MÔ HÌNH SÁNG TẠO LUẬN VS THỰC TẾ- DỰNG CÂY XÂY VƯỜN

“Nếu chúng ta quá muốn tin rằng các vì sao mọc và lặn vì chúng ta, rằng chúng ta là lí do Vũ Trụ tồn tại, phải chăng khoa học đã chơi ta một vố khi nó đập tan những ảo tưởng sức mạnh ấy?”

Nhà phổ biến khoa học lỗi lạc Carl Sagan, The Demon-Haunted World: Science as a Candle in the Dark (Tạm dịch: Thế giới Quỷ Ám: Khoa học Như Ngọn Đèn Trong Bóng Tối.”)

Đính chính trước là tôi không có muốn ghét bỏ hay báng bổ bất cứ thần thánh nào hết. Đa số cộng đồng tôn giáo ôn hòa và hiểu lý lẽ đều ủng hộ tiến hóa, và những nguyên lý của tiến hóa không mâu thuẫn với đức tin. Cái tôi chỉ trích là những méo mó về logic và sai lệch khoa học trong bài viết gốc cũng như tác phong lý luận chung của tài liệu chống tiến hóa, đây không hề là một cuộc tấn công cá nhân ông Hưng hay Đạo Thiên Chúa.
Sáng tạo luận (Creationism – STL) thuần túy (không giống với tiến hóa hữu thần hay còn gọi là sáng tạo thông qua tiến hóa) – hệ tư tưởng cho rằng vạn vật được tạo ra từ thế lực siêu nhiên, chối bỏ tiến hóa lớn – chỉ là một trường phái diễn giải Sáng Thế Ký, tuyệt đối không hề bất khả xâm phạm hay không thể tách rời với Kinh Thánh. Nếu còn ai lấn cấn vụ này, xin hãy xem lại bài viết Ai Đang Từ bỏ Tiến hóa. Phần 4 Tôn giáo và Kết, nơi tôi trình bày một danh sách rất dài các tổ chức tôn giáo chấp nhận thuyết tiến hóa, lời của ba Giáo Hoàng, khảo sát rộng khắp các phái, thống kê hàng loạt đức tin, và lá thư bảo vệ thuyết tiến hóa của hơn 13,000 tu sĩ.

MÔ HÌNH SÁNG TẠO LUẬN

 

1. Có hai nhóm chính của người theo STL: Trái Đất già (Old Earth) và Trái Đất trẻ (Young Earth). Người theo TĐ già tin rằng cả vũ trụ đều cổ xưa, còn nhóm TĐ trẻ tin rằng TĐ chỉ khoảng 6,000 – 10,000 năm tuổi. Sáng Thế Ký ghi rất rõ:
Đầu tiên, có Trái Đất (TĐ) có nước=> sau đó có đất liền thực vật có quả, sau đó có Mặt trời, Mặt trăng và sao=> có tất cả các sinh vật biển (tính luôn tảo vì tảo sống dưới nước & không có quả?) và chim trên trời (tính luôn dơi và côn trùng bay?)=> sau đó có toàn bộ động vật trên cạn (gia súc, bò sát, thú hoang v.v) và cả con người.
2. Theo mô hình Khu Vườn Sáng tạo luận (Creationist Orchard) hiện đại, các “loại” sinh vật được tạo ra gần gần nhau hoặc cùng một lúc. Họ chấp nhận tiến hóa “nhỏ” (vì tới nước này không thể phủ nhận nổi, nên họ đã từ bỏ mô hình “Bãi Cỏ”), theo họ nghĩa là các “loại” sinh vật ban đầu có thể thay đổi để thích nghi, nhưng không thể vượt ranh giới “loại”. Dĩ nhiên định nghĩa này hoàn toàn phản khoa học, vì môn sinh không có khái niệm loại – kind, chỉ có loài – species. Cũng nhờ kiểu định nghĩa lúc lắc này mà Sáng tạo luận có sức miễn dịch cường tráng với bằng chứng: bạn có thể dùng loài chó để chứng minh sự đa dạng mạnh mẽ của ADN và khả năng thay đổi rõ rệt về ngoại hình trong thời gian ngắn, họ sẽ nói nó vẫn là “loại” chó (cũng hợp lý, vì chó và sói vẫn được tính là một loài duy nhất, Canis lupus); nhưng nếu bạn kể đến bằng chứng rằng mèo và sư tử có cùng một tổ tiên, họ lại nói nó vẫn là “loại” nhà mèo.
Ngay cả khi chó có biến thành mèo (không thể, theo thuyết tiến hóa chính hãng), thì đó cũng chỉ là thú ăn thịt có vú, vẫn chung một “loại”, vẫn chưa bao giờ thấy “con” này thành “con” kia!

 

Nhưng có một điều họ sẽ không bao giờ nói: vượn và người là chung một “loại”. Đáng ra họ nên vẽ thêm ngôi sao “chíu chíu” vào để thể hiện sự tạo tác riêng biệt của loài người, họ đi xa tới nước này, chống khoa học cuồng nhiệt nhường này, rốt cuộc cũng chỉ muốn giành lại vị trí “độc nhất vô nhị” cho con người thôi. Chẳng phải họ cũng dùng internet, chạy xe hơi, xem truyền hình cáp và rộng lòng với mọi thành tựu khoa học công nghệ, miễn chúng đừng nói với họ là con người bình đẳng, có chung lịch sử và chịu những chi phối y của thiên nhiên như muôn loài “thấp kém” khác sao?

