường vân tinh xảo như cánh bướm vậy. Ông chỉ biết duy nhất một thế lực tài hoa như thế, đó là các vị thần đã tạo ra đất trời, tổ của bộ tộc. Hơn nữa, đó giờ ông chỉ biết sự sống – tức cũng là do các vị thần tạo nên như cây cối, muông thú, sông, suối, mây, núi… – mới sinh ra được những thứ có nhịp đập, có thể tự hoạt động, còn tất thảy những thứ con người làm ra như cái lu nước, cái bao tải đều chết cứng cả; vậy thì sao cái thứ không cần ai kéo mà vẫn chạy này có thể do con người tạo ra? Paley quá ngạo mạn rồi!

 

Suy nghĩ của ông tù trưởng có sai không? Nghe có vẻ mê tín, bảo thủ, nhưng đó là do chúng ta nhìn từ ngoài vào và hiểu biết rộng hơn. Còn với những gì ông tù trưởng biết, thì suy nghĩ của ông hoàn toàn hợp lý; nếu chúng ta sinh ra trong bối cảnh như vậy, tuyệt đại đa số ta cũng sẽ nghĩ vậy. Con người luôn liên hệ từ những điều đã biết, và tư duy kiểu Paley… 

…thật ra chẳng hề cho ta biết cái gì mới cả

Chúng ta biết cái đồng hồ phải có người tạo ra, vì chúng ta BIẾT cái đồng hồ phải có người tạo ra. Ta đã nghe đến những nhà sản xuất đồng hồ cao cấp, ta đã xem các phim tài liệu người ta giới thiệu “Họ đã làm điều đó như thế nào?”, ta đã thấy các bác thợ sửa tháo từng mảnh chiếc đồng hồ ra, lắp lại và nó chạy như chưa có chuyện gì xảy ra.

Ta biết bức tranh phải có người vẽ, vì ta đã từng vẽ và thấy người ta vẽ.

Ta biết cây cầu phải có người xây, vì ta đã đi qua những công trường. 

Thậm chí chúng ta biết một chuỗi đá cuội quá thẳng cũng hẳn là nhân tạo, bởi vì chúng ta đã học nhiều về đường thẳng, về góc vuông, đã từng sắp đá hay đã nhìn thấy đá tự nhiên.

Nhưng có cái gì ta biết là được thiết kế mà lại không có gì tương tự chưa?

Bạn hãy nghĩ đi, nghĩ tới tất cả những gì bạn có thể nhìn thấy trên sa mạc và biết chắc chắn có ai đó tạo ra, mà lại không giống với bất cứ gì xung quanh bạn.

Một xấp giấy có nhiều ký tự? Chúng ta ai cũng có chục năm kinh nghiệm với sách, trên đó in đủ tên tác giả của “phần hồn” và địa chỉ nhà xuất bản đã tạo nên “phần xác”.

Một khối tròn hoàn hảo? Ta đã từng chơi nặn đất, từng dùng compa, ta biết cách tạo nên đường tròn và khối tròn. Tuyệt đa số những khối tròn hoàn hảo ta từng biết đều là nhân tạo, nên ta có cơ sở rất tốt để kết luận khối này cũng vậy.

Một cái hồ có bờ vuông vức? Ta đã từng bơi trong những cái hồ nhân tạo, và ta cũng đã thấy hồ tự nhiên, hồ tự nhiên không vuông.

Nhưng chúng ta có một vũ trụ được tạo ra và một vũ trụ không được tạo ra để so sánh không?

Trong thế giới của ông tù trưởng, không có bất cứ thứ gì tương tự với cái đồng hồ, và ông cũng chẳng biết người nào hay phương pháp gì có thể tạo nên nó, chỉ vì như vậy nên ông đã sai khi kết luận cái đồng hồ không thể là do người làm ra. Trong thế giới của ta, không có bất cứ thứ gì tương tự với sự sống, nên có chắc ta đã đúng hơn ông tù trưởng, người tưởng tiếng kim của cái đồng hồ cũng như nhịp đập của một con tim? 

Ta dễ ngộ nhận nếu đánh đồng những thứ thật sự không giống nhau

Sự sinh: Đồng hồ không đến với thế giới này theo cách của một chú chó con. Đồng hồ khởi đầu là những linh kiện và phụ tùng được sản xuất hàng loạt, tồn tại độc lập, có thể nằm trơ ra đấy một thời gian dài, lắp vào bất cứ sản phẩm nào. Thợ đồng hồ toàn quyền thiết kế đồng hồ Sự sống tự lắp ráp: Ba mẹ bạn không có “thiết kế” ra bạn, cái duy nhất họ có thể quyết định là ngày sinh. Ba mẹ cho bạn 2 cuốn sách hướng dẫn, một ít vốn nguyên liệu, ngay sau đó tổ hợp mới độc nhất vô nhị – là bạn – hoàn toàn tự làm tất cả mọi thứ. Chính cơ thể mẹ bạn cũng không hề “thiết kế” ra bạn, mà là cung cấp sự bảo vệ và nguyên liệu cho bạn tự lắp ráp

watch
N

Sự tử: Khi một chiếc đồng hồ ngừng chạy, ta có thể vứt nó một xó cả chục năm, sau đó lên dây cót hay thay pin, nó sẽ hoạt động trở lại. Khi một con tim ngừng đập, chỉ có vài phút để cứu vãn.

Sự thay đổi: với khởi đầu mang theo chút ít khác biệt nho nhỏ như vậy + việc chúng bước vào một cuộc sống sẽ thuận lợi cho một số cá thể với những đặc điểm nhất định hơn đám còn lại, sinh vật có tiềm năng để tiến bộ, và sự thay đổi qua nhiều thế hệ gần như là tất yếu.

Đồng hồ cũng như tuyệt đại đa số đồ vật, không hề có những khả năng và đặc tính đó, và các so sánh không tính tới những sự tương phản không hề nhỏ nhặt này đều quá hời hợt.

Trật tự có thể là một sự vơ đũa khập khiễng từ ham muốn sắp xếp của loài người

Việc nhìn ra hình tượng, quy luật và mẫu thiết kế là bản năng và bản chất của loài người, ngay cả khi thật sự chẳng có mô-típ gì cả.

lander-edu-1
5 chấm này đại diện cho cái gì?

 

 

180px-big_dipper_from_the_kalalau_lookout_at_the_kokee_state_park_in_hawaii
Bạn nhìn thấy trong 7 ngôi sao Bắc Đẩu?

Đối với đa số chúng ta ngày nay, vị trí các tinh cầu trông như hậu quả của một hũ muối vãi trên tấm khăn màu đen: lộn xộn, ngẫu nhiên, chả biết đường nào mà lần. Nhưng tổ tiên của chúng ta, những người không biết tự viết tên mình, có thể dễ dàng nhận diện và gọi tên một nhóm sao nào đó trên trời như chúng ta kể vanh vách về những ngôi sao showbiz. Tuy nhiên, những cái tên và hình tượng ấy ở mỗi nền văn hóa lại khác nhau: Nhóm 7 ngôi sao phương Tây gọi là Muỗng Lớn (Big Dipper) và chúng ta gọi là Bắc Đẩu thất tinh đã từng được nhìn ra thành đủ thứ – từ cái cày, cái chảo, con vẹt, đùi bò đến cỗ xe… là một phần của chòm sao Gấu Lớn (Ursa Major) – mà dĩ nhiên chúng ta gọi là Đại Hùng và các dân tộc khác không nhìn ra con gấu.

ursa_major2
Chòm sao Gấu Lớn. Khi người ta vẽ thế này thì đúng là dễ nhìn ra thật, nhưng tự bạn nhìn chắc chắn sẽ thấy gì đó khác

todd-terwilliger

Cũng như ta còn thấy những gương mặt trên bức tường mục nát, bản đồ Italy thành chiếc ủng và dáng người đàn bà ôm con chờ chồng trên mỏm đá… trật tự trong vũ trụ cũng có thể chỉ là một sự áp đặt của bộ não con người.
lander-edu-2

5 chấm tròn trên sẽ đại diện cho những điều rất khác nhau, tùy theo văn hóa, giáo dục và những trải nghiệm quá khứ của riêng bạn.

Ta cũng phải cẩn trọng với những câu trả lời thực ra không phải câu trả lời.

“Thật dễ dàng để giấu cái dốt của chúng ta dưới những cụm từ như ‘ kế hoạch của tạo hóa’, ‘sự thống nhất trong thiết kế’ v.v rồi cho rằng ta đã đưa ra được một lời giải thích, trong khi thực ra ta chỉ đang miêu tả lại tình hình.”
[Charles Darwin, Origin of Species (New York: D. Appleton and Company), Vol. II, 295.]

Cách dựng của kim tự tháp Ai Cập đã đánh đố các nhà khoa học nhiều thế hệ. Có những “thánh bàn phím” lại mỉm một nụ cười đắc chí và nói là “người ngoài hành tinh đã xây chúng”, và cho rằng mình “minh” hơn tất cả các nhà nghiên cứu đang đau đầu tìm lời giải. Câu trả lời ấy thực sự chẳng cho ta biết thêm được thông tin gì, hay giải đáp được nghi vấn gì, hay đưa ra một cơ chế mới, dù là xàm ba láp => Đó không phải đáp án, đó là một lá cờ trắng lắm chữ: “Tôi không giải thích được, vì tôi quá thông minh nên chắc chắn không ai khác (hôm nay hay tương lai) giải thích được, suy ra <thế lực siêu nhiên>!” => cũng như nói: vì ta không đưa ra được câu trả lời, nên đây là câu trả lời! 

Và những mổ xẻ nho nhỏ cho thấy suy luận bằng ví von này có nhiều điểm hở…

  • Nó là một so sánh, không phải là một bài chứng minh. So sánh có thể thuyết phục ta, nhưng không thể làm bằng chứng trực tiếp.
  • Nếu nghĩ thêm một nấc nữa, thợ đồng hồ luôn có cha mẹ, có thể từ đó suy ra thợ vụ trũ luôn có cha mẹ không?
  • Nếu ta tìm thấy một chiếc thuyền ở giữa sa mạc, ta có nghĩ nó do thợ đồng hồ tạo ra không? Không, thợ thuyền chứ. Vậy, nếu chúng ta đối mặt với hệ quả của so sánh này, cây phải do thợ cây tạo ra , thỏ phải do thợ thỏ, người phải do thợ người… ví von vậy mới thấy từ đồng hồ phải có thợ đồng hồ đến cả vũ trụ và muôn loài được cùng một Đấng Sáng Tạo làm ra là một bước nhảy hấp tấp đến cỡ nào.
  • Tất cả những vật liệu dùng trong việc làm đồng hồ đều tồn tại trước đồng hồ và không phải do thợ đồng hồ tạo ra. Vật liệu tạo vũ trụ ở đâu ra, có lí do gì để nghĩ thợ vũ trụ tự tạo ra nguyên liệu?
  • “Thợ đồng hồ” là một so sánh khập khiễng vì nó mặc định rằng nếu hai thứ có một điểm chung, thì chúng cũng phải có một điểm chung khác:
    • Đồng hồ thì phức tạp
    • Đồng hồ phải có một nhà chế tạo
    • Vũ trụ còn phức tạp hơn triệu lần
    • Vũ trụ cũng phải có một nhà chế tạo.
      Bước cuối cùng này sai, vì không có cơ sở nào từ ba bước trên ủng hộ cho kết luận ấy. Hãy làm rõ bằng một so sánh khác cùng mạch.
    • Trùng roi là một sinh vật sống phức tạp
    • Trùng roi phải quang hợp để sống
    • Con người còn phức tạp hơn triệu lần
    • Con người cũng phải quang hợp để sống.
  • Khi một số người mượn hình tượng đồng hồ và thợ đồng hồ để khẳng định vạn vật được hình thành hoàn hảo và có chủ đích ngay từ đầu chứ không phải tiến hóa và phát triển, họ đã “quên” kể rằng chính thợ đồng hồ và đồng hồ đều có lịch sử và quá trình phát triển của riêng mình:
    • Thợ đồng hồ chào đời là một đứa bé chẳng biết bất cứ thứ gì, rồi lớn lên phải học hỏi rất nhiều điều căn bản của cuộc sống, rồi mới tới nơi dạy nghề, làm sai vặt, thợ phụ rồi mới thành thợ cả, rồi bao nhiêu năm, làm ra bao nhiêu chiếc dh tốt có xấu có mới thành bậc thầy. Vậy mà người ấy vẫn sẽ sai sót, vẫn sẽ mắc lỗi hay thui chột dần. Vậy, với một tác phẩm tinh vi như thế, nhà chế tạo vũ trụ có đi học việc không? Học từ ai? Bao nhiêu cái hỏng rồi mới đến vũ trụ này?Hay chính chúng ta là sản phẩm lỗi?
    • Đồng hồ cũng không hề hoàn mỹ ngay từ đầu. Khởi thủy đó là một ý thức về để ý đến thời gian, trời sáng hay tối; rồi chúng ta có đồng hồ nước hay mặt trời, rồi đồng hồ cát, rồi đồng hồ cơ to, rồi đồng hồ dây cót nhỏ cầm tay. Ngay đến chính chiếc đồng hồ Paley ngày ấy cũng đã hết thời, nhường chỗ cho đồng hồ mặt số chạy pin, rồi đồng hồ điện tử… đến nay đã thành Apple Watch tất cả trong một.