 

Nhưng nguyện vọng của một nhóm người nào đó, hay cả loài người đi nữa, cũng không phải là ưu tiên của khoa học. Khoa học đơn thuần là một phương pháp điều tra thế giới, nhấn mạnh sự khách quan và khả năng kiểm chứng (trực tiếp hay gián tiếp). Và một vườn cây không hề có một cái tên loài, không biết nó chia ở đâu (loài, chi, họ, bộ, lớp, ngành?) thì không thể kiếm chứng được. Để vượt qua trở ngại này, ta có thể lập ra một sơ đồ tạo tác tuần tự nhưng độc lập từ những tiên đề của STL ở (1) và (2).
Các nhà STL cũng có cố gắng…
creation-orchard-eww
Nhưng mà nó… quá… Giờ chỉ trích hai chỗ thôi: 1. Pterosaur (thằn lằn bay) chung một “loại” với chim (cây #6). Về giải phẫu, chim thật ra có họ hàng gần với khủng long ăn thịt đi hai chân (theropod, cây #7) hơn nhiều lần; 2. Cây #2, trùng roi và sao biển. Giữa chúng là hơn cả một dãy Himalaya về khác biệt. Bạn có biết, về ADN cũng như cấu trúc cơ thể, sao biển gần với chúng ta hơn với đám tôm, cua, bạch tuộc, côn trùng gì gì không? Ở giai đoạn phôi thai, miệng phôi của đám chân đốt (chân khớp), thân mềm sẽ thành miệng, còn ở động vật da gai như sao biển và động vật có dây sống như con người sẽ thành hậu môn. Tôi có thể dõng dạc mà nói, nếu trùng roi và sao biển mà là chung một loại (tức là có thể tiến hóa nội bộ), thì con người là tinh tinh là một loài!
Bạn có biết? Giống như người, miệng phôi của những sinh vật Da gai như sao biển sẽ hình thành hậu môn (miệng thứ sinh), thay vì thành miệng như đám chân khớp (tôm, cua, côn trùng), và thân mềm (bạch tuộc).
Thôi ta đành tự lập. Để mô hình giản dị hết sức có thể, tôi sẽ chỉ liệt kê số loại tối thiểu (không thể tiến hóa từ loại nào khác), lấy khoảng cách ta biết là “bất khả” đã được cố định để làm chuẩn: khoảng cách vượn-người. Ví dụ, có năm “thứ” chúng ta đều gọi là “thực vật” mà sự khác biệt của chúng làm khoảng cách của chúng ta với tinh tinh nhìn như sợi tóc: tảo, rêu, dương xỉ, cây hạt trần, cây hạt kín – năm ngành của giới Plantae. Nếu tiến hóa không thể biến một con vượn 1 mét thành một con vượn 1.8 mét, không có cơ quan gì mới, chỉ nâng cấp tư duy và vặn vẹo tư thế, thì nó không thể tạo ra rễ, mạch, lá, gỗ, và nhất là hoa. Ít nhất phải có năm “loại” thực vật.

 

Theo cách thức như vậy, dựa vào cơ quan mới hay cấu trúc cơ thể mới – những thứ người chống tiến hóa cho rằng tiến hóa không thể tạo ra – tôi đã vẽ được sơ đồ tối giản sau.
Ghi chú và phương pháp vẽ của tôi:
Bạn đọc giỏi sinh hẳn đã thấy, nếu tôi thật sự dùng vượn-người làm thước, thì khu vườn phải sum suê gấp trăm ngàn lần. Khi vẽ, tôi đã rất phóng túng và lỏng lẻo. Vườn cây này rất lộn xộn về phân loại: tối thiểu bên thực vật là năm ngành, nhưng bên động vật chỉ nội ngành thân mềm tôi phải chia làm ba lớp, ngành chân khớp phải xé ra 4 mảnh; lại có những nhóm chỉ là chi thôi nghiễm nhiên cũng khó để tiến hóa thành “con” khác, như heo, vì nó cũng là gia súc nên phải được tạo ra; còn đám gia súc khác cũng làm tôi băn khoăn vì đúng ra đó phải là họ Trâu bò (Bovidae) nhưng không được tính đám thú hoang như linh dương và bò rừng bison; và dĩ nhiên, có một loài đơn lẻ lại phải bị xé ra khỏi họ của nó, đang đứng một mình chỗ ngôi sao :). Tôi cũng đã vờ như:
_Không có cả một dãy Trường Sơn giữa cá sụn và cá xương, hay giữa cá mút đá (lamprey) vốn còn không có cả một cái hàm và hai nhóm kia, kềm lòng mà coi “một con cá là một con cá là một con cá”;
_Tương tự, “một con côn trùng là một con côn trùng là một con côn trùng”, dù nó có là bọ que hay kiến hay bọ ngựa, vốn cách nhau một đỉnh Fansipan về lối sống. Nhưng các loài côn trùng bay thì được tạo ra trước? Để dấu hỏi, không khẳng định.
_Tôm ba lá (trilobite) có thể đại diện cho toàn bộ những sinh vật biển có vỏ cứng cổ xưa;
_Bò sát biển khổng lồ như ngư long Ichthyosaur có thể ở cùng một thời như cá voi cá heo và chúng đều ăn sinh vật phù du, dù chỉ có cá voi có bộ lọc để làm điều đó;
_Ba nhóm gấu, chó, mèo có thể tiến hóa ra toàn bộ thú ăn thịt. Một ví dụ là linh cẩu nằm trong nhóm mèo;
_Một từ “lưỡng cư” có thể cho phép sự tiến hóa giữa kỳ giông và cóc