Dù ví von của Paley có sự quyến rũ mạnh mẽ, bền vững với thời gian và phổ quát với tất cả mọi người, sức thuyết phục của nó rằng vũ trụ có một nhà thiết kế dễ dàng gãy vỡ khi chúng ta nhìn vào bên trong những bánh răng. Kì sau, chúng ta sẽ chất vấn một sốtư tưởng thường thấy về nhà thiết kế.

Nguồn ý tưởng:

http://www.update.uu.se/~fbendz/nogod/watchmak.htm

http://philosophy.lander.edu/intro/paley.shtml

http://www.siue.edu/~evailat/intro-God.htm

 

52 Comments

  1. Đồng hồ thì phức tạp
    Đồng hồ phải có một nhà chế tạo
    Vũ trụ còn phức tạp hơn triệu lần
    Vũ trụ cũng phải có một nhà chế tạo.

    Đoạn này giống như tam đoạn luận (nguỵ biện) đúng không tác giả ? Kiểu như con mèo phải chết, con người không phải con mèo, nên con người không chết ? Mình có hứng thú về tranh luận nên muốn tìm hiểu đây là cách luận gì, mong tác giả trợ giúp, cảm ơn !
    Xin lỗi vì câu hỏi không liên quan đến bài viết.

    Thích

    1. Làm thế nào mà tới bây giờ tôi mới thấy thông báo cho câu hỏi này nhỉ @@? Ây da, câu hỏi này liên quan gấp ngàn lần một số bình luận tôi đã gặp trên đây đấy chứ ^^.
      Fallacy sử dụng trong trường hợp trên là “False analogy” (So sánh ẩu) “vì nó mặc định rằng nếu hai thứ có một điểm chung, thì chúng cũng phải có một điểm chung khác” :).

      Cảm ơn bạn đã ghé blog và một lần nữa xin lỗi vì đã trả lời trễ nải

      Đã thích bởi 2 người

  2. Biết nhận xét thế nào nhỉ ? Tác giả lấy cái ví dụ đồng hồ để phản biện lại thuyết tạo hóa. Haha

    Tác giả sai lầm khi ” coi ” Thượng Đế chỉ tầm thường như là anh thợ đồng hồ, bị bó hẹp khả năng như người thợ đồng hồ; và quên mất rằng Thượng Đế còn là Đấng đã tạo ra cả người thợ đồng hồ nữa kìa

    Nếu nói ” Ta cũng phải cẩn trọng với những câu trả lời thực ra không phải câu trả lời “.
    Ủa, vậy thì bạn nghĩ ngoài 2 lựa chọn cho lời giải thích về nguồn gốc con người và sự sống là: sáng tạo ( có chủ đích, có nhà thiết kế ) và theo tiến hóa tự nhiên, hình thành tự phát ra, thì đâu còn lựa chọn thứ 3 nào nữa. Kể cả tiến hóa hữu thần thì đó cũng vẫn là có mục đích, có nguyên nhân đầu tiên rồi.
    Bạn cũng quên rằng các quy luật vật lý, quy luật tự nhiên là do Thượng Đế đặt ra thì mọi vật mới có thể tồn tại và phát triển chứ

    Nhìn vào vũ trụ, vạn vật như vậy thì đương nhiên phải biết nó được tạo dựng rồi. Chứ không có một vũ trụ nào không được tạo ra để so sánh cả. Nên nhớ là nếu không có quy luật, năng lượng để vận hành, duy trì thì vũ trụ ” không được tạo ra ” ấy chắc chắn sẽ sụp đổ
    Còn những cái tưởng như là ” thiết kế lỗi ” thì chỉ có điều là tác giả có muốn đi tìm câu trả lời hay không mà thôi

    Và lấy một cái ví dụ hết sức hài hước về một ngôi làng có những con người chưa được tiếp xúc với văn minh hiện đại
    Lời nói, suy nghĩ của người dân ở đó là tự tác giả tưởng tượng ra để ngầm phủ nhận tạo hóa đó chứ. Tôi cũng có thể lấy chính ví dụ đó, nhưng thay vào đó là người dân ở đó trầm trồ thán phục cái đồng hồ và cho rằng Thượng Đế làm ra nó, thì sao? hihi

    ” Nếu nghĩ thêm một nấc nữa, thợ đồng hồ luôn có cha mẹ, có thể từ đó suy ra thợ vụ trũ luôn có cha mẹ không ? ”
    Cái này chứng tỏ tác giả chưa hiểu ” thợ vũ trụ ” là ai. Câu hỏi ” ai thiết kế nên nhà thiết kế ” hay là ” ai tạo ra Đấng Sáng Tạo ” là vô nghĩa vì Đấng ấy đâu có thuộc dạng được tạo ra. Chỉ có loài thụ tạo mới được tạo ra

    ” Nếu ta tìm thấy một chiếc thuyền ở giữa sa mạc, ta có nghĩ nó do thợ đồng hồ tạo ra không? Không, thợ thuyền chứ. Vậy, nếu chúng ta đối mặt với hệ quả của so sánh này, cây phải do thợ cây tạo ra , thỏ phải do thợ thỏ, người phải do thợ người… ví von vậy mới thấy từ đồng hồ phải có thợ đồng hồ đến cả vũ trụ và muôn loài được cùng một Đấng Sáng Tạo làm ra là một bước nhảy hấp tấp đến cỡ nào. ”
    Vậy càng không hiểu Đấng Sáng Tạo là ai. Đấng ấy có thể tạo ra cả vô vàn vũ trụ khác mà chẳng cần phải có đấng khác làm chi ( mặc dù ta không biết thuyết đa vũ trụ có đúng hay không )

    ” Vật liệu tạo vũ trụ ở đâu ra, có lí do gì để nghĩ thợ vũ trụ tự tạo ra nguyên liệu ? ”
    Ủa. Vậy thì có lý do gì để nghĩ rằng vật liệu tự nó sinh ra từ hư không nhỉ ? Hư không chỉ có tạo ra hư không thôi nhé. Hãy thử trả lời xem trước Big Bang có gì ? Nguồn năng lượng và nguồn vật chất của nó đến từ đâu ?
    Một là có nhà thiết kế, có căn nguyên đầu tiên, mà căn nguyên ấy phải trường tồn, vĩnh cửu và không bị lệ thuộc vào những thứ mà căn nguyên ấy đã tạo ra. Hai là tự nó sinh ra từ hư không. Chứ đâu còn câu trả lời nào khác

    Hoặc như bạn gì kia bảo ” con mèo phải chết, con người không phải con mèo, nên con người không chết ? “. -> Sai
    Nếu thể tôi cũng có thể nói: ” cái cây nhìn rất to lớn vĩ đại nhưng không do ai tạo ra cả. Vũ trụ cũng vĩ đại nên có thể cũng không hề được tạo ra ? ”
    Ủa. Nhưng quên một diều đó là nhà thiết kế, tức nguyên nhân đầu tiên đã tạo ra mọi thứ rồi đặt để quy luật vận hành vào đó để chúng tự sinh sổi, nảy nở và phát triển rồi sao ?

    Thích

    1. Chào Hổ, đầu tiên cảm ơn Hổ đã comment, thứ hai là xin lỗi đã trả lời trễ. Hổ để lại nhiều comment rất dài, nhưng tựu trung lại, mình thấy bạn trả lời nhiều mà mắc một ngộ nhận ngay từ đầu: Khi bàn đến Paley, thì sự tồn tại của Đấng Tạo Hóa đang là thứ cần được chứng minh. Paley dùng ví von cái đồng hồ để lấy sự phức tạp của vũ trụ để chứng minh là phải có thợ vũ trụ. Đấy, ngay cả khi lý luận của Paley hoàn toàn “không thấm nước” thì chỉ mới chứng minh được Đấng Sáng Tạo CÓ tồn tại, còn việc đấng ấy là ai cũng như tất cả các đặc tính “toàn năng”, “tạo ra các quy luật vật lý, hóa học”, “Đấng ấy có thể tạo ra cả vô vàn vũ trụ khác mà chẳng cần phải có đấng khác làm chi”… là những điều còn phải chứng minh dần về sau, không thể tự tiện khẳng định trước. Nói cách khác, trong hầu hết các ý của mình, bạn đang lấy kết quả của bước 3,4,5… để vá cho bước 1 hihi

      Tôi xin trả lời thêm vài ý có vẻ khác nữa thôi:
      “Tôi cũng có thể lấy chính ví dụ đó, nhưng thay vào đó là ngưi dân ở đó trầm trồ thán phục cái đồng hồ và cho rằng Thượng Đế làm ra nó, thì sao?”
      Thì hình như bạn không hiểu được rằng họ cũng vẫn sai và ví dụ của bạn cũng chả có gì khác của tôi cả. Thái độ nào thì cũng là vì dùng kiến thức giới hạn áp lên một thứ có bản chất hoàn toàn khác nên bị sai, bởi cái đồng hồ là do người làm ra mà, đúng không ;)?
      ” ” một câu trả lời cho tất cả thì không phải là câu trả lời “.
      Vậy tức là tác giả muốn ám chỉ rằng mọi câu trả lời chỉ là tương đối và không có một sự thật nào tuyệt đối cả. Có đúng không ?”
      Không hề. Ý tôi là một câu trả lời mà quá mơ hồ, quá bao quát thì sẽ không có ích. Tại sao ngựa chỉ có bốn chân mà cuốn chiếu thì rất nhiều chân? Tại sao cùng một nơi sống, mà vây đuôi cá heo nằm ngang còn cá mập nằm dọc? Tại sao nhìn giống nhau như vậy mà sen có gương lớn, hạt to còn súng thì trái nhỏ, hạt tí xíu mà cũng không ngon? “Đó là ý định của Nhà thiết kế” không phải câu trả lời, bởi nó chỉ là khoán việc giải đáp cho một thế lực vô hình. Bạn có thể thấy rõ sự vô ích của câu trả lời đó nếu thử đổi thành ngựa 6 chân và đuôi cá heo nằm xéo một bên: “Đó là ý định của Nhà thiết kế” vẫn trả lời được, và chúng ta thực sự vẫn chẳng biết gì. Cho nên, cảm ơn bạn về bức tranh dễ thương, nhưng câu của tôi chả liên quan gì đến tuyệt đối và tương đối.