 

Và tôi đã lược bỏ RẤT NHIỀU nhóm sinh vật, chỉ để lại những đại diện quen thuộc nhất.
v.v & v.v

 

Tôi nghĩ những người chống tiến hóa sẽ đồng ý với tôi rằng mô hình này đã khá là đạt yêu cầu thể hiện những loài tiêu biểu đã được tạo ra và không thể tiến hóa thành nhau. Ví dụ, không thể gom chung một loại giữa ốc và sò, vì sự tiến hóa trong nội bộ loại là khả thi, mà theo họ tiến hóa không thể tạo ra một loài có não từ không não, bất động thành di động.

 

Chúng ta cũng sẽ bỏ qua những câu hỏi về tính khả thi như “Trước khi có Mặt trời thì cây cối quang hợp bằng gì?”, “Vi khuẩn và cổ khuẩn được tạo ra lúc nào?” hay “Trước khi có côn trùng (ngày thứ 5 hoặc thứ 6) thì lấy ai thụ phấn?”… Chúng ta sẽ giả sử hai mô hình này logic như nhau và đem so nó trực tiếp với dữ kiện trong phần 2.

KHU VƯỜN VS CÂY 3.8 TỶ TUỔI VS THỰC TẾ

Các học thuyết khoa học sống hay chết dựa trên khả năng dự đoán, giải thích và độ phù hợp với dữ kiện của chúng. Sau khi đã có hai mô hình, chúng ta cùng đối chiếu chúng với một vài thực tế.

+Khả năng dự đoán:

Theo thuyết tiến hóa, tất cả các sinh vật sẽ cùng có chung một lịch sử ở gốc cây, tách nhánh càng gần thì càng có nhiều lịch sử chung. Tức là, xét bất cứ nhiễm sắc thể nào, những bà con gần sẽ có chung nhiều đột biến với nhau hơn bà con xa.


Theo Khu vườn Sáng tạo luận, chỉ các loài cùng một “loại”, ví dụ chó và sói, mới có chung một lịch sử ở gốc cây của loại, nhưng sẽ không có chung với các loại khác, vì chúng được tạo tác hoàn toàn độc lập. Người tạo ra chúng dĩ nhiên có thể dùng cùng một mẫu ADN để cho các chức năng cơ bản nhất, nhưng như thế, ta trông đợi rằng một khi các sinh vật đã được hoàn thiện thì chúng không còn liên hệ gì với nhau nữa, nhất là những sinh vật xuất hiện trước. Tức là, các điểm đột biến sẽ hoàn toàn lộn xộn, trải đều trên ADN, không có giá trị dự báo.


Thực tế:
Đột biến không đi theo Khu Vườn. Vì lí do gì đó, đồng hồ phân tử cho chúng ta biết rằng sinh vật biển của ngày thứ 5 như cá voi lại có chung nhiều lịch sử với nhóm thú guốc chẵn; chim có chung nhiều lịch sử với cá sấu, rùa; tảo lại phân hóa sớm hơn cây trên cạn… Những điều này hoàn toàn phù hợp với mô hình tiến hóa cá voi xuất hiện sau thú trên cạn, chim tiến hóa từ bò sát, và thực vật từ biển lên đất liền.