      Bạn cũng nên thấy bài này cũng như tất cả các nội dung trên web này nữa, không hề nhằm chứng minh vũ trụ tự hình thành, mà nó cũng không chứng minh vũ trụ KHÔNG có người tạo ra. Mục tiêu của nó là cho thấy những lỗ hổng trong lập luận của Paley, vậy thôi. Paley sai thì có nghĩa là vũ trụ không phải do Thượng Đế tạo ra sao? Không, đơn giản chỉ là Paley sai. Tóm lại, ta đang bàn về Paley, không phải nguồn gốc vũ trụ – nên tôi sẽ chỉ tập trung vào Paley, không phải nguồn gốc vũ trụ. Hy vọng bạn có thể đọc lại và thấy là ném các luận cứ của người khác vào về vũ trụ là không hề liên quan :).

      Thích

      1. Ừ, Tôi cũng chỉ bám vào những luận điểm ở bài viết phía trên, chứ chưa có thì giờ để tìm hiểu ngọn ngành xem Paley ra sao, nên có thể tôi chưa hiểu hết ý tác giả

        Và đúng thế. Tôi vẫn có thể trả lời ngựa 6 chân ( nếu có từ ban đầu ) là nó đã được thiết kế bởi một Nhà Thiết Kế thì sao ? Nếu như ngựa 6 chân mà nó vẫn sống ổn thì đó là ý của NTK

        Ví dụ bình thường thì xe oto là 4 bánh, nhưng cũng có loại xe oto chỉ 3 bánh mà nó vẫn đi tốt

        Tôi cũng xin nói qua về thiết kế lỗi. Cho dù thiết kế lỗi thì nó vẫn là được thiết kế. Một thiết kế lỗi không cho thấy là nó không được thiết kế, nhưng có chăng là ban đầu nó rất tốt, rất hoàn hảo, rồi qua thời gian nó dần yếu mòn và hỏng hóc mà thôi. Chứ không có nghĩa nó cho thấy là Nhà Thiết Kế đó tay nghề kém, hay là thiết kế dở. Đây cũng là một câu trả lời mà có lẽ tác giả cũng sẽ nói là chúng ta vẫn chưa biết gì ^_^

        Một lần nữa xin cảm ơn vì đã quan tâm

        Thích

      2. Nếu bạn đã thấy rõ ràng là “ngựa 6 chân” thì vẫn sẽ vừa khít với mô hình “Đó là ý NTK” thì bạn sẽ thấy rõ ý của tôi. Ý của tôi là một lý giải mà xuôi cũng ổn, lộn cũng nói được, thì có hữu ích không? Một đặc điểm của những lời giải thích có tính khoa học là chúng cụ thể và, do đó, sẽ sai ngay lập tức nếu dữ kiện thay đổi, nhờ như vậy nên người ta mới có thể dùng những lời giải thích này để lý giải quá khứ và dự đoán tương lai. Thí dụ, nếu trong thí nghiệm của Antoine Lavoisier chứng minh thành phần của nước, khí bí ẩn được tạo ra không phải một khí có thể cháy, và tỉ lệ của nó không phải 2:1, thì chắc chắn ông sẽ có kết luận khác. Hay nếu trong môn địa chất, Nam Mỹ không khớp với châu Phi mà khớp với Greenland, thì bản đồ trôi giạt lục địa phải vẽ lại hoàn toàn. Học thuyết chân chính luôn dễ bị tổn thương bởi dữ liệu; học thuyết đúng thì dù có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào, vẫn được một lượng lớn dữ liệu ủng hộ.

        Đấy, tôi cũng nói luôn là vấn đề của ngựa 6 chân là vì nó cho thấy sự vô thưởng vô phạt, trắng cũng đúng đen cũng đúng của câu trả lời “Đó là ý NTK”, không phải vì nó là một thiết kế lỗi. Tôi chưa hề nhắc đến thiết kế lỗi. Tôi thấy có nhiều bạn vác chuyện này vào trên đây và facebook của EvoLit, như thể máy trả lời tự động, khi ai đó tấn công NTK thì cứ copy paste.

        Theo tôi thì thiết kế lỗi, như bạn nói, khó có thể dùng để chứng tỏ là không có nhà thiết kế, nhưng có thể dùng để dánh giá thuộc tính của NTK. Cái đó tôi sẽ bàn vào bài sau, các bạn cố gắng đợi nhé.

        Thích

  3. Còn nữa. Khi tác giả khẳng định ” một câu trả lời cho tất cả thì không phải là câu trả lời “.
    Vậy tức là tác giả muốn ám chỉ rằng mọi câu trả lời chỉ là tương đối và không có một sự thật nào tuyệt đối cả. Có đúng không ?
    Tuy nhiên, chính như vậy là nó đã tự bác bỏ nó rồi đó. Bởi vì ” mọi câu trả lời chỉ là tương đối và không có sự thật nào tuyệt đối cả “. Kể cả chính lời khẳng định này cũng chỉ là tương đối và không phải tuyệt đối

    Thích

  4. ” Ta biết bức tranh phải có người vẽ, vì ta đã từng vẽ và thấy người ta vẽ. Ta biết cây cầu phải có người xây, vì ta đã đi qua những công trường ”
    Ừ, thì đành vậy. Cho nên suy ra rằng ta không thấy vũ trụ được thiết kế và tạo dựng nên không thể kết luận. Vậy thì ngược lại, ta có thấy vũ trụ tự hình thành, tự sinh ra từ hư không để mà kết luận hay không ? Nếu bảo nó hình thành chỉ bằng các quy luật tự nhiên thì quy luật đó đến từ đâu ?
    Đúng là có những thứ chỉ là một sự áp đặt của bộ não con người. Thế còn tất cả những vạn vật, tinh tú, ngôi sao, hệ mặt trời, quỹ đạo, dải ngân hà, rồi đến vô số sinh vật, nhất là cơ thể con người phức tạp, tinh vi như vậy, thì chúng là sự sắp đặt của cái gì ?

    ” Ba mẹ bạn không có “thiết kế” ra bạn, cái duy nhất họ có thể quyết định là ngày sinh. Ba mẹ cho bạn 2 cuốn sách hướng dẫn, một ít vốn nguyên liệu, ngay sau đó tổ hợp mới độc nhất vô nhị – là bạn – hoàn toàn tự làm tất cả mọi thứ. Chính cơ thể mẹ bạn cũng không hề “thiết kế” ra bạn, mà là cung cấp sự bảo vệ và nguyên liệu cho bạn tự lắp ráp ”
    Vậy thì chẳng phải Đấng Sáng Tạo cũng tạo ra những con người đầu tiên, sinh vật, cây cối, núi sông từ thuở ban đầu, rồi từ đó, nhờ quy luật và tri thức được Đấng ấy ban cho sẵn mà chúng mới tự sinh đẻ, tự phát triển và tự làm mọi thứ đó sao ? Mà ai là ” ba mẹ ” đầu tiên ? Và ba mẹ đầu tiên ấy do đâu mà sinh ra ?

    ” Đồng hồ thì phức tạp
    Đồng hồ phải có một nhà chế tạo
    Vũ trụ còn phức tạp hơn triệu lần
    Vũ trụ cũng phải có một nhà chế tạo.
    Trùng roi là một sinh vật sống phức tạp
    Trùng roi phải quang hợp để sống
    Con người còn phức tạp hơn triệu lần
    Con người cũng phải quang hợp để sống. ”
    Hừm, cũng vậy. Có vẻ như tác giả đã nhầm lẫn giữa khái niệm ” đặc điểm ” và ” nguyên nhân ra đời ” rồi. Quang hợp là đặc điểm của trùng roi, chứ con người dĩ nhiên không có đậc điểm ấy. Còn nguyên nhân của cả 2 là được một nhà thiết kế tạo nên. Nếu muốn con người cũng quang hợp được thì nhà thiết kế cũng có thể ban cho con người đặc điểm ấy, nhưng điều đó không quan trọng. Mà quan trọng là nguyên nhân ra đời của nó, chứ đặc điểm ra sao là tùy ý muốn của nhà thiết kế
    Có lẽ nên viết lại cho đúng với ý tác giả muốn ám chỉ đi:
    ” Bông tuyết thì phức tạp nhưng không hề được thiết kế
    Vũ trụ phức tạp hơn nhiều lần nên cũng do tự nhiên mà có ”
    Ồ, cứ cho là vậy đi. Nhưng tôi lại nghĩ thế này đây:
    ” Bông tuyết không được thiết kế
    Vũ trụ không phải bông tuyết nên vũ trụ được thiết kế ”

    Vậy đã được chưa ?

    Thích

  5. À quên. Chính bông tuyết và những thứ “tưởng được thiết kế nhưng không phải thiết kế ” cũng đều nằm trong vũ trụ và bao hàm bởi vũ trụ nữa kìa. Chúng hình thành bằng quy luật vận hành đã được đặt để trong vũ trụ

    Tác giả nói ” chúng ta không có một vũ trụ được tạo ra và một vũ trụ không được tạo ra để so sánh ”
    Vậy lại quay trở về vấn đề tự nhiên và nhân tạo. Chắc là tác giả lại cũng quên rằng con người toàn đi mượn của tự nhiên và bắt chước tự nhiên rồi. Tự nhiên có trước hay nhân tạo có trước ? Chẳng phải hồ nhân tạo là con người từ tự nhiên mà bắt chước để làm ra sao. Hay là đá nhân tạo, trí tuệ nhân tạo, robot, cỏ nhân tạo, thịt nhân tạo, hoa giả, rừng nhân tạo, biển nhân tạo…. v.v …..cũng thế. Rất nhiều ví dụ.
    Và cũng chẳng phải con người lấy những vật liệu xuất phát ( vốn có ) từ tự nhiên để mà làm nên những thứ gọi là nhân tạo đó sao ?
    ( Đúng hơn nên nói rằng, con người toàn đi mượn và ăn theo các sản phẩm của Đấng Tạo Hóa và đã đươc Đấng ấy ban cho khả năng sáng tạo. Nhưng lại tưởng rằng ” bàn tay ta làm nên tất cả, có sức người sỏi đá cũng thành cơm ” )
    Vậy có cần con người phải tạo ra được một vũ trụ nhân tạo để mà so sánh không ?

    Thích

  6. Nhất là Thượng Đế lại còn phải đi học việc và học từ ai nữa thì đâu còn là Thượng Đế nữa, hả bạn ?
    Cũng tương tự như câu hỏi ” ai tạo ra Thượng Đế ” đó thôi.

    So sánh Thượng Đế bị giới hạn và bó hẹp giống như anh thợ đồng hồ là con người bất toàn ( trong khi anh này cũng là sản phẩm của Ngài ), thì so sánh làm gì ?
    Còn những sản phẩm gọi là ” lỗi ” thì thực ra cũng có câu trả lời đấy. Nhưng tôi không muốn bàn ở đây, vì nó thuộc chủ đề khác

    Thích

  7. Nhìn vào chiếc đồng hồ thì phải biết nó được người thợ làm ra, vì ta đã chứng kiến quy trình sản xuất ra chiếc đồng hồ.
    Ừ, đúng vậy. Và cũng không bao giờ có một cái đồng hồ nào gọi là ” đồng hồ tự nhiên “, mà chỉ có đồng hồ nhân tạo thôi. Phải không ?

    Thế còn vũ trụ thì sao ? Ta có thấy quy trình tạo dựng vũ trụ và có từng thấy ” Nhà Thiết Kế ” dựng nên vũ trụ ra sao không ? Tất nhiên là không rồi. Mà đào đâu ra ” vũ trụ nhân tạo ” đây ?
    Nhưng tại sao ta vẫn biết rằng vũ trụ đã được một Đấng tạo nên ? Xem ra câu hỏi này hơi hóc búa nhỉ ? Nhưng vấn đề là chỉ có một trong 2 câu trả lời mà thôi

    Đầu đề của bài viết trên là ” Vì ta không biết nên ta biết “. Thế thì chẳng phải vì ta không biết vũ trụ do đâu mà có nên ta biết nó tự nhiên mà có, tự sinh ra từ hư không. Đây cũng chẳng phải là một câu trả lời sao ?
    Nếu không thì phải thừa nhận là có Nhà Thiết Kế đã tạo nên. Còn nếu cứ khăng khăng nói rằng ” tôi không biết ” thì xem ra sẽ không bao giờ có câu trả lời cả. Mà tác giả cũng ngầm khẳng định là không có sự thật nào tuyệt đối vì mọi câu trả lời là tương đối ( mệnh đề tự phủ nhận nó )

    Vậy nên, đầu đề của bài viết trên nên sửa thành: ” Vì ta không thấy nên ta không tin “, thì sẽ hợp lý hơn nhỉ

    Thích

  8. Tương tự.
    ” Ta chắc chắn một điều là ta chẳng chắc chắn gì cả “.
    Vậy bạn có chắc chắn về chính cái lời bạn vừa tuyên bố không ? Rõ ràng là bạn không chắc chắn rằng ” bạn chắc chắn là không chắc chắn ”
    Thế nên đây cũng chính là một mệnh đề tự mâu thuẫn và tự chối bỏ nó

    Hoặc, cũng vậy
    ” Ta biết một điều là ta chẳng biết gì cả ”
    Câu trên có 2 vế. Khi phát biểu như vậy thì suy ra rằng bạn chưa hề phát biểu vế thứ 1 là vế ” ta biết “. Bởi vì bạn đâu có biết gì ? Mà nếu đã không biết gì hết thì sao còn nói là ” ta biết “.
    Vì thế, cũng lại tự mâu thuẫn, tự chối bỏ

    Cho nên. Người ta mới bảo là: đừng bao giờ tự lừa dối bản thân mình !

    Thích

  9. Theo định luật bảo toàn vật chất thì: ” Vật chất và năng lượng không tự nhiên sinh ra, mà cũng không tự nhiên mất đi. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác hoặc chuyển từ vật này sang vật khác mà thôi. ”

    Thế thì vật liệu cấu tạo vũ trụ từ đâu ra ?
    Vì vậy, hỏi ” vật liệu tạo vũ trụ ở đâu ra, có lí do gì để nghĩ thợ vũ trụ tự tạo ra nguyên liệu ? ” là câu hỏi thật mắc cười !

    Thích

  10. Góp ý thêm: Có 3 cách giải thích về vũ trụ

    1/ Vũ trụ tự tạo ra nó: Nếu cho rằng vũ trụ làm nên chính nó thì điều này có sự mâu thuẫn và không thể nào xảy ra được, vì muốn tạo dựng nên chính mình thì mình phải hiện hữu trước, và nếu mình đã hiện hữu rồi, thì không cần phải tạo dựng nên mình nữa. Cho nên điều này không thể nào xảy ra.

    2/ Vũ trụ trường tồn:
    Lập luận ấy thiếu tính khoa học khi không hề được kiểm chứng bằng thực nghiệm. Theo định luật căn bản của khoa học thì mỗi một kết quả điều có nguyên nhân. Hơn nữa, ngày nay các nhà bác học chân chính đều công nhận vũ trụ không có từ đời đời, nhưng đã xuất hiện cách đây khoảng 15 tỷ năm ( khoan nói về tuổi thật của vũ trụ ). Như thế, vấn đề nguồn gốc vũ trụ lại được đặt ra rằng: nếu vũ trụ có tuổi thì đã phải có một lúc nào đó nó không hiện hữu như hiện nay. Vậy ai đã tạo dựng nên vũ trụ, làm cho nó từ không ra có, hoặc từ một tình trạng hỗn mang vô trật tự đến chỗ trở thành những hành tinh khổng lồ và vận hành theo những quỹ đạo nhất định và chính xác tuyệt đối như ta thấy ngày nay ?

    3/ Vũ trụ có khởi thủy:
    Tục ngữ Việt nam có câu ” Gieo gió gặt bão “, ” Không có lửa sao có khói ? ” cho thấy người xưa tin rằng mọi sự xảy ra trên đời đều có nguyên nhân và hậu quả, có khởi thủy, có chung cuộc. Ðó là nguyên lý nhân quả của Ðông phương. Khoa học Tây phương cũng cho biết mọi biến thái sinh hóa trong vũ trụ đều có liên quan mật thiết với nhau. Ngay cả những hành tinh xa xôi nhất cũng có thể ảnh hưởng sự sống trên mặt địa cầu này qua các lực tương tác khác nhau. Xét như thế có lẽ thế giới này cũng không ngoại lệ, nếu có tính liên đới như một thể thống nhất, thì có thể cũng có điểm khởi đầu phát sinh
    Với những kỹ thuật hiện đại tinh vi và với những viễn vọng kính khổng lồ, con người ngày nay đã quan sát được những cụm thiên hà (galaxy clusters) xa xôi nhất, ở tận đầu cùng của thế giới, nơi mà chỉ có vận tốc ánh sáng mới có thể xuyên tới. Những kính viễn vọng này đã cho phép các nhà khoa học đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu lịch sử của vũ trụ. Kết quả của những công trình khảo sát nghiên cứu cho thấy vũ trụ khi xưa cực kỳ đơn giản. Cấu trúc của vật chất và thiên thể ở hai cực đầu cùng của thế giới lại giống hệt nhau, như thể đều xuất phát từ một nguồn mà ra. Những khám phá mới đây cho thấy rằng thiên hà ở càng xa càng văng xa khỏi nhau với tốc độ khủng khiếp. Nếu đi ngược dòng thời gian thì tất cả dường như hội tụ lại một điểm chung. Những tính toán dựa vào nhiệt độ của các hạt quang tử tạo nên background radiation trong không gian cũng cho biết nhiệt độ khủng khiếp của điểm hội tụ này. Ðây là điểm mà các nhà khoa học ngày nay gọi là điểm thời gian = 0 và không gian = 0. Như vậy vũ trụ mà chúng ta đang sống có điểm khởi đầu.
    Ngay cả nhà bác học Einstein, người đã khám phá ra thuyết tương đối, đã hoài nghi không tin. Chính ông sau đó đã tự động thêm vào phương trình nổi tiếng của ông một hằng số, bởi vì phương trình này trước đó ám chỉ một thế giới thay đổi, có khởi đầu và kết thúc. Về sau khi tất cả những khám phá đã cho thấy một thế giới có điểm khởi đầu, Einstein đã công khai nhìn nhận sự sai lầm của mình, và cho rằng đó là sự lầm lẫn lớn nhất trong cuộc đời ông.
    Nếu như thế giới này có buổi ban đầu, thì ai là người tạo ra, với mục đích gì ? Hay là chỉ do ngẫu nhiên mà hình thành ? Càng khám phá về vũ trụ, các nhà khoa học càng bị thuyết phục rằng có một sự xếp đặt lạ lùng trong vũ trụ. Những hiểu biết về supenovas, black holes, quarks, big bang, cho biết không thể do ngẫu nhiên mà có được một thế giới bền vững, sinh động, phong phú cho đến ngày nay. Những quy luật vật lý vô cùng chính xác đã khuôn đúc một thế giới sống động, bền vững, mà nếu như thiếu đi những quy luật này, thế giới này đã sụp đổ ngay sau khi vừa mới bắt đầu. Einstein đã thốt lên rằng điều không thể hiểu được về thế giới này là tính cách hợp lý của nó (The incomprehensible of this world is its comprehensibility). Nếu như do ngẫu nhiên, thì vũ trụ này chỉ như một bức tranh hỗn độn, không có hình dung, không theo quy luật nào cả. Với những nét chấm phá của một người họa sĩ khéo léo những đường nét khác nhau có thể kết hợp thành một bức chân dung sống động, có giá trị, như thế giới đang có.

    Mặc dù thuyết Big Bang cũng bộc lộ rất nhiều thiếu sót của nó, nhưng không bàn ở đây. Theo định luật Entropy thì mọi thứ sẽ chỉ đi từ trật tự đến vô trật tự mà thôi. Nếu như không có một nguồn năng lượng khổng lồ nào đó duy trì, chăm sóc thì khi phình to ra ( theo thuyết Big Bang ) nó đã nổ bụp như một quả bóng bị bơm căng quá mức rồi. Những khám phá khoa học mới đây cũng cho biết là vũ trụ đang dần lụi tàn. Nếu quả thật vũ trụ trường tồn vĩnh cửu thì nó ắt hẳn phải là chúa toàn năng rồi, chứ không đến lượt các nhà khoa học dự đoán là nó sẽ có kết cục như một số kịch bản gọi là Heat Death, Big Rip, vụ co lớn, hay Big Bounce
    Theo nguyên tắc nhân quả: “ CÁI GÌ HIỆN HỮU CŨNG PHẢI CÓ NGUYÊN NHÂN ”. Chẳng hạn: khi thấy khói là đương nhiên đã phài từ lửa phát ra, thấy lửa là đương nhiên phải phát ra từ một vật nào đó có thể cháy được… Thế thì có vật chất, đương nhiên ta phải công nhận một nguyên nhân nào đó đã phát sinh ra nó.
    Hơn nữa, khoa học ngày nay đã có thể phân tích vật chất thành phân tử, phân tử thành nguyên tử, nguyên tử thành âm, dương điện tử… và người ta còn tiếp tục phân tích các điện tử ấy ra những yếu tố nhỏ hơn nữa… Từ đó ta suy ra: 1 vật gì có thể phân tách ra được tức là có thể bị tiêu diệt (trong khả thể). Mà cái gì bị tiêu diệt thì không vĩnh cửu, không hằng hữu.
    Khoa học cũng đã khám phá ra một hình thức khác của vật chất gọi là: “PHẢN VẬT CHẤT” (Anti-matter), có năng lực làm đảo lộn, tiêu hủy những chất khác. Khám phá mới lạ này càng chứng tỏ vật chất không thể vĩnh cửu: vật chất không thể vẫn có từ đời đời, mà đã có thời gian xuất hiện và chắc chắn sẽ có ngày bị tiêu vong.
    Như vậy, vũ trụ vật chất ta đang sống do được cấu tạo bằng vật chất có thể bị hủy diệt, nên không vĩnh cửu, không thể tự hữu, mà đã phải do một nguyên nhân nào đó không phải vật chất phát sinh ra

    Còn nữa. Cứ tạm cho là tiến hóa hữu thần đi.
    Theo các nhà khoa học: Muốn cho một vật biến hóa sang một vật khác, thì cần có sự can thiệp của một động lực thứ 3 từ bên ngoài. Chẳng hạn: Muốn cho nước biến thành hơi nước, thì cần phải có nhiệt lượng từ bên ngoài làm cho nước nóng lên và bốc hơi. Muốn hạt giống đâm rễ thành cây, thì cần hội đủ điều kiện ảnh hưởng đến việc nảy mộng hạt giống như: ánh sáng, nhiệt độ, khí hậu, nước, đất tốt… Như vậy: sở dĩ vũ trụ vật chất có sự tiến hóa chính là do có một nguyên nhân khác đã ảnh hưởng tới nó. Nguyên nhân ấy được gọi là X cũng được

    Đàng khác, vật chất cũng không phải luôn tiến hóa theo cùng chiều đi lên, mà còn có lúc đã tiến hóa theo chiều đi xuống nữa: Chẳng han:

    1/ Vào giữa thời kỳ trung sinh (cách đây từ 50 – 200 triệu năm), trong nhóm động vật có xương sống “bò sát” đã xuất hiện những loài vật rất lớn mà đến nay chỉ còn lại những bộ xương khổng lồ như: Lôi long (cao 5m, dài 20m và nặng 30 tấn), Khủng long (cao 6m, dài 10m, có đầu rất to, quai hàm mạnh và răng bén), Ngư long (dài 2m, sống dưới nước), Điểu long (bộ cánh rộng hơn 2m, là loài cá sấu biết bay)… Theo thuyết tiến hóa tương đối thì lẽ ra các con vật to lớn này sẽ phải biến hóa thành những loài khác mạnh khỏe to lớn hơn nữa, nhưng thực sự đến nay chúng đã hoàn toàn bị diệt chủng !