+Độ phù hợp dữ kiện

Lấy ví dụ bối cảnh: Theo mô hình thuyết tiến hóa, vi khuẩn và đám cổ khuẩn, thực vật, nấm, động vật đã sống và tiến hóa cùng nhau từ khi chúng xuất hiện ở các thời điểm khác nhau. Chúng ta trông đợi rằng di tích hóa thạch sẽ cho thấy một xu hướng chung của các sinh vật phức tạp dần qua thời gian, và nó phản ánh sự song hành trên: “rau nào sâu nấy”, chúng ta sẽ không tìm thấy con người (<500,000 năm tuổi tiến hóa), chim có nanh vuốt (cỡ 150 – 90 triệu tuổi tiến hóa) và quyết cổ đại (360 triệu tuổi tiến hóa) trong cùng một chỗ;
phylo_real_animated2
Hay suy luận ngay từ cây tiến hóa, với đặc trưng phả hệ lồng vào nhau – tức là nhóm trong nhóm: tất cả cá voi đều thuộc nhóm thú có vú, cả nhóm thú có vú đều thuộc nhóm động vật bốn chi (tetrapod), cả nhóm động vật bốn chi đều thuộc nhóm có xương sống (vertebrate). Vậy thuyết tiến hóa dự đoán rất cụ thể rằng không thể có một động vật bốn chi xuất hiện trước thời điểm động vật có xương sống xuất hiện.
Trong khi đó, với mô hình Sáng tạo luận, với thực vật “cao cấp” có trước hết thảy và bò sát cổ đại sống cùng thú có nhau thai, ta có thể hy vọng tìm thấy một khủng long trong bụng có con kangaroo nằm chết trên thảm hoa hay bất cứ tổ hợp nào có thể đứng chung.
Thực tế: thành phần sinh vật của mỗi đại địa chất đều rất đặc thù, động vật cổ theo tiến hóa luôn xuất hiện cùng thực vật cổ theo tiến hóa.
Vì lí do đó, đã có người đùa cợt rằng bằng chứng làm sụp đổ cả thuyết tiến hóa sẽ là một con thỏ ở thời Cambri ^^.
Kết quả hình ảnh cho bunny in cambrian
Cùng chống mắt lên đợi một thứ như thế này

+Sức mạnh giải thích

Để giải thích cho việc sinh giới có rất nhiều điểm tương đồng, người Sáng tạo luận nói rằng:

“Chúng ta cùng thở một thứ không khí, chúng ta có cơ và xương, chúng ta cùng tiêu hóa những thứ giống nhau. Nếu chúng ta được tạo dựng bởi cùng một Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chờ đợi nhiều thứ giống nhau…..”

Hợp lý hén? Các nhà thiết kế người phàm, nhất là các họa sĩ đồ họa, xài lại mẫu và các chi tiết có sẵn hoài. Tại sao phải làm mới hoàn toàn trong khi chúng ta có thể copy+paste rồi chỉnh sửa? Nếu sinh vật có chung nhiều phần ADN, thì đó là do ĐST đã tái chế và sửa chữa các module có sẵn để đạt hiệu suất cao nhất. Mọi tế bào đều có những thành tố cơ bản như vật chất di truyền, tế bào chất, màng sinh chất v.v; muôn loài đều cần các chức năng thiết yếu như nạp dinh dưỡng, sinh sản, phát triển, bài tiết, và phản ứng với môi trường; thế nên sự sống có chung một lượng lớn ADN có gì lạ đâu! Khoan, tôi sẽ cho các bạn thấy một trong số những điểm “lạ”. Và còn cách nào tốt hơn phương pháp yêu thích của tôi: Minigame!

MINIGAME: Tất cả đám thú này đã bị lạc mất gia đình, hãy nhóm chúng lại với bà con gần nhất về ADN.

Câu trả lời
.
.
.
.
.
.
.
.
Banana!
Thằng lạc bầy nhất là lợn vòi tapir, vốn có bà con gần hơn với tê giác và ngựa hơn bất cứ thằng nào, dù tên là lợn và có cái vòi linh hoạt giống voi.
Hai thằng bà con bất ngờ thứ nhất là rái cá (otter, thuộc họ chồn Mustelidae như chồn vàng, chồn sương, chồn mactet) và con moóc (walrus, thuộc nhánh động vật chân màng Pinnipedia như sư tử biển, hải tượng). ADN cho chúng ta biết hai động vật ăn thịt này là bà con gần. Là sinh vật lệ thuộc nước, mooc & rái cá phải được tạo ra vào ngày thứ 5, và trước mọi sinh vật trên cạn. Chúng ta phải chấp nhận rằng ĐST đã lấy ADN của mooc + đồng bọn Pinnipeds và rái cá, chỉnh sửa một ít để tạo ra nhánh dẫn tới họ chồn, sửa một ít nữa để dẫn đến họ gấu (Ursidae) SAO CHO khoảng cách di truyền của họ Gấu với nhóm Pinnipeds và họ Chồn là bằng nhau. Có thể vì rái cá và mooc cùng sống gần nước, nên ĐST cho rái cá dùng chung nhiều ADN với mooc hơn chăng? Nhưng vậy thì không hợp lý, bởi ADN của gấu trúc đỏ (họ Ailuridae) còn có nhiều ADN giống với mooc hơn rái cá, mà nó thì hoàn toàn trên cạn và thậm chí còn ăn chay (lá tre).
Mọi thứ còn rối hơn nữa khi ta xét rằng nguyên đám này nằm trong phân bộ Dạng chó (Caniformia, như sói, cáo, gấu trúc Mỹ v.v), đối lập với phân bộ Dạng mèo (Feliformia, mọi loại mèo to nhỏ, họ Cầy, linh cẩu v.v). Vậy, ADN giống phần nào là do cùng một “loại”, phần nào là chỉnh sửa?