    2/ Khi so sánh cơ thể con người văn minh ngày nay với người cổ đại ngày xưa, khoa cổ sinh vật học cho biết đã có sự thoái hóa đi xuống thay vì lẽ ra phải tiến hóa theo chiều đi lên như thuyết duy vật biện chứng chủ trương: cơ thể con người hiện tại yếu hơn thời xưa và chắc chắn không sống lâu hơn người xưa.

    3/ Ngay cả về phạm vi văn minh, con người cũng có thoái hóa ở một số lãnh vực: khi quan sát các công trình xây cất của người Ai Cập cổ đại (như các Kim Tự Tháp vĩ đại giữa sa mạc) các kiến trúc sư ngày nay cũng phải thán phục và khó lòng hiểu rõ kỹ thuật của người xưa…

    Thích

    1. Ôi bạn Hổ ơi bạn viết dài quá, comment của bạn tôi lội rất mệt. Tác giả sẽ trả lời bạn sớm nhé.
      P/s: Vui lòng copy của ai, từ đâu thì ghi nguồn, nếu không thì đó là hành vi đạo văn.

      Thích

      1. Ừ. Đúng là từ chỗ ” góp ý ” trở xuống tôi có tham khảo một số nguồn. Nhưng vì là tôi đang lập luận chứ không phải là viết một bài viết hoàn chỉnh nào đó, nên không cần thiết lắm
        http://www.banluan.com/science/universe-begining.html
        http://www.hoithanhphoenix.com/giaidap/ai-tao-dung-nen-duc-chua-troi/
        http://www.simonhoadalat.com/HOCHOI/NamThanh/DucTin/DoiThoaiNamDTVD10.htm
        http://conggiao.info/vu-tru-vat-chat-tu-huu-va-vinh-cuu-d-19121

        Vấn đề quan trọng là những luận điểm trên có xác đáng hay không và cần tập trung vào đó, bạn nhé

        Thích

  11. Không cần phải truy cho cùng xem lời lẽ này lời lẽ kia là của ai hay của người nào đâu. Tốn thời gian lắm.
    Dù tôi có đạo văn đi chăng nữa mà làm cho luận điểm ấy hay hơn cả bản gốc thì cũng đâu có gì sai

    Thích

      1. Vấn đề là nếu chỉ là những bài viết của những cá nhân trên những diễn đàn nhỏ lẻ. Chứ không phải là viết báo, hay là một tác phẩm hay là một phần mềm, luận án của tổ chức, của tiến sĩ nào, nên không quan trọng, và cũng không ai quan tâm điều đó.

        Vì vậy, nếu có copy rồi upgrade một bài viết nhỏ con ở đâu đó thì cũng không làm giảm giá trị của bài viết đó. Ai hỏi nguồn ở đâu thì nói ” nguồn ở đây “, thế thôi

        Thích

  12. Xin đính chính với bạn logicmafia.

    Từ chỗ ” góp ý ” trở xuống thì đúng là tôi có copy paste vì những vấn đề ấy nó hơi phức tạp. Nhưng trở lên trên thì không phải. Vì những luận điểm của bài viết này đâu khó gì phản biện

    Thích

  13. Bạn mafia nói rằng thử đổi thành ngựa 6 chân và đuôi cá heo nằm xéo một bên, rồi thì trong môn địa chất, nếu Nam Mỹ không khớp với châu Phi mà khớp với Greenland, thì bản đồ trôi giạt lục địa phải vẽ lại hoàn toàn. Ý bạn là giả sử người có 3 đầu 6 tay, rồi cáo có 9 đuôi, mà đều gán cho NTK hết thì cũng vô ích đúng không ? Nhưng đó là chuyện của ” nếu…thì “, ” hễ…thì “, chứ ta làm sao mà hiểu được.
    NTK cho chúng ta thấy những sản phẩm gì, như thế nào, thì hãy cứ chiêm ngưỡng những sản phẩm ấy đi đã. Tại sao phải suy luận viển vông ở đâu xa làm gì ? Vấn đề là chúng ta có thừa nhận sản phẩm đó được thiết kết hay không hề được thiết kế mà thôi

    Câu hỏi của bạn chắc cũng giống như hỏi rằng tại sao màu sắc không có mùi ? Hay là ánh sáng có vị gì ? Giả sử màu sắc có mùi, ánh sáng có vị thì đó cũng là ý của NTK ? Cái đó thì cả tôi và bạn đều không biết. Trả lời câu hỏi này là vô ích, thậm chí vô nghĩa. Vì màu sắc bản chất của nó không thuộc loại của những thứ có mùi, hay ánh sáng bản chất của nó cũng không thuộc loại của những thứ có vị. Do đó, câu hỏi chính nó đã bị thiếu sót và mâu thuẫn rồi.

    Giống như đưa ra trước mắt một anh chàng tên A một chiếc máy bay trực thăng. Mà trực thăng thì phải có 4 cánh. Thế nhưng anh chàng đó chưa thừa nhận là có người kiến tạo nên trực thăng, mà lại hỏi rằng giả sử trực thăng có 2 cánh hoặc 6 cánh thì đó cũng là ý của người thiết kế ?
    Ai cũng biết nếu ít hơn 4 cánh hoặc nhiều hơn thì trực thăng không thể bay thăng bằng được rồi. Hoặc cũng giống như hỏi rằng giả sử đổi 2 cái cánh sải ở 2 bên của máy bay chở khách sang trực thăng, còn 4 cánh của trực thăng lại gắn lên đầu của máy bay trở khách thì sẽ ra sao ? Đó cũng là ý của người kỹ sư ? Nhưng chúng ta không biết liệu có tồn tại loại máy bay buồn cười vậy không, vì chưa biết người kỹ sư sẽ có thể làm máy bay như vậy được không. Nhưng giả sử có làm được thì sẽ thế nào ? Ta không hề biết.
    Vậy, tại sao phải liên tưởng đến những sản phẩm kỳ quái chưa từng tồn tại, trong khi bất chấp những sản phẩm đã hiển hiện ngay trước mắt ?

    Hoặc như con ngựa 1 sừng ( unicorn ) ấy. Nó không có thật. Nhưng nếu có thật thì nó có phải là được thiết kế hay không ? Mỗi người phải tự trả lời.
    Con voi cũng có 2 ngà. Và chắc bạn mafia cũng sẽ hỏi giả sử voi 1 ngà thì đó cũng là ý của NTK ? Tôi không biết, và đó cũng là chuyện của ” nếu….thì “. Nhưng quan trọng là 1 người đứng trước 1 sản phẩm thì người đó sẽ có thái độ thế nào, sẽ thán phục vì nó được thiết kế hay từ chối cho rằng nó không phải sản phẩm của thiết kế mà do Tự Nhiên, hay do Nguyên Nhân nào ?

    Thích

    1. Dù chỉ là suy luận hấp tấp, tôi rất lấy làm hãnh diện khi nghĩ rằng bạn có thể đã tâm huyết với bài viết trên web EvoLit đến nỗi cất công lập hẳn một email mới và dùng 2 IP để comment TT_TT. Bạn hãy đợi câu trả lời của tác giả nhé ^^

      Thích

    2. Chào bạn.
      Wow, thật cảm ơn sự nhiệt tình của bạn. Tuy nhiên cũng như Hổ Mặt Cười và một số người khác bình luận trên FB và web này, tôi ước gì các bạn đã dành nhiều thời gian đọc và ngẫm nghĩ những gì tôi viết.
      “NTK cho chúng ta thấy những sản phẩm gì, như thế nào, thì hãy cứ chiêm ngưỡng những sản phẩm ấy đi đã. Tại sao phải suy luận viển vông ở đâu xa làm gì ? Vấn đề là chúng ta có thừa nhận sản phẩm đó được thiết kết hay không hề được thiết kế mà thôi”
      Tôi hy vọng bạn có thể thấy điều trên mang nặng tính áp đặt như thế nào. Trong 3 câu, bạn đã áp đặt 3 điều: 1. NTK tồn tại, mà đó lại chính là điều đang cần CM; 2. Những gì chúng ta nhìn thấy là các sản phẩm của NTK nói trên, mà đó lại chính là điều đang cần CM – tôi không hiểu tại sao các bạn không nhận thấy điều đó mà lại tranh luận như thể 2 điều đó đã được công nhận rồi – CHƯA, vượt qua ải Paley đã; 3. Những tình huống tôi đưa ra đơn thuần là suy luận viễn vông.

      Tôi quên nên đã tự đọc lại ngựa 6 chân xem ý tôi là gì. Hóa ra tôi đã giải thích rõ nhất có thể rồi.
      “Nếu bạn đã thấy rõ ràng là “ngựa 6 chân” thì vẫn sẽ vừa khít với mô hình “Đó là ý NTK” thì bạn sẽ thấy rõ ý của tôi. Ý của tôi là một lý giải mà xuôi cũng ổn, lộn cũng nói được, thì có hữu ích không? Một đặc điểm của những lời giải thích có tính khoa học là chúng cụ thể và, do đó, sẽ sai ngay lập tức nếu dữ kiện thay đổi, nhờ như vậy nên người ta mới có thể dùng những lời giải thích này để lý giải quá khứ và dự đoán tương lai. Thí dụ, nếu trong thí nghiệm của Antoine Lavoisier chứng minh thành phần của nước, khí bí ẩn được tạo ra không phải một khí có thể cháy, và tỉ lệ của nó không phải 2:1, thì chắc chắn ông sẽ có kết luận khác. Hay nếu trong môn địa chất, Nam Mỹ không khớp với châu Phi mà khớp với Greenland, thì bản đồ trôi giạt lục địa phải vẽ lại hoàn toàn. Học thuyết chân chính luôn dễ bị tổn thương bởi dữ liệu; học thuyết đúng thì dù có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào, vẫn được một lượng lớn dữ liệu ủng hộ.”

      Nhưng rõ ràng bạn chưa hiểu. Tôi xin phân tích thêm lý do câu hỏi của tôi khác “tại sao màu sắc không có mùi?”. Ta có dữ kiện “ngựa có 4 chân” và “Nam Mỹ khớp châu Phi”, mà thuyết tiến hóa giải thích là “do ngựa thừa hưởng kết cấu từ tổ tiên chung tetrapod” và thuyết kiến tạo giải thích là “do chúng nằm trên các mảng từng dính liền”. Rõ ràng khi tôi đổi hai dữ kiện trên thành “ngựa có 6 chân” và “Nam Mỹ khớp Greenland”, 2 học thuyết đã sai và phải điều chỉnh ngay. Đó không phải suy luận viễn vông, mà là 2 phép thử rất cụ thể cho 2 học thuyết được đưa ra thay thế cách giải thích kiểu NTK của Paley – qua đó, cho thấy nó không có tính khoa học bởi vì có đổi dữ kiện đến cỡ nào thì “Trái đất và sinh vật là do NTK tạo ra” cũng không cần thay đổi.

      P/S: Và không, câu hỏi bạn đưa ra – dù không liên quan đến chủ đề – cũng không hề vô nghĩa, chỉ là bạn không biết câu trả lời thôi: màu sắc không có mùi bởi ánh sáng là photon, không phải một phân tử để có thể gắn vào thụ cảm mùi của động vật.

      Thích

  14. Hơn nữa là ví dụ về ông tù trưởng chưa được tiếp xúc với văn minh bên ngoài thì cũng không có gì ngạc nhiên. Thiết nghĩ đó là chuyện khá bình thường.
    Giả sử ông tù trưởng mà nhìn thấy con robot thì cũng vậy. Vì chưa được tiếp xúc với văn minh hiện đại nên có thể ông sẽ nghĩ con robot là do Thượng Đế tạo ra ? Nhưng tất nhiên robot là do con người làm ra rồi.
    Với lại robot cũng làm gì có cảm xúc, tri giác, ý thức và tâm linh như con người. Theo logic thì robot sẽ không bao giờ ngang bằng hoặc hơn con người. Con người vẫn không thể hiểu được hết bản thân con người, thì những gì mà họ bê nguyên từ con người lên robot cũng chỉ là những gì họ nhận thức về chính bản thân họ. Cho nên robot không thể vượt quá phạm vi con người được, chứ chưa nói đến là bằng một con vật thông minh nhất.
    Vậy thì con người chỉ có thể sáng tạo nên những gì thấp kém hơn con người thôi, đúng không ? Bởi vì nếu mà tạo ra được thứ gì đó bằng hoặc vượt trên cả con người thì cái thế lực ấy đã phải vượt trên cả con người và hiểu hết con người rồi. Cho nên tự nó đã mâu thuẫn

    Vấn đề không phải là câu trả lời bao quát hay phổ quát. Mà là ở chỗ ai cũng hiểu rằng một sản phẩm tinh xảo, khôn ngoan bao giờ cũng phải ra đời từ một Nguyên Nhân khôn ngoan hơn. Đúng không ?

    Thích

    1. “Vấn đề không phải là câu trả lời bao quát hay phổ quát. Mà là ở chỗ ai cũng hiểu rằng một sản phẩm tinh xảo, khôn ngoan bao giờ cũng phải ra đời từ một Nguyên Nhân khôn ngoan hơn. Đúng không ?” Không, đó là trải nghiệm bình thường của chúng ta, và “ai cũng hiểu” không phải là bằng chứng. Đã có thời “ai cũng hiểu”, thấy tận mắt và không thể chối cãi rằng mặt trời đi quanh Trái đất – điều đó không làm nó đúng. Chúng ta quan sát thấy “sản phẩm tinh xảo, khôn ngoan” đến từ “Nguyên Nhân khôn ngoan hơn” trong vòng đời ngắn ngủi của loài chúng ta, điều đó không chứng minh là “một sản phẩm tinh xảo, khôn ngoan bao giờ cũng phải ra đời từ một Nguyên Nhân khôn ngoan hơn”. Đó chính là lỗi suy luận của ông tù trưởng, quan sát thấy “sản phẩm tự chạy được” lúc nào cũng phải đến từ thần thành, dẫn đến kết luận cái thứ tự chạy được này cũng phải từ thần thánh.

      Và lần cuối cùng, tôi không chỉ trích Paley vì câu trả lời của ông phổ quát – nghĩa là phạm vi áp dụng rộng, và vì nó vô thưởng vô phạt – nghĩa là dữ kiện thế nào nó cũng không sai, như đã nói nhiều ở trên.

      Thích

    1. “NTK cho chúng ta thấy những sản phẩm gì, như thế nào, thì hãy cứ chiêm ngưỡng những sản phẩm ấy đi đã.”
      Cho tôi xin bổ sung thêm ý sau: việc phân tích và phản biện không hề mâu thuẫn với việc thưởng thức một sản phẩm. Điểm này, EvoLit sẽ không thể nào trình bày hay hơn nhà vật lý Richard Feynman:

      “Tôi có một người bạn là nghệ sĩ và lâu lâu anh ấy có một quan điểm tôi không đồng ý. Anh ấy từng nâng một cành hoa lên và nói “Nhìn xem, nó thật đẹp,” và tôi đồng ý. Rồi anh nói “Một nghệ sĩ như tôi có thể nhìn thấy nó đẹp thế nào, nhưng một nhà khoa học như anh thì mổ xẻ nó hết ra, rồi nó trở thành một thứ vô vị,” và tôi thấy anh ta hơi “chạm dây”. Đầu tiên, vẻ đẹp anh ta nhìn thấy cũng hiển hiện với những người khác và cả tôi nữa, tôi nghĩ vậy. Có lẽ mỹ cảm của tôi không được tinh tế bằng anh, nhưng tôi cũng biết thưởng thức cái đẹp của một bông hoa. Song song đó, tôi lại nhìn thấy được hơn rất nhiều thứ trong bông hoa ấy hơn anh ta. Tôi có thể hình dung ra những tế bào trong đó, những phản ứng phức tạp xảy ra bên trong, đều có vẻ đẹp riêng cả. Ý tôi là, không chỉ có vẻ đẹp một chiều, ở tầm xenti-mét, mà còn có vẻ đẹp ở những quy mô nhỏ hơn, cấu trúc bên trong, và cả những quá trình. Việc màu sắc của hoa tiến hóa để chiêu dụ côn trùng đến thụ phấn rất thú vị; điều đó có nghĩa là côn trùng có thể có nhìn thấy màu. Nó dẫn đến một câu hỏi: vậy mỹ cảm có tồn tại ở các dạng sống đơn giản? Tại sao nó lại phù hợp với thẩm mỹ?… Đủ mọi câu hỏi hay ho mà hiểu biết khoa học chỉ có thêm vào, chứ tôi không hiểu nó bớt chỗ nào, cái hào hứng, cái bí ẩn và cái mê đắm của một bông hoa.”

      Thích

  15. Như bạn thấy thì dù ông tù trưởng chưa có kiến thức văn minh hiện đại nên nghĩ rằng đồng hồ là do Thượng Đế hay ông đã biết nó do con người làm ra thì suy cho cùng là chiếc đồng hồ nó vẫn là được tạo ra và được thiết kế đó thôi. Mà con người thì lại vượt trên đồng hồ và con người tạo ra đồng hồ. Vậy có thay đổi gì không ?
    Tôi giả sử cái đồng hồ mà nó có suy nghĩ và có ý thức, có cảm xúc ( tất nhiên không bằng con người ). Thì chẳng phải với nhận thức hạn hẹp của nó thì nó cũng sẽ nói như bạn rằng ” nếu xáo trộn lung tung bộ phận của các loại đồng hồ với nhau như đồng hồ treo tường, đồng hồ đeo tay, đồng hồ điện tử, đồng hồ quả lắc,…thì đó vẫn là ý của thợ đồng hồ, nên câu trả lời quá bao quát, mơ hồ. ”
    Nhưng mà đó lại là chuyện của ” nếu…thì ” rồi. Còn đâu thì có thay đổi được một sự thật là chiếc đồng hồ dù loại gì, ra sao thì nó vẫn là được thiết kế nên không ?

    Thích

    1. Bạn đã hiểu sai ví dụ tù trưởng với đồng hồ, vấn đề ở đây không phải là được thiết kế hay không dc thiết kế ¬- chúng ta đồng tình rằng đồng hồ được thiết kế mà – vấn đề ở đây là lối tư duy đánh đồng những thứ thật sự không giống nhau có thể dẫn đến kết luận sai lầm, đúng không? Tôi đã đưa ra các ví dụ về bức tranh, cái hồ để cho thấy chúng ta chỉ có thể dùng Paley với những thứ chúng ta vốn dĩ đã biết là có NTK rồi, còn vũ trụ thì chúng ta không biết mà cũng chẳng có gì tương tự để so sánh, và như vậy thì làm sao dám chắc ta không bị y như ông tù trưởng?

      “Mà con người thì lại vượt trên đồng hồ và con người tạo ra đồng hồ. Vậy có thay đổi gì không ?” Có chứ, “con người tạo ra đồng hồ” đã được chứng minh, “NTK tạo ra vũ trụ” là cái Paley đang cố chứng minh, mà chưa được, do những hạn chế đã nêu trong bài.

      Thích

  16. Chào mafia, chào evo.
    Thật sự mình rất nể phục các bạn. Nhất là tranh luận với những người có tư duy theo lối mòn định sẵn và rất vô trách nhiệm. Mình còn ko đủ kiên nhẫn để đọc hết bình luận của hổ vì nó quá dài và ko mang theo bao nhiêu thông tin và cố tình ko chịu hiểu. Một cái ví dụ về lí luận ” cùn” vẫn còn phân tích ra đc tính chất và nguồn gốc. Vậy lý luận cùn về tính chất là sai còn lí luận cùn về nguồn gốc là đúng. Ơ… Mà nếu đúng thì lấy đâu ra lí luận cùn nữa. Vâng tôi lại phạm lỗi là nếu…. Thì. Và Enstein cũng phạm lỗi đó trong thuyết tương đối rồi. Xin lỗi vì đã chiếm quyền một tí. 😊

    Thích

    1. Chào Trần Ba. Tôi coi đọc và trả lời người chống tiến hóa như cơ hội luyện tập hít thở điều hòa “huyết ốp” thôi, 7 năm nay tôi đã (sắp) quen rồi :D. Xin lỗi vì trả lời trễ, cảm ơn bạn đã quan tâm đến web 🙂

      Thích

  17. Darwin cũng đã phạm lỗi về logic giống Paley.
    Nếu nói rằng Paley không thể suy từ cái đồng hồ là thứ ai cũng biết là có nhà thiết kế để suy ra vũ trụ là thứ không ai biết là liệu có nhà thiết kế hay không ? Vậy Dawin liệu có thể suy ra từ việc sinh vật có thể biến dị để thích nghi với môi trường sống, là điều có thể kiểm chứng được ( trong vòng vài thế hệ, vài chục năm) đến việc sinh vật có thể tiến hoá từ loài này sang loài khác là điều không ai biết, không ai có thể kiểm chứng được, vì nó phải xảy ra trong hàng triệu, hàng tỷ năm ?
    Sinh vật có thể tiến hoá trong loài của nó là điều đã được chứng minh ( giống cái đồng hồ có nhà thiết kế)
    Nhưng giả thuyết cho rằng sinh vật có thể tiến hoá từ loài nọ sang loài kia là điều mà Darwin và phe tiến hoá đang cố làm mà không được vì phạm lỗi logic như đã nêu trên.