Nhưng vụ đó không bất ngờ bằng phả hệ của voi và anh em.
Các bạn có thể coi lại:
Đối chiếu ADN không những cho biết voi có bà con gần với một loài nhìn giống con chuột (ngân thử, hyrax), mà nó còn có thể gần hơn nữa với những bóng chất béo não phẳng (tôi không đùa đâu!), phì nộn, ăn chay, dân gian Việt Nam gọi là ông (cá) nược (bò biển, manatee).
(a) NST của hyrax P. capensis (PCA), (b) NST của voi châu Phi, L. africana (c) NST của bò biển Florida manatee T. m. latirostris. Mỗi bộ đều được so sánh số vùng tương đồng với hai bộ còn lại, qua con số bên trái hay phải.


Một nhà sản xuất có thể dùng lại mẫu thiết kế lắm chứ, ta và tinh tinh đều cần bàn tay 5 ngón, bộ não to, đời sống xã hội phức tạp và đôi mắt xuất sắc, mô hình Sáng tạo luận có thể phù hợp với việc chúng ta giống chúng từ 95 – 99% lắm chứ. Nhưng điều một nhà sản xuất giỏi giang sẽ không làm là ráng đẽo một cái khuôn có tạo hình và công năng vô cùng riêng biệt để tạo ra một chức năng hoàn toàn khác, mà còn lặp đi lặp lại. Lí do gì để ĐST phải lấy ADN từ bò biển (sinh vật dưới nước, ngày thứ 5), để chỉnh sửa tạo thành các sinh vật trên cạn là voi và hyrax (ngày thứ 6) như vậy? Có cơ sở gì từ Sáng tạo luận để dự báo khoảng cách ADN mang tính gia phả – nghĩa là bò biển gần gũi nhất với voi và ngược lại, và cả hai có khoảng cách đồng đều với hyrax – này? Nhưng đó là khoảng cách ta buộc phải tìm thấy theo mô hình thuyết tiến hóa. Bạn cũng có thể thấy chữ Pachyderms đánh dấu hà mã, tê giác và voi; tên gọi này bắt nguồn từ tên một phân loại đã không còn được thừa nhận của nhà sinh học Cuvier, bộ Da dày. Chúng đều đã độc lập có được bộ da dày và thưa lông ấy thông qua những biến đổi trên bộ gen đã được thừa hưởng chung với các bà con gần theo ADN, thay vì được nhận cùng một module da dày.


Không chỉ là 3 thằng này, đại gia đình Afrotheria còn nhiều phần tử nhìn khác nhau tới xoắn não hơn nữa, trong đó có: một con chuột chù không phải chuột chù, một con chuột chũi không phải chuột chũi, một con nhím không phải nhím, một con thú ăn kiến không phải thú ăn kiến… v.v và còn nữa. Câu hỏi đặt ra là tại sao ĐST phải lấy 1 nhúm ADN vất vả sửa lại để ra từng thằng, trong khi Ngài đã có sẵn các khuôn mẫu của bọn nhím, chù, chuỗi thật.  ADN vẽ ra một cái cây gia phả cho Afrotheria, và cái cây đó không thể vừa với mô hình Sáng tạo luận.


Nếu tư tưởng ĐST tạo tác các sinh vật độc lập nhưng tái chế ADN là đúng, thì chúng ta sẽ không thấy được một cây gia phả nhìn chung là gọn gàng như bây giờ, mà sẽ như một công trình lego của một đứa trẻ có rất nhiều bộ lego: một miếng từ đây, một tiếng từ kia. Nhưng tuyệt đa số ADN của động, thực vật “bậc cao” đều là di truyền theo chiều dọc, và có những biến đổi độc lập để đi đến một kết quả chung.
Đây chính là tình hình được dự báo bởi thuyết tiến hóa: phân li từ một tổ tiên chung, đồng quy nhờ một môi trường chung. Tê giác cũng cần lớp da dày như voi đấy, nhưng không thể “mượn” được, mà chọn lọc tự nhiên phải hoạt động trên những đột biến có thể xuất hiện trong quần thể của nhóm tổ tiên nó để tích lũy lại từ đầu, và đó là tiến hóa đồng quy.
***


Chỉ vài ví dụ nhỏ để các bạn thấy tại sao Sáng tạo luận không được coi là một đối thủ xứng tầm với thuyết tiến hóa. Họ tưởng rằng mình có một câu trả lời chắc chắn hơn của khoa học, khi họ không phải dùng những từ như “giả thuyết”, “học thuyết”, “loài A có thể đã…”, “khoảng 300 triệu năm trước”, nhưng thật ra mô hình của họ không giải thích được gì cả; sự chắc chắn của họ hoàn toàn là vay mượn từ niềm tin, và “khoa học” của họ không gì khác là một sự phó mặc ủy thác cho một thế lực siêu nhiên, và vì khoa học không thể đi đường tắt như vậy, khoa học không có chỗ cho Sáng tạo luận. Xin dẫn lại lời của các nhà tiến hóa hữu thần mà tôi đã dịch ở bài EvoThink về Cá Voi, nhận định của Biologos, một trang của những người theo đạo Ki-tô ủng hộ thuyết tiến hóa:


“Như đã thấy, sức mạnh của thuyết tiến hóa trên cương vị là một học thuyết khoa học không chỉ dựa vào một mảnh bằng chứng đơn lẻ nào mà là nhiều bằng chứng từ nhiều ngành khác nhau gắn kết chặt chẽ, củng cố lẫn nhau. Một điều làm tôi thấy bức xúc ở những tài liệu chống tiến hóa của các Ki-tô hữu là họ né tránh cả khối bằng chứng lớn ủng hộ tiến hóa mà tập trung vào những chi tiết cụ thể, đơn lẻ hòng đánh đổ từng cái. Làm thế là dung dưỡng nhận định sai lầm rằng tiến hóa, với cương vị một học thuyết khoa học, sống hay chết là phụ thuộc vào từng chi tiết thí nghiệm nhỏ.
Thực ra,  thuyết tiến hóa được ủng hộ bởi hàng loạt dữ kiện từ rất nhiều ngành khác nhau, và bất kỳ nỗ lực chống tiến hóa nào cũng sẽ thất bại trừ khi có thể giải thích được nguyên loạt bằng chứng bao la ấy. Vì lẽ đó, những lập luận chống tiến hóa của các Ki-tô hữu không phải là một thách thức khoa học đáng gờm với thuyết tiến hóa. Thực ra, chúng chỉ đánh vào một hình nộm của tiến hóa, không thể hiện đúng thực lực của học thuyết.
Nếu các nhóm Ki-tô hữu muốn hất cẳng thuyết tiến hóa bằng một cái gì khác mà họ cho là phù hợp hơn với những niềm tin của họ, thách thức ở đây là “cái gì khác” phải hữu dụng với các nhà khoa học hơn thuyết tiến hóa. Tính đến thời điểm này, tất cả những mô hình của họ ứng dụng vào khoa học đều kém cỏi hơn.  Lí do mà những lập luận chống tiến hóa của Ki-tô hữu vắng bóng trong tài liệu khoa học chính thống không phải vì các nhà khoa học có định kiến, trù dập họ, mà là vì chúng không phải là những công cụ hữu ích để đưa ra những dự đoán đúng đắn về thế giới tự nhiên.
Các nhà khoa học, nhìn chung, là những người rất thực tế: họ chỉ dùng những thứ cho được kết quả.  Thuyết tiến hóa đã và đang hoàn thành nhiệm vụ cực kì tốt trong suốt 150 năm qua – một điều mà nhiều người chống tiến hóa tin rằng Trái Đất


tranh cai.png
Tôi chỉ cho ai không muốn tiến hóa đúng chỗ để tấn công này, đừng cố gắng nói sinh giới không có cùng một tổ tiên nữa, giờ hãy tập trung bảo rằng một mình đột biến-chọn lọc tự nhiên không đủ để giải thích tính đa dạng của sinh giới, bạn sẽ có nhiều đồng minh hơn. Nhưng nên nhớ, chọn lọc tự nhiên có rớt đài, cũng không thể làm những điều trên biến mất. Chúng sẽ trở thành một câu trả lời thật thà: sinh vật đã thay đổi từ cùng một nguồn gốc, nhưng chúng ta chưa có cách giải thích nào thích đáng.

N

Sinh giới không chỉ giống nhau như kiểu những bức tranh cùng một họa sĩ, mà theo một kiểu phả hệ lồng vào nhau, y như tiến hóa dự đoán.
***
Phần sau đã được dời sang một bài riêng để giảm sự suy sụp do phải đọc nhiều cho bạn.

11 Comments

  1. Sáng tạo luận chỉ cần giải thích ngắn gọn có thể coi là khoa học mặc dù nó cũng chỉ là lý thuyết như tiến hóa
    https://www.mysanantonio.com/opinion/commentary/article/Creationism-is-in-fact-science-13092544.php

    Nói rằng thuyết tiến hóa cũng đáng tin như trọng lực là một ngộ nhận
    https://www.icr.org/article/evolution-same-kind-thing-believing-gravity

    Nghiên cứu về thoái hóa gen di truyền (genetic entropy) đã chứng minh thực tế nghiêng về mô hình sáng tạo trái đất trẻ hơn là tiến hóa
    https://www.icr.org/article/genetic-entropy-points-young-creation

    Vi khuẩn bơi thách thức thuyết tiến hóa
    https://www.christianheadlines.com/blog/swimming-bacteria-defy-darwin-s-theory.html
    Khoa học cho thấy dấu vết trong tế bào chứng minh sự sáng tạo
    https://www.christianpost.com/voice/fingerprints-in-the-cell-how-science-is-killing-darwinism.html
    Vẻ đẹp trong tự nhiên chỉ ra sự sáng tạo. Chính một bài báo của Newyork times mới đây có đặt tựa đề là “cái đẹp của tự nhiên khiến các nhà khoa học phải suy nghĩ lại về tiến hóa ra sao”
    https://www.christianpost.com/voice/beauty-defies-darwinism-some-evolutionists-admit.html

    Thời gian cũng hoàn toàn không đủ cho tiến hóa xảy ra. Đây là ý kiến của một nhà cổ sinh vật học có chuyên môn
    https://world.wng.org/2019/02/if_rocks_could_talk