    Thích

    1. Chào Trí. Nếu Darwin chỉ đơn thuần làm thí nghiệm tư duy như Paley thì ông cũng sẽ sai, nhưng may mắn là không. Việc sinh vật có thể thay đổi từ loài này sang loài khác là do những bằng chứng thực nghiệm phi-Darwin chứng minh, đơn cử 1 ví dụ như sự chuyển tiếp các sinh vật qua các lớp địa chất (faunal succession) do những nhà khoa học ngoan đạo như William Smith (Anh), Georgres Cuvier và Alexandre Brongniart (Pháp) độc lập khám phá ra khoảng mấy chục năm trước cuốn NGCL của Darwin. Darwin đơn giản là tập hợp các mảnh ghép đã có sẵn như thế, chỉ ra bức tranh và đề xuất các cơ chế. Cụ thể thế nào thì các bài viết trên web đã nói rất nhiều, bạn có thể tham khảo:
      https://sinhtienhoa.com/2016/09/07/khoa-hoc-va-noi-oan-cua-khoa-hoc-lich-su-phan-2-tien-hoa-va-dong-bon/
      https://sinhtienhoa.com/2017/02/21/evothink-tu-duy-tien-hoa-3-dia-chat-dai-hong-thuy-va-di-tich-hoa-thach/
      https://sinhtienhoa.com/2016/12/31/mo-hinh-sang-tao-luan-vs-thuc-te/
      https://sinhtienhoa.com/2016/11/29/su-that-that-su-ve-thuyet-tien-hoa_-phan-3-khong-he-co-mat-xich-nguoi-vuon-vuon-nguoi/
      Xin lỗi vì trả lời trễ, cảm ơn bạn đã quan tâm đến web 🙂

      Thích

  18. Tôi thực sự không hiểu sao vẫn có người cứ khăng khăng là phải có bàn tay NTK. Nếu có thể chấp nhận có tiến hóa, sao lại chỉ nửa vời trong cùng một loài, không thể thành loài khác? Nghe buồn cười trong thời đại mà người ta sắp thương mại hóa thịt bò nhân tạo, và trí thông minh nhân tạo cũng đang tiệm cận con người. Nhân tiện cho tôi hỏi nói một cách ngắn gọn thì phân biệt loài là dựa theo tiêu chí nào? Về mặt sinh học không thể lai giống? Hay DNA khác nhau? (tôi hồi xưa ghét môn sinh vật giờ không nhớ gì 🙂 )

    Thích

    1. @Hong Nguyen: cảm ơn bạn đã bình luận. Thật ra EvoLit vẫn thường hay nói là thiên nhiên không thực sự hoạt động theo cách tư duy của con người, và những hệ phân loại của chúng ta áp những đường kẻ dứt khoát vào những ranh giới mờ ảo. Chính thức thì ranh giới loài nằm ở sinh sản, tức những sinh vật cùng loài giao phối phải tạo ra đời con không bị vô sinh. Tuy nhiên trên thực tế có khá nhiều bất cập về chi tiết cũng như những phương hướng phân loại khác nhau cho từng mục tiêu cụ thể. Bạn có thể tham khảo https://en.wikipedia.org/wiki/Species#Attempts_at_definition

      Thích

  19. Comment đó tôi viết vài tuần trước, lúc đó tôi không biết gì vì hồi đi học môn sinh và môn hóa là 2 môn tôi ghét 🙂 Cái gì mà phải nhớ công thức là không thể vô được, không biết sao vẫn tốt nghiệp haha. Tóm lại thì tôi hiểu vạn vật cấu tạo từ mấy trăm nguyên tố nên chuyện từ sinh vật này biến đổi thành sinh vật khác là có thể được. Hai tuần nay tôi có phấn khích nên đọc thêm và hiều thêm chút về amino acids, DNA (còn nhhiễm sắc thể thì chưa hểu rõ lắm trong quan hệ với DNA, sẽ phải đọc thêm). Quan điểm của tôi là trong khoa học cái nào chưa biết thì nghi ngờ tìm hiểu thêm, chứ phán ngay phức tạp như vậy phải có NTK thì còn gì để mà tìm hiểu nữa. Tôi mới đọc về phân tử amino acids phần lớn “thuận tay trái”, Bên trang hungvietpham ổng phán trong phòng thí nghiệm thì tạo ra 50% “thuận tay phải”, mà “tay phải” thì không phải là sự sống, nên sự sồng không thể tạo ra được trong phòng thí nghiệm. Kết luôn đó không phải là khoa học. Chưa tạo được thì thử tiếp. Mà cũng có thể có sự sống “thuận tay phải” chứ, phân tử thuận tay phải cũng có chung tính chất nên tế bào cũng có thể chia tách chứ. Một hiện tượng khác tôi mới đọc là phòng thí nghiệm Craig Venter tạo tế bào sống đơn giản nhất với 473 gene, trong đó có nhiều gene họ không biết để làm gì, nhưng bỏ đi thì chết. Nghĩa là, con người vẫn chưa thể tạo ra sự sống, coi như cách hiểu trước đây của tôi là sai (tôi tưởng ngày nay đã biến đổi được gene thì đã có thể tạo nên sự sống). Nhưng việc đó cũng chẳng hề xác nhận NTK, còn phải nghiên cứu tiếp. Tôi cũng đọc thêm về các hạt (particle), gần đây được giải thích là sóng điện từ với tần số khác nhau mà tạo thành hạt khác nhau (string theory). Tóm lại vật chất hoàn toàn có thể từ không thành có. Cái này lạc đề rồi, ở đây chỉ bàn về sinh học hehe. Nhưng tôi thấy khoa học không phải là tôn giáo, chẳng cần phải thuyết giáo để ai theo hết. Ai có suy nghĩ chút thì sẽ hiểu ra. Và thế giới khoa học tự nhiên vẫn tiếp tục phát triển, không ai quan tâm tới NTK. Nếu có được diễn đàn trung gian thì mới phản biện được mấy cái tào lao và mâu thuẫn của bên hungvietpham (thấy có người hỏi nếu không tiến hóa thành loài khác thì có phải người sống cùng khủng long, mà ổng có trả lời đâu,vì trang của ổng nên có nói thêm thì ổng cũng chặn rồi).

    Thích

  20. Thực ra cần phải hiểu bản chất trong lý luận của Paley không phải nhất thiết nói là Chúa hay thần linh của tôn giáo nào thiết kế ra vũ trụ. Mà ý của nó xoay vào vấn đề trọng yếu là sự phức tạp và phải có một nguyên nhân là một trí tuệ thông minh nào đó ( chứ không phải do sự tình cờ, ngẫu nhiên tạo nên).Đúng là đồng hồ khác với vũ trụ (hay sự sống), nhưng cái chính, theo phép quy nạp thì cả 2 là đều có một mẫu số chung nào đó mà ở đây là sự phức tạp. Đồng hồ phức tạp (có người thiết kế), mà những sự vật khác ở trong vũ trụ hay bản thân vũ trụ cũng phức tạp hơn đồng hồ rất nhiều thì chẳng phải là cần có một trí tuệ thông minh đằng sau sao?
    Tất nhiên có những thứ phức tạp như bông tuyết không do ai tạo nên nhưng bông tuyết không có gì phức tạp cụ thể, mà đó chỉ là một sự phức tạp rất chung chung của một tinh thể trong tự nhiên chứ không như đồng hồ là có từng bộ phận, chức năng một ở bên trong mà chỉ cần thiếu đi yếu tố nào đó là không thể hoạt động ( nên phân biệt sự khác nhau). Chưa kể đồng hồ điện tử còn phức tạp hơn nữa, nó không chỉ đơn thuần là một cái máy móc, nó đâu khác gì smartphone là nó có phần mềm như thông tin di truyền trong DNA nữa và có màn hình, người ta phải cài đặt sao cho hiện số lên chứ không như đồng hồ bình thường là vẽ, in số vào đó. Vậy khái niệm phức tạp của đồng hồ khác hẳn khái niệm phức tạp như của tinh thể tuyết
    Một nhân tố x có mặt trong cái tổng thể thì không có nghĩa là cả cái tổng thể đó là x. Vũ trụ gồm vật chất, năng lượng và còn nhiều nhân tố bí ẩn khác. Mà bông tuyết là một phần trong đó nên một ví dụ như bông tuyết không chứng tỏ được rằng cả vũ trụ gồm sinh vật và con người không phải do trí tuệ thông minh nào làm nên

    Điểm cốt lõi của lập luận Paley mà ta cần tập trung vào là thiết kế là lời giải thích tốt hơn cho sự tiến hóa tự nhiên từ một đơn bào đầu tiên. Hơn nữa nếu cho rằng mọi loài có chung một tổ tiên ban đầu thì có lý gì không thể chỉ có duy nhất một nhà thiết kế?

    Nếu bạn đồng ý rằng một nhà thiết kế có thể tạo ra một chiếc đồng hồ phức tạp, tức là không hề đơn giản, thì bạn có đồng ý là bất cứ cái gì có kết cấu và chi tiết phức tạp hơn thế cũng cần một trí tuệ thông minh không? Còn nếu không đồng ý thì tức là chiếc đồng hồ nó đã phải thật đơn giản, nhưng ngược lại là không.
    Bạn cũng có thể bảo rằng để tạo nên một chiếc đồng hồ thì cũng cần hàng trăm, hàng ngàn năm học hỏi, đúc kết ra kiến thức của một nhà thiết kế, vậy thì có lý gì qua hàng triệu hay hàng tỉ năm mà biến dị với chọn lọc tự nhiên biết tạo nên mọi loài mới? Cũng như là nếu không có một vũ trụ nào khác để so sánh thì theo logic bạn cũng đâu thể khẳng định 100% là vũ trụ mà ta đang sống không do thiết kế?
    Lí lẽ của Paley không phải là tất cả mọi thứ phức tạp đều là do Chúa, mà phải hiểu là những gì trong tự nhiên có sự phức tạp, tinh xảo, đầy đủ chức năng, nhất là có sự sống thì phải có một trí tuệ thông minh đằng sau. Và không loại trừ khả năng đó là Chúa

    Còn chuyện bạn giả sử về ngựa 6 chân và Nam Mỹ khiến học thuyết phải thay đổi, thì đúng. Nhưng đó vẫn chỉ là giả định của bạn. Chúng ta cần nhìn vào thực tế cơ mà. Nói vậy thì tiến hóa cũng có sơ hở tương tự đó là dựa vào sự có vẻ tương đồng của loài. Như thế tôi cũng có thể giả sử nếu không tồn tại loài khỉ hay vượn nào thì các nhà khoa học sẽ nghiên cứu và kết luận tổ tiên con người là từ đâu, chẳng lẽ cũng có thể là gấu, hổ, sư tử,…(loài 4 chân)? Không lẽ ngoài vượn là loài có ngoại hình giống người nhất thì không loài nào khác có thể tiến hóa thành người sao? Hay tất cả chỉ là suy diễn?
    Hoặc là nếu không tồn tại bò sát thì chim là từ đâu, hay là trực tiếp từ cá do con cá nó cứ nhảy lên khỏi mặt nước rồi lâu dần vây nó cũng chuyển thành cánh và mọc lông để bay?

    Thích

    1. Bạn viết nhiều nhưng đọc ít, bạn nên đọc lại kỹ hơn, tác giả đã trả lời đa số các điều bạn nói trong bài hoặc dưới bình luận rồi.
      1. Tác giả không hề nói Paley nói Chúa hay thần linh thiết kế ra vũ trụ. Bạn không thể tìm được từ “Chúa” nào trong bài cả.
      2. Bản chất lý luận của tác giả bài này là việc khái quát hóa sẽ thất bại nếu ta thiếu kiến thức và so sánh những thứ không giống nhau. Ông tù trưởng đã quy nạp y như Paley: tất cả những gì đã từng biết có nhịp đập, tự di chuyển được đều sống => Mọi thứ có nhịp đập, tự di chuyển được đều sống. Chỉ nhờ chúng ta đã biết rõ về nguồn gốc đồng hồ ta mới biết quy nạp đó sai, nhưng vũ trụ thì chúng ta không biết, nên không thể tự khẳng định so sánh của mình là đúng. Tóm lại, tôi đồng ý nhiều vật thể phức tạp được tạo ra vì tôi đã biết chúng được tạo ra, còn những thứ tôi không biết, tôi nói tôi không biết.
      3. CLTN không “biết” tạo ra loài mới. Nó là trò chơi di truyền quần thể. Đọc thêm tại: https://sinhtienhoa.com/2017/03/27/dao-duc-trong-dau-tranh-sinh-ton-phan-2-ngay-nay-suy-doi-hon-ngay-xua-la-do-thuyet-tien-hoa/
      4. “Vũ trụ mà chúng ta sống 100% không do thiết kế” là một lập luận “âm”, chả ai có thể chứng minh nó cả. Chính chúng tôi cũng chưa bao giờ nói chắc 100% bất cứ cái gì. Tất cả những gì các nhà khoa học đang làm là đưa ra các cơ chế khả dĩ mà vũ trụ và sự sống hình thành và phát triển.
      5. Tôi đang không hiểu ý bạn ở điểm này, ý bạn là:
      (1) Nếu bò sát chưa từng tồn tại thì chim từ đâu ra.
      (2) Nếu không tìm thấy bất kỳ mẫu vật bò sát nào thì các nhà tiến hóa sẽ nói chim từ đâu ra.
      À, nếu (1) thì theo TTH thế giới này cũng sẽ không có chim như chúng ta biết, còn (2) thì người ta sẽ vẫn đặt chim vào cây sự sống ở ngành động vật có xương sống, rồi siêu lớp động vật bốn chi, rồi nhóm có màng ối (giống như thú) và đặt một dấu chấm hỏi rất lớn vì không có nhóm sinh vật nào gần gũi hơn. Chúng ta sẽ dừng ở việc kết luận rằng chim có chung một tổ tiên không xác định được với thú có vú, hay người sẽ có họ hàng gần với culi nếu không có khỉ/vượn, nhưng “bức tranh” sẽ rất mờ. Sẽ không bao giờ có chuyện dùng đến phiên bản cá quái thai của bạn, có lẽ bạn nên xem lại SGK lớp 12 để phân biệt Darwin và Lamarck.

      => Ở cả hai trường hợp, chúng ta thấy ngay TTH buộc phải thay đổi tùy theo bằng chứng. Đặt ngược lại, nếu không có bò sát, thì lý luận “thế giới được thiết kế” vẫn sẽ không gặp vấn đề gì với lũ chim, chứng tỏ nó là một tuyên bố không thể bác bỏ và không có giá trị khoa học. Giả định ngựa 6 chân cũng chỉ là phép thử y như vậy: thiết kế KHÔNG phải là lời giải thích tốt hơn, vì nó không hề đáp ứng với dữ kiện mới.

      Thích

  21. Lưu ý là phép quy nạp của Paley cũng không phải là chứng minh 100% do nhà thiết kế. Và đúng là vòng đời ngắn ngủi của con người thì không thể khẳng định được. Nhưng vấn đề, bạn có công nhận rằng có một trí tuệ thông minh thì hợp lý hơn là không có không? Sẵn nói về thuyết nhật tâm, hiện giờ nghiên cứu khoa học đã đưa ra kết luận khác rồi. Thuyết địa tâm không sai, chỉ là do cách người ta “nhìn nhận” mà thôi.
    http://m.genk.vn/ban-nghi-mat-troi-dung-yen-con-trai-dat-quay-quanh-no-sai-bet-20160724101055892.chn

    Vậy có thể nếu bây giờ người ta bác bỏ thiết nhưng đến lúc nào đó lại phải thừa nhận, cũng như hiện giờ thừa nhận tiến hóa nhưng khi nào đó lại phải suy nghĩ lại thì sao? Nó chỉ khác nhau ở cách “nhìn nhận”. Nhưng điểm Paley chỉ ra là phải có một trí tuệ thông minh đằng sau sắp xếp (mà không nhất thiết đó phải là Chúa). Vả lại, chẳng phải chọn lọc tự nhiên hay đột biến ngẫu nhiên cũng không khác gì một thế lực vô hình sao? Nhưng ta chọn phương án là cái đó hay là sự thiết kế có chủ đích của một trí tuệ thông minh, mới là quan trọng

    Thích

    1. “Nhưng vấn đề, bạn có công nhận rằng có một trí tuệ thông minh thì hợp lý hơn là không có không?” Không, đó là ý kiến của bạn thôi.

      Thuyết nhật tâm được mở rộng, không phải bác bỏ. “Dù sao đi nữa, Trái Đất vẫn quay quanh mặt trời”, và thuyết Địa Tâm vẫn không đúng, trái đất vẫn không đứng yên và vẫn không phải trung tâm vũ trụ.

      Cái tôi có thể đồng ý, là đối với những gì người ta biết thời đó, Địa tâm là ý tưởng đúng và hữu ích. Nhưng đến lúc chúng ta đã biết nó sai, chúng ta sẽ nói nó sai. Thuyết tiến hóa dĩ nhiên cũng có thể như vậy, nhưng cho đến bây giờ tôi vẫn thấy nó đúng. Thực tế, khác với các web chống tiến hóa, tôi rất khuyến khích người đọc tự suy nghĩ và xem xét bằng chứng, vì vậy mới có các bài EvoThink.

      CLTN là một “thế lực vô hình”, nhưng nó có thể được nghiên cứu, thuyết tiến hóa và CLTN có thể giải thích dữ kiện và đưa ra dự đoán – nên nó là một ngành học hào hứng thay vì một giáo điều để thờ phụng.

      Bạn hoàn toàn được chọn phương án cá nhân cho mình. Tôi chọn bằng chứng hiện tại và tương lai, dù nó có đưa tôi đến đâu đi nữa.

      Thích

    2. Trang bạn trích nó không hề bảo thuyết địa tâm ko sai, mời bạn đọc kỹ, nó chỉ ra cái sai của thuyết nhật tâm, dù nhật tâm nó hoàn thiện hơn và đúng 1 phần cho rằng trái đất quay quanh mặt trời, nó lại cho rằng mặt trời là trung tâm vũ trụ, bài viết chỉ phản bác cái vế sau.
      Thứ 2, nếu bạn cho rằng NTK thì hợp lý hơn, thì thực ra một là cái lập luận đó tự mâu thuẫn với chính nó hoặc nó đang phạm lỗi nguỵ biện Biện hộ đặc biệt (Special Leading Fallacy). Nếu thứ phức tạp phải ra đời từ trí tuệ thông minh hơn, thì cái trí tuệ thông minh đấy chả lẽ không cần phải ra đời từ một trí tuệ thông minh hơn nữa ak? Và nếu cứ tiếp tục như thế sẽ phải có NTK của NTK của NTK,… T đoán nhiều người sẽ khẳng định NTK không cần ai tạo ra, vậy lí do nào mà có thể khẳng định NTK đấy ko cần NTK khôn ngoan hơn? Nếu b cho rằng NTK luôn tồn tại, sao ko lùi 1 bước và nói vũ trụ luôn tồn tại? Hay nếu b cho rằng đây là câu hỏi chưa thể trả lời, sao ko lui 1 bước và nói nguồn gốc vũ trụ chưa có câu trả lời.
      Còn nếu b đọc bài evolit thì bạn sẽ thấy có rất nhiều ví dụ sự sống phức tạp có thể hình thành nhờ cơ chế CLTN mà không cần đến một NTK nào.

      Thích

  22. Túm lại là không có cách nào để chứng minh 100% cho cả 2. Nó là 2 thái cực của một vấn đề
    Để công bằng nói thì chúng ta không có vũ trụ hay sự sống nào mà ta biết là không được tạo bởi trí tuệ thông minh thì không có nghĩa là nó không thể được hình thành bởi quy luật tự nhiên, và ngược lại không có vũ trụ hay sự sống nào khác mà ta biết là được thiết kế thì cũng không có nghĩa là là vũ trụ hay sự sống không được thiết kế.
    Nhưng vì mọi thứ mà ta đã biết có sự phức tạp, thông minh, kể cả những thứ mật mã (code) đều được con người thiết kế thì sẽ hợp lý khi không loại trừ khả năng là sự sống (nhất là mã DNA) và vũ trụ đã được một trí tuệ thông minh làm nên
    Mấu chốt là ở đó

    Thích

    1. Không trong cộng đồng KH từng cả gan muốn chứng minh 100% cái nào là đúng.

      Thuyết TH và Big Bang đều chỉ được gọi là lời giải thích tốt nhất hiện có.

      Nếu tóm lại lập luận của bạn chỉ là không nên loại trừ 100% khả năng nào, thì LogicMafia và trang EvoLit hoàn toàn đồng ý – không hề có dòng nào nói vũ trụ không phải do NTK tạo ra. Nhưng bảo rằng cả hai viễn cảnh đều có giá trị khoa học như nhau thì không.

      Thích

  23. Những người theo chủ thuyết ID (thiết kế thông minh) thay vì đưa ra những bằng chứng, lí lẽ khoa học để củng cố cho học thuyết của mình thì họ lại sử dụng những “lý luận t.r.ầ.n tr.u.ồ.n.g”, và những lý luận đó thường mắc những lỗi ngụy biện khá nghiêm trọng. Một trong những lỗi ngụy biện phổ biến nhất được gọi là “tương quan kết quả không bao hàm nguyên nhân”. Đơn cử là lý luận “chiếc đồng hồ Paley”. Cụ thể, Paley đã lập luận như sau:
    – Chiếc đồng hồ thì phức tạp
    – Chiếc đồng hồ phải được thiết kế bởi thợ đồng hồ
    – Sự sống thì phức tạp gấp vạn lần
    => Sự sống chắc chắn phải được thiết kế bởi Chúa!!!
    Luận điểm về chiếc đồng hồ và sự sống thoạt nghe có vẻ rất vô lý nhưng khi phân tích kĩ thì ta mới thấy nó… không hề thuyết phục chút nào. Cụ thể ở đây Paley đã sử dụng sự tương đồng về kết quả của chiếc đồng hồ và sự sống để áp đặt cho chúng phải vào cùng một nguyên nhân duy nhất. Hay nói cách khác theo Paley và những người sáng tạo thì chiếc đồng hồ và sự sống chắc chắn phải có cùng một nguyên nhân là “được thiết kế” thì mới có thể dẫn tới một kết quả là “phức tạp”. Tuy vậy, cả logic lẫn thực tế đều cho thấy rằng một kết quả không nhất thiết phải bắt nguồn từ một nguyên nhân và nhiều nguyên nhân khác nhau có thể dẫn tới một kết quả duy nhất. Ví dụ, cả ngôi nhà A và ngôi nhà B đều đang cháy, cảnh sát đã điều tra được nguyên nhân ngôi nhà A bị cháy là do “bị đốt”. Theo đó nếu ta áp dụng lý luận Paley vào trường hợp này thì cả ngôi nhà A và ngôi nhà B hay mọi ngôi nhà trên thế giới đều phải có 1 nguyên nhân là “bị đốt” thì mới có thể dẫn tới 1 kết quả là “bị cháy” được, bất chấp thực tế rằng có hàng tá những nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến sự cháy nhà, miễn là có sự kết hợp giữa oxy + nhiệt độ + thời gian là được!
    Quay lại chủ đề chính, sự sống và chiếc đồng hồ không nhất thiết phải có cùng nguyên nhân “được thiết kế” để có thể dẫn tới 1 kết quả là “phức tạp”, giống như 1 ngôi nhà bị cháy không nhất thiết phải có nguyên nhân “bị đốt” mà hoàn toàn có thể chỉ là “tai nạn”. Như vậy tại sao các nhà khoa học trên thế giới đều thống nhất với nhau rằng mọi sinh vật đều tiến hóa từ tổ tiên chung thông qua quá trình tự nhiên chứ không phải được thiết kế, mặc dù giả thuyết thiết kế có vẻ dựa trên “logic đơn giản” và “dễ hình dung và tiếp thu” hơn rất nhiều. Câu trả lời vẫn như thường lệ: Bằng chứng và dữ kiện. Không có bất cứ bằng chứng tự nhiên nào cho thấy sinh vật đã được thiết kế và cũng chẳng có một lý thuyết khoa học nào mô tả quá trình “thiết kế, sáng tạo” ấy diễn ra theo cơ chế hay cơ sở khoa học nào, tất cả chỉ là những Lý luận mơ hồ và không có cơ sở.

    Thích

Bình luận về bài viết này