    Thích

    1. TTH có đáng tin không, học thuyết khác với định luật thế nào tôi đã bàn ở đây
      https://sinhtienhoa.com/2016/07/10/khoa-hoc-va-noi-oan-cua-khoa-hoc-lich-su-phan-1-khoa-hoc-va-nhung-ngo-nhan/
      https://sinhtienhoa.com/2016/07/10/khoa-hoc-va-noi-oan-cua-khoa-hoc-lich-su-phan-1-khoa-hoc-va-nhung-ngo-nhan/
      Không hề. Thoái hóa gen không phải là một hiện tượng chính thống trong ngành di truyền, mà chỉ là một thứ do Tiến sĩ John Sanford đặt ra. Theo tôi hiểu, luận điểm của ông ta là với tốc độ đột biến cao thế này, thì nếu thời gian tiến hóa dài như KH nói, bộ gen phải nát bét rồi. Do đó, Trái Đất trẻ. Nhưng cơ chế tác động của đột biến và sự điều tiết chúng tinh vi hơn nhiều.
      https://sinhtienhoa.com/2017/05/14/khung-hoang-dau/
      Hơn thế nữa, Trái Đất già có nhiều bằng chứng khác không liên quan gì đến tiến hóa.
      https://sinhtienhoa.com/2017/03/11/mot-the-gioi-chi-trong-co-ve-tre/
      Không hề. Bài báo chỉ bám vào cách dùng từ của các nhà nghiên cứu để nói như kiểu cách giải thích của họ nghe có vẻ giống tạo hóa hơn tiến hóa. Hình như những người trên tờ ChristianHeadlines viết cả nguyên một bài bình mà còn đọc nghiên cứu này sơ sài hơn cả tôi nên mới dám nói như thể đây là một ví dụ về một cơ quan không thể tiến hóa qua từng bước.
      Trong khi đó, dành chưa tới 5′ đọc bài báo gốc, https://www.nature.com/articles/s41598-017-18115-1, có thể thấy NHỜ NGHIÊN CỨU, các tác giả đã có thể đề xuất được cơ chế và trình tự tiến hóa
      “Bằng việc so sánh các cấu trúc mô-tơ và khả năng bơi của các loài khác nhau, rõ ràng là sự tiến hóa của bộ máy này phức tạp hơn đề xuất ban đầu của chúng tôi. Tuy nhiên (EvoLit nhấn mạnh), các quan sát của chúng tôi đã thu hẹp đủ điều kiện để đưa ra một mô hình tiến hóa cho nó, và đề xuất các nguyên lý tiến hóa chung. Mỗi cấu trúc mô-tơ đều lấp đầy một “mắt xích thiếu” trong sự đa dạng của mô-tơ, mỗi loại đều thể hiện ưu thế so với các họ hàng đơn giản hơn, nhờ đó giải thích được sự lưu giữ (các đặc tính) liên tục” (“By comparing motor structures ….explaining continued retention”)
      Hãy nói bằng chứng, không nói ý kiến. Ý kiến ông trong bài dựa trên nghiên cứu Behe cho rằng tốc độ đột biến không đủ nhanh để tạo ra sự đa dạng hiện tại trong thời gian địa chất đã biết. Tức, không phải tg địa chất ngắn hơn so với tuyên bố KH, mà đột biến quá chậm. Tuy nhiên, các nghiên cứu và tổng hợp nghiên cứu khác lại không coi đây là vấn đề https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2910838/, https://cshperspectives.cshlp.org/content/7/9/a018077.full
      Không, đây vẫn chỉ là ý kiến của mấy ông Christian Post. “Ôi thế giới phức tạp quá => phải có nhà thiết kế” không phải bằng chứng.
      Nếu bạn đọc bài báo của New York Times, thay vì đọc thông qua lưới lọc lệch lạc của Christian Post, bạn sẽ thấy các nhà KH trong bài không hề nói vẻ đẹp tự nhiên chỉ ra sự sáng tạo. Đơn giản là với tất cả tình yêu bất tận với cái đẹp, họ tranh cãi xem vẻ đẹp đến từ chọn lọc tự nhiên (đẹp = thích nghi) hay chọn lọc sinh sản (đẹp = gái mê trai theo), hay muôn loài đơn giản có mỹ cảm mạnh mẽ. Không có ai trong bài “suy nghĩ lại” liệu TH có xảy ra hay không, hay “suy nghĩ lại” liệu mọi sinh vật có chung tổ tiên hay không, thậm chí là “suy nghĩ lại” liệu có đấng sáng tạo hay không.
      Không, trong bài chẳng đưa ra một điểm nào STL đáp ứng được định nghĩa và các yêu cầu KH. Nó cũng không đưa bất kỳ bằng chứng cho STL, chỉ khẳng định suông là tiến hóa sai, không hề có một dẫn chứng.
      “Chủ nghĩa sáng tạo là khoa học. Những người vô thần thừa nhận thực tế rằng tại sao vũ trụ ra đời là một câu hỏi siêu hình. Do đó, liệu vũ trụ xuất hiện thông qua các phương tiện tự nhiên hay siêu nhiên là một câu hỏi mở. Do đó, vì nguồn gốc của vũ trụ không được quan sát bằng mắt người, nên rất có thể Chúa đã tạo ra nó. Và, trong một thế giới được tạo ra siêu nhiên như vậy, có thể theo đuổi khoa học nguồn gốc. Chủ nghĩa sáng tạo không tuyên bố đã hiểu của quá trình sáng tạo siêu phàm. Thay vào đó, khoa học sáng tạo nghiên cứu công trình của các hành vi sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã sáng thế, do đó, chúng ta hãy cùng xem xét thế giới được sáng tạo”
      (“Creationism is scientific…. let us examine the created world.”)
      Tôi không cần phải phân tích lập luận này yếu cỡ nào, đúng không?

      Tôi để ý bạn không phản biện các điểm trong bài mà chỉ dẫn một loạt link. Tôi đã trả lời hết, và tôi không có thời gian đào sâu từng điểm như thế này nữa. Bạn có thể chọn 1 trong 7 các chủ đề và chúng ta có thể bàn từ đầu đến đũa cho rõ ràng. Tôi sẽ không trả lời thêm nếu bạn chỉ tiếp tục thả link mà không bàn luận. Chào bạn!

      Thích

  2. Nghiên cứu ty thể của Stoeckle và Thaler chỉ ra thấy 90% các loài động vật xuất hiện gần như cùng một lúc với con người vào một thời điểm không xa chúng ta lắm ─ khoảng từ 100.000 đến 200.000 năm trước đây
    https://www.wnd.com/2018/07/media-silent-on-genetic-study-defying-evolution/
    Và cũng chứng minh người hiện đại xuất hiện từ 2 cặp đôi loài người đầu tiên
    https://www.mirror.co.uk/news/world-news/adam-eve-exist-scientists-discover-13641589
    Thực tế nữa về khoa học có chứng nghiệm thuyết Darwin
    https://world.wng.org/2018/11/science_vs_darwinism

    Xem thêm về khái niệm genetic entropy
    https://www.geneticentropy.org/whats-genetic-entropy
    https://sites.google.com/site/dnageneticsresearch/dna-and-mutations/what-is-mutation-meltdown

    Thích

    1. Phương pháp của Stoeckle và Thaler có thể hiểu đơn giản là họ tìm niên đại của tổ tiên cuối cùng của cả loài còn sống. Ví dụ trên thế giới có 600 triệu con A đi, thì tổ tiên cuối cùng của cả 600 triệu con đó sống vào khoảng thời gian nào? Giả sử tính ra KQ là 5000 năm trước đi, thì không có nghĩa là có nghĩa là loài đó 5000 năm trước mới xuất hiện, mà một bà tổ duy nhất đã đẻ ra cụ kị của 600 triệu con A đó sống vào thời gian đó. Trước đó đã có loài A chưa? Có lâu rồi chứ, nhưng chúng không để lại bất cứ con cháu nào còn sống cả. Hãy tưởng tượng loài A giống như một cái cây nhiều nhánh, có thể do thiên tai hay hên xui mà vào 5000 năm trước bị tỉa hết còn mỗi nhánh nhà bà tổ trơ trọi thôi.
      Ví dụ, tuổi nhỏ nhất của báo săn Cheetah là 12000 năm, nhưng hóa thạch của loài này có cách đây cả trăm ngàn năm.

      Vậy, nghiên cứu của cho thấy 90% sinh vật đã phải trải qua một nút thắt cổ chai trong vòng 200.000 năm qua, không phải là chúng chính xác xuất hiện cách đây thời điểm đó.

      Xem bài phân tích nghiên cứu gốc ở đây.
      https://biologos.org/articles/did-90-of-animal-species-appear-about-the-same-time-as-human-beings/

      Nếu bạn có thật sự đọc bài trên Mirror thì nó cũng có nói “The study has been misunderstood by some religious parties who thought it meant that we all came into being in some seminal Big Bang-type event 100,000 ago, but this isn’t what the findings actually suggest.
      What Stoeckle and Thaler’s findings point to is that our species has to revamp far more often than we thought, and we do so in unison with all animals.” (tóm lại, nhiều người lầm tưởng đã có một cuộc bùng nổ, nhưng thực ra nghiên cứu này cho thấy các loài – kể cả con người – phải hồi phục dân số thường xuyên hơn ta tưởng)

      Nếu nghiên cứu này là đúng cũng không có gì đáng ngại với TTH. Với các kỷ băng hà gần đây, việc đa số các loài bị thắt cổ chai là không có gì đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, nghiên cứu này đc thực hiện trên gen duy nhất ở ti thể, vốn rất nhỏ và chỉ di truyền qua dòng mẹ nên ko phải lúc nào cũng phản ánh thông tin chính xác (VD: ADN ti thể Neanderthal không cho thấy dấu vết gì của việc sinh sản với con người, trong khi ADN nhân thì có)
      https://www.forbes.com/sites/michaelmarshalleurope/2018/11/26/no-humans-are-probably-not-all-descended-from-a-single-couple-who-lived-200000-years-ago/

      Bài “Thực tế…” chỉ là ý kiến riêng một cá nhân, không có dẫn chứng.

      Genetic entropy cũng không có dẫn chứng.

      Thích

Bình luận về bài viết này